Skip directly to content

CHỨNG QUẢ A LA HÁN

 

LỜI PHẬT DẠY

“Này Bà La Môn, rồi Ta suy nghĩ: “Những Sa môn hay Bà La Môn nào, có tâm sân hận ác ý, sống trong các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, có tâm sân hận ác ý, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có tâm sân hận ác ý, sống tại các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta có từ tâm. Ta là một trong những bậc Thánh có từ tâm, sống tại các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Này các Bà La Môn, Ta tự quán sát Ta có tâm từ như vậy, Ta cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống rừng núi”.

 

 

CHÚ GIẢI:

Đoạn kinh trên đây xác chứng khi tâm chúng ta còn“tham, sân, si (hôn trầm thùy miên), mạn, dao động, tâm không an tịnh, nghi hoặc, do dự, khen mình, chê người, run rẩy, sợ hãi, ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, biếng nhác, kém tinh tấn, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm bị tán loạn, liệt tuệ, đần độn, v.v.. thì sẽ sợ hãi, khiếp đảm, sống tại các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”.

Những người có một trong những tâm trạng trên đây, là không thể tu chứng quả A La Hán trong đời này. Đó là lời xác định của đức Phật. Vậy, trong đời này chúng ta có thể tu chứng quả A La Hán bằng cách cần phải tiêu diệt tâm trạng sợ hãi.

Vậy, bây giờ có một người hỏi bạn:“Trong một đời này tôi có thể tu chứng quả A La Hán được không?”

Bạn sẽ thành thật trả lời câu hỏi của chúng tôi:“Bạn có còn ham thích ăn, thích ngủ, thích hội họp, thích nói chuyện không?’’

Nếu bạn trả lời không thì bạn có thể tu chứng quả A La Hán, còn nếu bạn trả lời có thì bạn không thể chứng quả A La Hán được. Chừng nào bạn tu tập sống đúng những Phạm hạnh trên thì tự bạn cũng xác định được sự tu tập của mình, chứ cần gì bạn phải hỏi. Phải không các bạn?

Theo lời Phật dạy trên đây lấy tiêu chuẩn sợ hãi và khiếp đảm để xác định sự tu chứng quả A La Hán hay không chứng quả A La Hán cũng không khó khăn.

Một người còn sợ hãi và khiếp đảm là còn vướng mắc những tâm trạng như: thân, khẩu, ý không thanh tịnh, tâm chúng ta còn tham ăn, tham ngủ, không sống độc cư trọn vẹn, tham, sân, si (hôn trầm, thùy miên), mạn, dao động, tâm không an tịnh, nghi hoặc, do dự, khen mình, chê người, run rẩy, sợ hãi, ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, biếng nhác, kém tinh tấn, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm bị toán loạn, liệt tuệ, đần độn, v.v.. Đó là những điều khiến tâm sợ hãi và khiếp đảm. Tâm còn mang những trạng thái trên đây là không thể tu chứng quả A La Hán được. Cho nên, khi đặt câu hỏi: Trong một đời này mình có tu chứng quả A La Hán hay không? Thì nên tự hỏi lại mình. Mình có sống và làm chủ tâm mình, không còn bị các ác pháp trên đây chưa?