Skip directly to content

ĐỨC PHẬT DẠY TU TẬP BA PHÁP MÔN ĐOẠN TẬN LẬU HOẶC

 

LỜI PHẬT DẠY

“1- Hộ trì các căn

 2- Tiết độ ăn uống

 3- Chú tâm tỉnh giác”.

 

 

 

 

CHÚ GIẢI:

Muốn đoạn tận các lậu hoặc thì đức Phật đã dạy cho chúng ta có ba điều quan trọng cần thiết phải tu tập hằng ngày để đoạn trừ cho được lậu hoặc, đó là:

1-   Hộ trì các căn

2-   Tiết độ ăn uống

3-   Chú tâm tỉnh giác

vĐiều thứ nhất: Hộ trì các căntức là pháp môn độc cư mà trong bài tinh cần hộ trì chúng tôi đã giảng ở trên. Bởi vì hộ trì các căn là một sự tối cần thiết cho việc tu tập đoạn trừ lậu hoặc. Nếu quý vị không giữ gìn trọn vẹn hạnh độc cư thì chẳng bao giờ hết lậu hoặc. Hạnh độc cư quan trọng đến mức độ nào trong sự tu tập vô lậu mà đức Phật ví dụ: Người giữ gìn hạnh độc cư như con tê ngưu một sừng thì quý bạn nên lưu ý, nó quan trọng đến mức độ nào trong con đường tu tập giải thoát của các bạn.

Hộ trì các căn thuộc về pháp môn tinh cần hộ trì, nó là một trong bốn pháp tinh cần của Đạo Phật mà đức Phật đã khéo nhắc nhở chúng ta phải siêng năng hộ trì các căn. Một lần nữa, khi đức Phật dạy đến cách thức đoạn tận lậu hoặc thì pháp môn hộ trì các căn lại đứng hàng đầu, làm tướng tiên phong xung trận đoạn tận lậu hoặc. Như vậy, hộ trì các căn các bạn phải biết nó là một pháp môn có tầm cỡ rất quan trọng trong vấn đề tu tập theo Đạo Phật. Vì vậy, chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại với các bạn rất nhiều lần, nhưng các bạn không tin lời chúng tôi, do đó chúng tôi xác định rằng các bạn tu hành sẽ không đi đến đâu cả, chỉ loanh quanh trong các trạng thái tưởng của tưởng ấm.

vĐiều thứ hai: Tiết độ ăn uốnglà pháp đoạn tận lậu hoặc của Phật giáo.

Như các bạn đã biết trong giới bổn Thập Giới Sa Di, đức Phật cấm không cho thầy Sa Di ăn uống phi thời, ngày chỉ một bữa, đó cũng là phương cách sống tiết độ ăn uống để đạt được mục đích đoạn tận lậu hoặc. Vả lại, trong Mười Giới Thánh Đức Sa Di thì tiết độ ăn uống là một Thánh Đức Ly Dục mà người tu sĩ đệ tử của Phật muốn trở thành một vị Thánh Tăng, Thánh Ni thì không thể nào sống phi Thánh Đức này được. Nó là pháp môn ly dục, ly ác pháp tuyệt vời.

Vì thế, nó là một phương pháp đoạn tận lậu hoặc trong ba phương pháp mà đức Phật đã dạy cho chúng ta ở trên. Bởi vậy, chúng ta phải hiểu trong vấn đề ăn uống. Ăn uống không đúng cách (phi thời) rất ảnh hưởng đến sự tu tập ly dục ly ác pháp của Đạo Phật, nói một cách khác cho dễ hiểu, ăn uống phi thời không bao giờ nhậpđược chánh định (Tứ Thánh Định) chỉ nhập vào các loại định tưởng, tà định của tà đạo.

Cho nên, một người ăn uống phi thời thì không bao giờ đoạn tận lậu hoặc được. Đó là một điều hiển nhiên không ai chối cãi được. Phải không các bạn?

Chúng tôi nhờ không ăn uống phi thời, nên tâm mới ly dục ly ác pháp, nhờ đó chúng tôi mới hoàn tất được con đường tu tập của mình. Ngày nay, chúng tôi mới thở được một hơi thở nhẹ nhàng, khi đứng trước giặc sanh tử luân hồi.

vĐiều thứ ba:Chú tâm tỉnh giáclà pháp đoạn tận lậu hoặc của Phật giáo.

Các bạn có lưu ý điều này không? Từ khi bắt đầu theo tu học với Phật giáo, lúc tập đi kinh hành cũng như khi tập luyện 18 đề mục hơi thở, nói chung là các pháp của đức Phật, lúc nào đức Phật dạy chúng ta tu tập, cũng đều dạy chú tâm vào thân hành để đạt được sức tỉnh giác. Không ngờ sự chú tâm tỉnh giác ấy lại là một pháp môn đoạn tận lậu hoặc rất tuyệt vời. Càng tu tập tỉnh thức thì càng xả tâm dễ dàng, càng tu tập tỉnh thức thì tâm càng định tỉnh trên thân hành và nhờ đó mà bảy Giác Chi xuất hiện. Bảy Giác Chi là bảy năng lực, chứ không phải là bảy Giác Chi suông, khi chúng xuất hiện giúp cho chúng ta nhập định dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có tốn công sức nhiều.

Tóm lại, bài dạy thứ nhất của đức Phật trên đây, chúng tôi trích dẫn và chú giải với mục đích làm sáng tỏ và cũng để chấn chỉnh lại Phật giáo, để mọi người biết rõ giáo lý của Đạo Phật và giáo lý của ngoại đạo đều không giống nhau. Giáo pháp của Phật có ba pháp môn vô lậu, đó là Giới, Định, Tuệ còn gọi là “Tam Vô Lậu Học” mà ngoại đạo thì không bao giờ có. Nếu ai sống và tu tập đúng pháp môn này thì nhận ra sự vô lậu ngay liền ở tâm mình.

TAM VÔ LẬU HỌC: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ,pháp môn mà đức Phật tu tập đã thành chánh quả. Do đó, Ngài muốn khuyến khích chúng ta ở đời sau nên dạy:“Với pháp này Ta đã chân chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ pháp ấy”. Để chúng ta có thêm một lòng tin sâu sắc, không bị tà giáo lừa đảo hay còn mang một ý nghĩa lừng chừng bán tin bán nghi Phật pháp. Đó là bài dạy thứ nhất trong tập kinh này.

Còn bài dạy thứ hai tóm lại, Ngài xác định cho chúng ta biết cái thế giới của chúng ta đang sống là cái thế giới chấp thủ của tâm điên đảo, của tưởng điên đảo, của tình điên đảo và của kiến điên đảo, để chúng ta biết như thật, đừng có đắm đuối, ham mê, ưa thích cái thế giới không thật đó. Vì tất cả mọi vật trong thế giới này là do duyên hợp mà thành, chứ không có thật. Vậy, chúng ta hãy đi tìm cái chân thật, cái chân thật chỉ cần tu tập đúng lời dạy của đức Phật, khi tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ thì nó đang ở trước mắt chúng ta, đó là cái vĩnh cửu muôn đời, cái đó hoàn toàn không do duyên hợp mà thành, mà phải do côngphu tu tập mới có. Thật sự nó không phải có sẵn. Xin các bạn đừng hiểu lầm cái “Phật tánh”có sẵn như Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa dạy. Đó là cái Phật tánh tưởng.

Thân ngũ uẩn là do năm duyên hợp lại mà thành thân con người, nên trong đó không có một vật gì thường hằng vĩnh viễn. Khi thân ngũ uẩn tan rã thì năm duyên cũng tan rã không còn một duyên nào cả. Đức Phật dạy:“Nếu thân ngũ uẩn này còn có một vật gì thường hằng thì Đạo Ta không ra đời. Đó là bài dạy thứ hai.

Và bài dạy thứ ba tóm lại, có bốn tinh cần người tu hành cần phải siêng năng tu tập.

 Trước tiên, người tu theo Đạo Phật hằng ngày phải siêng năng chế ngự tâm mình (Tinh cần chế ngự). Xin các bạn nên hiểu chế ngự khác nghĩa với ức chế, nếu các bạn không hiểu nghĩa này là các bạn sẽ tu sai pháp, chế ngự thân tâm sẽ trở thành ức chế thân tâm. Do không hiểu nghĩa này nên các nhà sư của nhiều hệ phái đã biến Đại Thừa, các thiền sư Đông Độ và các sư Nam Tông theo pháp tu chế ngự tâm trở thành pháp tu ức chế tâm khiến sự tu hành chẳng đi đến đâu mà còn thành “bệnh tưởng”.

Pháp thứ hai là phải siêng năng bất cứ lúc nào gặp ác pháp là phải đoạn tận. Xin các bạn đừng hiểu lầm ác pháp là vọng niệm của mình.

- Ác pháp có hai phần:

1-   Ác pháp thuộc về thân

2-   Ác pháp thuộc về tâm

- Ác pháp thuộc về thân là thân bị bệnh đau nhức chỗ này chỗ khác.

- Ác pháp về tâm, khi có một tầm khởi lên, tầm ấy thuộc về tham, sân, si có nghĩalà tham ăn, tham ngủ và phiền não, giận hờn, buồn rầu, lo sợ, đó là hại tầm.

Khi có thân bệnh hoặc có những hại tầm như trên thì phải tinh cần siêng năng đoạn tận nó, không được để trong thân tâm chúng ta, phải bằng mọi cách đoạn tận nó, không được để từ giờ này sang giờ khác.

Pháp thứ ba là pháp phải siêng năng tinh cần tu tập 37 pháp môn trợ đạo. Tu tập phải kỹ lưỡng, phải từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, không lúc nào quên tu tập. Tu tập các pháp môn này chỉ có nương vào hành động nội và ngoại của thân chúng ta.

Pháp thứ ba là phải siêng năng tinh cần hộ trì các căn từng phút, từng giây không được biếng trễ. Đó là pháp độc cư, một bí quyết tu tập để thành tựu thiền định hay nói cách khác là nhập các định và thực hiện Tam Minh.

Trên đây là bốn điều cần phải siêng năng tu tập hằng ngày thì con đường sanh tử luân hồi của bạn sẽ chấm dứt.

Bài pháp cuối cùng trong tập sách này là đoạn tận lậu hoặc. Đoạn tận lậu hoặc như các bạn đã từng tu tập qua sự hướng dẫn của Thầy.

Đoạn tận lậu hoặc gồm có ba phần:

Phần thứ nhất, Hộ trì các căncác bạn đều biết pháp tu này, không ai mà còn xa lạ nó. Phải không các bạn?

Phần thứ hai, Tiết độ trong ăn uốngphần này các bạn cũng thông suốt. Chính vì ăn uống phi thời mà các bạn chẳng bao giờ đoạn tận lậu hoặc được. Có đúng vậy không thưa các bạn?

Phần thứ ba, Chú tâm tỉnh thứcphần này các bạn đã tu tập quá nhiều, nhuần nhuyễn không thể nào không biết. Phải không hỡi các bạn?

Tất cả những pháp đức Phật đã dạy trên đây, các bạn đều thông suốt, chỉ còn tu tập thì sự giải thoát sẽ đến với các bạn, không còn sợ lạc vào đường lối tu tập sai pháp của các Tổ và kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Tông nữa.