Skip directly to content

CHÁNH NIỆM TRONG VIỆC LÀM

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Chúng con cố gắng tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác trong mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc v.v... Nhưng lúc nói, lúc viết, lúc tư duy quan sát một việc gì thì tức khắc chánh niệm mất ngay. Vậy có phải nói, viết, tư duy lúc này tạm thời không có chánh niệm có đúng không? Điều này xin Cô dạy bảo thật rõ.

Đáp: Các chú nên chú ý những danh từ: “Chánh Niệm Tỉnh Giác”, Út xin giải nghĩa của những từ này - Về pháp hành: Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo là lớp thứ bảy. Chánh Niệm có nghĩa là niệm thiện, niệm thiện là niệm không khổ, là niệm không có tham ưu, không có phiền não.Câu hỏi trên các chú đã lầm chánh niệm là hành động suông là sai. Luôn luôn lúc nào hành thân, miệng, ý đều mang theo tính chất của nó có thiện hay ác, chứ không có hành động suông không được. Vì thế, tỉnh thức ở chỗ thiện, ác, chứ không phải tỉnh thức ở hành động suông, tỉnh thức ở hành động suông thì còn có nghĩa lý gì cho con đường tu tập giải thoát của đạo Phật.

Cho nên lúc nói, lúc viết, lúc tư duy quan sát mọi việc làm thì ta tỉnh thức lời nói thiện, viết điều thiện, tư duy quán xét việc làm thiện thì đó là ta đã chánh niệm tỉnh thức chứ không phải có chánh niệm tỉnh thức ở chỗ đang nói, đang viết, đang làm mọi việc như các chú nói. Vì có siêng năng tu tập trong khi nói, trong khi viết và trong mọi việc làm thì ta ngăn ác diệt ác trong khi nói, trong khi viết và trong khi mọi việc làm đều dễ dàng, do đó tâm hồn ta được giải thoát hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây....

Các chú nhớ kỹ tu tập lại cho đúng, tu tập lại cho khéo không sẽ lạc vào thiền tà của ngoại đạo thì rất uổng công vô ích.