Skip directly to content

MÙA AN CƯ 08-MỖI HÀNH ĐỘNG SỐNG THIỆN ĐỀU LÀ PHÁP TU

2005 MÙA AN CƯ 08-MỖI HÀNH ĐỘNG SỐNG THIỆN ĐỀU LÀ PHÁP TU

2005 MÙA AN CƯ 08

MỖI HÀNH ĐỘNG SỐNG THIỆN ĐỀU LÀ PHÁP TU

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 2005

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [34:16]

Tên cũ: Tham vấn Mùa An Cư 2005

1- ĐẨY LUI CHƯỚNG NGẠI PHÁP

(00:01) Trưởng lão: Nghĩ ngợi cái điều gì thì nó làm cho con trở về cái bình an của cái tâm của con thôi. Hiểu không?

Như vậy là con không có tu gì nhiều. Cứ một là thư giãn thanh thản đó. Hai là tu cái pháp đẩy lui bệnh thôi, lấy cái thân hành mà đẩy lui. Có như vậy thôi, thì con yên tâm mà con đẩy. Chừng nào hết bệnh rồi, thì Thầy sẽ dạy cho con tu cái pháp Tứ Niệm Xứ- thanh thản, an lạc, vô sự. Để cho con nhận ra được cái chơn lý của Phật. Mà con sống ở trong cái chơn lý đó để chết nó không còn tái sanh thôi. Nghĩa là khi mình tắt hơi thở, là mình không có tiếp tục mình sanh làm con người, làm loài động vật nữa, hết rồi. Có vậy đặng chấm dứt cho hết cái khổ của con. Đó. Rồi, con nhớ chưa? Về cứ tập bao nhiêu đó đi.

Tu sinh 1: Bạch Thầy! Con ngồi ở trên giường con tập đưa tay ra (…​)

Trưởng lão: Được rồi! Cứ hễ con cảm nhận như nó mỏi thì con thay đổi oai nghi liền. Rồi con sử dụng cái bước đi con bằng cách cũng đưa bệnh đi ra. Rồi bằng cách là con nằm, con cũng sử dụng cánh tay con đưa ra, đưa vô, con đuổi được. Hoặc là con không có thể được thì con dùng cái hơi thở, nó có cái động của hơi thở. Hễ khi mà hít vô thì con để cho tự nhiên nó hít vô. Mà thở ra thì con kèm theo cái tư tưởng là cái bệnh của con phải đi ra theo cái hơi thở. Thì như vậy là

Tu sinh 1: Nằm con cũng sử dụng (…​ )

Trưởng lão: Vậy hả con? Được. Thì con cứ cố gắng, con cứ tập đi, rồi những cái bệnh gì trong thân con, nó sẽ bắt đầu nó phục hồi lại hết, nó trở về bình thường. Tức là nó chuyển được cái nghiệp. Nhất là sau này mấy con giữ tám giới đó, Bát Quan Trai đó. Con giữ giới cho nghiêm túc đó thì nó, bởi vì nó mười bảy cái điều lợi ích của giới luật mà.

Con giữ giới, rồi con sử dụng cái pháp thì con sẽ đẩy, chuyển hết cái nghiệp của thân con. Con sẽ trở về một cái người không bệnh, bình thường, nó không tật nguyền gì nữa hết. Hoàn toàn nó sẽ an ổn trở lại. Thì nhớ, con tập như vậy là con thấy, nó không bị căng đầu, nó không bị nhức đầu con, thì con sẽ tập tốt rồi. Càng ngày cứ nó thích nghi, con Tăng dần cái thời gian đó lên, Tăng dần. Thí dụ như bây giờ mười phút, thì Tăng dần mươi lăm phút, rồi hai mươi phút. Tăng dần lên mà thấy nó có chướng ngại, tức là nặng đầu hay cái gì đó, thì con dừng lại đó con tập, đừng có Tăng nữa. Chừng nào mà nó hết, thì con Tăng lên.

Tu sinh 1: Bạch Thầy nếu thấy đau bụng thì sao?

(02:23) Trưởng lão: À, như vậy là nó có cái chướng ngại, đau bụng thì con lui lại. Và đồng thời con tác ý, con tác ý về cái đau bụng. Con tác ý bảo "Lui! Không có được đau đây chỗ này nữa! " Nhưng mà con đừng có Tăng lên. Bởi vì nó có cái sự mà con tập trung nhiều. Thay vì nó rối loạn, nặng đầu, nhức đầu con, thì đó là về Thần kinh. Mà nó đau bụng thì nó rối loạn về tiêu hóa. Bởi vì con tập trung như vậy, là nó có ảnh hưởng ở trong cơ thể của con. Cho nên nó hễ không có cái này nó xảy ra thì có cái kia xảy ra. Cho nên con dừng lại, con tác ý đuổi cái cảm thọ đó đi. Mai mốt con Tăng lên, nó không có bị nữa.

Cho nên cái pháp đối trị mà con, cái chỗ nào cũng có đối trị được hết. Có cái pháp để đối trị được cái chướng ngại, cái khổ của nó. Đó là cũng là cái nghiệp đó con. Khi mà con tu như vậy mà con cảm thấy đau bụng, thì đó là cái nghiệp nó ra, nó đón đường con. Nó không có cho con tới để mà con trả cái nhân quả của con. Nó không có cho con chuyển đâu. Cái nghiệp nó đâu có để cho mình suôn sẻ, mình đi trên con đường được đâu. Cho nên nó buộc lòng, nó phải đối lại với con. Nó biết cái pháp đó, nó sẽ triệt tiêu cái nghiệp, cái nhân quả đi. Cho nên buộc lòng nó phải thực hiện đối lại với con liền tức khắc, nó đánh lại con. Để con tu tập cái pháp đó không được. Nó phá cho con, nhiều khi nó tiến tới nữa không được. Chứ nếu mà mình tiến tới được, mình tiến hoài nó đi mất hết sao?

Cho nên nó tiến tới, cái bắt đầu nó lòi cái mặt nó ra đón đường. Nó không đón đường mình bằng cái hôn trầm, thùy miên, vô ký thì nó đón đường mình đau, cảm đau nhức cái này, nhức cái kia. Con thấy vì vậy, cho nên mình kéo dài thời gian không được, nó khó. Mà mình bền chí, mình luyện tập, càng lúc mình tiến dần, tiến dần, nó càng lúc nó lui. Nó lui dần cho đến khi mà nó bị triệt tiêu. Nó lui đến cái mức độ nó không còn cái chỗ nó đứng nữa, nó chết. Thành ra cái nghiệp nó chấm dứt liền. Nó chuyển hết rồi, mình hoàn toàn mình làm chủ. Cái phương pháp là như vậy đó con.

2- TU TẬP CHUYÊN MỘT PHÁP NHIẾP TÂM

(04:14) Tu sinh 2: Bạch Thầy là con muốn hỏi Thầy, khi con tu như vậy, Định Niệm Hơi Thở như vậy thì có những cái niệm xen vào thì bạch Thầy, con có thể dừng lại để tác ý đuổi những cái niệm ấy ra?

Trưởng lão: Coi như là dừng lại mà tác ý tức là con câu hữu, phải không? Con câu hữu. Nhưng mà khi đó con dừng lại con tác ý cái đó rồi. Nhưng mà sau này con nhớ rằng: Mình cẩn thận hơn, tu tập kỹ hơn, không được cho nó xen vô. Bây giờ mình tu cái thời gian ngắn quá, mà để cho nó lọt vô là mình dở, chưa có đủ. Cho nên vì vậy, còn bây giờ đó, khi mà có cái niệm đó thì con tác ý, con đuổi nó đi, đó là đúng pháp, chứ không phải sai. Bây giờ con câu hữu với pháp Như Lý Tác Ý rồi, chứ không có thuần một pháp không. Ví dụ bây giờ con đưa cánh tay ra là thuần một pháp. Mà một pháp này, con nhiếp phục được thì đâu có cần cái pháp Như Lý Tác Ý nữa. Mà bây giờ vì nó có niệm, con phải câu hữu để tác ý nó, cái đó.

Còn bây giờ con lại thu cái thời gian ngắn lại, ngắn lại. Cái cánh tay ngắn lại, đưa ít lại để cho cái sức tập trung cao tuyệt đối. Rất là cẩn thận, rất là kỹ lưỡng từng cái hành động, làm cho nó vô không được. Do đó từng lần lượt rồi mình thấy mình tập thuần quen, nhu nhuyễn cái hành động này trong năm phút hay ba phút. Hai phút hay một phút nó thuần rồi, bắt đầu Tăng lên một phút nữa, rồi Tăng lên, từ từ Tăng lên. Thì riết rồi, bắt đầu nó bị, cái pháp mà mình ôm một cái pháp duy nhất, nó đi tới đâu thì cái kia nó lui ra hết. Còn nếu mà nó có xen ra, con tác ý thì luôn luôn lúc nào nó cũng sẽ giậm chân tại chỗ đó. Nhưng mà đuổi được, nhưng mà nó giậm chân tại chỗ, nó không có cái chỗ mà nhiếp phục được cái tâm.

Cho nên nó biết rằng khi mà ông này, khi mà mình lọt vô ông thì ông có cái pháp ông câu hữu ông đuổi mình. Chứ thật ra ông chưa thắng mình bằng cái pháp này đâu, bằng cánh tay ông chưa thắng mình nổi. Nó biết. Còn con sử dụng một pháp độc nhất, bởi vì tu một pháp độc nhất, nó đặc biệt là nhiếp tâm, là chế ngự tâm toàn bộ một cách rất là kỹ lưỡng. Mình ở đây coi như là mình, cái lớp mà còn ở Trung học, ở Tiểu học thì người ta học phổ thông, người ta học chưa có chuyên. Còn mà lên cái lớp mà Thầy dạy chuyên rồi thì tu chừng năm hơi thở, hay năm hành động này là chuyên, kêu là lên cái lớp chuyên là lên Đại học rồi đó.

(06:31) Nghĩa là cái pháp của mình ôm tới đâu là giặc nó chết tới đó. Nó không còn ló cái đầu lên được. Các con hiểu không? Đây là lớp chuyên rồi. Cho nên Thầy dạy các con ít, chỉ muốn làm sao cho các con chuyên vào cái pháp đó, bằng một cách…​ khi mà cái pháp con đến đâu là cái nội lực của nó đến đâu là nó dẹp, không có cái nào mà xen vô được. Hôn trầm thùy miên không có đánh được. Còn tại vì mình tu, tại sao mà có hôn trầm thùy miên? Là tại vì mình tu nó chưa có đủ cái lực mạnh của nó. Cái sức tập trung của mình chưa có mạnh.

Chứ còn người ta tập trung, bởi vì Thầy nói khi mà cái lực tập trung người ta, con mắt người ta nhìn cái chỗ đó. Người ta nghĩ ở trong đầu chỗ đó là hóa lửa, tức là cháy, chỗ đó nó cháy đó con. Cái sức lực, cái năng lực của tâm chúng ta nó mạnh đến mức độ đó. Mà bây giờ mấy con cái lực của mấy con mà tập trung, mà trong cái hành động đưa như thế này mà còn vọng tưởng, Thầy thấy nó thật yếu quá, làm sao lửa cháy nổi mấy con? Cái sức mà người ta tập trung đến mức độ mà nó hóa lửa nó cháy, thành lửa nó cháy. Cái sức tập trung của người ta nhìn chỗ đó là nó phát lửa nó cháy. Thì nó cái sức tập trung của người ta đến cái mức độ như vậy, các con biết nó phải cao lắm chứ.

Mà bây giờ mấy con mới có tập như vầy, mà mấy con tập lỏng lẻo như vầy, nó có vọng niệm nó vô rồi làm sao tập trung cao được như vậy? Thầy muốn nói cái sức tập trung của người ta tập trung đến mức độ như vậy. Cho nên bây giờ mấy con là đi lên vào cái lớp mà chuyên, tức là mấy con tập ít, rất ít. Năm hơi thở, ba hơi thở mà không để cho một cái lực tưởng nào vô hết. Thì các con biết đó, phải tập kỹ lắm đó! Bởi vậy Thầy nói từng hơi thở, từng hành động, chứ không phải tập nhiều. Tập một hành động này: "Tôi đưa ra. Tôi chú ý cho kỹ này, tôi đưa ra này. Rồi tôi nghỉ, tôi không đưa ra nữa. Mà hễ mà tôi tập, là tôi tập trung hết sức của tôi vào. Mà bây giờ tôi đưa năm lần là cái sức tập trung của tôi năm lần, là cái thời gian đó, tôi gom hết lực, trong người tôi bao nhiêu, tôi đặt vô đây hết. Tôi không để nó lạc tầm bậy". Bởi vì mấy con không có gom hết sức lực của mình, nó lạc tầm bậy, cho nên cái khác nó xen vô. Các con hiểu không?

(08:24) Cho nên người nào mà nói tu mà có vọng tưởng, Thầy biết người đó tập trung yếu, gom tâm không có mạnh, chứ không có gì. Bởi vì khi mà gom tâm mạnh rồi các con sẽ biết là, Thầy nói bây giờ cái đầu con nhức như là ai búa bổ. Gom tâm cái, nó hết thấy nhức liền. Bởi vì mình gom quá mạnh, cái sức lực của mình gom vào cái đối tượng khác, làm cho nó tách lìa cái đau ra. Cho nên Phật dạy, nhiếp tâm và an trú tâm là đối trị tất cả các cảm thọ trên thân của mình được hết. Mà mình, tại mình tập chưa biết cách và chưa có người dạy cho mình đúng cách.

Cho nên mình chưa có biết, cho nên mình tập cái ngồi ba mươi phút, nhiều. Làm sao mà ngồi cho nó nhiều được? "Trời đất ơi! Thuở giờ tui có biết cách thức tập này đâu. Tập một lần mà đưa cánh tay ra như thế này, mà tôi tập kỹ một lần vầy rồi tôi nghỉ. Lát nữa tôi đưa một lần nữa, tôi tập cho kỹ. Và đồng thời tôi kết hợp được năm lần đưa vầy, tôi kỹ từng chút, từng chút." Thì cái sức lực của mấy con, nó gom cái lực nó mạnh ghê gớm lắm. Cái lực tập trung. Các con hiểu chưa?

Bây giờ phải tập luyện kỹ đi. Rồi con sẽ thấy được cái hiệu quả của nó, cái kết quả. Và từ cái kết quả mà tập trung kỹ như vậy, con sẽ làm chủ được những cái gì, con thấy cái niềm tin của con đối với Phật pháp, nó càng mạnh. Cái lòng tin nó tin ghê lắm. Bởi vì mình tu có kết quả mà, tu có làm chủ được mà. Còn tu cái gì mà cứ ngày này qua ngày khác cứ ngồi mà có vọng tưởng hoài, thấy cũng vậy hà. Các con sẽ lần lượt các con tu có hình thức, cái lòng tin các con cũng mất tin nữa.

Còn Thầy dạy ở đây mấy con thật tu, mấy con sẽ thấy, mấy con làm chủ, rồi mấy con tin liền. Hay thiệt, vậy mà không tu sao được? Cái lòng tin tự nó, nó tin là tại vì mình làm được, làm có kết quả. Mà sao tu mà không kết quả, là mấy con không kết quả mấy con sẽ bị mất lòng tin, mấy con thối chuyển liền. Cho nên ở đây Thầy muốn làm sao mấy con tu cho đạt được làm chủ được bệnh đau, đuổi đi liền. Mà đuổi đi liền thì mấy con phải nhiếp tâm và an trú được. Chứ mấy con an trú không được, ông nội nó không có đi đâu?

(10:17) Cũng như bây giờ Sư Pháp Ngộ ngứa nè, mà nhiếp tâm được, làm sao nó ngứa được? Mà bây giờ nó ngứa quá trời, mà làm sao tôi không gãi? Không gãi chịu sao nổi? Phải không? Do sức nhiếp tâm cao đó, thành ra nó vô đó rồi thì nó không có làm sao nó ngứa mình được nữa. Thọ đánh không vô, bởi vì cái mức độ, Thầy biết cái mức độ của nghiệp nó chỉ có mức độ đó thôi. Còn cái sức lực mà tập trung của Phật pháp, nó cao trăm ngàn lần cái kia nó đánh mình. Cái ngứa nó ở dưới này lè tè thấp này, còn sức tập trung của mình ở trên mây xanh vầy nè. Trời đất ơi! Làm sao cái này nó với tới? Nó không với tới, làm sao nó ngứa?

Còn cái này, cái sức mà nó ngứa, nó cao như vầy, còn cái sức tập trung mình ở dưới này, thành ra nó thấy ngứa không hà. Có phải không? Nó thấy có ngứa không với mấy con, thấy đau không, chứ mấy con đâu có thấy cái hơi thở, cái nhiếp tâm của mấy con đâu? Có phải không? Cái ngứa, cái đau của mấy con thì nó ở trên trời. Còn cái nhiếp tâm của mấy con ở dưới đất thì làm sao mấy con không bị ngứa, không bị đau? Cho nên nhiếp tâm cao hơn, nó ở dưới này thì mấy con ở trên này, làm sao nó đụng mấy con được?

Cho nên vì vậy mà phải tập, tập cho kỹ. Tập cho kỹ từng hành động, từng hơi thở thì Thầy bảo mấy con sẽ làm chủ được. Mà mấy con làm chủ được thì đã tin rồi. Nó đau hay hoặc nó ngứa, mấy con ở trên mây xanh này, nó đụng mấy con không được thì tụi này làm gì mình được, phải không? Như vậy là mình ôm pháp mà mình làm chủ thì như vậy là hay thật. Phật pháp này hay! Tin! Tin chứ sao không tin.

Về tập cho kỹ, ngồi chơi suốt ngày tập một lần thôi. Mà tập cho chắc ăn, chứ đừng tập nhiều. Tập ít! Bởi vì mình dồn lại cái sức của mình, gom lại trong một phút đó, gom hết sức lực của mình tập một lần thôi. Mà ngày nào cũng tập vậy, thì tới chừng nghiệp mà nó đụng tới mình: "Tao nhiếp vô một cái là mày chết hết." Cái lực nó như vậy, nó diệt hết, nó chuyển hết hà. Nhớ chưa? Mấy con nhớ chưa? Thầy dạy là phải làm. Về mà tập luyện cho kỹ, chân tay…​

Tu sinh 2: Con tập nhiều rồi hai cái bắp này hơi hơi đau.

(12:15) Trưởng lão: Hơi căng là bởi tại vì con tập sai pháp. Đi quá nhiều đó! Đi gì mà tới mà hai cái cơ bắp này mà nó mỏi, nó nhức trong này thì làm sao mà…​

Tu sinh: Con còn lao động thêm cái vệ sinh nữa

Trưởng lão: Ừ, bởi vậy. Thay vì mình lao động vậy thì phải tu ít lại. Này là tu quá sức nữa. Thôi bây giờ mấy con về tập tu đi. Về tập tu, tập cho kỹ đi mấy con, nhớ chưa? Tập cho kỹ đi.

Rồi con hỏi đi.

3- THƯƠNG YÊU HẠNH PHÚC CỦA CHÚNG SANH

(12:44) Tu sinh Ngọc Bình: Dạ thưa, cái tu của Thân Hành Niệm của con đó là như vậy. Là chưa được tốt hả Thầy?

Trưởng lão: À, còn niệm khởi đó con. Nhưng mà con vẫn niệm khởi. Kệ! Cứ tác ý, cứ nhớ tác ý cán nát nó hết đi. Khi mà con đau hay hoặc bệnh nhức gì đó, con cứ ôm pháp đó con cán. Rồi hôn trầm thùy miên, cứ ôm tác ý, liên tục tác ý. Hễ khi mà nó bị hôn trầm thùy miên, tác ý lớn tiếng ra. Tác ý như la vậy, thì nó sẽ hết.

Tu sinh Ngọc Bình: Dạ, còn một cái nữa. Ở trong cuốn kinh đó là "Văn Hóa Phật giáo II" đó Thầy. Nghĩa là cái giới là phải thương yêu với sự an vui hạnh phúc của chúng sanh đó Thầy. Vậy khi mà mình quét như vầy, mình làm kiến nó gãy răng sao Thầy?

Trưởng lão: Ừ, nó gãy giò, chứ ở đó nó gãy răng không cũng đỡ. (Dạ)

Vậy thì con có thương yêu sự hạnh phúc của chúng không?

Ừ, con quét thì con phải coi chứ. Trời! Nếu thấy mà có nó thì thôi, làm ơn đừng có quét. Ai biểu con không quét. Mình quét nhưng mà thấy nó, ờ thương yêu cái sự sống nó thôi. Đừng có quét mấy cái chỗ mà có kiến. Tránh! Làm ơn tránh giùm. Cái này quét, quét hết, quét hết, lùa cha con, chồng vợ người ta ra ngoài đống rác kia. Nhiều khi gãy giò, gãy cẳng nữa. Con biết không, tuy rằng nó không chết, nó gãy giò, gãy cẳng. Con nào mà trúng cây chổi mạnh của con thì nó cũng méo miệng, nhăn răng, cũng nằm một đống vậy đó.

(14:01) Cho nên vì vậy mấy con nhớ cái sức của nó yếu lắm. Cây chổi mà quét nhẹ, quét nhẹ vậy, chứ sự thật ra đau đớn nó lắm. Cho nên vì vậy mà thấy nó, thôi tránh đi, đừng có quét cái chỗ đó giùm Thầy. Và những cái hành động mà biết như vậy, tức là mình thương yêu cái hạnh phúc của chúng sanh. Con hiểu chưa?

Cái đó là đức Phật đã dạy rồi. Tại mình không làm thôi! Mà chừng đó mình thấy, khi mình tránh được như vậy, mình không làm, rồi mình về mình nghĩ. "Mình thương yêu cái sự hạnh phúc của chúng sanh, thì chắc chắn có người thương yêu hạnh phúc của mình. Họ cũng sẽ không làm cho mình khổ đâu." Tại vì mình làm cái chuyện này thì phải nhân quả, nó phải có cái nhân quả tốt cho mình chứ sao? Thì không ai phá mình đâu.

Còn bây giờ người ta đang hạnh phúc, người ta đang chạy kiếm ăn, người ta đang làm hang, làm ổ, quét, quét, quét đùa hết, phá hạnh phúc người ta quá trời vậy? Phá cái sự thương yêu phải không con? Cho nên như vậy Thầy nói mình quét là quét. Nhưng mà mình nên tránh, tránh đừng làm đau khổ chúng sanh. Trừ ra có mấy con mối mà vô ăn nhà mình nó sập thì làm ơn đuổi nó ra, tìm mọi cách mà đuổi nó ra. Mình không giết. Bây giờ thí dụ như cái ổ mối nó đùn lên cây cột mình nó ăn. Thì mình lấy cái cây, mình khui khui cho nhè nhẹ để lỡ có đụng con mối, nó chết tội nó. Nó cũng là một loài động vật. Mình khui nó ra, làm cho nó trống cái hang, chồng con ở dưới nó xúm nhau nó lên thì mình lùa nó đi chỗ khác: "Ra ngoài cây kia ở, chứ sao mày vô ăn nhà tao? Tội mày đây? Tội mày vô chiếm nhà người khác ăn. Nhưng mà tao vì thương, tao không có giết, chứ còn không tao giết sạch hết."

Mà điều mình ở không, mình đâu có gì đâu. Cho nên trong cái hành động mà con ngồi đó, con sửa soạn, con giúp đỡ cho nó. Đưa cho nó ra ngoài kia hết thì đó là hành động tu, tu tâm từ đó. Chứ đâu phải nói: "Ờ, mày làm vậy rồi tao hất mày." Mà nó không có cái niệm gì hết thì nó làm sao nó rời con ra được? Ôm cho chặt phao, ôm phao vượt biển, mà vượt cái biển nghiệp của mấy con chứ gì? Thi vô đầu, thì dạy cho cái tâm an tỉnh, tỉnh thức chứ gì? Các con hiểu chỗ đó chưa?

Sau khi tu tập như vậy mà nó hiện tượng nó như vậy đó thì mình biết mình lui lại, đừng có tu nhiều, tu quá sức của mình rồi. Mình cứ thấy như vậy, cứ tới chừng đó hôn trầm, thùy miên, vô ký nó dồn dập, nó đánh riết thì giờ làm sao tui tu được? Chính cái hành động đó là cái hành động tu rồi đó! Mỗi mỗi cái điều kiện sống mà trong thiện pháp đều là cái sự tu hết đó con. Chứ đừng có nghĩ rằng: "Bây giờ tới giờ tôi đi kinh hành, mà giờ bắt tôi ngồi đây thì tôi làm sao tôi đi kinh hành được? Thôi dẹp cái giờ đi kinh hành đi, giờ này nó ăn cây cột đây, bây giờ đây tao ngồi đây tới chiều, tao lo tu cái tâm từ tao đi. Mỗi con mối, tao bắt từng con tao bỏ trên tay nè, tao đem ra ngoài gốc cây kia, tao cho mày ra ngoài. Ở ngoài kia chứ đừng ăn cái nhà tao, sập rồi mai mốt tao không có ở." Nhưng mà con có làm nó chết đâu, phải không? Con đem nó ra ngoài cái gốc cây mục kia, con bỏ nó trên đó. "Đó ra đây, ở đây ăn cây mục đi chứ đừng ăn nhà nhen!"

(16:26) Thì con cứ bắt từng con, con gắp con đem ra ngoài kia, nó không có chết con nào hết đâu! Mà cái hành động mà con làm cái đó chính là con tu Tứ Vô Lượng Tâm đó, tâm từ đó. Mà tránh nó không có ăn sập nhà mình nữa. Mà mình lại tỏ ra cái lòng thương yêu của mình rất lớn, không có hại chúng. Còn cái này mình vội vàng: "Thôi tôi quét đại cho rồi, đặng tao vô tao đi kinh hành, chứ ở đây mà tao ngồi tao canh vậy, tao làm sao tao tu được." Phải không?

Mấy con đừng có nghĩ về điều đó, chính cái đó mới là giải thoát chứ, phải không mấy con? Mỗi mỗi cái sự sống của mấy con đều là cái sự tu tập, thực hiện được cái lòng từ của mấy con, thực hiện được cái hành động tỉnh giác của mấy con. Mà mấy con làm cái chuyện mà nhẹ nhàng như vậy là tỉnh giác, Chánh Niệm tỉnh giác. Còn hơn mấy con đi kinh hành tỉnh giác đó. Mấy con nhớ không? Những cái lời Thầy nói đó, đây là cuộc sống mà, cuộc sống chung đụng với nhau, tất cả sự sống, thương yêu sự sống. Cho nên con thấy văn hóa truyền thống, nó dạy chúng ta không những thương loài vật mà thương cái hạnh phúc của loài vật. Con hiểu chưa? Bảo vệ được cái sự an ổn cho chúng sanh nữa.

Rồi bắt đầu đi con, còn hỏi gì vậy con?

Tu sinh 3: (…​ )

Trưởng lão: À, bây giờ con thì theo Thầy thiết nghĩ là con nên thư giãn ra. Bởi vì con bị tưởng nhiều đó con, con thư giãn ra. Rồi con dùng cái đi kinh hành của con đó, con chú ý dưới bước đi con thôi. Đi hai mươi bước đứng lại, con hít thở năm hơi thở, chứ đừng ngồi con. Bởi vì con ngồi, con dễ bị tưởng lắm. Rồi con tu tập cái Chánh Niệm Tỉnh Giác đó thôi. Cứ đi hai mươi bước đứng lại và đồng thời khi hết đi kinh hành rồi thì con nghỉ. Con nghỉ, con thư giãn con. Con hiểu không? Rồi con thư giãn.

(18:13) Khi mà thư giãn thì con nhắc: "Tâm thanh thản an lạc vô sự." Để cho nó trở về với sự bình thường của cuộc sống của mình thôi. Nhưng mà chính chỗ đó là sau này nó là cái pháp Tứ Niệm Xứ, sau này là con tu Tứ Niệm Xứ. Bởi vì cái duyên của con chỉ có tu Tứ Niệm Xứ, chứ còn nếu mà con nhiếp tâm vào pháp nào thì con cũng bị tưởng hết đó con, con không có tu được. Bây giờ thì Thầy gởi những cái điệp phái này cho con, trong cái nhóm con có mấy cái điệp phái này nè con.

Tu sinh 3: Dạ! Thưa Thầy, vậy con tu Thân Hành Niệm, con vừa tu Thân Hành Niệm rồi một lúc nào đó phải tu Tứ Niệm Xứ không Thầy?

Trưởng lão: Ờ, Tứ Niệm Xứ đó con. Bởi vì chính cái Thân Hành Niệm là cái pháp để nó thực hiện tất cả những cái năng lực, năng lực của Giác Chi. Còn kèm với cái pháp Tứ Niệm Xứ để nó, cái tâm nó không phóng dật đó, nó thanh thản, an lạc, vô sự đó. Chân lý, cái đó là hộ trì cái chân lý đó. Cho nên con tu lại Tứ Niệm Xứ con, rồi Thầy sẽ dạy cho con cách thức để mà biết cách thức mà nhiếp tâm. Con đọc lại trong cái cuốn mà ‘Những lời Phật Dạy’ tập IV đó, có cái chỗ, cái bài kinh mà đức Phật dạy tu Tứ Niệm Xứ. Cái chỗ kinh, cái bài kinh mà Đại Không đó con, con đọc kỹ những cái chỗ đó, đức Phật dạy cho mấy con tu Tứ Niệm Xứ đó con. Đọc kỹ cái đó thì mấy con tu không sai.

Rồi bắt đầu, bây giờ tới con con, thắm con. Có điệp phái chưa con?

Phật tử Thắm: Chưa ạ!

Trưởng lão: Chưa hả con! Để rồi Thầy sẽ gởi điệp phái. Hay là nằm ở trong kia gộp chung không biết? Để rồi Thầy kiểm lại con, có rồi Thầy sẽ đưa con. Để Thầy kiểm tra lại cho con. Rồi buổi chiều Thầy dán bìa xong là Thầy gửi cho con. Con là Vũ Thị Thắm phải không con?

Tu sinh Thắm: Dạ, con là Vũ Thị Thắm.

Trưởng lão: Cũng con hả con?

Tu sinh 4: Con họ Phạm ạ.

(20:02) Trưởng lão: Phạm hả con? Còn này Vũ Thị Thắm, thành phố Nam Định. Cũng…​ Con biết phải không con? Vậy thì Thầy sẽ gửi thẳng cho con khỏi cần gửi cái bưu điện, con ha. Còn cái cô mà Lê Thị Thân đó con, tâm Liên đó, à đây Thầy có cái bức thơ gửi cho con. Và đồng thời thì con có xin Thầy sách là ‘Người Chiến Thắng’ và cái bộ sách ‘Những lời Phật Dạy’, để rồi Thầy sẽ cho thêm những cái sách gì nữa cho mấy con. Cái ‘Những lời Phật Dạy’ nó còn cái tập bốn nữa con, mà Thầy làm chưa có xong. Coi như là Thầy đã làm xong, nhưng mà cái in ra, phô tô ra để làm thành cuốn sách thì chưa. Rồi Thầy sẽ gửi cho mấy con.

Tu sinh 5: (…​ )

Trưởng lão: À, bây giờ con muốn xin sách gì đó, con ghi trong một cái tờ giấy con. Tên sách đó, rồi con sẽ đưa Thầy. Thầy sẽ coi con cần cái bộ sách nào, văn Hoá Truyền Thống tập I, tập II, hay hoặc là cái sách gì đó, con ghi cho Thầy ha.

Phật tử 5: Dạ.

Trưởng lão: Chiều rồi con, lát nữa trưa, rồi con đưa cho Thầy cũng được, không sao đâu.

Phật tử 5: Dạ.

Trưởng lão: Rồi bắt đầu đưa Thầy rồi đó, thì Thầy coi như là Thầy coi theo đó Thầy mới sắp xếp Thầy mới gửi cho con.

Phật tử 5: Dạ.

Trưởng lão: Cần cái bộ nào Thầy có Thầy đưa cho con.

Phật tử 5: Dạ.

Trưởng lão: Ừ, có những cái…​

Phật tử 5: (…​ )

Trưởng lão: Hai cái phải rồi con. Thầy làm rồi, Thầy gộp chung vô lại đây.

Cô Đoàn Thị Sửu con, có ai không con?

Phật tử Đoàn Thị Sửu: Có.

Trưởng lão: Rồi Lê Thị Thường có đây không con? Vậy là hai cái này có đủ rồi con.

4- ĐỐI TRỊ HÔN TRẦM

(21:57) Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy, thì trước khi mà ác pháp nó đến thì con phải tập nó trước, cho nên bởi vậy thì con phải, trong thời gian khuya với sáng, khuya với tối là con thấy hai cái thời đó là thời gian rất là trống, nhưng trong ban ngày đó thì không sao hết. Ban ngày thì theo con nghĩ, con dành để mà tu, tu cái Tứ Niệm Xứ nhiều hơn nhưng mà hai thời gian đó thì nếu mà mình tu hai cái pháp kia thì con không tập tiếp được.

(22:33) Trưởng lão: Đúng rồi, bởi vậy cái đó mình thiện xảo đó con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ.

Trưởng lão: Vì cái thời gian đó mình biết nó dễ bị hôn trầm thuỳ miên.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ

Trưởng lão: Thì do đó mình áp dụng cái phương pháp như Chánh Niệm Tỉnh Giác hay hoặc là Thân Hành Niệm thì nó sẽ phá đi, thì nó đỡ hơn. Chứ còn để mà nó cứ bị cái niệm hôn trầm thuỳ miên, coi như nó mất cái thì giờ mà nó không ra gì hết con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ.

Trưởng lão: Cho nên lúc mà ban đêm mà cái người nào mà hay đi kinh hành là người đó mới tu tốt, Thầy biết liền. Còn người nào mà cứ ru rú ở trong thất, Thầy biết là cái người này ngủ, không có chạy đâu khỏi đó hết đó. Không có người nào là con người thì không có tránh khỏi cái điều này đâu. Trừ ra có người tu chứng thì người ta mới không có thôi. Chứ còn cái người mà phàm phu như chúng ta, mà ban đêm mà cứ ngồi lim dim đó, thì thế nào cũng ngủ hà, không có trật đâu! Không có người nào, một trăm người…​.

Mà Thầy nói rằng, mấy con biết là, cái niệm mà hôn trầm thuỳ miên nó khó lắm, chứ không phải dễ, cái niệm si. Mà người ta sợ nhất là cái niệm đó, nó làm cho uể oải mệt nhọc. Nó làm như là muốn chết vậy, nó lười biếng cách gì đâu. Cho nên phải ráng thắng cho được, chứ còn thắng không được, không bao giờ tu được! Nó tu không tới đâu! Phải khó lắm, chứ không phải dễ nói. Cái mặt của nó như vậy đó, biết đó, mà thắng nó khó thắng đó, chứ không phải dễ đâu. Nó làm uể oải mệt nhọc, gần như muốn chết vậy. Mà nó không chết, mà nó làm lười biếng cỡ độ đó.

Cho nên chỉ còn có pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và pháp Thân Hành Niệm, đặng nó làm cho mình tinh tấn. Nó thích, mình đi thì tức là nó tỉnh, nó làm cho mình không còn lười biếng nữa. Chứ còn mình tu các pháp khác là thôi, nó lười biếng nó ngủ hà. Không có làm sao mà tránh khỏi nó. Sợ lắm! Ở đây hầu hết là chúng mà về đây tu đều là bị hôn trầm, thùy miên mà bỏ cuộc đi hết. Không có thắng nổi nó rồi phải đi thôi, chứ không có gì hết.

(24:17) Nó có hai cái khó, cái ăn ngày một bữa cũng khó! Mà cái ngủ khó! Rồi cái độc cư khó! Hai cái này khó. Mà hai cái này được nữa thì là cái người này tới nơi tới chốn. Thắng được cái hôn trầm, thùy miên là cái người này tu Tứ Niệm Xứ tốt. Còn thắng không được mà ôm Tứ Niệm Xứ là tu kể như gục. Không làm sao mà nổi!

Cho nên nó có cái pháp Thân Hành Niệm, có cái Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nhưng mà cái Chánh Niệm Tỉnh Giác nó không bằng pháp Thân Hành Niệm đâu.

Cho nên mấy con mà nếu mà ban đêm, mấy con mà siêng đi, thì mấy con mới thắng nó. Chứ còn mấy con lười biếng mà ở trong thất, Thầy cứ nhìn cái thất nào mà cứ ở trong thất mà ngồi tu, nói tu chứ sự thật ra ngủ. Thầy bảo đảm mấy con không có người nào mà tránh khỏi. Còn cái người nào mà cứ rọ rạy, cứ đi đi vòng vòng thất đi hoài, hay hoặc là đi ra ngoài thì mấy người đó thành công, là những người chiến thắng.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ kính bạch Thầy, hồi tối thì con đi ra ngoài luôn, đi ra ngoài thất, đi cỡ khoảng nửa tiếng đồng hồ thì con thấy nó tỉnh táo ra. Nó rất là tốt nhưng mà không bằng con nghĩ mà đi ra ngoài mà đi Chánh Niệm Tỉnh Giác Định không bằng cái Thân Hành Niệm. Vì con đi nửa tiếng Thân Hành Niệm rồi thì Thầy dạy chỉ đi nửa tiếng thôi, thì con đi nửa tiếng, con không dám Tăng thêm. Sáng nay con bạch Thầy để xin thêm. Nếu mà có điều kiện mà nửa tiếng hoặc một tiếng rồi nếu cần thời gian còn trống thì con có thể đánh nó hai tiếng được không Thầy?

Trưởng lão: Được không có sao hết.

Tu sinh Pháp Ngộ: Vì cái thời gian nó rất trống! Trong hơn …​

Cô Út: Bên nữ không có nước.

Trưởng lão: Ai đó?

Cô Út: Khu bên đó không có nước.

Trưởng lão: Không có nước hả con? Để coi thử coi nó nghẹt ở chỗ nào đó, con coi thử coi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Kính bạch Thầy, nếu mà khi con ngồi mà con tu Định Niệm Hơi Thở thì làm găng với nó không. Chứ nó không vô không nhập gì hết. Nó cứ ác pháp tới, hồi tối con đánh nó bằng ngồi luôn đó thì trước sau gì rồi không có tiến bộ. Nếu mình cứ ngồi gồng găng kiểu đó con thấy cũng không tiến bộ.

(26:09) Trưởng lão: Không được.

Tu sinh Pháp Ngộ: Hoặc là ngồi thanh thản an lạc vô sự Tứ Niệm Xứ thì cũng không tiến bộ.

Trưởng lão: Không vô.

Tu sinh Pháp Ngộ: Chỉ cần năm phút, ba phút thì hôn trầm nó tới. Ba phút, năm phút, nửa tiếng là nó tới. Nếu mà con quyết đánh Thân Hành Niệm một cái thì nó bay liền. Nó rất là nhẹ nó chạy rất nhanh mà mình dùng hai cái pháp kia thì nó gồng găng với nó dữ quá! Con thấy con gồng găng với nó thì mệt lắm!

Trưởng lão: Đúng rồi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Không thích, hao binh tổn tướng mà không bằng mình đánh cái pháp kia.

Trưởng lão: Đúng rồi, nó có những cái phương pháp để đối trị được thì mấy con phải thiện xảo. Trong những cái giờ đó thì coi như là thay đổi pháp hết, không có phải là theo cố định được.

Phật tử: Dạ.

Trưởng lão: Mà mình phá cho được những cái chướng ngại pháp. Thì thí dụ như "Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, trên tâm quán tâm…​" tức là mình cũng tu Tứ Niệm Xứ. Mà bây giờ bị chướng ngại đó, thì bảo vệ cái Tứ Niệm Xứ thì phải đẩy lui cái đó ra chứ. Con hiểu không? Mà đẩy lui thì phải có pháp chứ, đâu phải ngồi đó mà gồng gân với nó được, phải không mấy con? Bây giờ cái pháp mình sơ sơ đó, mình tác ý một hai lần, mình tác ý nó thì nó đi được thôi, nó tỉnh thì thôi.

Đằng này nó lại đánh mạnh mình chứ, nó không có chịu thua, nó đánh quá. Do đó thì mình ôm cái lực lượng thứ mạnh vô, mình đánh cho nó bay ra chứ đâu. Thì như vậy cũng tu Tứ Niệm Xứ, chứ đâu phải là không tu Tứ Niệm Xứ. Chừng nào mà mình ôm cái pháp đó, mình đánh nó dạt ra, cũng như con ôm pháp Thân Hành Niệm, con đánh bay đầu nó ra. Rồi bắt đầu bây giờ con ngồi lại con thấy nó nhào vô nữa, như vậy là tao đứng dậy đi nữa, có gì đâu. Đi tiếp nữa! Cũng như là tu Tứ Niệm Xứ rồi, chứ không có gì đâu. Cái đó chính mình sử dụng pháp mình đẩy.

Cho nên Thầy nói thí dụ như bây giờ con bị đau bụng này, nhức đầu này thì lúc bây giờ mình tu Tứ Niệm Xứ chứ gì? Mà cái thân của mình đau làm sao mình tu Tứ Niệm Xứ được, thanh thản được phải không? Do đó, ôm vào cái hơi thở liền, trú vào hơi thở, an trú trong hơi thở liền, đánh bay chừng nào mà cái bệnh hết mới trở về Tứ Niệm Xứ. Rõ ràng là mình không tu Định Niệm Hơi Thở, nhưng mà lúc bây giờ là phải ở trong Định Niệm Hơi Thở đánh.

(28:07) Hoặc là con phải ôm pháp Thân Hành Niệm: "Cho mày đau, tao ôm pháp Thân Hành Niệm tao đi. Tác ý, tao đi hoài." Đi riết nó mới cán nát ba cái bệnh đó, cũng tiêu luôn hà. Hôn trầm thùy miên con thấy nó đánh cũng tiêu, thì bệnh đánh cũng tiêu, chứ không có gì, nó nhiếp phục được hết.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ con thấy nếu mà ôm cái Thân Hành Niệm thì rất là thoải mái, nhất là hôn trầm thùy miên đánh nó là nó chạy nhanh lắm.

Trưởng lão: Đúng rồi, bây giờ có cái thứ vũ lực tốt rồi thì cứ sử dụng mà đánh.

Tu sinh Pháp Ngộ: Mình không thiện xảo, vũ khí tối tân mình để, mình cứ mang lính lè tè nó đánh, đánh cầm cự với tốn thời gian tốn sức.

Trưởng lão: Ừ.

Tu sinh Pháp Ngộ: Thôi mình mang đại bác mình dập nó một phát cho nó chạy mất.

Trưởng lão: Đó, đúng rồi, đem đại bác phá nó, dập cho nó chết luôn. Đó vậy mới biết sử dụng vũ khí chứ.

Để một lát Thầy ra Thầy coi con.

Cô Út: Ở đây có nước rồi.

Trưởng lão: Thầy biết cái đường này rồi

Tu sinh Pháp Ngộ: Con thấy dập rất nhanh bạch Thầy. Thì con bạch Thầy xong rồi, vì trong ngày con quán xét rồi, nếu mà nó khởi lên những cái niệm nào đó, ác pháp nhiều, hoặc là nó khởi lên những cái niệm suy nghĩ, là đêm đó là Thân Hành Niệm, à là hôn trầm nó đánh mạnh rồi. Cho nên cái ngày nào mà mình thấy nó bị ác pháp nhiều thì ngày hôm đó mình đánh Thân Hành Niệm mạnh vô. Là đêm hôm đó là mình khỏe, không phải ngồi thức. Hồi tối con ngồi con cứ xếp con gồng với nó thì con mệt lắm. Con thấy nếu mà cứ để kéo dài kiểu này không bao giờ tu tiến bộ hết, thì con bạch Thầy để con thiện xảo.

Trưởng lão: Đúng rồi, như vậy được rồi. Con có thể nói là Thầy cho ba mươi phút. Nhưng mà cái điều kiện là bây giờ giặc nó đang tấn công quá mà cứ đánh ba mươi phút làm sao đánh, làm sao thắng chúng? Chứ phải chi nó bình thường, nó không có gì hết thì mình tu ba mươi phút thôi, con hiểu không? Mà bây giờ trong khi nó đánh hôn trầm thùy miên mà ba mươi phút làm sao cho đủ? Hễ mình xả ra, ba mươi phút là xả ra cái nó nhào vô hà.

Phật tử: Nó nhào vô bạch Thầy. Nó tỉnh táo cỡ khoảng hai mươi phút sau là nó nhào lại.

(30:05) Trưởng lão: Nó nhào vô, cho nên vì vậy mình ôm pháp Thân Hành Niệm, mình quét chừng nào mà bay nó luôn. Tới chừng mình đi ngủ mà nó nằm luôn, nó không chịu ngủ đó thì được rồi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Hai tiếng, theo con nghĩ một, hai tiếng là nó chạy mất rồi. Nếu ban ngày mà tỉnh táo thì cứ dành trọn hết tu Tứ Niệm Xứ.

Trưởng lão: Tứ Niệm Xứ. Bởi vì nó tỉnh rồi, nó không có chướng ngại rồi, tu Tứ Niệm Xứ được.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, còn nếu mà ban đêm mà nó như vậy thì mình dập phá cho nó tiêu hết.

Trưởng lão: Dập hết.

Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy! Con vậy là…​

Trưởng lão: Rồi rồi được rồi, như vậy là tốt rồi.

Tu sinh 6: Bạch Thầy con hôm qua tối hôm qua, thì khoảng tám giờ rưỡi thì nó còn làm con ghê gớm luôn, Thầy.

Trưởng lão: Ừ.

Tu sinh 6: Nó nhồi cho con buồn ngủ này, nó nhồi cho con là coi như là nhức nhối, nhức cả chân tay, thế như sâu bò ấy. Thế nó cứ cắn rứt. Con vùng dậy, con không đi nữa, coi như con vượt ra, trời mưa con cũng đi, con đi Thân Hành Niệm, à con đi…​

Trưởng lão: Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Tu sinh 6: Chánh Niệm Tỉnh Giác. Con đi mãi xuống dưới lán của Thầy này, con lại đi lên lại trên này. Con đi mãi thì sau là thấy nó nó không nhức, không đau nữa.

Trưởng lão: Ừ.

Tu sinh 6: Thì sau vào con ngồi, lại coi như con không đi kinh hành nữa, con ngồi con đọc sách. Thì khoảng được ba mươi phút nó lại lôi con.

Trưởng lão: Ừ.

Tu sinh 6: Nó lại lôi con thì con lại vùng dậy là coi như con đi. Như vậy là coi như là sau đến chín giờ, mười giờ kém năm phút coi như con tắt đèn con đi ngủ. Thì sáng dậy, con dậy thì con đi kinh hành được năm lượt thì con ngồi xuống. Đến cái lượt thứ năm thì thấy cái chân này nó cứ lâu lâu nó nhót một cái. Các cái bàn chân nó cũng nhót một cái. Sau lưng nó cũng nhót. Con lên con nằm thanh thản an lạc vô sự ạ. Thì con vừa nằm được một tý thì thấy mắt con nó nhắm lại và con thấy cái hình bóng của Thầy đã đứng trước mặt con, cầm một quyển sách: "Mấy thằng giặc đến đây ta chuẩn bị ta đánh cho nó tan."

Thì không biết cái đó là khi con mở mắt ra không thấy nữa thì coi như là con lại vùng dậy. Thì coi như là sáng hôm nay thì con cũng vừa nằm xuống con vừa niệm câu: "Thân an lạc, thảnh thơi, vô sự". Coi như là tự nhiên mắt nó nhắm lại thấy Thầy, coi như cầm một quyển sách đứng ở trước mặt: "Có mấy thằng giặc đến đây ta chuẩn bị ta đánh cho nó tan." Thì coi như con vùng thức dậy, coi như rứa thì không biết như thế nào.

(32:38) Trưởng lão: Đúng rồi, Thầy nhắc cho con là phải đánh mấy thằng giặc đó. Giặc hôn trầm thùy miên. Giặc mà thọ nó đánh con đó. Cho nên vì vậy mà khi mà con bị những cái cảm thọ đó, con tác ý: "Thọ vô thường, đi, không có được ở trong thân này!" Con nhắc, bất kỳ một trạng thái nào mà nó chướng ngại, nó làm cho mình thọ, các cảm thọ hoặc những cái trạng thái tưởng thì con đánh. Còn cái hôn trầm thùy miên thì con đi Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Rồi sau này con tập tới cái pháp Thân Hành Niệm nữa thì coi như là đủ cái vũ lực mà chiến đấu với giặc sinh tử đó. Nhớ tập như vậy, mấy con khá lắm đó. Chứ mấy con đi kinh hành vậy là Thầy mừng lắm. Chứ mấy con mà ru rú ở trong thất mà lười biếng thì thôi, Thầy thấy chết được.

Tu sinh 6: Bạch Thầy! Con cứ tập ba mươi phút đi kinh hành xong rồi con vô con nghỉ tý xong rồi con vào con đọc sách được khoảng bao mươi phút, rồi thì là con thay đổi, xong rồi con tập liên tục, con đi có hôm mỏi chân. Thì con cũng đã đọc xong cuốn coi như là Sa di của Thầy, mấy hôm con đọc liên tục thì con cũng đã đọc xong. Vừa đi kinh hành xong vừa đọc sách để nó giảm bớt cái thời gian tập, nó căng quá thì con…​

Trưởng lão: Đúng rồi con. Bây giờ con tập, con vậy đó, con đọc sách vậy đó, được con. Bởi vì những gì cần hiểu phải thông hiểu.

Tu sinh 6: Coi như là trong có cái đêm đó nó ngồi con một lúc đó thôi, chứ còn mấy đêm thì không thấy gì cả.

Trưởng lão: Vậy được rồi, nó lâu lâu nó thăm mấy con, chứ nó không có sao đâu. (34:16)

HẾT BĂNG