Skip directly to content

THÂN TÂM VÔ SỰ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Câu: “Thanh thản, an lạc và vô sự”, con phải thực hành “VÔ SỰ” như thế nào đúng? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp: VÔ SỰ VỀ TÂMcó nghĩa là tâm không phóng dật, không nghĩ ngợi suy tư một điều gì. Tâm không làm một việc gì khác, có nghĩa là không nghe băng, không đọc kinh sách, không xem ti vi, không ngửi mùi thơm, không nếm vị, không xúc chạm và không khởi niệm ác, ấy là tâm thanh thản, cho nên khi đi, đứng, nằm, ngồi đều thanh thản. Thanh thản là một niệm thiện vô lậu; niệm thiện vô lậu là niệm Bất Động của tâm.

Về THÂN VÔ SỰthì thân không đau nhức, không mỏi mệt, không hôn trầm, thùy miên, v.v... Thân không làm một sự việc gì, có nghĩa là thân không ăn, không nhai, không nuốt, không uống, v.v... ấy là THÂN AN LẠC. Thân an lạc là niệm Vô Sự của thân.

Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là mục đích giải thoát của Phật giáo. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự ấy đâu phải là một điều khó tu. Khó tu là vì các bạn không chịu buông xả. Đời có gì đâu, các pháp đều vô thường, nay còn mai mất. Vậy mà các bạn không chịu buông xuống để mà chịu khổ, chịu đau, chịu phiền não. Thật là điên đảo.

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi, có ích gì?

Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?

Vạn pháp vô thường, buông xuống đi!

***

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Tâm hồn thanh thản, chẳng sầu bi.

Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt.

Còn có vui gì, chẳng bỏ đi?

***

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Trò đời như mộng, có còn chi?

Tứ đại trả về cho tứ đại.

Thanh nhàn, an lạc lúc phân ly.

Con hãy cố gắng xả tâm, buông xuống cho thật sạch, đời người chẳng còn có gì đâu mà tiếc, mà thương, mà giận hờn, mà buồn phiền con ạ! Nếu quyết tâm tìm đường thoát khổ thì hãy buông xuống, buông xuống cho trắng bạch như vỏ ốc, cho tâm hồn phóng khoáng như hư không, thì không bao lâu nữa sẽ đạt được mục đích cuối cùng: “Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự”.

Kính thư

Thầy của các con

✿✿✿