TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA KIM QUANG
Tâm Thư Ngày 24, 26-4-2008
Hỏi 1: Kính thưa Thầy, cho con xin hỏi vài câu hỏi sau đây:
Khi hiến bò lên tay, chân, quần áo, tập, sách, con thường hay thổi chúng xuống đất. Hành động thổi đó có được không Thầy? Hay là con phải làm cách nào khác? Xin Thầy chỉ cho con cách khác nếu có.
Đáp:Kiến rơi xuống đất bằng cách thổi, đó là phương cách nhẹ nhàng nhất mà kiến không bị hại.
Còn một cách khác nữa, đó là lấy một tờ giấy hay một vật gì làm cho kiến bò qua vật đó, rồi để vật đó xuống đất; kiến sẽ tự nhiên bò ra mà chúng ta không bị hao hơi.
✿✿✿
Hỏi 2:Thời đức Phật, chỉ có các vị Thánh tăng qua bên giáo đoàn ni để giảng pháp. Còn thời nay, nếu như một người phụ nữ, không phân biệt là ni hay cư sĩ, có thể giảng pháp hay đứng lớp dạy cho nam cư sĩ hoặc tăng sinh được không Thầy, mặc dù người đó chưa chứng đạo, nhưng được Thầy chỉ định? Con không biết có trường hợp này xảy ra không. Con nghĩ nam nữ bình đẳng, ai xả tâm tu tập tốt thì Thầy chỉ định người đó đứng lớp, đứng lớp nào cũng được, để giúp cho tu sinh xả tâm phân biệt nam nữ, coi rẻ người nữ.
Đáp:Thời Phật là thời còn trọng nam khinh nữ. Thời chúng ta thì khác; nam nữ bình đẳng. Nam tu sĩ hay cư sĩ, cũng như nữ tu sĩ hay cư sĩ đều đứng lớp dạy được. Chúng ta tu học để tìm đường thoát khổ, chứ không trọng nam khinh nữ. Đạo Phật là đạo vô ngã, ai còn trọng nam khinh nữ là còn bản ngã, như vậy làm sao tu hành theo đạo Phật, gọi là ly dục, ly ác pháp, diệt ngã xả tâm?!
✿✿✿
Hỏi 3:Con thấy khi ăn bún, miến, mì gói, sợi dài khó gom vào muỗng để ăn, cho nên lòng thòng, khi đưa vào miệng không lịch sự. Vậy, chúng con có thể dùng kéo cắt sợi bún, miến hay mì nhỏ ra, và kể cả rau nữa, được không thưa Thầy? Nếu được thì lại phải có thêm một cây kéo nữa, thì con lại thấy không thiểu dục tri túc. Thật là khó xử. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con cách tốt nhất khi ăn những loại sợi trên.
Đáp:Một chiếc kéo, một cậy kim, sợi chỉ, v.v... đó là những vật dụng cần thiết cho đời sống đơn giản mà giữ được oai nghi tế hạnh, thì chiếc kéo đâu có nghĩa thiếu thiểu dục tri túc. Chỉ vì Thầy chưa ghi ra mà thôi.
✿✿✿
Hỏi 4:Thưa Thầy, con có một tật xấu là đang ngồi thì mắt nhíp lại và bắt đầu vọng tưởng. Đó là bệnh gì vậy Thầy? Có phải là niệm si không? Có phải lúc đó con phải đứng dậy đi kinh hành ngay, hay là ngồi quán xét các niệm vọng tưởng đó? Con nghĩ tốt nhất là đứng dậy. Con ngồi đó có khi bị mê man luôn. Kính xin Thầy chỉ dạy, vì con thấy giờ tu nào con cũng bị kẹt vào bệnh này, mắt thường hay nhíp lại.
Đáp:Con nên đi kinh hành chứ đừng ngồi, vì ngồi nhắm mắt dễ sinh tưởng. Tưởng là một loại bệnh si mất tự chủ.
✿✿✿
Hỏi 5:Sau khi đọc hết quyển Đường Về Xứ Phật tập 7, con có cảm nhận rằng đời nay khó dạy cho người tu chứng, là vì bây giờ quá nhiều kinh sách về Phật giáo, và con người bị dính mắc vào những tà kiến. Còn ngày xưa không có sách, Phật dạy gì, nói gì, các vị tỳ kheo làm theo như vậy thì thấy sự giải thoát ngay. Họ tin tưởng 100% và không bị ảnh hưởng của các tư tưởng khác. Ví dụ như đức Phật dạy bỏ xuống tiền tài, danh lợi, sắc dục, ăn, ngủ, tham, sân, si, mạn, nghi, thì người ta làm theo ngay, còn thời nay thì không dứt khoát như lúc xưa. Do đó con nghĩ ai mà theo chánh pháp của Phật thì phải mạnh dạn dứt khoát đốt sạch các sách xưa nay được đọc về Phật giáo của những học giả chưa tu chứng viết, từ bỏ danh lợi trong đời cũng như trong đạo (giao lại chùa cho người khác), quyết chí cầu tìm con đường giải thoát, không trở về trụ xứ của mình (phải xem trụ xứ của mình cũng là gia đình, do vậy không về là cắt đứt sợi dây ái kiết sử), không còn bà con, quyến thuộc, bạn bè, phật tử, đệ tử nữa, xả sạch không còn để tâm dính mắc vào điều gì, vào ai, vào người nào, vào những điều người khác nói, vào những ai được nhắc tới, thì chắc là con đường giải thoát không xa đối với vị ấy, phải không thưa Thầy?
Đáp:Đúng vậy, trong số tu sinh tại Tu Viện Chơn Như muốn được chọn vào tu tập Tứ Niệm Xứ thì phải buông xả sạch, chứ chưa buông xả, còn đi tới đi lui thì rất khó vào tu tập Tứ Niệm Xứ.
✿✿✿
Hỏi 6:Theo con biết, người tu xong không còn bị chi phối bởi thời gian và không gian. Vậy thưa Thầy, đối với chúng con còn con mắt hữu hạn phải hiểu về thời gian và không gian như thế nào, để không bị ác pháp chi phối? Hay rõ hơn là làm sao làm chủ được thời gian và không gian để xả tâm cho tốt? Con không biết câu hỏi này có thực tế không, nhưng con có cảm giác rằng nếu bị thời gian chi phối thì mình vẫn thường sống trong ác pháp. Kính mong Thầy dạy bảo.
Đáp:Phải ở trong thời gian hiện tại mà ngăn ác, diệt ác pháp thì không bị không gian và thời gian chi phối.
✿✿✿
Hỏi 7:Kính thưa Thầy, sáng nay con đã thấy thầy Chơn Thành về lại Tu Viện Chơn Như rồi. Con nghĩ rằng thời gian đứng lớp thay cho thầy Chơn Thành đã đến lúc giao lại cho thầy Chơn Thành tiếp tục. Con kính mong Thầy hoan hỷ.
Dù sao con cũng rất cảm ơn Thầy, thầy Chơn Thành và tất cả tu sinh đã tạo điều kiện cho con học hỏi và xả tâm rất nhiều.
Không còn đứng lớp, con sẽ dành thời gian tu tập xả tâm tại thất nhiều hơn, để có thể trong tương lai tu tập Tứ Niệm Xứ dưới sự chỉ dạy của Thầy và sống gần Thầy hơn.
Đáp:Con nên chọn một người nào trong lớp con để thay con đứng lớp. Thầy Chơn Thành và con sắp sửa vào lớp Tứ Niệm Xứ, nên phải có người thay thế. Thầy Chơn Thành già chết đến nơi rồi mà không chuyên tu thì không kịp.
✿✿✿
Hỏi 8:…...Tâm không phóng dật là tâm không buông lung; tâm không buông lung là tâm không chạy theo dục và các pháp thế gian, chứ không phải tâm không niệm. Vậy thì như mấy tuần nay, con tu là ngồi chơi, đợi niệm khởi ra rồi xét những niệm đó có phải là dục, là ác, là ái kiết sử hay không rồi tác ý đuổi…... Chỉ cần tu như vậy thôi, còn nếu ngồi kiết già mỗi thời 30 phút mà không thấy còn có niệm nào thì báo cho Thầy biết, phải không thưa Thầy?
Ngoài ra, còn những niệm dục như: muốn đọc sách, muốn đánh bài vào máy vi tính, v.v... con nghĩ cũng nên bỏ xuống hết. Con không biết là nếu không đọc sách thì có sao không thưa Thầy? Thiệt ra con cũng không muốn đọc, nhưng làm sao mà biết được khi nào thì đủ tri kiến, khi nào chưa? Khó quá Thầy ạ!
Đọc bài viết “Những lời tâm huyết” (ĐVXP tập 7), con như hiểu được lòng trắc ẩn của Thầy, và con tự quay lại hỏi mình có tu sai pháp không, để làm cho Thầy buồn…...
Đáp:Đọc những lời tâm huyết của Thầy, con đã hiểu rõ ràng và đúng, không sai, nhưng chỉ còn thời gian an trú trên Tứ Chánh Cần được 30 phút chưa? Nếu được 30 phút thì không còn đọc kinh sách và làm bài, mà tiếp tu trong giai đoạn hai, mà Thầy dạy trong “Những lời tâm huyết”.
Thăm và chúc con tu tập tốt
Thầy của con
✿✿✿