179. KINH NGŨ CHI VẬT CHỦ
Tôi nghe như vầy.[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Ngũ Chi Vật chủ[02] vào buổi sáng sớm rời khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật để cúng dường lễ bái. Ngũ Chi Vật chủ suy nghĩ: “Dù có đến chỗ Đức Phật thì Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo vẫn còn đang thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn của Dị học Nhất Sa-la Mạt-lị[03].”
Rồi thì Ngũ Chi Vật chủ bèn ghé lại chỗ du hí hoan lạc gần hàng cây Cân-đầu-a-lê[04], đi đến khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị[05].
Bấy giờ, trong khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị có một dị học tên là Sa-môn Văn-kì Tử[06], là đại tông chủ ở trong chúng đó, là tôn sư của nhiều người, được nhiều người kính trọng, thống lãnh một đại chúng gần năm trăm dị học sư. Ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh[07], như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.
Dị học Sa-môn Văn-kì Tử trông thấy Ngũ Chi Vật chủ từ xa đang đi đến, liền ra lệnh bảo chúng của mình im lặng, rằng:
“Các người hãy im lặng, đừng nói nữa. Hãy tự thu liễm. Có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Ngũ Chi Vật chủ sắp đến đây. Trong số những đệ tử tại gia của Sa-môn Cù-đàm ở nước Xá-vệ này không ai hơn được Ngũ Chi Vật chủ. Vì sao vậy? Vì ông ấy ưa thích sự im lặng, ca ngợi sự im lặng. Nếu ông ấy thấy hội chúng đây im lặng, có thể sẽ đến thăm”.
Bấy giờ, Dị học Sa-môn Văn-kì Tử bảo hội chúng im lặng rồi, tự mình cũng im lặng.
Khi ấy, Ngũ Chi Vật chủ đi đến chỗ Dị học Sa-môn Văn-kì Tử, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói:
“Này Vật chủ[08], nếu có bốn sự, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống bằng tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu có bốn sự này, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.
Ngũ Chi Vật chủ nghe Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, không cho là phải, không cho là trái, từ chỗ ngồi đứng dậy, bước đi với ý niệm: “Với lời như vậy, ta phải đích thân đi đến Thế Tôn thưa hỏi nghĩa này”. Rồi ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống mộït bên, đem những điều đã bàn luận với Dị học Sa-môn Văn-kì Tử thuật lại hết với Đức Phật.
Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:
“Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân, huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác. Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm, huống nữa là niệm ác duy chỉ biết bập bẹ[09]. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.
“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.
“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.
“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ta chủ trương đó là giới.
“Này Vật chủ, niệm, Ta chủ trương đó là tâm sở hữu đi theo với tâm.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới bất thiện. Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới thiện. Nên biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới thiện bị diệt không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện. Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?
“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện. Đó gọi là giới bất thiện.
“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất thiện phát sanh từ tâm này.
“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ, không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng, ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, đệ tử Hiền thánh làm thế nào diệt trừ giới bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.
“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết giới thiện phát sanh từ tâm này.
“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nếu Đa văn Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ giới thiệïn? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm bất thiện? Suy niệm về niệm dục, niệm nhuế, niệm hại. Đó gọi là niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, niệm bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng dục giới[10] mà sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng nhuế giới, hại giới cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế và hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế, hại giới. Đó là niệm bất thiện phát sanh từ tưởng này.
“Này Vật chủ, niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp; như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm thiện? Suy niệm về niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại[11]. Đó gọi là niệm thiện.
“Này Vật chủ, niệm này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc vô dục tưởng, vô nhuế tưởng, vô hại tưởng.
Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô dục giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện, tương ưng với vô dục giới.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô nhuế, vô hại giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Đó là niệm thiện phát sanh từ tưởng này.
“Này Vật chủ, niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.
“Này Vật chủ, nếu Đa văn Thánh đệ tử do tuệ quán sát biết đúng như thật giới bất thiện, biết đúng như thật giới bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật giới thiện, biết đúng như thật giới thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm bất thiện, biết đúng như thật niệm bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm thiện, biết đúng như thật niệm thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.
“Vì sao vậy? Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh chí[12], nhân chánh chí nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh chánh phương tiện[13], nhân chánh phương tiện nên sanh chánh niệm, nhân chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền thánh đệ tử đã định tâm như vậy rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử đã chánh tâm giải thoát như vậy rồi, liền biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó gọi là học kiến đạo[14] thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành tựu mười chi[15].
“Này Vật chủ, thế nào gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi? Đó là học chánh kiến cho đến chánh định. Như vậy gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi.
“Thế nào gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí[16]. Như vậy gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi.
“Này Vật chủ, nếu người nào có mười chi, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.
Phật thuyết như vậy. Ngũ Chi Vật chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.78 Samaṇamaṇḍikā-sutta.
- [02] Ngũ Chi Vật chủ 五 支 物 主, Pāli: Pancakaṅga thapati, một người thợ mộc.
- [03] Nhất sa-la mạt-lị dị học viên 一 娑 邏 未 利 異 學 園; Pāli: yena samayappavādo tindukāciro ekasālako Mallikāya aeāmo tena…, đi đến khu vườn Mallika, tại nhà hội Ekasālaka có hàng cây tinduka bao quanh (xem chú thích 5 ở dưới).
- [04] Cân-đầu-a-lê 巾 頭 阿 梨; xem cht.5 dưới đây.
- [05] Mallikārāma, là một khu rừng để thưởng ngoạn ở trong thành Sāvatthi của hoàng hậu Mallikā (Mạt-lị phu nhân). Tại đây, trước tiên chỉ có một ngôi nhà độc nhất, nhưng sau được du sĩ ngoại đạo Poṭṭhapāda dựng lên nhiều cái nữa, do đó được gọi là Ekasālaka (Hán: Nhất sa-la); với hàng rào bằng cây Tinduka (tên khoa học: Diospyros embryopters) nên cũng được gọi là Tindukācirā ( Hán: cân-đầu-a-lê). Khu vườn cũng được gọi là Samayappavālaka, một hội trường để tranh luận các vấn đề tà chánh.
- [06] Sa-môn Văn-kì Tử 娑 門 文 祁 子. Pāli: Samaṇamaṇḍikāputta, con trai của Samaṇamaṇḍikā, tên thật là Uggāhamana.
- [07] Súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là Súc sanh luận.
- [08] Vật chủ 物 主. Pāli: Thapati, thợ mộc.
- [09] Trong bản Hán có sự nhầm lẫn về thứ tự mạng và niệm.
- [10] Dục giới tưởng; đây không chỉ cho giới hệ hay cõi, mà là giới loại. Đoạn kinh này đề cập ba bất thiện giới: dục giới, sân giới, hại giới (Pāli: tisso akisala-dhātuyo, kāma-dhātu, vyāpāda-dhātu, vihiṃsa-dhātu). Xem Pháp Uẩn Túc Luận 11 (No.1537, Đại 26, trang 503c).
- [11] Ba thiện giới. Xem cht.10 trên.
- [12] Chánh chí, tức chánh tư duy.
- [13] Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.
- [14] Hán: học kiến tích 學 見 跡, chỉ giai đoạn kiến đạo của hàng hữu học. Xem thêm cht. dưới.
- [15] Hàng hữu học ở địa vị kiến đạo, tu tập và thành tựu tám chi Thánh đạo để thấy lý Tứ đế. Bậc A-la-hán lậu tận thành tựu mười vô học chi. Xem Tỳ-bà-sa 92 (No.1545, trang Đại 27, tr.479 a và tt).
- [16] Tám vô học chi của Thánh đạo, thứ 9 vô học chánh giải thoát và 10 vô học chánh trí (xem giải thích Tập dị 20 Đại 26, trang 452 c).
-ooOoo-