Skip directly to content

MỤC ĐÍCH CON MUỐN XUẤT GIA VỚI THẦY

Lời trần tình của NC

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Dẫu biết rằng: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” nhưng con vẫn quý chuộng sự thật. Ghét những gì hoa mị, giả dối, hình thức.

Dòng họ bên nội con tuy đạo Cao Đài, nhưng riêng con lại thích tìm hiểu, nghiên cứu kinh sách về đạo Phật. Con tu học theo Phật giáo phát triển 10 năm nhưng theo Thầy chỉ 5 năm thôi.

Con cũng biết đường lối, quan điểm của Thầy không đồng nhất với Phật giáo phát triển. Vốn tính hiếu kỳ con đứng giữa cả hai để xem lời nhận xét của Phật giáo phát triển nói về Thầy là đúng hay sai?

“Thầy Thông Lạc tu theo pháp môn Nguyên Thủy hành xác cực độ, Thầy chủ trương thọ dụng thực phẩm không thấy,không nghe, không nghi chẳng khác gì Nam Tông. Thầy viết kinh sách cố ý đâm thẳng Phật giáo phát triển gây chia rẽ tôn giáo với mưu đồ định làm “bá chủ”.

 Đây vừa là lời lên án vừa là lời kết tội Thầy. Họ dựa trên cơ sở Thầy quá khắt khe việc giữ giới ăn ngày một bữa và lời chỉ trích thẳng thắn của Thầy trong kinh sách khi đề cập đến Phật giáo phát triển.

Tuy nhiên họ đã quên rằng ăn ngày một bữa là giới luật Phật đưa ra, chứ không phải Thầy đưa ra. Nếu nói pháp môn Thầy tu quá khổ hạnh hành xác thì tại sao vẫn có nhiều người tu theo Thầy trong số, có cả cụ già và tầng lớp giới trẻ như chúng con? Nếu ai đã một lần đến tu viện Chơn Như hãy quan sát tất cả tu sinh xem có phải ai cũng gầy còm, ốm yếu, lực kiệt trí mòn không? Hay tu sinh đang sống trong cảnh giới Phật. Trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự?

Còn việc thọ dụng thực phẩm không thấy, không nghe, không nghi có nghĩa là được phép ăn mặn như Nam Tông. Có ai thấy Thầy Thông Lạc thọ dụng thực phẩm động vật bao giờ?

Tu theo Thầy thời gian ngắn con hoàn toàn phủ nhận lời lên án của Phật giáo phát triển. Còn lời kết tội “Thầy viết kinh sách cố ý đâm thẳng Đại Thừa gây chia rẽ tôn giáo với mưu đồ định làm bá chủ”, nói như thế chẳng khác nào Thầy Thông Lạc dùng bút như dùng cung bắn từng tu sĩ ngoại đạo, tâm danh lợi cao ngút ngàn với“mưu đồ định làm bá chủ”.

Nghe điều này con cũng suy tư: Nếu như Đại Thừa thực sự tốt thì sợ gì người ta nói xấu? Thầy vạch lỗi, chỉ trích Đại Thừa ở những lỗi nào, điều nào mà so ra thực tế có đúng như vậy không hay là Thầy Thông Lạc cố ý bịa chuyện, cố tình gây chia rẽ tôn giáo? 

Có người bảo rằng: Tu tập phải có đạo lực để làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Phải nhập được Bốn Thiền, phải có cõi Cực Lạc, phải có Phật tánh, phải biết ngày giờ chết, sống chết ra đi tự tại v.v.. Nghĩ như vậy các bạn đã đi lạc đề, đối với Phật giáo các bạn không thể nghĩ như  vậy.

Nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo thần thông; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo để làm gạch nối giữa con người và thế giới siêu hình, thành một bản thể thường hằng vĩ đại của vạn hữu; nghĩ như vậy nên vô tình các bạn lý luận đưa ra những triết lý cao siêu tuyệt đỉnh của trí tuệ bát nhã (Tánh không),  biến Phật giáo thành một triết học vi diệu cao siêu để tranh luận hơn thua với các hệ phái khác, tôn giáo khác và cũng chính để lý luận đánh lừa mọi người.

“Kính thưa các bạn! Phật giáo không phải là tôn giáo; không phải một đế quốc, lợi dụng thần quyền cai trị thế giới. Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người. Phật chỉ nhắc lại những gì của con người đã có sẵn, chứ không sáng tạo ra cái gì mới cả mà cũng không bịa đặt ra và thêu dệt những chuyện ảo tưởng, hư cấu, và cũng không sử dụng quyền năng siêu việt của bản thân mình để lừa đảo mọi người khuyến dụ họ theo tôn giáo mình. Cho nên những điều của Phật dạy qua ngôn ngữ thay vì hiểu nghĩa rất tầm thường, giản dị và bình dân thì các nhà học giả Đại Thừa lại hiểu một cách cao siêu, ảo tưởng, hư cấu thành sai nghĩa”. (Trích lời nói đầu trong Văn Hóa Phật Giáo tập IV trang 10)

Con đồng ý với quan điểm của Thầy vì bất cứ tôn giáo nào, hệ phái nào cũng đều khuyên con người ngăn ác, hành thiện, cũng đều công nhận Tứ Diệu Đế của đạo Phật là chân lí. Người nói thế giới Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn mà lại chưa đặt chân đến cõi đó lần nào thử hỏi làm sao con tin? Người lúc sống tạo nhiều điều ác đến khi chết con cháu bỏ tiền thỉnh Tăng, Ni cầu siêu thoát, vãng sanh về cõi giới lành thì còn gì là luật nhân quả?

Con không phải người nhẹ dạ, cả tin khi nghe điều gì ngoài sự hiểu biết của mình, vượt qua khỏi ý thức sang vô thức.

Chính vì thế khi nghe người ta kết tội Thầy con không chỉ tìm đọc hết kinh sách của Thầy mà còn tìm cách gần gũi, về tu viện Chơn Như Thọ Bát Quan Trai với mục đích là dò xét, tìm hiểu.

NHỮNG GÌ CON ĐÃ THẤY

1)        Đó là những trang tiểu sử kể về cuộc đời tu hành quá vất vả gian truân của Thầy trên mạng Internet (nguyên thủy chơn như  nét).

2)        Đó là lời thỉnh cầu Thầy khoan vội nhập Niết Bàn của HT. Thanh Từ, lời ca ngợi sư huynh Thông Lạc “Đại tinh tấn” của Thầy Chân Quang trong quyển Người Chiến Thắng tập 1.

3)        Đó là cái cốc đơn sơ Thầy ở, 3 y vải thô Thầy mặc, đôi dép lào giản dị Thầy mang, một lối sống thanh bần đúng nghĩa “Khất sĩ” của Thầy. Là một Thầy viện chủ đa đoan công việc, thế mà sáng nào cũng cầm cây chổi ra quét sân. Có mấy ai quan hệ, cư xử với chúng thương yêu và bình đẳng như Thầy ?

NHỮNG GÌ CON ĐÃ NGHE?

1)        Lời giảng dạy pháp ôn hòa, từ tốn, lời góp ý khuyên nhủ tế nhị của Thầy những lần con sai phạm phá hạnh độc cư.

2)        Nhưng tiếng reo vui của bao người khi được gặp Thầy, gặp chánh pháp chan hòa với dòng lệ ngân dài trên đôi má.

3)        Sự khẳng định cương quyết chấp hành đúng giới luật, không xem thường những lỗi nhỏ nhặt của Thầy mà đức Phật đã từng dạy: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”.

NHỮNG GÌ CON ĐÃ BIẾT

1)        Nếu Thầy là người thực sự tham danh thì Thầy đã phơi bày những thần lực siêu phàm của A La Hán để thu hút Phật tử về phía mình cớ chi phải đuổi hết những đệtử đòi theo Thầy học thần thông sang Tây Tạng mà học. Cớ chi Thầy chịu nhọc nhằn, ghi từng lời dạy đạo đức làm người; cớ chi Thầy giữ bất động tâm trước những lời lên án và kết tội vô căn cứ của Đại Thừa.

2)        Pháp môn tu của Thầy đưa đến giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết – bốn nỗi khổ của kiếp người.

3)        ĐểPhật tử vững chắc niềm tin nơi Thầy, nên con xin Thầy kể rõ tiểu sử để con viết bài “Những sự thật về Thầy Thông Lạc”. Thầy từ chối lời thỉnh cầu của con cũng như của M.H xin Thầy được viết tiếp người Chiến Thắng tập 2, Thầy bảo: “Các con làm thế thì đời sẽ hiểu lầm Thầy là người tu mà còn tham danh lợi. Nếu con muốn ghi tiểu sử của Thầy thì hãy đợi sau này Thầy tịch rồi viết”.

Lời thỉnh cầu thiết tha của con tuy bị Thầy từ chối nhưng con rất vui vì biết được Thầy mình không phải là người có tâm danh lợi ngút ngàn như các học giả phát triển bàn tán.

Sau thời gian dài tầm đạo con đã cảm thấy chán nản và mỏi mệt. Nay con quyết định dừng chân tại tu viện Chơn Như. Con muốn được xuất gia làm đệ tử của Thầy. Kính xin Thầy xót thương mà thâu nhận con.

Mục đích con muốn xuất gia với Thầy không cầu học thần thông làm A La Hán mà con chỉ cầu học nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người.

Kính bạch Thầy!

Ngày 23 tháng 8 con cùng đoàn từ thiện TP.HCM đến cứu trợ đồng bào miền Trung bị hạn hán. Con nhìn cảnh sống của người dân Hơrê, Bana ở đây chẳng khác nào tại địa ngục thế gian: trời nắng gắt thật oi bức, khó chịu thiếu nước, thiếu lương thực trầm trọng, cỏ cây khó vươn mình giữ mầm xanh sự sống, con không thể cầm lòng trước cảnh đói khổ của họ. Nếu có thể con xin được đưa vai gánh thay họ những nỗi khổ đau đó.

Đối với con niềm vui của chúng sanh chính là niềm vui của con, nỗi khổ của chúng sanh chính là nỗi khổ của con. Những thực phẩm con chu cấp cho họ bất quá chỉ cứu khổ họ trong một tháng chẳng bằng khuyên họ sống thiện, làm thiện đặng chuyển nghiệp nhân quả – cứu khổ họ đời đời. Nhưng hai con người, hai thế giới, hai tiếng nói khác nhau con biết giúp họ làm sao đây?

Xe lăn bánh trở về thành phố mà lòng con nhói đau, nước mắt con tuôn trào vì từ nhỏ tới lớn con chưa từng nhìn thấy cảnh người ta sống khổ sở như thế này Thầy a!

Mục đích con muốn xuất gia theo Thầy trước cứu độ mình, sau cứu độ người thực hành theo hạnh nguyện tự lợi lợi tha. Con thiết nghĩ: Nếu đời này con không quyết tâm tu tự giải thoát cho mình thì làm sao con thấu suốt lộ trình giải thoát để dẫn dắt cho người?

Con muốn sống một cuộc đời đạo đức – đạo đức thực sự.

Con muốn đem đến niềm an vui hạnh phúc cho muôn loài.

Con muốn nhân loại đối xử với nhau bằng tình người đừng tranh đấu sát hại lẫn nhau, đừng làm khổ nhau.

Con sẽ phá tan cõi Địa Ngục tại Ta Bà.

Con dám đánh đổi cả mạng sống của mình để đạt thành tâm nguyện đó. Nhưng đứng giữa muôn ngàn cái khó Thầy có thể từ bi trợ duyên giúp con không?

Con đề cao đạo đức, ca ngợi đạo đức và chỉ muốn mình là một con người sống có đạo đức.

Kính xin Thầy xót thương mà hóa độ cho con.

TP HCM, ngày 27/8/ 2005

Kính bút

N.C