Skip directly to content

BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Bản thể tuyệt đối là gì? Người xả tâm sạch, có phải đạt được bản thể tuyệt đối hay không? Thỉnh Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp:Với trí hữu hạn của con người, mà đòi hiểu bản thể tuyệt đối của vạn hữu, cũng như dùng mắt thường mà muốn tìm thấy vi trùng trong ly nước. Do đó cả thế gian hiện giờ, người ta xây dựng bản thể tuyệt đối bằng “tưởng tri”.

Bởi vậy, con người với trí hữu hạn không hiểu, lại không chịu không hiểu, rồi dùng tưởng tri để hiểu, nên hiểu sai tất cả, mà cứ ngỡ rằng mình là hiểu đúng, rồi đem truyền dạy cho người khác cũng hiểu như vậy. Từ đó thế giới tưởng thành hình, mọi người ai cũng tôn thờ và cung kính, xem như một thế giới vĩnh hằng bất biến của loài người.

Người xả tâm sạch, không phải đạt được bản thể tuyệt đối, mà chỉ mới làm chủ tâm mình (ly dục ly ác pháp). Đối với đời sống hằng ngày, không còn phiền não đau khổ, thương, ghét, giận hờn, hận thù, v.v..

Trong bốn cái khổ của kiếp người, họ mới làm chủ được một cái, trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, họ còn phải tu tập nhiều nữa.

Bản thể tuyệt đối, do các tôn giáo khác tưởng ra như: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Bà La Môn, v.v.. Riêng đạo Phật biết đó là tưởng tri của loài người và của các tôn giáo khác, nên Ngài nhắm vào mục đích khác, để giải quyết bốn nỗi khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết”.

Sau khi giải quyết bốn cái khổ của kiếp người xong thì đức Phật xác định: “sanh đãtận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa. Đến đây nếu ai có hỏi: Còn có cái gì không? Nếu nói còn, tức là chấp thường, chấp ngã, nếu nói không thì chấp đoạn.

Bởi vì, trí hữu hạn của con người, đừng nên hiểu xa hơn, mà chỉ biết tu tập như thế nào để thoát khổ của đời người là hạnh phúc lắm rồi. Theo mục đích của đạo Phật là như vậy, còn tìm hiểu thêm thì hiểu sai và hiểu sai thì lại sanh ra chấp đắm, tạo nhiều điều đau khổ và còn đau khổ nhiều hơn. Vì chính hiểu sai (vô minh) sự vật, nên đã lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thật có, vì thế mới tạo ra muôn vàn đau khổ cho nhau.

Bây giờ đã thoát khổ mà lại hỏi, còn có hay không thì thật là điên đảo. Không còn chỗ nói được, đã giải thoát hết kiếp khổ của đời người mà hỏi có còn gì không. Chỗ này trí phàm phu, ai hiểu sao cứ hiểu, còn người tu đến đó, có trí vô hạn thì hiểu rõ ràng, kẻ không tu mà muốn biết, cố tìm hiểu cũng chỉ tưởng hiểu mà thôi (hiểu sai bét), và sự hiểu sai đó tạo ra sự mê tín, lạc hậu của những con người cổ xưa, mà bây giờ chúng ta còn giữ mãi, không dám bỏ những cái sai đó, thật là ngu si điên đảo.

Trong thời đại văn minh khoa học như thế này, mà con người còn tin bản thể tuyệt đối. Cách đây 2548 năm Đức Phật đã xác định, qua bài kinh “Pháp Môn Căn Bản”. Lúc bây giờ con người còn lạc hậu, dân trí còn thấp kém, sự hiểu biết chưa có khoa học chứng minh cụ thể, nên dùng tưởng tri quá nhiều, biến thành một thế giới siêu hình vĩ đại, điều khiển thế giới hữu hình, từ đó con người đã lạc vào thế giới mê tín, trừu tượng. Còn bây giờ chúng ta như thế nào? Cũng sống trong tưởng tri nữa sao? Cũng lạc hậu như những người xưa nữa sao? Trong khi khoa học tiến triển hiện đại hóa đời sống con người mà còn dại khờ, ngu ngốc để kẻ khác lừa đảo, lường gạt lặp lại những bài vở lỗi thời.

 Đời sống con người đầy đủ vật chất tiện nghi, bệnh đau có bệnh viện, có bác sĩ chăm sóc, có thuốc thang đầy đủ, cớ sao lại còn lạc hậu mê tín, tin vào cái thế giới siêu hình ấy, để tự làm khổ mình và người khác, phỏng có ích lợi gì. Thật là ngu si vô minh không chỗ nói.

Chân lí của đạo Phật là gì? Là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si là tâm không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là chân lí thứ ba của Phật giáo. Cho nên Phật và A La Hán đều chứng đạt chân lí này, chứ không phải bản thể tuyệt đối mơ hồ của ngoại đạo.