20090816 - PHẬT PHÁP TU HÀNH KHÔNG KHÓ
20090816 - PHẬT PHÁP TU HÀNH KHÔNG KHÓ
Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 16/08/2009
Thời lượng: [45:08]
1- NHỜ HIỂU NHÂN QUẢ MÀ GIẢI THOÁT
Trưởng lão: Mấy con xá Thầy được con, ngồi ghế đi con. Hôm nay mấy con có duyên về thăm Thầy mấy con. Mấy con có hỏi Thầy việc gì không?
Phật tử: Con đến đây có một cái nhân duyên, cũng có mấy chị lên, để đảnh lễ Thầy. Mong Thầy ban cho tụi con một đôi lời pháp nhũ ạ.
Trưởng lão: Cái phương pháp mà tu theo đạo Phật, nó không có khó mấy con. Nhưng tiếc vì cái Tu viện của mình chưa xin phép được mở cái lớp học. Bởi vì đầu tiên mình phải triển khai cái tri kiến nhân quả, đạo đức nhân quả đó con. Tức là mình phải hiểu biết về nhân quả. Mọi một cái sự việc mà xảy ra trong gia đình của mình hay hoặc là bất cứ một cái tai nạn nào xảy ra đều là do nhân quả. Không nhân thì nó sẽ không quả, mà hễ có nhân thì phải có quả. Tức là mình có làm một cái hành động gì đó trong quá khứ thì hiện tại này, mình phải thọ lấy cái quả. Nếu mình làm điều thiện thì mình gặt cái quả vui, còn nếu mình làm điều ác thì mình sẽ gặt lấy cái quả khổ.
(1:06) Thí dụ như ai cũng có thân hết. Mà do cái nguyên nhân nào mà có người thì có thân lại bệnh như thế này, mà người có thân bệnh như thế khác? Nó không giống nhau, đó cũng là nhân quả mấy con, gồm tất cả. Mà học nhân quả nó đỡ lắm, là tại vì khi mình hiểu nhân quả rồi, có một cái người nào đó người ta mắng chửi mình, mình thấy đây là nhân quả. Biết đâu kiếp trước mình cũng chửi người ta giờ người ta chửi lại, thì mấy con thấy không giận. Chớ không khéo mấy con sẽ tức giận, mấy con có hiểu không?
Cho nên học về nhân quả, mà học về Đạo Đức Nhân Quả thì nó giúp cho mình sống không làm khổ mình, không làm khổ người. Như hồi nãy Thầy nói, có người mắng mình, mà mình không giận tức là mình không làm khổ mình, mà mình tức giận đó là mình làm khổ mình. Mấy con thấy không?
Cho nên mở cái lớp đó học, ít ra mấy con cũng từ ba tháng đến sáu tháng, để nó bồi dưỡng cho cái sự hiểu biết của mình về nhân quả. Mỗi một cái sự việc xảy ra đều là nhân quả. Như bây giờ trong gia đình của mình, có vợ con hoặc là những người thân của mình đều là do nhân quả. Có vay nợ nhau, mới sanh làm ở trong cái gia đình, mới gặp nhau thành những người thân ở trong gia đình. Cho nên có chuyện gì thì cũng dễ giận buồn phiền, mà không thì cũng dễ nhớ thương. Mà thương nhớ thì cũng khổ, mà giận hờn cũng khổ.
(2:31) Tất cả những cái này đều là do cái chùm nhân quả để mình vay trả mà thôi. Mà khi hiểu thì mấy con thấy nó xả được cái tâm của mình, nó đem lại cái sự bình an cho thân tâm của mình. Cho nên khi mà học cái lớp nhân quả rồi, thì đầu tiên mình sống cũng như bình thường. Nhưng mà mọi chuyện nó xảy ra mình thấy nó không có bị buồn phiền, đau khổ hay lo lắng, đó là cái đầu tiên. Nó đơn giản thôi, chỉ có cái hiểu biết của mình, mình cần hiểu biết nhân quả là mình đã giải thoát rồi. Đã có giải thoát được đời sống của mình.
2- LY DỤC LY ÁC PHÁP CHỨ KHÔNG ỨC CHẾ Ý THỨC
Kế đó thì mình có dịp rảnh rang mình về Tu viện, thì mình xin ở lại trong vòng chừng một tuần lễ. Để rồi ở đó người ta sẽ dạy mình cách thức để mình nhiếp tâm và an trú. Cách thức nhiếp tâm, nếu mình không khéo thì mình bị ức chế ý thức của mình, cái ý của mình. Thường thường là các cái tôn giáo khác nó dạy để cho mình ức chế ý thức. Nhưng mà nó nghĩ rằng: Khi ý thức nó không khởi nghĩ thì nó sẽ là Định, nhưng mà ở đây không phải. Đạo Phật dạy chúng ta ly dục, ly ác pháp, chớ không phải dạy ức chế ý thức.
Như mấy con thấy pháp môn Tịnh Độ dạy mình niệm Phật để nhất tâm, thì mục đích mà niệm Phật cho được nhiếp tâm. Mình chuyên cái câu niệm Phật, dùng cái câu niệm Phật để cái ý thức của mình nó không còn khởi nghĩ một cái niệm nào hết thì mới gọi là nhất tâm niệm Phật, có hiểu không? Chứ giờ mình đang niệm Phật mà có cái niệm khác khởi nghĩ thì đâu phải nhiếp tâm được, phải không?
Còn về Thiền Tông thì nó cũng dạy cho mình như những cái phương pháp như “biết vọng liền buông” như Hòa thượng Thanh Từ dạy đó. Mình buông hết vọng thì nó, tức là nó không còn cái niệm nào, cái vọng tưởng nào hết. Cứ hễ có cái niệm nào khởi ra cứ buông hết, thì cuối cùng thì để lại cho tâm chúng ta hoàn toàn nó không niệm. Nhưng mà cái không niệm đó nó lọt trong Không Tưởng, chứ nó không phải là không niệm được.
3- TÁC Ý TÂM VÀO BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ
(4:24) Trái lại, đức Phật dạy chúng ta đó ly dục, ly ác pháp, bằng phương pháp Như Lý Tác Ý để cho cái lậu hoặc, tức là cái đau khổ của thân và tâm nó không còn nữa. Đức Phật dạy: “Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”, cái phương pháp tu, dạy cái phương pháp tu. Hằng ngày mình tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Rồi mình ngồi im vậy chứ một chút nó có niệm, nó có cái niệm của nó. Khởi cái vọng tưởng, thì mình lại nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nghĩa là mình chấp nhận cái sự thanh thản, an lạc của cái tâm của mình thôi, cái tâm không có nghĩ ngợi gì hết. Mình chấp nhận nó, nhưng mình không diệt nó. Mình không dùng một cái đối tượng nào để mình diệt cái ý thức, nhưng mà mình chỉ tác ý thôi.
Cho nên mình tác ý, cái ý thức của mình tác ý. Bởi vậy mình tác ý: “Tâm bất động”, tức là cái ý của mình tác ý ra cái câu đó. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc vô sự” nhắc nó thôi. Rồi mình ngồi im lặng chứ mình không dùng cái gì để cho nó hết vọng tưởng. Ngồi im lặng để thấy sự im lặng đó là bất động.
Rồi nó có một cái niệm nữa thì mình lại tiếp nữa. Suốt ngày mình cứ mình làm cái công việc đó, cho đến cuối cùng thì nó ly hết. Nhưng mà mình xét thấy cái tâm của mình: Sao lại nó hay khởi cái niệm này nhiều mà cái niệm kia ít? Thì cái niệm nào nhiều, mình thấy cái niệm đó nó do cái tham, sân, si, mạn, nghi. Nó lo lắng, nó thương nhớ thì mình biết đây cái niệm thương nhớ ái kiết sử, thì mình dùng một cái câu tác ý cho đúng với cái câu đó.
Cái niệm, mình cứ nhớ cái người này nói mình thế này, người nọ nói mình thế này, nó làm cho mình tức thì đây là cái niệm sân. Cái niệm hồi nãy mình thương nhớ là niệm ái kiết sử, còn cái niệm này là cái niệm sân. Nó cứ nhớ cái người mà, hôm qua cái ông đó hay hoặc là cái anh đó ảnh nói nghe nó khó nghe quá. Tức là cái mục đích mà khó nghe đó, thấy người ta nói mà mình thấy nó chướng ngại mình á, đó là cái niệm sân mấy con, niệm sân.
Mà muốn cho nó hết thì nó cũng không khó. Mình biết cái niệm ái kiết sử thì mình sẽ tác ý cái câu. Cũng như hồi nãy mình nói “Tâm bất động”. Đó là nó không có cái niệm nó không đáng, mà bây giờ cái niệm mình thấy được cái tâm của mình ái kiết sử. Mình ái kiết sử thì mình tác ý. Mình tác ý cái câu để cho mình lìa cái ái kiết sử. Mình tác ý: “Ái kiết sử là nhân là quả mới gặp nhau, để thành ra có những cái duyên thương nhớ nhau thì đây là nhân quả hãy bỏ đi”.
Mình nhắc nó “Hãy bỏ đi”. Rồi bắt đầu “Quán ly kiết sử, tôi biết tôi hít vô, quán ly kiết sử, tôi biết tôi thở ra”, ly là lìa đó con. Mình nhắc nó, thì mình hít vô thở ra biết hơi thở vô ra. Rồi mình nhắc: “Quán ly kiết sử, tôi biết tôi hít vô. Quán ly kiết sử, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mình lại hít vô thở ra một hơi thở nữa, rồi mình lại nhắc nữa, như vậy mình tu ba mươi phút thôi. Nhưng một thời gian sau thì mình lại không nhớ. Mình không nhớ, mình không có thương ghét ai nữa hết, thấy rất bình thường.
(7:32) Đối với mọi người trong gia đình mình cũng làm hết bổn phận. Nhưng nó lo lắng cho một người nào nhiều nhất thì nó không lo đâu, nó không có đau khổ nữa, đó là nó ly. Còn bây giờ cái tâm mình nó hay dễ giận hờn. Như bây giờ mấy quý Phật tử về đây thăm Thầy, mà thấy cái tâm mình nó, ai nói gì nó trái ý mình cái nó dễ tức giận.
Mà giờ muốn cho nó hết thì mình cũng có cách thức mình tu tập. Vì trong Định Niệm Hơi Thở khi quý Phật tử trở vào trong chùa ở trong đó, xin cái tập sách “Mười chín cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở”. Rồi về mình đọc nghiên cứu cái đó. Rồi coi những cái đề mà cái tâm mình nó hay bị, nó bị chướng ngại thì mình dùng cái đề mục đó để mình tu, mình xả ly nó.
4- NƯƠNG VÀO HƠI THỞ ĐỂ TÁC Ý
Ví dụ tâm mình dễ sân: “Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mình hít vô thở ra, rồi mình tác ý nữa. Mà cứ một ngày như vậy đó, mình chỉ buổi tối đó, mình rảnh đó, mình ngủ đó, trước khi ngủ mình tu ba mươi phút thôi. Khuya mình dậy mình tu ba mươi phút thôi. Nhưng không ngờ mình tu tập trong một tháng hay ba tháng như vậy, thì bắt đầu bây giờ ai nói gì mình không biết giận. Tức là tâm cái tâm sân nó ly hết rồi mấy con. Tự mình tác ý nó ly, bởi vì đức Phật nói: “Có Như Lý Tác Lý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh bị diệt”. Bây giờ trong tâm mình có cái tâm sân rồi, ai nói chướng ngại là nó sân. Mình cứ tác ý riết cái nó ly ra. Nó ly hết, rồi bây giờ ai nói gì nó không sân.
(9:02) Phật pháp nó có phương pháp mấy con. Đó là cách thức để đem đối trị, để đem lại cái sự bình an cho thân tâm của mình. Còn giờ cái thân của mình mà có bệnh. Nó có bệnh đau nhức, bất kỳ nhức đầu hay đau bụng gì đó mà mình muốn đẩy lui cái bệnh đó mà khỏi uống thuốc, thì mấy con phải nhiếp tâm. Nhiếp tâm trong hơi thở bằng cách là mấy con cũng tác ý.
Cái thân của mấy con bị đau nhức mấy con lưu ý cái này là giúp đỡ mấy con nhiều lắm, học nó mấy con. Nó đau nhức, như bây giờ nhức cái đầu, thì cái tâm mấy con nó sẽ tập trung ở trong cái chỗ đau nhức cái đầu. Nó cứ biết đau nhức cái đầu, thì mấy con nhắc: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”, mấy con nhớ câu “An tịnh thân hành” mấy con. Nghĩa là bảo cái thân này nó an ổn lại, đừng có đau nhức, con hiểu không?
“An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”, rồi mấy con sẽ hít vô thở ra. Mình tập trung trong hơi thở vô ra mình thở, rồi mình lại nhắc nữa, phải không? Mình nhắc một hơi cái mình làm, mình cứ nhắc rồi mình hít thở, nhắc hít thở, nhắc hít thở. Mình cứ chuyên làm đi, còn nhức thây kệ nó, một hơi cái sao nó quên nhức. Nó quên nhức thì con lưu ý lại, thì thấy hết nhức đầu. Tại cái câu đó nó tác ý, nó làm riết đó, mình cứ lo cái chuyện mà mình thở với mình tác ý này thôi, còn nó nhức thì mặc nó. Thì chừng khoảng độ chừng một tiếng đồng hồ hoặc là hai tiếng thì cái bệnh của con nó sẽ lui, nó lui.
Nếu cái bệnh nhẹ thì nó lui mau, còn cái bệnh nặng thì nó lui lâu. Bệnh nặng ví dụ như bệnh ung thư hoặc là bệnh bán thân này kia. Những cái bệnh nặng hay là nhồi máu cơ tim đồ đó, bệnh mà ở trong tim, gan, phèo, phổi mình, thì mấy con phải bền chí trong một ngày cho đến bảy ngày, thì bệnh nó cũng lui con, bởi vì bệnh nặng. Còn cái bệnh như cảm, nhức đầu hay này kia, mấy con ngồi làm một hơi hết, nó mau, bởi vì bệnh đó bệnh sơ, các con hiểu chưa? Đó là cách thức đối trị bệnh, đối trị bệnh.
(11:08) Còn mấy con lớn tuổi rồi mà cơ thể mấy con yếu đuối, đi nghe coi nó run rẩy, sợ té đó thì mấy con cũng nhắc, mấy con cũng tu tập. Mấy con nhắc: “Thân phải quắc thước, mạnh khỏe, đi đứng vững vàng, không có run rẩy nữa”, phải không? Thì mấy con nhắc nó, rồi mấy con hít vô thở ra, rồi tác ý nhắc nó. Vậy mà nó phục hồi cái cơ thể mấy con già yếu nó không run nữa đâu. Nó mạnh trở lại, nó giúp cho cái cơ thể con. Cho nên Phật pháp hay thật, nó làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà.
Già mà đi đứng vững vàng, không run rẩy đó làm chủ già. Còn đời sống của mình hàng ngày đó, ai chửi, ai mắng gì đó mình không hờn giận, buồn phiền đó là sanh. Sanh là cái đời sống mấy con. Còn bệnh là mình đẩy lui bệnh cũng bằng những cái phương pháp hơi thở, mình đẩy lui nó. Chết là mình phải ở trên cái phương pháp Tứ Niệm Xứ, tâm mình giữ bất động. Như hồi nãy Thầy nói: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc vô sự”, đó là trên Tứ Niệm Xứ đó con. Kéo dài cái thời gian mà tâm bất động đó bảy ngày đêm, thì mấy con sẽ đủ cái khả năng mà làm chủ. Cái tâm mà bất động đó, nó sẽ có cái Định Như Ý Túc, cái Định như ý mình muốn.
Cho nên mình muốn hơi thở này tịnh chỉ, thì nó ngưng lại mấy con. Nó ngưng lại, tức là nó ngưng lại nó chết. Mà nó chết trong cái trạng thái của Thiền Định, cho nên nó làm cho thân tâm mình nó an ổn vô cùng. Chứ không phải như một người mà bị bệnh mà thở không được, nó tức tối, nó khổ sở. Còn cái này mình vào Định, mình ở trong cái trạng thái Định.
Cho nên mình bảo, mình tác ý mình bảo, mình muốn chết: “Tịnh chỉ hơi thở, thân này với tâm này phải tịnh chỉ hơi thở, vào trạng thái Tứ Thiền”. Thì lúc bấy giờ cái thân tâm của mình nó vào trạng thái Tứ Thiền, cái hơi thở đó nó ngưng. Nó ngưng rồi thì bắt đầu mình xuất cái trạng thái của Tứ Thiền đó, để vào cái trạng thái bất động, thì bắt đầu mình nói: “Hãy ra cho khỏi cái trạng thái của Tứ Thiền vào cái tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự”. Thì lúc bây giờ, toàn cả cái tâm của mình nó sẽ vào cái “Tâm bất động, thanh thản”, tức là vào Niết Bàn đó. Nó bỏ cái thân người ta chôn cất. Nó tự tại như vậy đó mấy con. Cho nên chỉ có tập thôi mấy con.
Cho nên mấy con thấy Thầy cũng lớn tuổi rồi, nhưng mà không bao giờ mà cái thân nó bị bệnh đau. Rồi đi thì mấy con thấy nó vững vàng, không run rẩy, yếu đuối, không phải cần chống gậy. Thành ra nó khỏe lắm! Cho nên mấy con có thân mấy con ráng tập mấy con, chỉ có tập luyện. Còn cái gì mà không biết đó, thì mấy con chịu khó về hỏi Thầy, về hỏi Thầy. Rồi mấy con về tập, về hỏi rồi tập, riết mấy con đạt được những kết quả, kết quả tốt. Nó có vậy thôi mấy con, đạo Phật mà.
(13:50) Thầy nhắc lại, khi mà đức Phật còn là Thái tử, đi ra bốn cửa thành thấy bốn sự đau khổ. Mấy con đọc lại lịch sử đức Phật, bốn cái sự đau khổ. Cái đức Phật về khắc khoải trong lòng lắm! Con người ai cũng có bốn cái sự đau khổ này sinh, già, bệnh, chết mà. Thành ra đức Phật tư duy suy nghĩ, cuối cùng đức Phật nói: “Phải làm sao? Mình đi tu làm sao để làm chủ được bốn cái sự đau khổ này, để cứu mình ra khỏi sự đau khổ? Mà cũng là có thể nhân loại, có thể sau này cũng biết được cái phương pháp thoát ra khỏi bốn sự đau khổ”.
Cho nên đức Phật mới tư duy suy nghĩ, cuối cùng mới bỏ vợ con. Mặc dù là người vợ mới có sinh đứa con còn nhỏ. Nhưng mà đức Phật nghĩ rằng: “Một nhà vua thì không lẽ là vợ con mình đói sao?” Còn mấy con bây giờ đi làm hằng ngày sống, mà nếu mà bỏ cho vợ mình có một mình, chắc nó nuôi con, chắc nó chết đó. Cho nên không có bỏ được. Cho nên đức Phật bỏ vợ con là vì mình là vua cho nên nó không có đói, cho nên do đó đức Phật mới bỏ đi tu. Sau khi đi tu mà chứng đạo rồi thì Ngài mới trở về cung nhà vua để mà hướng dẫn vợ con mình và vua cha tu tập, con thấy không? Đâu có bảo là người bất hiếu đâu.
Sau khi tu xong rồi thì đức Phật tuyên bố là đức Phật sẽ về thăm gia đình. Thì vua cha được tin cái cho các quan đến thỉnh đức Phật. Nhưng mà các quan đến thỉnh đức Phật, thì nghe đức Phật thuyết pháp một thời cái xin ở luôn đó chứ không về nữa. Nghe hay quá! Cho nên bỏ cả gia đình, cả quan chức của mình bỏ hết, xin ở. Mà nhà vua sai mấy đợt quan đến mà thỉnh đức Phật, cuối cùng thì đức Phật chấp nhận, đức Phật về thăm chứ không phải không. Bởi vì bây giờ đức Phật tu chứng rồi người ta biết, người ta đến, người ta nghe Phật thuyết pháp đó, thì không lẽ mình bỏ đi được. Cho nên từ từ mới về được. Nhưng mà khi về được thì độ vợ con đều chứng quả A La Hán hết mấy con.
(15:59) Nó đơn giản, Thầy thấy Phật pháp đơn giản, không có khó mấy con. Chỉ có mình bền chí mình tập luyện thì được thôi, không có gì hết. Mà phải biết cách chứ không khéo mình bị lọt ở trong cái tưởng con, cái tưởng. Bởi vì mình dễ diệt cái ý thức của mình lắm. Thí dụ như mình ngồi đây mà mình nương hơi thở. Cho nên các con thấy, hồi nãy giờ Thầy dạy mấy con thấy đâu có bỏ ý thức. Ý thức mình còn tác ý mà.
Còn mình ngồi đây mình cứ biết hơi thở ra, biết hơi thở vô, cứ biết duy nhất có hơi thở, coi chừng ý thức bị diệt. Còn cái này Thầy tác ý mà “Hít vô, tôi biết tôi hít vô. Thở ra, tôi biết…”, thì Thầy còn tác ý thì ý thức Thầy làm sao diệt? Nhưng mà Thầy hít vô thở ra thì nó đâu có vọng tưởng, các con hiểu chưa? Ý thức nó còn, mà ý thức nó dẫn. “Ý làm chủ, ý dẫn đầu các pháp” mà. Nó dẫn cho Thầy vào trong cái tâm mình bất động, nó dẫn cho mình vào chỗ cái hơi thở. Cho nên cái ý thức nó dẫn đi, thì tác ý là nó dẫn đi chứ sao, các con hiểu chưa?
Thành ra mình nhớ cái ý thức là dùng nó để mình chủ động mình điều khiển, chứ không phải để cho nó tự động. Còn bây giờ mấy con, cái ý của mấy con nó tự động lắm. Nó ngồi đây cái bắt đầu nó muốn nhớ gì nó nhớ hay hoặc là nó muốn nghĩ gì đó nó nghĩ, tức là nó tự động nó nghĩ, nó nhớ. Còn Thầy thì không được, Thầy bảo “Vô hơi thở thì biết hơi thở thôi”. Cũng để cái ý thức làm việc nhưng nó không diệt nó, nhưng nó làm theo cái ý của mình, có phải không mấy con? Nói nó vậy nó mới làm chủ. Đó, cũng như bây giờ Thầy muốn cho cái thân này đừng bệnh, Thầy bảo: “Cái thân này không có bệnh nha, mà phải bất động, thanh thản, an lạc cho Thầy”. Thì nó sẽ bất động, an lạc cho Thầy, chứ Thầy có diệt cái ý thức đâu. Tại Thầy bảo thì nó không có tự phóng ra được cái tự động nó được, phải không? Mà cái ý thức Thầy không diệt. Còn mấy con lơ mơ thì mấy con diệt cái ý thức. Cho nên nó không phóng niệm ra coi chừng mấy con lọt trong Không.
Còn Thầy thì không mất ý thức, mà lại nó không niệm. Nó không có niệm tự động mà cái niệm chủ động của Thầy, Thầy điều khiển nó. Cho nên mình làm chủ tâm là điều khiển nó đó mấy con. Làm chủ thân là sai nó không có được yếu đuối, run rẩy. Làm chủ thân là bảo nó đừng có bệnh, đó là làm chủ thân.
Còn làm chủ tâm thì: “Tao muốn làm thì mày phải làm theo, chứ còn mày tự động, mày dẫn tao nghĩ nhớ cái này kia thì không được”, đó là cái vọng tưởng. Tâm mấy con thì nó dẫn mấy con đi tứ tung, còn Thầy thì nó không dẫn được. Cho nên mấy con tập mấy con. Tập là mình làm chủ nó được, không có khó, có vậy thôi mấy con.
5- NHẬN BIẾT VÀ XẢ LY CÁC TRẠNG THÁI TƯỞNG
Phật tử: Mô Phật, thưa Thầy có lúc là con ngồi con theo dõi hơi thở mà thấy nó nhiếp, mà nó an ổn theo từng hơi thở vô ra mình rõ, mình biết là đó là đúng hả Thầy?
Trưởng lão: Đúng con.
Phật tử: Dạ, thấy mà nó nhiếp tâm, mà thấy nó thanh thản, nó an lạc dữ lắm! Nhưng mà mình không có bị tưởng như hồi xưa nữa. Hồi xưa con ngồi có một lát cái con không thấy cái đùi con nó đâu nữa hết trơn á.
Trưởng lão: Nó mất á, nó mất nó bị tưởng rồi đó.
(18:50) Phật tử: Dạ cái đó bị tưởng hả Thầy? Cái này con bị nhiếp vô hơi thở mà vô ra, mà khi mà thời gian nó trôi qua ba mươi phút, mà con không, không biết là nó ba mươi phút nó đã trôi qua, nhưng mà lúc nào mình cũng an ổn vô ra cái hơi thở là mình biết là nó…
Trưởng lão: Gọi là khinh an đó con. Tức là mình nhiếp tâm mình được trong hơi thở rồi, thì tự nó phải khinh an, nó khinh an. Như vậy, nhưng mà lần lượt mình tập cho nó tăng dài ra, thì tốt. Ban đầu nó còn ngắn con, sau đó…
Phật tử: Mô Phật, thưa Thầy! À không phải nhất thiết là lúc nào khi mà cái tâm mình an là mình không có tác ý nữa hả Thầy?
Trưởng lão: Không.
Phật tử: Dạ, chừng nào nó không an mình mới tác ý.
Trưởng lão: Đúng rồi! Nó an trú. Bởi vì nhiếp tâm rồi an trú. Mình nhiếp tâm là mình tác ý, mà khi an trú rồi thì thôi cứ để yên nó.
Phật tử: Dạ, chứ thì mình không có tác ý.
Trưởng lão: Tác ý nữa nó động, nó không an trú.
Phật tử: Dạ, con hiểu rồi.
Trưởng lão: Bởi vậy nó nhiếp tâm, rồi an trú. Hễ mình tập nhiếp tâm rồi, rồi sau đó nó an thì thôi mình không có tác ý nữa.
Phật tử: Khi nào động quá thì mình mới đứng dậy mình đi kinh hành phải không thưa Thầy?
Trưởng lão: Động với buồn ngủ con.
Phật tử: Dạ, hôn trầm nó tới là mình phải đi kinh hành.
Trưởng lão: Đi kinh hành.
Phật tử: Còn nếu mà mình ngồi mà tỉnh táo sáng suốt, lúc nào mình cũng an trú trong vào hơi thở là mình không có cần…
Trưởng lão: Không cần đi. Con cứ ngồi đó, để cho nó an trú cái tâm mình ở trong cái chỗ tâm bất động đó, nó là tốt nhất rồi. Cách thức tu tập như vậy, mà cứ kéo dài. Nếu mà con kéo dài cái trạng thái an trú đó khoảng bảy ngày đêm thì con đủ cái sức làm chủ sự sống chết con rồi đó. Trạng thái bất động đó là cái trạng thái đó nó đủ cái năng lực của con, để làm chủ thân tâm con, lúc nào muốn nó làm gì nó làm theo. Nó hay lắm! Nó đơn giản quá!
Mà điều nó khó tập. Giữ được cái tâm mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự như vậy đó, mà nó từ ba mươi phút cho đến một giờ, hai giờ, ba giờ, những cái thời gian đó coi vậy chứ phải tập ghê lắm. Sau đó nó được chừng ba đến bốn tiếng đồng hồ sau thì nó dễ rồi, nó dễ tăng cái thời gian dài, nó dễ. Đầu tiên mà tăng lên được một giờ cũng thấy khó, rồi hai đến ba tiếng đó mấy con thấy nó phải dụng công lắm!
Còn sau đó mà nó được từ ba tiếng, sáu tiếng một ngày đêm rồi, thì nó dễ lắm mấy con. Mấy con chỉ cần nhắc nó cái, nó ngồi im mà nó an trú một cách rất kỳ lạ lắm! Nó kéo dài hoài. Mà cái thời gian mình không thấy nó lâu. Mà ngồi suốt ngày vậy chứ mà không thấy nó, bởi vì nó đâu có mỏi mệt gì đâu, nó an trú mà. Thành ra suốt ngày vậy mà thấy như, dường như có mấy phút à, nó quên cái thời gian hết đi. Còn giờ mà ngồi, ráng ngồi một giờ nghe nó lâu quá!
Phật tử: Còn con sợ bị vô cái tưởng, rồi cái con mới bị cái tưởng nó dẫn đi, con không hay. Nhưng mà con kiểm tra lại, con kiểm soát lại là lúc nào con cũng an trú trong cái hơi thở, rồi cái, rồi thấy sao ủa thời gian qua lẹ quá! Mà sao thấy vẫn nó an lạc nhưng mà không bị cái tưởng nó dẫn nữa.
Trưởng lão: Vậy đó, đúng đó con. Cái tưởng á, thứ nhất là nó hiện ra hình ảnh. Con ngồi đây chứ nó hiện ra hình ảnh cái người này, người kia. Nó hiện ra cái bóng dáng hoặc là nó hiện ra cái âm thanh con, ở trong tai nghe như ai nói gì đó. Đó là nó hiện ra âm thanh, Thinh tưởng. Rồi khi mình tu được vậy rồi, nó hiện ra pháp tưởng con. Nó hay đi thuyết giảng, nó nói cái kiểu của nó đó. Nó gặp ai nó cũng thích nói, đó là mình bị pháp tưởng là mình dừng ngay liền: “Mày, tao biết mày pháp tưởng rồi, tâm mới có yên một chút mà đi ra muốn làm Thầy đây”. Cái bản ngã rồi, nó lộ ra đó. Thành ra nó bị pháp tưởng, cái gì nó lộ ra mình cũng biết hết con.
(22:20) Bây giờ nó có tới mười sáu cái loại tưởng, nhưng mà đầu tiên thì nó có tám cái loại tưởng. Đầu tiên nó xuất hiện ra cho mình: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tưởng. Nó có sáu cái, nó xuất hiện trước. Còn tất cả những cái khác nó sẽ lần lượt nó xuất hiện, nó vi tế hơn. Còn sáu cái này nó thô hơn, nó ló cái mặt ra cái mình biết, biết liền.
Phật tử: Có lúc con ngồi con tịnh tâm, mà con nghe có tiếng văng vẳng, văng vẳng tiếng đàn bà, tiếng nữ, tiếng nam nói lung tung hết trơn là do cái tưởng của mình nó xuất ra.
Trưởng lão: Cái tưởng đó con, Thinh tưởng đó con. Hoặc mình ngồi mà mình nghe tiếng nó ù ù, đó tiếng gió cũng bị Thinh tưởng hết, Thinh tưởng.
Phật tử: Lúc đó mình có thể đẩy, tác ý đẩy đi không hả Thầy?
Trưởng lão: À, mình tác ý đuổi con, đừng để, tác ý mình đuổi: “Đi đi, ở đây tao biết mày là Thinh tưởng, tao không có nghe đâu. Đi!”. Mà nó không đi, con đứng dậy con đi một vòng cái nó hết. Cái con ngồi lại nó hết.
Phật tử: Dùng pháp Thân Hành Niệm.
Trưởng lão: Con đi cái nó hết à. Mấy con sẽ xin những mấy tập sách mà Thầy viết đó mấy con về. Nhất là cái bộ sách mà Định Niệm Hơi Thở để biết, rồi mấy con tập. Tập từ từ nương vào hơi thở, nương vào bước đi, tập về pháp Thân Hành Niệm. Tất cả những cái phương pháp đó mấy con tập cơ bản. Khi nào mà có duyên đủ, mấy con về đây, ở đây một tháng hay nửa tháng thì được thưa hỏi Thầy trực tiếp. Rồi để mà các con đi kinh hành hoặc là mấy con ngồi hít thở, Thầy kiểm tra lại giùm cho mấy con coi nó đúng sai. Rồi Thầy sách tấn mấy con tiến tới tu nữa. Tu cho nhiều hơn để mình làm chủ được mấy con.
(23:57) Chứ cuộc đời của mình coi vậy chứ sinh là làm người nó nhiều thứ khổ lắm mấy con. Rồi nó có một thời gian rồi nó chết, chứ nó không phải sống hoài được. Mà cuối cùng mình chết, hiện giờ mình không biết nó đi về đâu, chứ thật sự ra nó tương ưng nó tái sinh mấy con. Mà nó tái sinh bằng nghiệp chứ nó không phải linh hồn mấy con.
Bởi vì hằng ngày mình sống, mình giận hờn, buồn phiền, lo lắng, suy tư thì cái đó là cái nghiệp. Thì cái nghiệp, cái từ trường đó nó tương ưng với ai cũng lo lắng, suy tư, buồn phiền nó làm con họ rồi. Hễ mình bỏ thân này thì cái đó, cái từ trường đó đó, những cái nghiệp đó đó nó đi tái sanh, nó tương ưng nó tái sanh. Còn mình thì không phải có linh hồn đi tái sanh.
Phật tử: Mô Phật, thưa Thầy cho con hỏi câu này nữa hơi xa xôi chút xíu. Theo Thầy, thí dụ cái trí tuệ Tam Minh của Thầy, Thầy quán xét cái thời xưa với cái thời nay của của chúng con nó có khác nhau hay là nó giống nhau thưa Thầy, về cái mà Vô minh thưa Thầy?
Trưởng lão: Nói chung là về cái sức mà hiểu biết, thì con người ngày xưa với con người bây giờ nó cũng giống nhau. Bởi vì con người là có cái bộ óc, bộ óc thì nó vẫn giống nhau. Nhưng mà về cái học hỏi, về cái kiến thức bây giờ đó, thì con người có học hỏi hơn ngày xưa, ngày xưa ít học hơn. Nhưng mà cái sự hiểu biết của ngày xưa người ta hiểu ít, nhưng người xưa tu dễ hơn người bây giờ. Là tại vì bây giờ vật chất nhiều quá, bỏ khó quá! Còn ngày xưa ít vật chất con. Thành ra nội cái ăn không mà người ta thấy chỉ ăn cơm với muối sống là cũng may lắm rồi. Còn bây giờ, mình đủ thứ đồ ăn hết, bỏ ba cái đồ ăn này nó cũng thấy cũng khó đó chứ. Thành ra vật chất bây giờ nhiều lắm mấy con, thành ra nó khó tu hơn hồi xưa.
Phật tử: Thưa Thầy, Thầy cho con hỏi một điều nữa, Thầy lý giải giùm cho con để con hiểu.
Trưởng lão: Được con.
Phật tử: Trong khi mà mình ngồi mình tịnh tâm, mà không có vọng tưởng gì hết. Nhưng mà khi mà tịnh tâm rồi tự nhiên trong cái đầu mình nó nổ một cái bốp, thì mở mắt ra hoảng hồn rồi xả thiền luôn, chứ không có dám ngồi. Đó là hiện tượng gì vậy Thầy?
Trưởng lão: À cái hiện tượng thinh tưởng đó con. Thinh tưởng, tức là con ngồi, cái âm thanh nó nổ cái bốp. Thay vì nó bằng tiếng nói này kia hoặc bằng tiếng gió thổi hoặc bằng tiếng trống kêu hoặc bằng tiếng niệm Phật đều là thinh tưởng hết. Còn nó nổ cái bốp, đó là cũng là thinh tưởng con. Bởi vì tiếng mà, thinh tưởng. Mà trong khi con ngồi không vọng tưởng mà. Cho nên bắt đầu đó, thinh tưởng nó sẽ phát ra. Mà nó…
Phật tử: Trong đầu mình nó nổ ra giống như trái dừa mà nổ ra vậy đó.
Trưởng lão: Vậy đó, à đó là thinh tưởng con.
Phật tử: Thấy vậy cái mình mở mắt ra mình xả thiền luôn, không có dám ngồi nữa.
Trưởng lão: Mở ra, mình xả thiền. Đúng vậy.
(26:38) Phật tử: Cái hiện tượng…nữa. Khi ngồi, lỗ tai mình nó nghe một cái tiếng gió mà nó gió mạnh lắm: “Vo vo vo vo vo …vo” cái nghe nó nó nó điếng cái lỗ tai, mình nghe trong lỗ tai mình lụp bụp, lụp bụp, lụp bụp, nghe trong lỗ tai mình lụp bụp thôi cái là xả thiền luôn.
Trưởng lão: Mấy cái đó đó, là cũng là thinh tưởng con. Mà cái lực của thinh tưởng mà như vậy đó, mà mình tiếp
Phật tử: Mà mình không có tưởng, mình không có…
Trưởng lão: Mình đâu có tưởng con, tự nó. Khi mà cái ý thức của mình nó ngưng, nó không có hoạt động nữa đó thì cái tưởng nó hoạt động con. Cho nên con thấy mấy cái nhà ngoại cảm, cái tưởng nó hoạt động, họ cũng đôi mắt như mình mà họ thấy dưới lòng đất có hài cốt dưới mấy con, con hiểu không? Cái tưởng nó hoạt động, nó nhìn thấy được.
Phật tử: Con hiểu. Con xin hỏi Thầy coi cái tưởng đó đó là cái điều tốt hay là cái điều…
(27:24) Trưởng lão: Điều đó nó ảnh hưởng sau này. Nếu mà con cứ tiếp tục mà con tu tập, mà con không phá nó đó, con ngồi nó nổ. Con tiếp tục con giữ cái tâm bất động nữa, nó càng tiếng nổ nó càng nhiều nữa. Mà nó nhiều nữa, nó rối loạn thần kinh con, con sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, con hiểu không? Cho nên khi đó mình xả, xả liền, đừng ngồi. Ngồi đó không khéo nó cứ nó nổ riết thì thần kinh con bị rối loạn. Lúc bây giờ đó con đi ra con mất bình thường rồi, người ta sẽ thấy con điên, gọi là tẩu hỏa nhập ma. Nó trước khi mà gọi là tẩu hỏa nhập ma nó phải có những cái hiện tượng, nó mới là tẩu hỏa nhập ma. Chứ còn không khéo đó.
Phật tử: Nhưng mà mình tham, mà mình tưởng cái đó là…, mình thích mình ngồi nữa là có thể bị như vậy.
Trưởng lão: Bị đó con, mình tham mình ngồi nữa là bị đó.
Phật tử: Rồi một cái hiện tượng thứ ba nữa Thầy. Sau khi ngồi thời gian, mà tự mình không có vọng tưởng, không nghĩ gì hết trọi. Thời gian đó thì kiến nó cắn, nó cắn con mắt, mà nó cắn lỗ tai, nó cắn sao chịu không nổi luôn! Đó, cái hiện tượng đó, cái hiện tượng như thế nào?
Trưởng lão: Cái hiện tượng đó là hiện tượng nhân quả. Khi mà con ngồi, những con kiến mà nó bò lên mà nó cắn con, nó đòi, cái nhân quả nó đòi con đó. Cho nên vì vậy đó, nếu mà con cố gắng mà con giữ, nó cắn mặc nó, nó làm gì mặc nó, thì thời gian sau nó đi mất hết à con.
Phật tử: Dạ, thời gian sau thấy mất.
Trưởng lão: Mất hết, mình trả nhân quả rồi.
Phật tử: Nó cắn mà nó vô lỗ mũi nó quậy mình, vô lỗ tai nó quậy mà chịu đựng ráng chịu đựng… rồi nó đi đâu mất tiêu.
Trưởng lão: Ờ, cứ chịu đựng, nó bò đi ra hết, rồi nó đi hết, tức là mình trả hết nhân quả nó rồi.
Phật tử: Dạ, cái đó là cái nghiệp mình.
Trưởng lão: Cái nghiệp đó con, cái nghiệp nó đến nó đòi. Bởi vì con giữ cái tâm mà tu nó bất động rồi, thì lúc bây giờ tất cả những cái nghiệp nó đổ ra. Mà mấy con kiến này nếu không, nó không cắn con đó thì nó cũng là sẽ đòi nợ con, chứ không phải nó trật đâu. Nó sẽ có những cái người khác đến làm động con. Bây giờ nó đại diện cho cái nhân quả, nó đến nó cắn con để coi con có còn bất động được không? Mà con bất động được là trả được cái nhân quả, nó đi mất, nó hết con.
Phật tử: Mô Phật, nhưng mà con xin Thầy cho con hỏi thêm một cái hiện tượng này nữa. Trong khi mình ngồi mình tịnh, mà không biết tịnh vào lúc luôn luôn lúc nào cũng tịnh đầu đầu giờ Tý không à. Con tịnh vào thời gian, kêu bằng tịnh thời gian lâu không biết gì hết trọi à. Thấy mình đâu đi ở trên mây đó. Rồi thấy trên mây chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ cõi ở trên cảnh tượng đẹp mà thơm phức à, hoa thơm cỏ dại thiệt là thơm, thấy trên cảnh thiệt là đẹp vậy đó. Thấy xong xuôi đàng hoàng cái trở về, trở về lúc đó là năm giờ sáng rồi. Thầy thấy cái hiện tượng đó là hiện tượng có nên như vậy? Tự nhiên mình thấy chứ không phải mình muốn vọng tưởng.
(30:07) Trưởng lão: Không phải muốn. Nhưng mà khi con ngồi tịnh, nó im lặng đó, cái ý thức con nó không hoạt động nữa, bắt đầu cái tưởng thức nó hoạt động, cái đó là cái sắc tưởng con. Cảnh giới này, cảnh giới kia, mùi hương đồ, hương tưởng đó, con nghe mùi hương thơm ngát đó. Tất cả những cảnh giới, thậm chí như chùa chiền, rừng núi, cây cỏ, đồ này kia rất đẹp đẽ, hoàn toàn nó là tưởng hết mấy con, nó là tưởng.
Phật tử: Nó là giả hả…?
Trưởng lão: Giả đó con. Tất cả những cái này bỏ hết đi, tao không cần cái thứ.
Phật tử: Không, như giờ là bỏ hết rồi, không còn thấy, thấy một lần thôi. Nó qua giai đoạn một lần, một lần thôi.
Trưởng lão: Cái đó là bị tưởng hết con, bị cái sắc tưởng. Cảnh giới là cái sắc tưởng, còn cái âm thanh nó là thinh tưởng. Bỏ hết, cái đó bỏ hết! Cái đó nó một cái nó là cái tưởng của mình nó hoạt động, trong thân mình nó có cái tưởng thức mà. Ý thức rồi tưởng thức mấy con. Cái tưởng thức, cũng như con, con nằm ngủ con mới chiêm bao, mà cái tưởng thức nó mới làm ra cái giấc mộng chiêm bao con. Cho nên cũng như bây giờ, ý thức con ngồi nó tịnh, nó im lặng, nó không có niệm thì cái tưởng thức nó phải hoạt động. Cho nên vì vậy mà nó hoạt động nó thấy được cái cảnh giới đó, gọi là bị sắc tưởng. Vậy thôi không có gì hết.
Phật tử: Một điều nghe ai cũng nói nằm chiêm bao, nhưng mà con từ hồi đó giờ con không biết chiêm bao là cái gì hết trọi, chỉ ngủ là ngủ chứ không biết chiêm bao, thức là thức à.
Trưởng lão: À, cái mà con không có chiêm bao là tốt. Bởi vì khi mà ngủ thì cái ý thức con nó sẽ dừng lại, nó im phăng phắc mà không có chiêm bao, tức là tưởng nó không hoạt động. Còn có người chiêm bao dữ lắm con. Không ngủ thôi, chứ ngủ cái thấy chiêm bao, ngủ cái thấy chiêm bao. Chiêm bao có nghĩa là cái tâm của mình đang ham muốn hay hoặc sợ hãi một cái điều gì, thì bị động đó, do đó mà nó thực hiện qua giấc mộng.
Cũng như bây giờ, mình cứ mua vé số, mình ước ao cho trúng vé số đi, nhưng mà nó không trúng. Nhưng mà nằm ngủ lại thấy mình trúng vé số, đó là nó thực hiện qua cái ý muốn của mình đó. Cho nên chiêm bao thường thường nó thực hiện qua cái ý muốn, cái sợ hãi. Cho nên cái người mà hay bị sợ hãi họ nằm chiêm bao họ hay thấy rắn này kia hoặc là những con vật gì làm cho họ sợ, họ la đó. Đó là qua cái sợ hãi mà họ thực hiện.
Phật tử: Cái hiện tượng đó thấy nay là trên ba chục năm rồi, bây giờ muốn để hỏi Thầy cho biết rõ cái đó nó như thế nào?
Trưởng lão: Cái đó bỏ đi con.
Phật tử: Bây giờ không còn thấy nữa.
Trưởng lão: Bỏ đi.
Phật tử: Giờ hoàn toàn không còn thấy.
(32:31) Trưởng lão: Đó là một cái giai đoạn tưởng nó hoạt động, mà thấy được những cái hình ảnh đó. Bởi vì ở đây mình tu là do cái ý thức của mình, chứ không phải tu để thực hiện qua cái tưởng. Cho nên khi mà lầm, mình tu mà mình lọt vào trong tưởng là nguy hiểm.
Cho nên ví dụ chẳng hạn, mà như con nghe ở trong kinh Di Đà dạy cho mình: “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền”. Khi đó mình sẽ thấy được chư Bồ Tát và đức Phật hiện tại trước mặt của mình. Khi mà niệm, mình niệm Phật được nhất tâm, niệm câu Phật thì mình sẽ thấy được cõi Cực Lạc Tây Phương, trong đó có chư Bồ Tát và đức Phật Di Đà. Thì không ngờ đó là ý thức của mình là nó dừng suốt bảy ngày đêm. Nó đã dừng nó không có niệm rồi, thì nó sẽ hiện qua cái cảnh giới tưởng đó, chứ làm sao mà có cảnh giới Cực Lạc thật, con hiểu không? Cũng như con thấy được cái cảnh giới đó. Nó vậy đó.
6- HIỆN TƯỢNG TƯỞNG UẨN GIAO CẢM TỪ TRƯỜNG
Phật tử: Dạ, bạch Thầy còn một cái điều này nữa, rất là không biết có nên hỏi Thầy không? Mà giờ xin phép, thôi sẵn dịp để mà hỏi Thầy coi cái hiện tượng này. Trong khi con không biết tu là cái gì hết, không biết đường đạo là gì. Cũng có làm đạo đức thì biết, không có dám làm ác, thì trên đời này cái môi giới trên xã hội này con không dám làm điều gì ác hết. Thành thử ra không có mà giết, không có dám giết con gà, con vịt gì hết trọi.
Trong khi đó có một năm đó, là suốt một năm là có một cái hiện tượng như này nè. Cứ ngủ, là kêu dậy ngồi ngay bàn mà dạy, mà dạy, người dạy mình mình không biết ai, người dạy không biết ai. Mà hỏi “Ông là ai? Ông là ai?” Ông mới nói: “Mày chỉ biết học thôi đừng có hỏi tao là ai”. Nghe nghĩa là hữu hình luôn, chứ không phải giờ là mình ngủ là mê nữa. Giống như Thầy đang ngồi vậy đó.
Mình phải uất ức mà. Dạy mình mà không cho mình biết thì dạy cái gì. Mà dạy nói miệng không à. Rồi cái con dòm hỏi: “Ông là ai?”, mà cố ý dòm ổng dòm, thì ông dòm càng ngày thì cái bóng nó càng cao, càng cao lên. Dòm hoài suốt, ngóc đầu dậy dòm mà không được, mà cũng ráng ngóc. Hỏi ông: “Ông là quỷ, là ma đây, mà ông về đây ông dạy tui vậy hả?”. Con nói như vậy đó, cái ông nín thinh ông bỏ ông đi. Mà suốt một năm trời như vậy. Rồi cái ông đi. Cuối cùng mới tìm hiểu ra được là ông ở tại núi Ông Cấm. Đó, ông nói: “Dạy rồi sau này mày sẽ biết”, cứ nói vậy thôi, chứ không nói gì nhiều hơn nữa.
Không biết cái hiện tượng đó, là cái đó. Thấy mình, kêu mình dậy ngồi trên bàn đàng hoàng, ngồi ghế đàng hoàng. Cái hiện tượng đó theo Thầy, Thầy nghĩ cái đó là cái ảo hay như thế nào?
Trưởng lão: Nó. Để Thầy giải thích cho thấy để hiểu. Ở tại núi Ông Cấm, nó có một cái vị nào tu hành trên đó nó phải có một cái người tu mà người đó chết rồi. Những cái từ trường người đó còn để lại ở trên đó hết, chứ không phải là người đó xuất hồn ra. Nhưng mà khi con đến đó, con đến đó, con không có cầu mong gì hết. Nhưng cái tưởng của con nó cũng mạnh, nó giao cảm được những cái từ trường đó, nó nó biến hiện thành người đó gọi con, mà con thấy như kêu gọi con. Chứ còn nếu mà cái ông đó mà còn sống như vậy đó, thì ông thực hiện thần thông vậy, thì ông không đúng con đường của đạo Phật, không có được làm chuyện đó. Con hiểu không?
(35:49) Nhưng mà vì ông mất rồi. Cái ông sư này ông mất rồi, ông thầy này ông mất rồi, ông chết rồi. Nhưng mà cái từ trường ông nó còn ở trên cái khu vực đó. Cho nên con đến đó con ở đó, con nghỉ lại một đêm, thì con lại thấy sao ông cứ kêu mình, dạy mình. Tức là con đã giao cảm được với ông, biết cái trình đó tu tập của con đến cái chỗ nào, ông dạy con thêm đó, chứ không có gì đâu. Đó, cho nên vì vậy đó, mà con cứ muốn biết ông là ai? Là gì? Ông không có nói. Tức là cái chỗ cái tưởng của con nó thực hiện qua, nó bắt gặp được cái từ trường đó, nó tạo thành cái hình ảnh của ông.
Phật tử: Nói về khoa học là thần giao cách cảm phải không Thầy?
Trưởng lão: Nó là thần giao cách cảm, tức là cái tưởng con nó giao cảm được cái từ trường.
Phật tử: Hai cái luồng điện đó coi như là nó bắt nhau.
Trưởng lão: Nó bắt nhau. Nó bắt nhau, nó tạo thành cái hình dáng đó, nó cứ làm cho con.
Phật tử: Cái đó là cái hiện tượng tốt chứ đâu có xấu hả Thầy?
Trưởng lão: Nó tốt chứ không có xấu con, tốt.
Phật tử: Cái đó cũng như người đó muốn về dạy cho mình tu tập.
Trưởng lão: Đó là cái từ trường đó nó có cái duyên với con. Nó tương ưng, để nó kêu con, để nỗ lực nó dạy con tu, thì đó là có cái duyên, nhân duyên với nhau. Nhưng mà cái người đó họ ở trên núi Cấm họ chết rồi, chỉ còn có cái từ trường không.
Phật tử: Giải thoát rồi.
Trưởng lão: Vậy thôi, chứ không có gì hết.
Phật tử: Không có, không có tác hại gì ạ?
Trưởng lão: Không tác hại gì hết.
Phật tử: Dạ, cái đó có lợi, đi theo con đường Chánh pháp…
Trưởng lão: Giúp cho mình thôi. Nhưng mà nó qua cái tưởng của con, con bắt gặp đó, bắt gặp người ta.
Phật tử: Có giai đoạn mà con bị nổ như vậy xong xuôi hết rồi, khi mà mình bị nổ cái hiện tượng nó xảy ra những cái gì á, là xả liền không dám để.
Trưởng lão: Đúng là lúc mà cái hiện tượng mà con nghe được âm thanh mà tiếng nổ là cái tưởng con đang hoạt động mạnh lắm đó. Cho nên vì vậy mà con gặp, nó bắt gặp mấy cái từ trường đó, nó bắt gặp, nó giao cảm tương ưng nhau, mà để trợ giúp con. Không có gì đâu, tốt chứ không có xấu. Tất cả những cái gì mà gọi là linh thiêng, mầu nhiệm đó đều là do tưởng chúng ta làm ra hết.
Phật tử: Hiện giờ, hiện thời bây giờ là không biết Ngài là ai?
Trưởng lão: Bởi vì nói chung là người ta không có cho mình biết đâu, cái từ trường nó không có cho mình biết đâu. Mà mình giao cảm, mà khi mình giao cảm, mà cái từ trường của mình, cái tưởng của mình nó ở cái mức độ nó còn thấp. Chứ cái mức độ con luyện tập mà con tu tập con lọt trong cái Không tưởng rồi đó, thì lúc bây giờ cái từ trường nó bắt gặp nó mạnh, nó biết ông ta tên gì. Nó biết hết con, nó biết.
(38:17) Con thấy mấy cái người mà họ nhà ngoại cảm, cái người chết đó mà nó giao cảm, nó biết tên họ gì con. Tức là cái tưởng của nó, nó mạnh lắm! Nó giao cảm nó biết. Cái bộ hài cốt này chết là cái ông tên gì? Rồi chết năm nào? Tháng nào? Trong cái cuộc trận đánh nào? Con nghe qua cái cô Bích Hằng mà đi tìm hài cốt coi, nó làm như cái ông ta nhập vô cô nói, vậy chứ cô không biết gì hết. Đó là cái tưởng cô nó giao cảm, mà nó báo cho cô biết tất cả mọi cái đó, giống như cái linh hồn nhập vào. Còn con thì cái tưởng nó hoạt động ở mức độ đó chứ chưa sâu, sâu hơn là con đến đó con giao cảm con biết cái ông này tên gì? Mà ông tu bao lâu? Ông chết sao? Cách nào? Biết hết à con. Cái tưởng hay lắm! Nó giao cảm.
Phật tử: Có, con có hỏi ông: “Giờ ông là một vị gì? Ông cho biết tên? Cho biết quý danh, quý tánh? Ông tu ở đâu? Như thế nào?” Ông nói: “Mày hỏi tao làm chi, tao trên bốn ngàn năm rồi”.
Trưởng lão: À lâu rồi, thành ra con bắt tới không được.
Phật tử:… cái đó trên bốn ngàn năm.
Trưởng lão: Chứ nếu mà gần gần thì bắt được. Nhưng mà cái tưởng hoạt động cao hơn thì nó sẽ bắt gặp. Cũng như bây giờ những cái người mà các nhà ngoại cảm, nó giao cảm được mà trong cái hiện kiếp. Chứ kiếp nữa, kiếp về quá khứ nữa nó không biết.
Còn một cái người, mà người ta tập luyện mà người ta có Tam Minh, thì người ta biết nhiều đời, nhiều kiếp của quá khứ. Đó con hiểu không? Còn cái tưởng của mình nó giao cảm trong một kiếp. Cho nên vì vậy mà cái ông này nó cái kiếp khác rồi, một cái đời khác chứ không phải trong cái đời này. Cho nên vì vậy mà cái tưởng con bắt gặp không được, cho nên hỏi ông không nói.
Phật tử: Mô Phật, vậy là cái hiện tượng đó tốt chứ không sao?
Trưởng lão: Tốt! Chứ không sao đâu.
7- THANH TỊNH THÂN TÂM LÀ TỰ MỞ LUÂN XA
(40:06) Phật tử: Mô Phật, thưa Thầy con có mà mình muốn tu thiền, khi mình muốn tu thiền cho nó chuẩn là mình phải theo, như con không biết thì con xin hỏi Thầy chỉ dạy. Cái người ta nói là mở luân xa trước hay là để tự động nó mở cái luân xa bảy hay là bảy cái luân xa, một trong bảy cái luân xa đó. Mình khai mở trước hay là để mình tới đó nó tự động là nó khai mở luôn thưa Thầy?
Trưởng lão: Coi như là mình tu mà Thiền Định thì mình không có cần mở, nó thanh tịnh tới đâu thì nó thông suốt tới đó. Còn bây giờ mình muốn mở gấp, nhiều khi mình mở gấp mà tâm mình không thanh tịnh nó cũng nguy hiểm cho mình. Nó cũng có thể nó có cái phương cách để cái người Thầy người ta giúp mình mở. Nhưng mà mình tu tập mà thân tâm mình chưa thanh tịnh đó. Thí dụ như bây giờ đó, mình còn một cái không thanh tịnh. Mình khởi một cái niệm không thanh tịnh thôi, thì nó cũng ảnh hưởng đến những cái luân xa của mình nữa, khi mình mở ra. Còn mình chưa mở ra thì nó không sao, nó không sao. Cho nên nó cũng nguy hiểm.
Mà nó cũng dễ giúp cho mình khi mở ra, thì nó giúp dễ cho mình nhiếp tâm, an trú, thanh tịnh nó dễ. Nhưng mà có cái điều kiện là cái tâm ly dục, ly ác pháp mình chưa có đó. Mình khởi, mình ham muốn một cái gì đó là coi chừng nó tiêu đó, nó ảnh hưởng mình lắm đó. Cho nên mình để cứ mình tu từ từ nó thanh tịnh. Rồi tự nó làm cho thân tâm của mình, nhất là cái thân của mình nó thanh tịnh thì tất cả các cái luân xa nó đều mở hết. Nhưng bây giờ mình đừng cần mở, mình để mình tu thôi. Rồi thôi, mấy con có hỏi Thầy gì không con?
8- TƯ THẾ NGỒI ĐỂ GOM TÂM
Phật tử: Dạ, mô Phật. Con thì mới gần đây thì con cũng được nắm cái pháp của Thầy, là con có xem qua một cuốn sách. Bây giờ con thì con cũng mới biết đây, cho nên con cũng chưa tu hành được pháp của Thầy bao nhiêu. Bây giờ con muốn thưa với Thầy, con bạch Thầy là bây giờ con là con mới biết đây, thì con nghe Thầy nói bây giờ là con phải luyện hơi thở, rồi ngồi thì cách ngồi như ngồi bán già.
Trưởng lão: Được, ngồi bán già được con. Nói chung là mình, cái tư thế mình ngồi nó có hai cách thức để nó gom tâm, để mình tu tập nó dễ nhất. Đó là ngồi kiết già với bán già. Cái người mà ngồi kiết già, tức là tréo chân vậy được thì nên ngồi kiết già. Cách thức nó gom, gom thân tâm mình lại.
Còn không thì mình ngồi bán già, tức là chân này chồng, đó mình cứ ngồi vậy đi. Rồi mình bắt đầu đó, mình hít vô thở ra thì mình tác ý mình tập, thì nó dễ tập lắm. Còn con ngồi như Thầy ngồi trên ghế, con ngồi trên ghế chứ nó lỏng lẻo lắm mấy con, khó tập lắm! Một hơi cái vọng tưởng nó vô dễ. Còn con ngồi cái tư thế kia rồi coi, nó ít vô được lắm. Tại vì mình ngồi cái thế bán già, kiết già đó con, nó chặt chịa.
(42:40) Mà trông cái tướng của nó cũng oai nghi, của cái sự tu tập của mình nó có cái tướng tu. Còn mình ngồi trên ghế vậy mình tu không ai biết hết. Ông này ngồi chơi chứ không có thấy tu. Chứ con ngồi xếp bằng đó, dù con tu, không tu, họ cũng Trưởng lão: “Ờ, cái người này tu nè, thôi đi ra đi để người ta tu”, con hiểu không? Còn mình ngồi trên ghế này, bắt đầu họ sáp vô nói chuyện á. Có đúng không, mấy con thấy không? Cái tướng đó nó làm cho người ta tránh, mà cái tướng mình ngồi như thế này người ta không tránh đâu. Đó, thành ra mình khi tu, mình nên ngồi bán già hay kiết già tập không sao hết.
9- KẾT HỢP BƯỚC ĐI VÀ HƠI THỞ
Phật tử: Dạ, mô Phật, con xin bạch Thầy thêm là, tại vì con loạn tưởng, con đứng lên con đi kinh hành, thì con thấy chú Tấn nói con là hít vô thở ra là một bước, đúng không ạ? Thì để con biết con cách thức con học ạ.
Trưởng lão: À, được con. Mới đầu thì mình vừa kết hợp cái hơi thở với vừa bước đi, để cho hai cái để cho mình tập trung. Nhưng mà lần lượt rồi, thì các con xả bỏ, chỉ còn biết bước đi hoặc là đi mà biết hơi thở thôi. Đừng để cộng với hai cái, con hiểu không? Nhưng mà mới đầu thì mình nhiếp tâm nó khó thì mình hợp nhau lại hai cái, để cho mình tập nhiếp tâm cho được. Khi mà được rồi, thì con lấy một cái hơi thở hoặc một bước đi thôi, cái bước đi của mình thôi, một hành động thôi, mình không kết hợp nữa.
Phật tử: Lúc đầu thì kết hợp, sau này thì buông ra, bước đi thì biết bước đi.
Trưởng lão: Buông ra, buông ra. Vậy đó con, để cách thức mới tập mà…
Phật tử: Những câu tác ý là mình tùy theo trường hợp để mình tác ý, chứ không nhất thiết mình phải ôm một câu một phải không Thầy?
Trưởng lão: Không phải con. Tùy theo mỗi trường hợp xảy ra là mình trạch ra cái câu. Tức là mình chế ra cái câu đó cho nó phù hợp với mình trong cái hoàn cảnh đó. Thì mình chế ra cho nó phù hợp, thì mình tạo ra cái câu tác ý để mình tác ý. Chứ không phải là bắt mình có một câu đó, cứ cái trường hợp nào cũng có một câu đó hết thì không được. Mình lại phải khéo léo, linh động, thiện xảo trên cái phương pháp tác ý mấy con, thì nó sẽ lợi ích lớn.
Phật tử: Nhưng mà, con thưa Thầy. Nếu mà con đi kinh hành thì con cứ thở thì thở, mà đi thì vẫn chú ý đến bước chân thì cũng được phải không Thầy? Hay là cứ phải kết hợp cái hơi thở…
Trưởng lão: Được! Con. Nếu mà con đi kinh hành, con chỉ biết hơi thở thì con cứ nương hơi thở thôi, khỏi cần biết bước đi. Còn mới đầu con tu thì con kết hợp giữa bước đi và hơi thở. Vừa đi vừa biết đi mà vừa biết thở. Sau đó đó, con thấy nó thuần thục rồi thì con đi mà con thở, thì con chỉ tập trung trong cái thở, còn bước đi thì kệ nó. Còn không thì con bỏ hơi thở, mà con chỉ tập trung dưới bước đi. À, con chỉ dở chân để chân xuống, đưa chân tới bước đi. Theo cái bước đi của nó thì chỉ duy nhất có cái mình đang đi kinh hành thôi, chứ không có cần kết hợp. Còn hơi thở nó thở sao sao kệ nó.
Chứ không phải là mình hít vô thì mình bước, bước đi, mình thở ra mình bước bước nữa. Đó là mình kết hợp, để cho mình tập trung cho nó chặt chẽ. Do đó mình kết hợp hai thứ. Còn cái này mình chỉ một thôi, một hành động thôi, chứ không có kết hợp với hơi thở nữa. Thì tập thời gian sau con phải cắt lìa ra, chứ đừng có để mà kết hợp nữa.
Phật tử: Dạ, mô Phật.
Trưởng lão: À thôi, bây giờ mấy con vô nghỉ mấy con.
Phật tử: Dạ, mô Phật.
Trưởng lão: Về ráng tu nghe con. Xá Thầy thôi con.
HẾT BĂNG