20090802 - HIỂU RÕ VỀ CHÁNH PHÁP PHẬT
20090802 - HIỂU RÕ VỀ CHÁNH PHÁP PHẬT
HIỂU RÕ VỀ CHÁNH PHÁP PHẬT
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời lượng: [49:30]
Thời gian: 02/08/2009
Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/20090802-hieu-ro-ve-chanh-phap-phat.mp3
1- MỤC ĐÍCH RA ĐỜI CỦA ĐẠO PHẬT
Trưởng lão: Ngồi xuống hết đi con! Xá Thầy thôi con, xá thôi, ngồi xuống được rồi con.
Phật tử: Thưa Thầy… tiếp tục trồng cây cối ở bên chỗ cái khu An Dưỡng…
(00:33) Trưởng lão: Con mới lên hả con? Già rồi ráng tu nghe con. Nay về gặp Thầy. Các con lo trồng cây các khu ấy cho mát mẻ, để nắng nôi quá. Mấy con chọn cây gì trồng cho có bóng mát con?
Phật tử: Dạ! Cô Út nói muốn trồng cây ăn trái để sau này bữa ăn có thêm trái cây ăn. Cô Út nói vậy đó Thầy.
Trưởng lão: Không biết cô Út có trồng cây ăn trái sao con?
Phật tử: Dạ! Cô Út nói trồng cây ăn trái.
Trưởng lão: Thầy nghĩ thôi trồng rừng ở cho mát. Cây ăn trái rồi mấy cô ở đấy mất công đi hái.
(01:26) Trưởng lão: Trong cái sự tu tập mấy con, mấy con về biết Tu Viện của mình vốn mục đích là để đào tạo cái sự tu tập để làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người. Làm người, ai trong đời sống của mình dễ phiền não lắm. Ai nói gì thì mình dễ giận hờn, có chuyện gì thì rầu, lo phiền não về đời sống. Rồi già yếu đuối lụm cụm như cô như vậy đó khổ sở lắm,rồi trời trở gió lạnh, nóng cũng bị nhức tay, nhức chân nữa, già cũng khổ rồi mấy con. Rồi bệnh khổ, ai có thân cũng bệnh hết. Rồi chết khổ, chết không phải nằm xuống yên nó chết đâu, nó trăn trở, nó đau nhức rồi nó mới chịu chết, khổ lắm mấy con.
Cho nên mục đích của đạo Phật ra đời là nhắm vào bốn sự khổ của con người để giải quyết, chứ không phải ra đời dạy chúng ta làm Tiên, làm Thánh, làm Phật đâu. Dạy chúng ta giải quyết cái khổ. Bởi vì mấy con đọc lịch sử của đức Phật. Khi đức Phật còn là Thái tử đi ra bốn cửa Thành, thấy bốn cái khổ của kiếp người. Ngài mới bỏ cả cung vàng điện ngọc, không ham làm vua nữa,rồi bỏ cả vợ con, đứa con mới sanh, bỏ đi tu. Khi đi tu thì làm chủ được bốn sự đau khổ đó, đức Phật mới đem ra dạy chúng ta, mà ngày hôm nay chúng ta được biết được cái Phật pháp để tu chứng làm chủ bốn sự đau khổ đó là nhờ đức Phật, chứ nếu mà không có đức Phật thì chúng ta không biết đường tu.
Và đồng thời trải qua hai ngàn mấy trăm năm, khi đức Phật ra đời cho đến bây giờ thì con đường của đạo Phật nó bị lệch rồi mấy con. Người ta biến con đường đạo Phật thành con đường mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, mất hết rồi! Cho nên bây giờ người ta nghĩ rằng: Trong thân của chúng ta có cái linh hồn, khi chết thì chúng ta cầu siêu cho cái linh hồn đó được siêu sinh Cực Lạc, hoặc chúng ta tu tập để chúng ta đạt được nhất tâm để chúng ta được sinh về Cực Lạc. Cho nên trong Tịnh Độ dạy chúng ta niệm Phật. Tất cả những cái này đều là tưởng, chứ không có thật.
Bởi vì khi đức Phật tu chứng rồi, thì trong cái thời đức Phật ngoại đạo nó có xây dựng 33 cõi Trời. Nhưng đức Phật nói: “33 cõi Trời là tưởng tri, chứ không phải liễu tri”, nghĩa là không có cõi nào hết, tức là không có cõi siêu hình. Cho nên đức Phật nói trong thân con người có năm uẩn, chết thì không còn uẩn nào hết. Nghĩa là không có linh hồn. Thế mà bây giờ chúng ta cứ nghĩ nó có. Rồi ai chết thì cũng cầu cúng bằng cách này, cách kia. Cho nên tất cả các kinh sách hiện giờ chúng ta theo Phật giáo đều là kinh sách của ngoại đạo, của Bà La Môn. Nó xây dựng thế giới siêu hình, xây dựng linh hồn. Còn chính đạo Phật không có, mấy con!
(04:41) Đạo Phật ngay cuộc sống chúng ta. Đức Phật chỉ thẳng cái chỗ giải thoát của chúng ta là chỗ tâm bất động. Người ta chửi không giận, đó là bất động,trước cơn đau ngặt nghèo, đau nhức, khổ sở vẫn thản nhiên, không sợ hãi, thì đó gọi là bất động. Còn chúng ta quá sợ chết, quá sợ đau nhức, chúng ta lo đi bác sĩ, đi nhà thương, điều đó là chúng ta bị tâm dao động, chúng ta không bất động. Cho nên cái mục đích là dạy cho chúng ta, đức Phật dạy cho chúng ta thấy được chân lý khi chúng ta chưa tu cũng nhận ra được nó, đó là: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Bây giờ Phật tử vẫn ngồi đây, vẫn im lặng để nhìn coi cái tâm của mình bất động chỗ nào? Hoàn toàn nó không khởi niệm, hoàn toàn nó không bị hôn trầm, thùy miên, đó là bất động, thanh thản, rõ ràng nó là thanh thản. Rõ ràng ngồi đây an ổn, không đau, không nhức chỗ nào hết, thì đó là an lạc. Và nó không làm một điều gì trong đầu, không nghĩ một niệm gì, nó không có làm cái gì hết, thì đó là vô sự. Cho nên “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” mọi người chưa tu vẫn nhận ra được.
Nhưng mấy con sống chưa được, mấy con ngồi một chút thì mấy con nghĩ niệm này tới niệm khác suy nghĩ, mấy con sống chưa được đâu. Mấy con ngồi lâu thì mỏi, không thể không nhúc nhích, không bất động được mà, cho nên mấy con chưa giữ được nó, chưa sống được. Vì vậy, đạo Phật dạy chúng ta cách thức sống. Khi chúng ta sống từ ngày này đến ngày khác vẫn bất động, vẫn ăn, không hôn trầm, thùy miên, vẫn không còn niệm nào trong đầu chúng ta, thì gọi là ly dục ly ác pháp. Nếu chúng ta không biết, chúng ta dùng hơi thở, dùng một câu niệm Phật, dùng một đối tượng câu thần chú để nhiếp tâm để cho cái ý thức của chúng ta không khởi niệm, đó là chúng ta bị ức chế tâm. Cho nên chúng ta bị ức chế tâm mà chúng ta dừng ý thức của chúng ta bằng ức chế như vậy thì chúng ta sẽ lọt vào Không Tưởng. Đó là cách tu sai.
Như Thiền Tông để kiến tánh thành Phật, để nhận ra cái tâm bất động của mình, rồi cố gắng giữ cho đừng có niệm khởi, tức là bị ức chế ý thức rồi. Do đó chúng ta lọt trong Không Tưởng mà chúng ta không biết, tưởng là Thiền Định.
Cho nên ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường để lại nhục thân bằng định Không Tưởng. Khi vào được mà không biết cách thức ra cho nên chết luôn mà bỏ nhục thân. Bởi vì trong khi vào cái định tưởng đó rồi thì thân nó không bị hôi thúi mấy con. Đó là làm sai.
2- Ý LÀM CHỦ
(07:13) Trưởng lão: Còn đạo Phật dạy chúng ta “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”. Lấy cái ý, chứ không được diệt cái ý. Cho nên hầu hết là các tôn giáo khác, các hệ phái của tôn giáo Phật giáo và các tôn giác khác dạy chúng ta trên vấn đề Thiền Định là bị ức chế tâm, ức chế ý thức. Đạo Phật không dạy chúng ta ức chế ý thức mà dạy chúng ta ly dục, ly ác pháp,dùng ý thức ly dục, ly ác pháp,dùng ý thức chúng ta đi vào cái chỗ tâm bất động.
Cũng như bây giờ Thầy ngồi đây, Thầy nhắc tâm “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Thầy ngồi im lặng chừng nửa phút hoặc 15 giây Thầy lại tác ý. Tác ý là ý thức Thầy sống. Còn Thầy làm thinh tức là ý thức Thầy mất. Cho nên Thầy hoàn toàn nuôi dưỡng cái tâm tác ý, cho đến khi nó trở thành ý thức lực. Ý thức chúng ta có lực, mà chúng ta tác ý hoài. Cho nên chúng ta ngồi đây chúng ta tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”, rồi im lặng, rồi lại tác ý. Hay hoặc tác ý để chúng ta nương vào hơi thở, chứ không được dùng hơi thở ức chế ý thức.
Thầy nói để cho quý thầy thấy, quý cư sĩ rõ ràng. Bây giờ chúng ta hít vô chúng ta biết hít vô, thở ra biết thở ra. Mà cứ hít vô, thở ra là dùng ý thức ức chế ý thức, là dùng hơi thở ức chế ý thức. Trái lại Thầy dùng tác ý để mà Thầy tu, để Thầy nhiếp tâm trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”, rồi Thầy hít vô, thở ra 5 hơi thở, Thầy lại tác ý. Cứ 5 hơi thở Thầy lại tác ý cho đến khi Thầy ngồi tu được 30 phút, 1 giờ, 2 giờ, 1 ngày, 2 ngày, vẫn tác ý hoài. Thì cái câu tác ý nó trở thành ý thức lực, tức là cái Dục Như Ý Túc. Dục Như Ý Túc là cái ý chúng ta muốn gì thì thân tâm chúng ta sẽ làm theo.
Thí dụ Định Như Ý Túc, Thầy là muốn nhập cái định nào, nó sẽ nhập vào định nấy. Nó nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ, Phi Phi Tưởng Xứ, … cái định nào nó cũng nhập được. Mà khi chúng ta có Định Như Ý Túc, tức là lấy ý của mình muốn nhập, chứ không phải diệt ý để mà nhập.
Quý Phật tử phải thấy rõ ràng con đường của đạo Phật. Cho nên khi mà đức Phật nhập vào Sơ Thiền, xuất Sơ Thiền. Tức là ra khỏi Sơ Thiền, thì ra khỏi Sơ Thiền thì ở chỗ tâm bất động.
Từ tâm bất động mới nhập Nhị Thiền ra khỏi trạng thái của Nhị Thiền ở chỗ tâm bất động. Rồi mới nhập vào Tam Thiền.
Chứ xuất Sơ Thiền rồi bây giờ ở đâu? Ra khỏi Sơ Thiền. Cái trạng thái Sơ Thiền nó có năm chi: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm. Ra khỏi cái năm chi thiền đó thì chúng ta lại ở trên chỗ tâm bất động. Mà tâm bất động thì hiện giờ quý Phật tử đều biết, nãy giờ Thầy nói: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Vậy thì “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự” thì cái tâm mình nó sẽ biết cái gì? - Biết Tứ Niệm Xứ mấy con.
(09:57) Bây giờ nó biết cái gì? Đầu tiên chúng ta ngồi im lặng, thì ta thấy hơi thở. Có phải không? Mà nếu tập trung hoàn toàn chỉ biết duy nhất có hơi thở thì chúng ta bị ức chế tâm. Bây giờ chúng ta thấy hơi thở ra vô, nhưng chúng ta cảm giác từ chân lên đầu chúng ta hơi thở ra vô. Chúng ta nghe cái nhịp rung của cơ thể rõ ràng. Đó, không phải trên thân quán thân sao? Đó là Tứ Niệm Xứ mấy con!
Thầy nhắc có chút xíu, sơ sót gì chút là mấy con bị ức chế. Cũng trong hơi thở mà sơ xuất một chút là mấy con bị ức chế, mà mấy con cứ để tự nhiên, không tập trung gom lại trong hơi thở. Mà cảm giác toàn thân, thở ra thì cảm giác toàn thân của mình theo hơi thở ra. Mà hơi thở hít vô, thì cảm giác toàn thân theo hơi thở vô. Tức là trên Tứ Niệm Xứ, mà trên thân quán thân. Mà trên thân quán thân tức là trên tâm quán tâm,mà trên tâm quán tâm tức là trên thọ quán thọ,mà trên thọ quán thọ tức là trên pháp quán pháp. Cho nên quán thân tức là quán cái Tứ Niệm Xứ. Tức là quán một mà thành bốn. Có phải mấy con thấy nó có rõ không? Bởi vì nếu mình đâu cần quán thọ mà mình quán thân, thân nhức chỗ nào là mình biết hết, thì không phải sao?
Các con thấy rất rõ. Cho nên tu một mà thành bốn. Đó là tu Tứ Niệm Xứ. Mà trên Tứ Niệm Xứ, mà cái trạng thái bất động đó, nó sẽ kéo dài 7 ngày đêm, thì nó đủ Tứ Thần Túc, bốn lực như Thần.
Bốn lực như Thần là:
Dục Như Ý Túc.
Tinh Tấn Như Ý Túc.
Định Như Ý Túc.
Tuệ Như Ý Túc.
Khi có Tuệ Như Ý Túc rồi, các con biết sao không? Cái tâm các con hoàn toàn thanh tịnh. Cho nên mấy con khởi muốn đời trước tôi là ai? Tên gì? Họ gì? Ở làng nào? Thì ngay trên cái tâm thanh tịnh của mấy con, mấy con hiểu biết, “Tôi hồi đó ở bên Đức, hay bên Pháp, hay ở Liên Xô. Tên gì? Cha mẹ, anh em… bao nhiêu?” đều hiện trên tâm. Tâm như mặt nước hồ trong veo, cho nên các con vừa muốn là nó có, gọi là Tuệ Như Ý Túc. Tuệ như ý muốn, cái sự hiểu biết như ý mình muốn.
Mấy con biết tương lai, bây giờ sắp sửa một lúc nữa là khoảng 2 giờ chiều. Bây giờ nó mới có 12 giờ, mà 2 giờ chiều mình sẽ trở về, nhưng trên đường đi có tai nạn gì nó xảy ra cho mình biết hết. Nhưng bây giờ mấy con chưa đi, mà 2 giờ chiều trên đường đi về thành phố tai nạn này, tai nạn kia xảy ra cho người ta mấy con không biết đâu. Mấy con sẽ biết trên đường đi, mấy con sẽ thấy nó hiện lên tất cả. Mình đi tới Củ Chi nó sẽ có hai cái xe nó đụng nhau. Nó tạo ra có 2 người hay 3 người chết. Hiện giờ mấy con chưa tới đó, thời gian chưa đến đó mà ở đây các con đã biết. Tại cái tâm các con thanh tịnh.
Do đó cái tâm thanh tịnh thì cái trí tuệ nó sẽ hiểu biết về tương lai của nó. Không phải bây giờ tới 2 giờ mà 1 năm sau, 2 năm sau, 10 năm sau, sắp sửa tới mấy con đều biết hết, về tương lai các con đều biết hết, muốn biết là nó biết hết. Cho nên bây giờ các con chưa chết, mà các con biết tới chừng đó mình chết bệnh hay chết như thế nào? Chết nằm trong nhà thương hay chết nằm trong nhà hoặc đi ngoài đường, chết như thế nào đều thấy rõ hết về tương lai của mấy con.
Đó là cái tâm thanh tịnh. Mà tâm thanh tịnh tức là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nó lợi ích như vậy đó mấy con. Mà người nào cũng có thể làm được hết.
3- SỐNG ĐỘC CƯ, LÀM CHỦ ĂN NGỦ
(13:36) Trưởng lão: Nhưng muốn tu tập nó thì mấy con phải vào trong một cái thất sống độc cư, đừng nói chuyện với ai hết. Chứ mấy con nói chuyện thì bị tâm phóng dật. Bởi vì mình nói chuyện thì mình phải tiếp duyên, mình phải nghe người ta nói, rồi ý mình phải khởi ra để trả lời, để đối đáp, thì như vậy bị phóng dật.
Cho nên khi chúng ta ở trong thất, thì mục đích độc cư là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Đó là cái thô mấy con. Còn ở trong đó, trong thất mấy con tu là mấy con phải luôn luôn. Bây giờ nghe chó sủa lỗ tai nghe biết chó sủa liền “quay vô không được nghe chó sủa mà hay nghe thân tâm mình, nghe sự bất động”, mình tác ý mình nhắc, nhắc nó quay vô. Chứ không khéo nó nghe cái này rồi tới nghe cái kia, nó phóng ra. Mà nó phóng vậy là mình coi như tu hoài tâm bất động chứ nó bất động có chút xíu thôi nó phóng ra nó làm động hết, nó không có bất động được.
Cho nên vì vậy đức Phật nói: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”. Các con thấy rõ không? Mà mình ngồi trong thất mình tu, mà mình cứ lôi nó vào hoài tới chừng nó không ra nữa, nó quay vô. Nó nhìn bất động của tâm mình, chừng đó chứng đạo mấy con. Mà tu nó không lâu đâu mấy con, có 7 ngày chứng đạo. Nếu kéo dài 7 ngày tâm bất động, nhưng thực hiện được 7 ngày này thì mấy con phải tu tập suốt 7 tháng. Trong 7 tháng, tức là 6 tháng nỗ lực tu tập, đến tháng thứ 7 là nó sẽ ở trong tâm bất động.
Hàng ngày mấy con ngồi đây, mấy con đâu có làm cái gì đâu, đến trưa các con ôm bình bát ra xin như quý vị ở đây đâu có gì đâu mà phải khó khăn. Ra ôm bình bát đi xin, lại đó mâm cơm người ta dọn sẵn bưng về ăn. Ăn rồi, vừa ăn vẫn vừa lắng nghe cái tâm mình nó thích ăn cái gì? Nó còn dục cái gì? Nó còn muốn cái gì nữa? Bữa nay cho cái này mình ăn không được. Đó là mình bị phân tâm, mình bị phóng dật rồi, không được. “Bữa nay cho cái này ăn ngon quá! Phải cho thêm chút nữa thì đỡ quá!”. Tức là mình sinh dục, mình ngăn chặn ngay liền: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Ăn để sống, chứ không phải ăn để ngon, ăn để cầu nhiều”. Cho nên mình ngăn chặn luôn. Cả trong cái giờ ăn cũng vẫn phải tu nữa, chứ đừng nói chi là tất cả những giờ khác.
Cho đến khi mà giờ ngủ. Ngủ được thì nó ngủ, mà thức dậy thì tu liền. Mà ngủ không được thì nằm đó giữ tâm bất động, thanh thản. Mày không ngủ, tốt! Mà mày ngủ thì tao cũng cho ngủ chứ không phải không. Nhưng mà có giờ giấc. Còn nếu ngoài giờ, mà không cho ngủ, mà nó ngủ thì không được, không được ngủ phi thời, cho nên không được ngủ. Mà bây giờ nó ngồi cứ lừ đừ, mà đi kinh hành Chánh Niệm Tĩnh Giác cũng không hết, ôm pháp Thân Hành Niệm dập ngay liền, nó sẽ chết luôn. Cho nên nó tỉnh lại, không còn buồn ngủ. Có những cách thức để mình phá những chướng ngại pháp mấy con.
Cuối cùng thì mình giữ được tâm bất động, thì mình chứng đạo. Không có gì hết. Chứng đạo chỗ tâm bất động mà thôi. Các con thấy hay không? Mà người nào cũng làm được, mà không làm được thì quá uổng.
4- LÀM CHỦ BỆNH ĐAU
(16:36) Trưởng lão: Bây giờ trong khi thân của mấy con đau, Thầy nói bây giờ mấy con chưa tu gì hết mà đau, mấy con nói: “Thọ là vô thường, bữa qua không đau, bữa nay đau, tao không sợ đâu. Tao sẽ ở trong tâm bất động”. Thì các con nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Mặc đau, không sợ, ngồi đây chết bỏ”. Các con cứ dựng thân mình ngồi thẳng như thế này, ngồi kiết già hẳn hoi, đàng hoàng.
Nó đau nhức, thí dụ bây giờ cái đầu nó đau như ai bóp, “kệ mày, tao không sợ chết đâu, tao không đi đâu hết, chết bỏ. Ai cũng sanh ra làm người cũng phải chết, cũng phải đau chứ. Nhưng mà mặc mày, tao không sợ, tao ngồi đây bất động”. Mình giữ bất động, chút xíu là cái đau nó đi mất. Còn nếu mà mình còn nhát, còn sợ thì mình nương vào một cái đối tượng, để cho cái tâm mình nó cột vào trong cái đối tượng đó, để cho nó đừng cột vào trong chỗ đau, thì mình nhắc: “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô,an tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra” hoặc “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô,an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô, thở ra. Rồi tác ý, hít vô, thở ra. Tức là mình bảo cái thân mình an hoặc là cái tâm mình đừng có dao động, thì mình cứ tác ý, rồi hít vô thở ra tác ý, rồi hít vô thở ra. Mình mắc lo làm công việc này cho nên cái đau lần lượt nó sẽ hết đau.
Cũng như bây giờ mấy con đau gì đó, mấy con cố gắng mấy con làm quên đau, nó hết đau luôn, có phải không? Còn mấy con cứ nằm một chỗ, con nhớ đau thì đau nhiều. Đó là cách thức của chúng ta. Đó là cách thức lôi cái tâm chúng ta ra khỏi cái đau. Nó có phương pháp mà đức Phật đã dạy trong Định Niệm Hơi Thở rất rõ ràng. An tịnh.
(18:11) Bây giờ cái thân mình nó không an, nó nhức, nó đau bụng, nhức đầu. Bắt đầu bảo: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô, thở ra rồi nhắc nữa,rồi hít vô, thở ra. Cứ tác ý như vậy, cứ làm hoài. Bây giờ tôi có công chuyện, tôi làm rồi, tôi không nhớ đau nữa, thì riết rồi hết đau. Các con thấy không? Mấy con đừng có sợ. Đi mua thuốc tốn tiền này, nằm nhà thương mất công nhà mình có người phải đi chăm nuôi, cực lắm. Cứ nằm nhà đi, để riết bệnh đau hết, đi mất, không tốn tiền thuốc, khỏi mất công đi bác sĩ. Các con thấy có khỏe không?
Thầy nói nó không chết đâu mà sợ, chết Thầy bồi thường cho, chết là do nhân quả mà chứ bộ. Khi không muốn chết là được chết à? Không ai mà dễ chết đâu mấy con, chết không có dễ đâu. Coi vậy cái thân chúng ta đều là thân nhân quả. Cho nên bây giờ mà nhân quả nó hết rồi. Thực sự ra cha mẹ của ông bác sĩ, bác sĩ cứu cũng không có được. Có phải không mấy con? Nếu vậy thì ông bác sĩ đâu chết. Còn đằng này ông tới chừng bệnh đau, có nhiều ông bác sĩ cũng ung thư như thường chứ bộ nói ông bác sĩ là không ung thư sao? Cũng chết chứ đâu phải.
Nói “Tôi đi làm bác sĩ, tôi biết thuốc thang”, nhưng sự thật ra có những cái bệnh ngặt nghèo nó đến với ông bác sĩ, thì cũng đầu hàng. Còn mình, không đầu hàng đâu. Sống thì ở trong tâm bất động, mà chết thì cũng ở trong tâm bất động. Có phải sướng không? Tâm bất động nó không có tái sanh luân hồi mấy con. Còn mấy con đau rên la, mấy con sợ, thì nó tương ưng với mấy người đau rên la, nó làm con họ chứ sao. Có ai mà không đau rên la? Mà mấy con rên la là giống nhau thì sẽ làm con người ta, mấy con bỏ thân này thì mấy con sẽ làm con người ta rồi.
Còn Thầy khác. Người ta đau rên la, mà Thầy đau không rên la thì làm sao mà giống họ được, mà làm con họ. Các con thấy có phải không? Nó giống nhau thì nó phải làm con người ta. Còn Thầy khác hơn cho nên không làm con ai hết.
Cho nên mấy con nhớ rằng: Bây giờ mình còn sống, mình cố gắng mình tập để cho quen, gặp khi mà cảm thọ nó không phải dễ đâu mấy con. Mấy con nghe người ta nói, khi mà chìm tàu mà mình ôm được cái phao để mình sống chứ gì? Thực sự mình sống trong cái khổ đấy mấy con. Ôm phao đâu phải sóng gió để mấy con nổi trên mặt nước đâu. Sóng gió chỉ muốn dập mấy con xuống sâu dưới, nhờ cái phao nó nổi lên, thì mấy con cũng uống một hớp nước, hai ba hớp nước rồi mới nổi lên chứ bộ dễ hả. Trong lúc đó cũng thập tử nhất sanh chứ đâu phải dễ đâu.
(20:33) Cho nên khi đau ốm, bệnh tật rồi mà ôm cái pháp là rất khó mấy con, cũng như ôm phao vượt biển vậy. Cho nên bây giờ chúng ta phải tập luyện, vì vậy lúc bấy giờ mà lỡ mà chúng ta đau bệnh, chúng ta biết cách ôm phao. Chứ không biết cách ôm phao, sóng gió nó dồi dập một hơi thì phao mấy con một ngả mấy con một nẻo thì các con chỉ còn đi xuống Diêm Vương, chứ đâu còn nằm trên đó mà sống được. Cho nên ngay bây giờ phải tập cách thức bất động tâm. Chờ bệnh đau đến là mấy con biết cách ôm chặt rồi, không có chìm đâu. Chứ không mấy con cứu mấy con không kịp đâu. Phải nhớ kỹ những lời Thầy nói.
Bởi vì có đau rồi mới biết, còn không đau không biết. Thầy nói khi mà cái thất chỗ ông Phật nằm đó, mà một cái cơn đau mà đến với Thầy, Thầy ngồi sững như thế này con. Nó cảm lạnh chứ không phải có gì hết. Nó không phải là đau bệnh gì, mà nó lạnh. Bởi vì nó cảm lạnh nên nó run từ cái xương sống mà run ra. Thầy ngồi sững lên, chết bỏ, nhất định chết bỏ, không sợ gì hết, vậy mà nó qua mấy con. Mà phải gan dạ, phải ghê gớm lắm mới thắng được nó, chứ không phải dễ đâu mấy con. Hồi đó nó chỉ còn kiếm mền, kiếm này kia nó trùm lại, nó nằm, chứ nó đâu dám ngồi nổi. Vậy mà ngồi nổi, thì mấy con biết không? Có khi nào có bị cảm lạnh rồi mấy con ngồi sừng sững không trùm mền gì hết, thì mấy con mới biết là mình gan. Còn bây giờ nó chưa bệnh mấy con nghe nó thường, bệnh rồi mới biết. Như bây giờ nhức cái đầu, mà ôm chặt pháp được tâm bất động được không phải là chuyện dễ. Nó cứ tập trung trong cái nhức đầu. Khó là khó chỗ đó.
5- THỌ LẠC VÀ THỌ KHỔ
(22:17) Trưởng lão: Cho nên ráng tu mấy con, không ai cứu mình bằng chính mình. Cuộc đời khổ lắm! Sanh làm người có bốn nỗi khổ, mà không nỗ lực tu thì chắc không ai cứu mình nổi. Bởi vì phải tự nguyện, tự giác thì con đường này mình mới thành tựu. Thầy biết đường đi rồi. Cho nên đối với Thầy, năm nay tám mươi mấy tuổi rồi, bệnh đau không dám đến thăm Thầy. Nó đến chứ không phải không đến đâu, nhưng mà Thầy la một tiếng là nó chạy. Thầy bảo: “Thọ là vô thường, cái tay nhức này đi đi”, thì Thầy ngồi bất động thế là nó đi mất. Chứ không phải Thầy không đau. Đau, nhưng mà đuổi đi. Các con thấy không? Bởi vì mình đã tập quen rồi, mình đuổi nó được. Còn không quen nó không được mấy con. Phải nỗ lực.
Do sự tập luyện, chứ không có ai giỏi. Thầy cũng không giỏi hơn mấy con. Mấy con cũng không giỏi hơn Thầy. Nhưng mà phải bền chí tập luyện. Có cái gì đó sai thì phải hỏi. Bởi vì không phải đơn giản đâu mấy con. Các con giữ tâm bất động mà mấy con lọt vào trong tưởng, mấy con không biết đâu. Bữa nào ngồi tu nghe nó an lạc quá, tâm không vọng tưởng, an lạc quá! Mấy con bị tưởng mất rồi. Mấy con an lạc là mấy con bị tưởng dẫn mất rồi, xỏ mũi mấy con dẫn rồi. Mấy con thích cái lạc, mà bữa nào ngồi nghe sao mà nó tê cái chân, nó mỏi mệt, nó lười biếng, nó lừ đừ, bữa nay sao nó ngồi khó tu quá! Đó mấy con bị thọ khổ rồi.
Phải chiến đấu với thọ khổ, mà thọ lạc thì không được chạy theo nó. Mấy con hiểu chỗ đó. Lạc thì phải xả, mà khổ thì không sợ. Thì như vậy mới thắng. Chứ bữa nào mà thấy ngồi yên quá, an ổn quá, nay tu ngon là mấy con bị dục rồi, bị chết rồi! Mấy con nói ngon là mấy con bị nó rồi, nó xỏ mũi mấy con đó. Bữa nay ngồi sao khó khăn quá, như thế này mấy con bị thọ khổ. Hai cái này đừng có chấp nhận nó. Chỉ mình ngồi sao cho đúng cách. Mình hít thở sao cho đúng cách. Mình giữ tâm vào Bốn Niệm Xứ quán trên thân của mình đúng cách là đủ rồi. Không cần phải lạc thọ.
Mà khi có những hiện tượng đó thì tác ý xả đi, “Tao đây không chấp nhận thọ lạc đâu. Sự an lạc này mày đi đi, tao không cầu. Mà mày không đi, tao đứng dậy, không ngồi để tao chạy theo mày đâu.”. Bởi vì hễ mình đứng dậy mình đi thì nó mất, còn mình ngồi lại thì nó lạc. Do đó mình phải đứng dậy, đứng dậy đi kinh hành, không thì phải ôm pháp Thân Hành Niệm dập nát nó, không được để.
(24:48) Còn thọ khổ cũng vậy. “Bữa nay sao mình ngồi nó khó khăn quá! Tao đứng dậy, tao đi kinh hành, ôm pháp Thân Hành Niệm tao dập mày. Tao không có ngồi đâu mà sợ”, thì một hơi là thọ khổ sẽ hết. Buồn ngủ cũng hết, mà đau nhức gì trong thân, mấy con ôm pháp Thân Hành Niệm dập xuống, nó cũng tiêu hết. Không gì mình sợ, mình có pháp mà đâu có lo gì.
Còn nếu mà ngồi im lặng, nó cũng tỉnh táo đàng hoàng, tỉnh giác rõ ràng. Do đó mình ngồi im lặng tác ý “Tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự” thì thôi. Mà không im lặng, vọng tưởng nhiều thì “tao đứng dậy đi kinh hành, ôm pháp Thân Hành Niệm dập. Buồn ngủ nhiều, tao cũng đứng dậy đi kinh hành dập. Ngồi đây mà nghe an lạc, hỷ lạc. Tao cũng đứng dậy đi, chứ tao không có ngồi”. Mình ngồi, mình chạy theo dục mấy con.
Cho nên nhớ kỹ. Đó là, tất cả những cái đó là cái tưởng mấy con. Rồi tu một thời gian sau nó đâu phải chỉ tưởng như vậy không đâu, nó còn sanh ra nữa, nó sanh ra nhiều chuyện đấy mấy con. Trời đất ơi! Tu được chút ít, biết được chút ít, bắt đầu nó sanh ra đi nói chuyện, đi thuyết pháp. Gặp ai cũng nói pháp hết. Trời đất ơi! Ông thầy đó nói hay thiệt. Mà mình chưa có làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà đi ra nói ai cũng phải phục mình hết. Nói hay.
Bởi vì mấy con thấy mấy ông thầy mà hay đi thuyết pháp nói hay, coi chừng mấy ông bị pháp tưởng. Họ không giỏi gì đâu! Thì đó là mấy ông bị chết ở chỗ đó rồi mấy con. Cho nên đừng nghĩ rằng mấy ông mà thuyết giảng hay, không phải đâu. Mấy ông mà làm chủ sanh tử rồi mới đi thuyết giảng. Còn chưa làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì đừng có nên thuyết giảng. Bị pháp tưởng rồi. Mấy ông bị người ta nghe, người ta khen “Trời ơi! Ông Thầy này thuyết giảng hay thật, nói đâu trúng đó, làm cho mình dễ hiểu”, thì chết ông Thầy đó rồi. Cái ngã của ông nó càng lớn lên và sự cung kính tôn trọng, người ta đến cung kính ông đó, ông Thầy đó coi như là tiêu rồi.
Cho nên Thầy nói ở đây, một cái người mà Thầy dạy không được đi ra thuyết pháp. Biết cái gì không được nói cái gì hết. Chỉ có lo nỗ lực tu cho mình làm chủ bốn sự đau khổ của mình rồi, khi làm chủ bốn sự đau khổ rồi đi ra thuyết giảng Thầy không cấm. Còn chưa làm chủ bốn sự đau khổ đi ra dạy người ta, người ta tu điên, người ta chết người ta. Mình dạy theo kiến giảng của mình nó rất nguy hiểm mấy con.
Hôm nay Thầy đến Thầy thăm các con, Thầy nhắc nhở mấy con. Các con nhớ trồng cây ngoài đó cho mát. Cho mọi người tu được mình có phước con.
Phật tử: Con xin lỗi Thầy, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho tụi con. Căn cơ của chúng con, thời nay là thời cạn, thời Mạt pháp cho nên nghiệp dày phước mỏng. Mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con cái nào mà chuyển nghiệp cho nhẹ bớt, để trên con đường tu hành để bớt. Thí dụ như bố thí, cúng dường hay như thế nào Thầy chỉ dạy thêm?
Trưởng lão: Con ngồi xuống đi để Thầy dạy cho.
6- GIẢI THÍCH VỀ CÔNG VÀ ĐỨC
(27:30) Phật tử: Với cái thứ hai con xin hỏi: Thế nào là Công? Thế nào là Đức? Xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ thêm?
Trưởng lão: Bởi vậy, cho nên ở đây là cái công là cái công mà cái sự luyện tập, cái sự hàng ngày đem lại cho mình cái sự hiểu biết, đó là cái công. Con tập luyện hàng ngày đó là cái công. Chứ không phải con đem làm cái công từ thiện, con đi làm chỗ này, chỗ kia từ thiện là cái công đâu. Công đó là, từ thiện đó là có thiện có ác, nó sẽ làm khổ con đấy. Cho nên có nhiều người đi làm từ thiện mà xe đụng chết. Thành ra nó là thiện ác nó đi theo mình trong vòng nhân quả của nó.
Còn cái mà hiện giờ mấy con là những người còn gia duyên, còn cư sĩ trong nhà đó, mấy con còn sống nhiều duyên, tiếp xúc bạn bè, tất cả những người thân của mình, thì mấy con nên học đạo đức nhân bản - nhân quả.
Bởi vì hàng ngày cái tri kiến của mấy con thấy nhân quả. Có người chửi mình, mình thấy đó là nhân quả, mình không giận. Mà các con không thấy nhân quả là các con có giận. Nhân quả mà. Nếu không có nhân quả làm sao hôm nay có gặp nhau? Mà không có gặp nhau làm sao mà nói trái ý nhau mà nói nặng nói nhẹ nhau đây? Cho nên thấy nhân quả thì mình sẽ không giận hờn, mà mình còn tha thứ và thương yêu. Để cho cái nhân quả của mình nó được chuyển biến, nó thay đổi. Đó là mấy con phải học nhân quả.
7- SỐNG ĐÚNG ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ LÀ LÀM CÔNG ĐỨC GIẢI THOÁT
(28:53) Trưởng lão: Học nhân quả thì mấy con phải học đạo đức nhân bản - nhân quả. Đạo đức nhân bản - nhân quả dạy các con sống như thế nào? - Không làm khổ mình, khổ người. Tức là muốn nói, muốn làm cái gì đó không được làm cho người ta khổ. Muốn nói, muốn làm gì đó, thì phải tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng. Nói Chánh Tư Duy mà, thì mấy con sẽ không làm khổ mình. Thì nội bao nhiêu đấy cũng đủ cho mấy con sống ở cuộc đời.
Nó chưa đi sâu vào Thiền Định, nhưng nó là tri kiến giải thoát,nó là tuệ giải thoát của mấy con,nó giúp cho mấy con sống cuộc sống không còn đau khổ,nó tạo cho gia đình các con được hạnh phúc, được an vui, trên thuận dưới hòa bằng cái đạo đức đó. Cho nên mấy con cần tìm những cuốn sách đạo đức nhân bản - nhân quả. Dạy đạo đức nhân bản - nhân quả có 5 bộ:
Bộ thứ nhất là Đạo Đức Hiếu Sinh.
Bộ thứ hai là Đạo Đức Ly Tham.
Bộ thứ ba là Đạo Đức Chung Thủy.
Bộ thứ tư là Đạo Đức Thành Thật.
Bộ thứ năm là Đạo Đức Minh Mẫn.
Đó là năm cái Đạo Đức Nhân Bản. Mà trong giới luật Phật thì:
Giới thứ nhất là Cấm sát sinh. Đó là Đức Hiếu Sinh.
Giới thứ hai là Cấm tham lam, trộm cắp. Đó là Đức Ly Tham.
Giới thứ ba là giới Cấm tà dâm, tức là Đức Chung Thủy.
Giới thứ tư là Cấm nói dối, giới cấm không được nói dối, tức là Đức Thành Thật.
Giới thứ năm là Cấm uống rượu, không nghiện ngập, thì nó Đức Minh Mẫn.
Năm cái đức. Mà Mấy con phải đọc giới, thì bây giờ ở chùa nào cũng dạy giới rồi. Nhưng mấy con nên tìm cái bộ sách Đạo Đức dạy trong năm cái giới luật này. Đạo đức của năm giới, tức là đạo đức nhân bản - nhân quả, gốc của con người. Nhân bản là cái gốc của con người mà. Mấy con được cái này thì mấy con sẽ sống đạo đức. Mấy con sẽ sống trong nhân quả.
(30:49) Thầy nói mấy con học thông suốt rồi, cái tri kiến thông suốt năm cái đạo đức này rồi thì không ai làm cho tâm các con khổ. Chửi con, mắng mấy con, làm gì mấy con cũng không khổ. Tại vì mình hiểu mà, điên gì mình để cho tâm mình giận. điên gì mà mình lại lo rầu.
Trong gia đình mình có người bệnh đau, thì mình thấy đây là nhân quả. Mình phải sẵn sàng giúp đỡ cho cái người đau thôi, phải không? Chứ không có ở đấy mà rầu lo, sợ chết, sợ này kia. Không có điều đó. Các con đã hiểu nhân quả mà làm sao tránh khỏi nhân quả. Cho nên vì vậy mà mình an ổn để mình giúp người đó. Và người bệnh đau mình cũng nhắc: “Đây bệnh đau là để mình trả quả mà. Có gì mà mẹ hay ba lại buồn. Mạnh mẽ, cứng rắn hơn, đừng sợ hãi. Chết là chết, sống là sống. Đó là nhân quả”. Do đó cái người bệnh giữ vững tinh thần thì bệnh mau hết. Còn trái lại mà cứ lo rầu, sợ, rồi lo chuyện gia đình, con cái, rồi bỏ. Còn đứa này nó chưa có làm ăn, còn đi học. Bây giờ tao chết, không biết rồi ai lo cho nó? Đó là những cái đau khổ, cái nhân quả.
Cho nên khi hiểu nhân quả rồi, thì không lo. Nó sẽ có người khác lo cho mấy em, mấy cháu nó. Do đó tinh thần vững vàng, mà tinh thần vững vàng thì chuyển đổi được nhân quả. Do đó các con sẽ nỗ lực làm được những cái điều này, mà làm được những điều này thì đó là công đức giải thoát. Chứ không phải đến chùa cầu Phật hoặc lạy Phật, cúng dường cho nhiều rồi mới được công đức. Công đức này là công đức mê tín. Thành ra không được. Mình chỉ tưởng vậy chứ sự thật ông Phật không bao giờ dám thò tay vô cứu khổ mình được. Mình đi ăn trộm, mà bây giờ ông Phật ông ấy phù hộ cho mình không ở tù, thì cái chuyện này không làm được đâu. Các con hiểu chưa?
8- TẠI SAO MÌNH CÓ THÂN BỊ BỆNH ĐAU MÀ NGƯỜI TA CÓ THÂN KHÔNG BỆNH ĐAU?
(32:19) Trưởng lão: Cho nên bây giờ mình bệnh đau là do mình làm điều ác chứ. Tại sao vậy? Tại sao mình có thân bị bệnh đau, mà người ta có thân không bệnh đau? Người ta sống trong đúng năm giới người ta không bệnh đau mấy con. Tại sao? Tại vì người ta sống bằng tinh thần người ta.
Còn có người ăn chay mà vẫn bệnh đau mấy con. Bệnh đau là tại vì mấy ông ăn chay mà mấy ông còn thèm thịt, mấy ông ăn chay mà mấy ông còn dữ quá, nói như chửi người ta. Phải không? Do đó người ta ăn chay là vì cái Đức Hiếu Sinh, cái lòng thương yêu người ta. Cho nên mỗi cái chướng ngại đều là người ta tha thứ và thương yêu. Còn mình lấy ăn chay để làm cơ sở, nhưng sự thật ra chưa chắc đã là mình thiện. Do đó có người ăn chay mà vẫn bị bệnh đau.
Hầu hết là những người mà ăn mặn. Bởi vì mình nuôi cái thân mạng mình bằng cái sự đau khổ của chúng sanh, mà làm sao thân này không đau bệnh? Thầy nói cứ vô cái bệnh viện Chợ Rẫy thì các con biết họ nằm láng lên. Thành ra trên cái vấn đề, bởi vì Thầy chuẩn bị cho mấy con. Còn có người ăn chay tại sao còn bệnh? Có người ăn chay mà nói: Bây giờ tôi ráng tu, chứ sự thật ra thấy cá thịt còn thèm mấy con.
Thầy thấy có một vị Hòa Thượng, Thầy không dám nói tên, sợ mấy con biết mấy con cười, tội nghiệp người ta. Có vị Hòa Thượng sắp sửa chết, mà thèm thịt, cách gì bảo cũng không hết. Bảo đệ tử của mình: “Mấy con hãy mua cho thầy miếng thịt nướng thôi. Thầy chỉ nghe rồi thầy chết, thầy cũng không ngáp nữa”. Nó thèm đến mức độ vậy đấy. Mà đúng cái giờ phút lâm chung rồi, chỉ cần cho một miếng thịt nướng cái mùi bốc lên là vị Hòa Thượng đó tịch. Khổ vậy đấy! Đến nỗi mà ăn chay, cố gắng ăn chay là cố gắng giữ gìn trọn vẹn để cho tín đồ Phật tử người ta tôn trọng, kính trọng mình. Nhưng không ngờ cái tâm mình không xả được. Mình không sống đúng cái đạo đức hiếu sinh mấy con. Cho nên nó cứ ức chế, ức chế đến mức nó thèm đến mức độ cuối cùng để thể hiện ra cho người ta biết. Thể hiện ra cho người ta biết được cái tâm thèm khát của mình.
(34:18) Ghê lắm mấy con, không phải dễ đâu. Tu tập đừng ức chế tâm, mà hãy thực hiện bằng sự xả tâm. Cho nên đức Phật dạy mình ly dục ly ác pháp, chứ không có dạy ức chế pháp. Hằng ngày nó có cái gì đó, mình ly dục bằng cách nào? Cũng như bây giờ nghe Thầy ăn ngày một bữa. Mấy con đừng ức chế bắt chước Thầy ăn ngày một bữa là mấy con chết. “Tôi vô chùa tôi sáng tôi chịu đựng vậy chứ mà sao tôi ăn một bữa tôi thấy sáng sao nó thèm, nó muốn ăn”. Không, mấy con phải tập từ từ.
Vô đây, thí dụ như các con ăn ba bữa, phải không? Thì sáng Thầy cho mấy con ăn tiểu thực, một gói mì đi. Trưa mấy con ăn bữa cơm, chiều Thầy cho uống sữa. Là Thầy bớt cái bữa chiều, mấy con ăn một bữa rồi đấy, mấy con uống ly sữa thôi, phải không? Sau đó Thầy cho mấy con buổi chiều còn uống ly nước chanh thôi, không cho uống sữa nữa. Thầy bớt dần, bớt dần đi. Chừng đó buổi chiều Thầy không cho ăn nữa. Buổi sáng Thầy cho mấy con uống sữa. Thầy bớt buổi sáng rồi, còn uống được ly sữa. Nhưng mà tập cái cơ thể của mình nó dễ thích nghi lắm mấy con. Tập nó thích nghi cho quen, từ một tháng đến sáu tháng mấy con quen thì mấy con ăn một bữa không sao hết.
Chứ dục không, như mấy con bây giờ mà ăn ngày một bữa bắt đầu nó sụt cân. “Trời đất ơi! Hôm đó tôi 56 kí, mà bây giờ còn 50 kí. Trời ơi, nó mất 6 kí lô của tôi rồi”. Hoảng hồn không dám tu nữa. Có phải không mấy con? Cho nên vì vậy mấy con từ từ mấy con tập để cơ thể mình thích nghi. Cho nên nó thích nghi nó sống quen nó không sao hết. Chứ dục không mấy con hạ thủ công phu đại thì tiêu mấy con đó. Cho nên đừng vội. Tu tập mà, người ta đã nói tu tập mà, chứ đâu phải là vào cái được liền đâu. Tập luyện từ cái thân của mình phải tập luyện, cho đến cái tâm của mình phải tập luyện dần dần dẫn nó.
Thí dụ như bây giờ các con dẫn: Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự chừng nửa phút thôi. Ai bảo ráng tập 1 phút làm chi cho nó có vọng tưởng. Từ nửa phút mấy con tập cho được nhuần nhuyễn trong 1 tháng. Tâm mình nó sẽ nhuần nhuyễn được thì mình tăng lên 1 phút. Từ nửa phút tăng lên 1 phút. Rồi từ 1 phút mình tăng lên 1 phút rưỡi, từ từ mình tu tập. Nhờ nhiều năm tháng luyện tập thì mấy con sẽ được tâm bất động. Còn nghe người ta nói bất động, “mà sao tôi giữ 30 phút không được này”. Trời đất ơi! Sức gì? Sức trời sao mà giữ 30 phút được? Phải tập mấy con, cứ tập từ từ nó sẽ được.
9- RÈN LUYỆN Ý CHÍ NGHỊ LỰC
(36:37) Trưởng lão: Bền chí! Đạo Phật là đạo dạy chúng ta có ý chí, bền trí, kiên cường trước khó khăn, trước những cái khó chúng ta vượt qua.
Cho nên đầu tiên mấy con mà muốn vào tu với Thầy. Thầy dạy mấy con rèn luyện ý chí, nghị lực. Thầy bắt mấy con đi 10 bước, ngồi xuống thở 5 hơi thở, đứng dậy đi 10 bước, thở 5 hơi thở. Tập như vậy trong 30 phút cho Thầy. Vọng tưởng có hay không, không cần biết, chỉ có chịu khó đi, đúng 10 bước ngồi xuống, rồi đứng dậy hít thở. Mà chịu khó 30 phút. Trời đất ơi! Đứng lên ngồi xuống nghe nó mệt. Vậy chứ mà rèn luyện ý chí đó mấy con. Mình bền chí, mình mới ráng, mình rèn luyện. Còn nếu mình thấy nhọc nhằn quá, thôi, “coi bộ không có Thầy, tôi chui chỗ nào ngồi đi để lười biếng một chút”, thì không được, phải tập. Tập rồi lần lượt Thầy cho tăng dần dần lên. Thầy thấy rèn luyện được cái nghị lực của mấy con ý chí rồi Thầy không cho tập nữa đâu, Thầy dạy cái khác.
Có được ý chí rồi thì coi như gặp cái gì khó khăn các con vượt qua được. Mấy con không có nản chí nữa, mấy con không có bỏ cuộc. Phải luyện hết mấy con, phải tập luyện hết. Nói “Tôi có ý chí”, thì sau đó Thầy cho gặp cái khó khăn là mấy con chùn bước rồi, thì biết rằng mấy con nói chứ chưa có. Đó, thì mấy con tập mấy con sẽ được.
Cái gì tập cũng được hết mấy con. Con người ta, chứ dễ lắm mấy con. Cũng như hồi nào tới giờ mấy con không biết chữ ấy gì? Rồi mấy con đi học vô lớp Một, lớp Hai, lớp Ba cho đến Tiểu học, mấy con học mấy con biết chữ không? Bây giờ mấy con đọc chữ là mấy con phải học, chứ cỡ mà không cho các con vô trường học, bây giờ đưa cái tờ báo, đưa cái tập sách cho mấy con có đọc được không? Đâu có được. Cho nên người ta học là được, mà học được thì tu được. Đâu có gì mà khó.
Cho nên mấy con thấy những người bền chí học tập, ham học thì người ta phải đỗ tiến sĩ. Người ta phải đỗ cao chứ sao. Còn mình học, gia đình mình nghèo, không đủ điều kiện đi học, mình đành bỏ cuộc. Chứ sự thật, Thầy nói người nào cũng tiến sĩ được hết. Chứ không phải là mấy ông tiến sĩ, còn tôi đậu không được đâu. Tại vì gia đình tôi nghèo, chứ mà gia đình tôi có tiền, tôi cũng đi học được.
Học thì nó huân thêm. Bữa nay tôi dốt chứ ngày mai tôi sẽ được. Tôi không thông minh hơn mấy ông mà tôi siêng năng hơn mấy ông tôi cũng được. Chẳng hạn bây giờ mấy ông đọc qua mấy ông thuộc, tôi đọc 5 lần tôi cũng thuộc. Tôi dở hơn mấy ông tôi phải đọc 5 lần. Mấy con thấy không? Đâu có gì là khó. Sự tu tập nó cũng vậy mấy con. Mấy người giỏi thì mấy người tu mau. Tôi dở, tôi bền chí, tôi cũng được như mấy người.
10- MỖI CON NGƯỜI AI CŨNG PHẢI NỖ LỰC TỰ CỨU MÌNH
(39:12) Trưởng lão: Là con người ai cũng tu tập được hết. Người nam cũng vậy, mà người nữ cũng vậy. Chứ không phải là người nam mà tu chứng, còn người nữ không tu chứng. Mấy người nghĩ, đạo Phật là đạo của con người chứ đâu có phải là đạo của Thánh thần đâu! Nếu đạo Thánh thần thì con người tu không được, còn nếu đạo của con người thì con người tu được. Không có gì khó?
Cho nên, mấy con yên tâm, yên chí. Khi muốn đến với đạo Phật là để cứu khổ mình, chứ không phải là cứu khổ ai cả hết. Bởi vì mỗi con người đều có bốn sự đau khổ như Thầy đã nói: sanh, già, bệnh, chết. Thì mấy con phải tự cứu mình rồi. Không thể ai mà chịu đau cho mình được, không ai chết thế cho mình được.
Bây giờ thí dụ như mấy con thấy mấy con thương cha mẹ, mà cha mẹ đau, mấy con chịu thế đau cho cha mẹ không được đâu. Thương cha mẹ mình cách gì, nhưng mà mình nói: “thôi mẹ nhức đầu, để con nhức đầu dùm mẹ”, không bao giờ có điều đó được. Cũng như mẹ sắp sửa hấp hối chết, “mẹ sống con sẽ chết thế cho mẹ”, cũng không bao giờ được đâu. Cái chuyện của nhân quả đó, không ai thế cho ai được hết, ai cũng phải tự cứu lấy.
Vì thế mấy con phải tự giác để mà tu tập. Tự tu tập thì mấy con tự cứu khổ mình. Thì không ai làm cho mình được hết, mấy con phải ráng. Ông Phật, ông cũng không tu cho mình được. Cho nên đức Phật nói: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi. Ta chỉ là người hướng đạo”. Nghĩa là các con phải tự đi, chứ đức Phật không đi dùm được. Cho nên mình đến chùa mà cầu ông Phật gia hộ này kia cho mình mạnh giỏi, thì mấy người đó mù quáng, mê tín.
Phật nào mà cứu khổ mình được? Bây giờ mới đẻ ra đức Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn để an ủi tinh thần mình. Chứ ông Phật Quan Âm dám cứu mình à? Chứ sự thật ra nếu mà có Bồ Tát Quan Âm thật sự, thì chắc ai mà cứu khổ?
Ở trên hành tinh chúng ta mấy con biết chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con người thật. Còn mấy con kiếm ông Phật Quan Âm thử coi có hộ khẩu trên hành tinh chúng ta không? Không! Chúng ta tự đặt ra. Rồi ông Phật Di Đà không biết ở xứ nào đâu bây giờ cũng lôi về đây. Tìm hộ khẩu không có. Thì như vậy, rõ ràng là chúng ta tưởng tượng ra, chứ làm sao có những đức Phật này?
Ở trên thế gian, trên hành tinh chúng ta chỉ duy nhất có ông Phật Thích Ca, là con người Ấn Độ, tu hành chứng đạo, rõ ràng có hộ khẩu. Còn toàn bộ những ông Phật khác là do chúng ta khéo tưởng tượng. Cho nên bảy đức Phật quá khứ không có. Còn về sau mà nói chuyện Di Lặc không có. Thế mà đi các chùa to thấy ông Phật bụng to lớn thế này nè. Phật gì mà ăn dữ vậy? Có phải không mấy con? Làm cái gì mà mấy người tưởng tượng dữ vậy?
(41:56) Thành ra cái sai của con người chúng ta giàu tưởng tượng. Đem cái câu chuyện của Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký, là một tác giả tưởng tượng ra Tây Du Ký. Bây giờ ở trong kinh Đại Thừa lại có Đấu Chiến Thắng Phật. Trời đất ơi! Đấu Chiến Thánh Phật là nhân vật tưởng tượng mà bây giờ bắt chúng ta lạy hồng danh, lạy ông Phật Đấu Chiến Thắng Phật. Các con thấy không? Nó đâu có, nó là tưởng tượng của nhà văn chứ làm sao có những nhân vật đó có thật. Các con hiểu không? Cho nên chúng ta hầu hết là bị tưởng ra, sống trong tưởng mà không biết. Rồi người tưởng thế này, người tưởng thế khác, nó đủ loại không ở trong này hết.
Cho nên trong những cái sai mà chúng ta không đủ trí tuệ phán xét cái đúng cái sai. Mà bây giờ các con đến chùa nào thì thấy cũng có Quan Âm. Trời đất ơi! Tạc một tượng Quan Âm nó đâu phải ít tiền sao. Rồi lại Di Lặc, ôi thôi, chùa nào cũng có!
11- TÂM NGUYỆN TỔ CHỨC TU VIỆN TRANG NGHIÊM
(42:41) Trưởng lão: Ở đây thật sự Thầy có thờ đức Phật Thích Ca duy nhất thôi. Không ai khác hơn hết. Một đức Phật ôm bình bát khất thực, để nhắc nhở chúng ta, đi xin để sống, để buông xả hết, sống không nhà cửa, không gia đình, chỉ còn đi xin ăn mà thôi. Đó là cách thức ôm bình bát, như cái tượng Phật Thích Ca ôm bình bát.
Tượng Phật Thích Ca nằm đó là Niết Bàn. Trước khi mà chết phải nhập các định, rồi xả bỏ báo thân vào Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở, xả bỏ báo thân. Đó là hành động sống thực để làm chủ sự sống chết qua hình ảnh của đức Phật nhập Niết Bàn. Mà các con thấy rất rõ, ở đây Thầy thờ cái nào cũng có ý nghĩa, nhưng mà có cái điều kiện là cái Tu viện của mình nó chưa có tạo cái nơi mà trang nghiêm để thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để tưởng nhớ công ơn của người.
Do đó nhà cửa chúng ta ở san sát với nhau như thế này. Thì thật sự ra, khi bước vào cảnh quan này, thì cái chùa chúng ta chưa được trang nghiêm. Cho nên ở đây thì lần lượt chắc có lẽ Thầy cũng gợi ý cho cô Út, lần lượt để giúp cho chúng ta có một cái nơi trang nghiêm. Để chúng ta thấy sự cung kính, tôn trọng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Như vậy là mới đúng cách.
(44:12) Lần lượt rồi mình sẽ cố gắng, mình tìm cách để mình tạo cái Tu viện của mình. Vì Tu viện của mình, theo Thầy biết là có một số chính quyền các cấp của Tây Ninh, mà khi họ về họ nói: Cái Tu viện này nó không phải là cái chùa đơn sơ như ở trong tỉnh của mình, mà nó có một cái tiếng rất rộng đối với Ban Tôn giáo Nhà nước ở Trung ương. Một ngày nào đó, họ về thăm Tu viện mình, thì mình phải có cái nơi thờ tượng Phật cho nó nghiêm trang một chút. Để không khéo họ về, họ đánh giá trị cái Tu viện có tiếng như vậy, mà đến đây thấy tổ chức không ngăn nắp. Mấy con hiểu không? Chính quyền gợi ý mình. Rồi người ta nghĩ, người ta còn nói như thế này: “Cái Tu viện này nó không phải là có tiếng nội ở trong nước của mình không đâu, mà có thể ở ngoại quốc”. Khi mà các tôn giáo ở ngoại quốc, người ta nghe tiếng rồi người ta về thăm Tu viện của mình, người ta thấy mình tổ chức ngăn nắp, người ta rất kính trọng, kính phục cái quê hương của mình, là có sự tín ngưỡng tôn giáo đúng đắn.
Nhà nước người ta còn gợi ý Thầy về những vấn đề đó. Cho nên vì vậy mà Thầy gợi ý cô Út. Hiện giờ con cố gắng sắp xếp sao cho Tu viện của mình nó trang nghiêm. Cái thất mà xung quanh đây, thì mình có thể đưa ra sau, để cho người ta đến, người ta tu, người ta ở, chứ không lẽ người ta đi quanh cái chùa như vậy thì không được.
Tại sao hồi đó mà cất những cái thất này? Tại vì hồi đó mình chỉ có ba mươi công đất mà thôi, thì mình cất cái chùa xong nó hết đất rồi. Do đó làm sao mà người khác, người ta đến đây người ta ở được. Do đó mình cất vòng vòng đây. Còn bây giờ thì đất của mình nó rộng rồi, nó tới 6, 7 mẫu đất. Thì mình hãy cho ra sau khu nam, khu nữ đâu ra đó. Khu tu sĩ thì nó ra khu tu sĩ, mà khu cư sĩ nó ra khu cư sĩ. Và khu nhà khách nó ra khu nhà khách. Đâu ra đó. Thì hôm nay mấy con thấy cái khu ngoài đó là khu nhà khách đấy mấy con. Lần lượt rồi là mình sẽ tổ chức cho nó trang nghiêm hơn. Bởi vì, con đường của Phật pháp mà mình dựng lại, tức là dựng lại đúng Chánh Pháp của Phật. Tu làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà.
Ông Phật ngày xưa tu làm chủ sanh, già, bệnh, chết rồi mới đi ra truyền dạy cái pháp cho chúng ta. Chứ đâu phải dạy pháp của chúng ta cầu cúng đâu. Các con hiểu chưa? Bây giờ mình có phương pháp, mình dạy để mình làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Thì mình dựng lại cái Chánh Pháp của Phật thì cái nơi thờ Phật phải trang nghiêm chứ, chứ đâu mà nó lộn xộn được. Cho nên tất cả những cái này phải qua một thời gian, chúng ta cố gắng khắc phục cho nó trọn vẹn. Vì sớm muộn rồi thì tất cả những cơ quan của Phật giáo, Giáo hội của Phật giáo Việt Nam thì người ta cũng sẽ về thăm.
Ngày xưa, mà năm 1991, ở đây Thầy mở hạ, thì Thầy Trí Quảng là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Thầy về đây Thầy giảng, Thầy về đây Thầy dạy mà, Thầy biết ở đây rất rõ. Cho nên vì vậy mà một ngày nào đó Phật giáo Trung ương họ sẽ về thăm Tu viện của mình. Chứ họ không có bỏ mình đâu. Bởi vì đây là một cơ sở của Phật giáo, chứ không phải là cái Tu viện này ở ngoài Phật giáo mà có đâu. Nó nằm trong cái tôn giáo của chúng ta.
(47:38) Cho nên vì vậy mà cố gắng để mình khắc phục. Để rồi quý Phật tử về thăm Tu viện, được ở lại đây 1, 2 ngày, được dạy cách thức của mình, rồi được phát cho mình những tập sách như hồi nãy đấy. Mấy con là còn sống trong gia đình, thì mấy con phải hiểu đạo đức nhân bản - nhân quả như thế nào? Để mình có sự hiểu biết đó, để mình đối xử với những người thân của mình trong gia đình, những người bạn bè xung quanh mình. Mọi người xung quanh mình đối xử như thế nào để không làm khổ mình, khổ người.
Mấy con không học, mấy con không chịu đọc sách thì mấy con làm sao biết? Bây giờ mấy con học thì mấy con sẽ biết,biết thì mấy con đâu có làm khổ mình, khổ người đâu. Cho nên những sách đó, mấy con đến đây được Thầy sẽ nói với cô Út sẽ phát cho không mấy con mỗi người 1-2 tập sách đạo đức để về mấy con nghiên cứu. Khi nghiên cứu từ những căn bản thì mấy con sẽ đi sâu hơn, thì sẽ đọc được những tập sách cao hơn, sâu hơn. Để làm cho sự hiểu biết của mấy con, đem lại sự bình an cho mấy con. Đó là một điều hạnh phúc. Nhất là được như vậy thì đó Thầy cũng mãn nguyện. Và mấy con cố gắng khắc phục mình, sống không làm khổ mình, khổ người (tức là mấy con không phụ lòng Thầy), có vậy thôi mấy con.
Cho nên vì vậy mấy con cố gắng, và ở đây thường thường sách của Thầy thì mấy con không xuống nhà sách mấy con mua mà có được. Bởi vì sách không bán chỉ cho. Cho nên không thể nào đưa vào những nhà sách để phát hành. Cho nên tìm ở trong các nhà sách thì không có. Nhưng mấy con sẽ đến những chùa, những nơi nào mà trong đó có giới thiệu, thì mấy con sẽ được sách mấy con đọc.
Đọc để học làm người cho tốt mấy con. Đến đây thì Thầy xin chấm dứt. Mấy con cố gắng, để rồi khi gặp Thầy mấy con sẽ… Sau này có đủ duyên gặp nữa thì Thầy sẽ nói chuyện về tu hành. Và mình ở đây thế nào có người tu chứng hay không? Điều đó là điều quan trọng mấy con. Phải có người tu chứng. Rồi Thầy chào mấy con.
HẾT BĂNG