Skip directly to content

20090126 - TẬP LÀM CHỦ THÂN TÂM

20090126 - TẬP LÀM CHỦ THÂN TÂM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Ngày giảng: 26/01/2009

Thời lượng: [25:01]

1- XẢ TÂM BẰNG TRI KIẾN NHÂN QUẢ VÀ CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG

(00:01) Trưởng lão: Hôm nay mùng 1 tết mấy con đến thăm Thầy, đến thăm Thầy mấy con có hỏi gì không con?

Phật tử: Con là Minh Đức, hôm nay về đây thấy Thầy bình an, con thấy mừng! Năm mới về để kính chúc xin bạch Thầy, hơn nữa con xin sám hối một năm qua con tu hành không tốt.

Trưởng lão: Ráng cố gắng khắc phục nó! Nhất là xả tâm con, xả tâm cho nó được cái tâm nó Bất Động, nó Thanh Thản An Lạc Vô Sự!

Phật tử: Con phát nguyện ra năm con sẽ cố gắng tu tập tốt!

Trưởng lão: Mấy con nhớ! Tất cả những cái sự việc mà xung quanh mà xảy ra cái gì bất cứ nó làm cho lo lắng, buồn phiền, giận hờn đều là nhân quả hết mấy con. Chỉ có cần mấy con hiểu nó là nhân quả, cái tâm mấy con sẽ được an lạc, sẽ được giải thoát, có như vậy là quý lắm.

Mấy con nhớ những lời Thầy dạy để mấy con xả được cái tâm của mình, nó làm cho tâm mình nó được bất động, làm cho tâm mình nó không dao động trước những cái ác pháp nó tác động rất mạnh, nó làm chúng ta không có an ổn, cho nên nhớ những cái lời Thầy dạy tất cả các pháp đều vô thường, nó là nhân quả không có gì là của mình hết, do đó cái tâm mấy con sẽ được an ổn, sẽ được giải thoát. Cho nên đầu năm, Thầy chỉ mong sao mấy con giữ được cái tâm bất động Thanh Thản An Lạc Vô Sự với cái pháp Như Lý Tác Ý. Khi nó có chuyện gì mà xảy ra thì mấy con nhớ đây là nhân quả, vui vẻ mà trả nhân quả đi, đừng có lo lắng, đừng có buồn phiền, đừng có sợ hãi. Cho nên cuối cùng thì mấy con sẽ được an ổn, có vậy thôi!

Đầu năm, Thầy xin nhắc nhở mấy con nhớ những cái điều đó thì đó là cái Pháp cứu mấy con thoát ra khỏi sự đau khổ, mấy con nhớ nhiêu đó là đủ rồi chứ không có tu gì nhiều, nó đòi hỏi ở cái tri kiến của mấy con, cái sự hiểu biết của mấy con, nhận nó ra nhân quả, nhận nó ra cái sự nhân quả của nó, thì mấy con sẽ được an ổn. Đó mấy con thấy, nhớ điều đó.

Còn cái sự tu tập gì đi nữa thì mấy con phải có được gần, gần Thầy, gần thiện hữu tri thức, Thầy sẽ hướng dẫn dạy cách thức tập luyện. Thí dụ như phá hôn trầm, thùy miên thì mấy con phải tập Pháp Thân Hành Niệm hoặc là mấy con sẽ tập Định Niệm Hơi Thở: "Với tâm định tĩnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra", để mà phá hôn trầm, thùy miên, còn cái đó là những cái phương pháp tập thì phải có Thầy hướng dẫn.

(2:10) Còn hiện bây giờ mấy con muốn giải thoát được tâm mình nó không còn bị chướng ngại, bị giận hờn, bị phiền não, bị lo lắng, sợ hãi. Thì do đó, mấy con thấy: ”Đây là những sự kiện xảy ra, đây là nhân quả”, thì đủ cho mấy con được an tâm, đủ cho mấy con được yên ổn, mà không cần phải khổ sở, buồn phiền, phải đau khổ với cái tâm của mấy con.

Cho nên dù là một cái cơn đau, nó làm cho mấy con khổ sở. Nhưng mấy con thấy đây là nhân quả, vui vẻ mà trả, không có gì mà phải sợ. Có bệnh thì phải có hết, chứ không phải lúc nào cũng bệnh. Cho nên mấy con thấy nó là pháp vô thường, mình đừng sợ, thì như vậy tâm mấy con sẽ không dao động, nó sẽ được an ổn. Thì mấy con sẽ giải thoát có như vậy thôi, thấy không?

Hôm nay mấy con về thăm Thầy, trong cái dịp mùa xuân, và cũng là trong một cái dịp mà Thầy đến với Tăng Ni để khuyến khích họ để nỗ lực. Như hồi sáng mấy con thấy, Thầy mắc hướng dẫn mắc hướng dẫn cho một số Tăng, rồi một chút xíu đây Thầy qua hướng dẫn cho một số Ni nữa. Cho nên vì vậy, mà cách thức dạy cho họ để cho họ biết cách để mà họ khắc phục trong một năm. Trong một năm tới họ phải chứng đạo, tức là họ phải chứng được cái tâm vô lậu của họ. Đó là một quá trình tu tập từ lâu tới giờ, mà chỉ còn trong 5 – 6 tháng, 7 – 8 tháng, hay hoặc là suốt một năm nay, năm tới này phải đạt được cái mục đích là chứng đạo, chứ không thể nào kéo dài mãi, cái vấn đề tu tập là cái vấn đề làm, làm thì phải có kết quả, chứ tu tập mà không có kết quả là tu tập cái gì? Tu tập thì phải thấy được kết quả, và phải tu chứng! Không thể nào mà nói tu mà không chứng là tu cái gì? Mình làm cái gì cũng phải có kết quả, người nông dân trồng lúa thì phải có kết quả có lúa ăn, mà cái người buôn bán, thương mại thì phải có lời để mà sống, chứ nếu mà không có lời sống thì làm sao. Người tu hành thì phải chứng chứ! Phải được giải thoát chứ! Sao lại tu mà không chứng? Cái đó sai! Cho nên pháp của Phật là không có thời gian, đến để mà thấy.

(4:13) Như bây giờ Thầy dạy mấy con thấy, biết tất cả đều là nhân quả, các pháp đều là vô thường, thì ngay đó mấy con được giải thoát liền. Đó là cách thức nó, nó không phải chúng ta vừa ôm pháp là vừa thấy có sự giải thoát rồi. Cho nên sự tu tập của đạo Phật nó thực tế, nó cụ thể như vậy, cho nên, vì vậy mà những người tu để mà đạt được cái tâm vô lậu này, cái tâm mà không còn đau khổ nữa, thì họ phải đạt được chứ. Họ tu đúng Pháp mà, chứ đâu có phải tu sai pháp. Cho nên đầu năm, Thầy đến khích lệ và sách tấn họ để trải qua một cái thời gian sắp tới, họ sẽ đạt được những cái cái mong muốn là sự giải thoát, giải thoát.

Đến đây, thì Thầy cũng chúc mấy con một đầu năm mới, một mùa xuân đẹp đẽ và tu tập tốt, xả tâm tốt, để mấy con được sống bình an, yên ổn thân tâm.

Đến đây, Thầy xin chấm dứt và Thầy còn đi ra sau, Thầy còn tiếp một số bên Ni nữa con. Chứ bây giờ mất thì giờ Thầy nhiều lắm! Thầy đến Thầy thăm mấy con chút thôi rồi Thầy vô, chào mấy con. Thầy ra mấy con.

2- THẦY NÓI VỀ NGÀY TẬN THẾ

(15:18) Phật tử: Dạ thưa Thầy, con có một điều con xin hỏi Thầy ngắn gọn thôi. Con có một số người bạn cũng rất là thân thiết, họ tu tập giáo pháp khác thì các Giáo chủ, các Thầy của giáo pháp nói với họ là sắp đến ngày tận thế rồi. Thậm chí có nhiều người phải bán cả nhà, cả đất để mà đi làm công việc gọi là từ thiện. Như vậy con có nên khuyên họ một điều gì hay không? Hay là cứ làm thinh?

Trưởng lão: Theo Thầy thì thiết nghĩ, thì khi mà bạn là những người bạn thân của con, thì con cũng nên khuyên. Bởi vì mình thấy những cách không đúng, thì mình nên khuyên. Chứ mình làm thinh thì rất tội. Họ chỉ vì tin tưởng những vị Thầy dạy họ đó. Sự thật ra nếu mà họa chăng, cái trái đất của chúng ta có cái ngày tận thế của nó, thì chúng ta chấp nhận, chúng ta cũng chẳng có gì mà phải lo. Mà bây giờ, hiện bây giờ đang sống thì chúng ta phải lo cái sống của chúng ta cho nó đàng hoàng, đâu ra đó cho đàng hoàng. Cho nên vì vậy mà con khuyên họ, hiện giờ chúng ta đừng có vì lý do gì mà chúng ta nghĩ mình tận thế. Thôi bây giờ phải lo dọn dẹp bằng cách mình làm từ thiện thế này, thế khác. Không phải! Từ thiện thì nó là nhân quả rồi, nó có duyên thì mình làm từ thiện, không có duyên thì thôi. Bây giờ mình phải lo trong hiện tại của mình tốt thì quả đất này nó sẽ không diệt đâu, nó sẽ không hoại diệt đâu!

(6:29) Bởi vì cái tốt của mình, cái xấu của mình thì nó phải hoại diệt thôi, mà mình cứ ác thì nó phải hoại diệt, mà mình thiện thì làm sao nó phải hoại diệt. Con thấy không, lấy nhân quả mà chuyển, lấy thiện mà chuyển ác. Cho nên con khuyên họ đừng có sợ hãi, vì sợ tức là bị ác pháp rồi, nên con khuyên vậy để giúp đỡ cho họ tinh Thần. Đừng có nghe theo những vị Giáo chủ nói quả đất của chúng ta bị hoại diệt hay hoặc là ngày tận thế nó tới rồi. Đó là cái huyễn hoặc, tận thế mặc nó. Ngày mai không biết, chỉ biết ngày hôm nay chúng ta làm tốt, thì ngày mai nó sẽ tốt, chỉ có như vậy thôi.

Phật tử: Con xin cảm ơn Thầy.

Trưởng lão: Thôi, Thầy ra mấy con.

Mấy con vô trong này con, ghế mấy con ngồi đi con.

Phật tử: Thưa Thầy! Hôm nay, nhân dịp năm mới, con từ Đồng Nai, chúng con đến đây. Dạ! Chúng con có chút lòng thành, đến để mừng tuổi Thầy! Dạ con kính xin Thầy chứng minh cho con.

Trưởng lão: Cảm ơn con.

Con sẽ giao cái này lại cho cô Út. Thầy chứng minh cho con. Cô Út sẽ lo cho chúng ở đây.

Phật tử: Dạ vâng, dạ cám ơn Thầy!

3- NHẬN RA TÂM BẤT ĐỘNG

(07:30) Trưởng lão: Như mấy con cũng biết, cái đạo Phật rất đơn giản mấy con. Cái mục đích của đạo Phật ra đời, là nhắm vào đến sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết. Khi đức Phật tu chứng, cũng chứng làm chủ được những cái sự đau khổ đó gọi là chứng đạo. Mà muốn, mà làm chủ được bốn cái sự đau khổ đó, thì phải ở trong cái tâm vô lậu, cái tâm vô lậu, cái tâm mà nó không còn đau khổ, không còn giận hờn, không còn phiền não. À! Nó! Cái thân nó không còn đau nhức chỗ này, chỗ kia, thì cái cái người tu, đức Phật đã tu vào cái chỗ tâm vô lậu đó, cái chỗ, mà không đau nhức đó, thì cái chỗ đó, là cái tâm như thế nào? Để Thầy chỉ cho mấy con thấy rất rõ, cái người chưa tu vẫn có, chứ không phải là tu mới có được, mới chứng được. Mà cái người chưa tu, vẫn nhận ra được tâm bất động. Cái tâm mình hiện giờ, nó không có động, là nó, nó không cảm thấy, như bây giờ, không có thấy nóng, thấy lạnh, hoặc là nghe tiếng động, làm cho mình không có an, thì do đó, là cái tâm nó bất động. Còn mình bị phân tâm ra: ”Trời sao bây giờ nóng quá”. Đó là mình bị phân tâm ra, bị động. Vì thời tiết nó tự nóng, tự lạnh, mà mình than, mình than đó là mình bị phân tâm ra rồi, mình bị phân tâm. Cho nên mình không bất động. Còn bất động, nóng thì nóng, mà lạnh thì lạnh, kệ nó, thì đó là mình bất động. Đó mấy con hiểu không? Bây giờ, người ta chửi mình, mà mình không giận, không hờn, tức là không sân, đó là bất động. Còn người ta chửi mình, mình sân, tức là động, con hiểu chổ động chưa.

(9:01) Rồi còn cái tâm mình nó thanh thản, nó thanh thản tức là, bây giờ nó không khởi lên cái niệm nào hết. Còn con ngồi đây, mà nó khởi cái niệm này, Niệm kia là nó không thanh thản. Con hiểu chưa?

Còn cái thân mà con ngồi đây, mà nó an lạc, nó không đau, không nhức, không tê, không mỏi, thì đó là an lạc. Mà nó không an lạc thì nó mỏi, tê, nó đau, nó nhức, thì nó không an lạc. Thì bây giờ, mấy con ngồi thử, mấy con im lặng coi, khi cái thân, nó không có đau, tê nhức mỏi gì hết đó là an lạc. Còn cái tâm mấy con, không có khởi một cái vọng tưởng nào hết, đó là thanh thản! Thấy không?

Mà tất cả nóng, lạnh, hoặc là thời tiết như thế nào, con thấy thản nhiên hết, thì đó là bất động, con hiểu chưa? Nhận ra được cái chỗ này, nhận ra được rồi, nhưng mà mấy con phải sống với nó, bây giờ sống (với nó) đó là cái vấn đề tu. Cái vấn đề nhận ra, rồi cái vấn đề phải sống, sống tức là mình làm sao cho cái tâm của mình luôn luôn nó thanh thản, an lạc, vô sự đó, mà nó không bị động, nó không có khởi niệm, mà nó không có bị cảm thọ đau nhức chỗ này, chỗ kia. Muốn được vậy, thì đó là phải có những cái phương pháp tu tập, phương pháp tu tập. Bây giờ, thí dụ như các con thấy, bây giờ mình không có sân, không có giận, không có phiền não trong lòng của mình. Thì nó có cái phương pháp để tu, để làm cho mình có một cái nội lực. Mà khi người ta chửi mắng, người ta nói nghịch ý mình, mình không giận. Thì đó, có cái phương pháp, mà đức Phật Dạy, dạy rất rõ ràng.

4- ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ XẢ TÂM SÂN

(10:22) Bây giờ đó, thí dụ như cái tâm của mình, mình biết nó hay dễ giận hờn, người ta hay nói trái ý mình, cái mình tức liền, thì mình biết cái tâm nó dễ giận. Mà bây giờ thì chưa ai nói, thì nó không thấy nó, không thấy giận. Nhưng mình biết nó sẽ giận, bởi vì nó có sẵn trong này rồi. Cho nên mình phải tu tập, mình phải tu tập. Hoặc từ đó, mình ngồi lại, mình tu tập, theo cái phương pháp của Định Niệm Hơi Thở thì mình sẽ quán từ bỏ tâm sân, bởi vì mình hay sân mà: ”Quán từ bỏ tâm sân, tôi biết tôi hít vô. Quán từ bỏ tâm sân, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mình hít vô, thở ra 5 hơi thở, rồi mình lại dùng cái câu tác ý đó, nói lại lần nữa, rồi mình lại hít thở 5 hơi thở. Và cứ như vậy mình tập 30 phút, mình xả nghỉ. Rồi ngày nào, mình cũng tập vậy đó. Sao trong vòng 6 tháng, thì bắt đầu người ta chửi mình, mình từ bỏ tâm sân rồi, bắt đầu bây giờ người ta chửi mình, mình không sân, tức là mình đã từ bỏ rồi. Do cái phương pháp tu thì nó không sân.

Còn bây giờ, mấy con đang bị sân, đang bị người ta nói gì đó, mấy con tức giận, thì lúc bấy giờ, thì mấy con: ”Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con hít vô, thở ra 5 hơi thở, rồi mấy con tác ý câu đó lại một lần nữa: ”Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô, thở ra như vậy nữa. Rồi bắt đầu bây giờ, mấy con ngồi lại coi thử xem, sân nó còn? Nó mất rồi mà! Nó ly rồi. Bởi vì cái khi mà đang sân đó, mà mấy con làm cái chuyện gì, mà nó gián đoạn đi, đừng để tâm sân đó tiếp tục, nó tiếp tục hoài, thì nó còn. Mà mấy con làm một cái chuyện khác, thì lúc bây giờ, khi mà mấy con xả ra, mấy con không làm những chuyện đó nữa, nhìn lại cái tâm sân mình nó hết. Các con hiểu chỗ Thầy muốn nói không? Mà con trực tiếp ngay chỗ biểu nó ly, cho nên nó lại lìa ra, còn người ta chỉ cần, chỉ cần làm một cái chuyện gì đó, thì cái tâm sân nó cũng đã quên đi. Con hiểu không? Thí dụ như người xưa, người ta hay dạy mình đó, các con thấy khi mà tâm mình bị sân, tức giận cái gì đó, thì mình cố gắng, mình rót ly nước mình uống, thì cái tâm sân nó hạ xuống, đó là cách thức dạy, để làm gián đoạn của cái tâm sân của mình. Rồi từ đó nó xả ra. Con hiểu cách thức ngày xưa người ta dạy vậy, còn Phật thì dạy có phương pháp, có phương pháp đàng hoàng, nghĩa là: "Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra". Rồi mình mắc chú ý trong hơi thở, thì mình đâu còn nhớ cái sân của mình nữa. Mình chú ý hơi thở, rồi mình lại tác ý cái câu nữa, rồi mình chú ý hơi thở nữa. Thí dụ mình ngồi lại, thì mình thấy cái sân đâu mất đi.

(12:40) Đó mấy con hiểu chưa? Đó là phương pháp.

Còn bây giờ, mình chưa có cái đối tượng làm cho mình sân, tâm mình chưa sân, mà mình muốn biết mình dễ nóng lắm, ai nói gì mình dễ tức. Cho nên vì vậy, mình quán đoạn diệt, quán từ bỏ tâm sân, thì trong khi thời gian mình tu trong vòng một tháng, hai tháng, hay sáu tháng là cao nhất. Thì từ đó, người ta chửi mắng, người ta nói trái ý gì mình, mình cũng không sân hết tức là tâm sân đã lìa rồi, đó là cách thức để cho mình không sân.

5- ĐẠO PHẬT LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

(13:08) Còn bây giờ cách thức mà làm chủ bệnh, làm chủ bệnh mấy con có phương pháp đàng hoàng mà. Bởi vì thân có bệnh, chứ nói tôi tu không có thân không bệnh thì không phải. Đức Phật tới giờ chết đức Phật còn bị bệnh mà. Tu chứng rồi mà vẫn bệnh mà. Nhưng mà đức Phật làm chủ được bệnh, đuổi bệnh ra khỏi thân. Chết không phải trong đau bệnh, mà chết nhập vào Tứ Thiền mới chết mấy con. Mấy con đọc kinh Niết Bàn, mấy con thấy rõ hơn. Cho nên làm chủ bệnh, không để bệnh làm chủ nữa. Đức Phật bệnh, coi như trên đường đi mà về chỗ nơi Niết Bàn, thì đức Phật bị đau bệnh ngặt nghèo lắm. Nhưng đức Phật nằm lại, tỉnh thức tác ý đuổi bệnh, bệnh hoàn toàn không còn có nữa. Đức Phật đi đến chỗ Niết Bàn mới nằm xuống, mới nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, mới tịnh chỉ hơi thở, mới xả Tứ Thiền, mới vào Niết Bàn, mới bỏ thân. Đó là cái phương pháp của Phật như vậy, chứ không phải nói mình tu theo Phật là thân không bệnh, có bệnh, nhưng làm chủ bệnh. Cho nên mấy con nghe đức Phật. Đạo Phật là Đạo làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết, làm chủ, chứ không phải những cái đó nó không có, nó không có.

Làm chủ được, thí dụ như người ta chửi mình, mà mình làm chủ được, thì cho nên mình không sân. Chứ không phải con diệt hết cái tâm sân của con. Con có sân nhưng mà làm chủ, vì vậy mà con không sân. Thí dụ như bây giờ con đang sân, con tác ý: "Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra". Rồi mấy con hít vô, thở ra, mấy con xả ra, mấy con thấy không sân. Tức là nó đã có phương pháp, để làm chủ được cái đời sống của chúng ta, không còn đau khổ.

(14:31) Rồi bệnh đau cũng vậy: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Thì mấy con hít vô, thở ra 5 hơi thở. Rồi mấy con tác ý hít vô, thở ra. Thì cái đầu của mấy con đang nhức đó, mà mấy con cứ ôm trong hơi thở mà tác ý như vậy, thì mấy con, khi mà mấy con không còn ở trên pháp đó, thì mấy con thấy cái đầu hết đau. Đó là phương pháp đối trị bệnh mà, làm chủ bệnh mà, chứ đâu phải là không có phương pháp làm chủ bệnh.

Cho nên, thí dụ như Thầy, bây giờ Thầy, cái cơ thể Thầy như thế này, Thầy muốn chết. Thầy đang sống như mấy con mà, cũng mạnh giỏi, bình yên vậy. Nhưng mà, Thầy thấy cần phải bỏ cái thân này. “Thôi mình cũng đã sống lâu quá rồi, nay cũng bảy, tám chục năm rồi, gần 100 tuổi rồi. Thôi mình ra đi. Để bây giờ, có những đệ tử của mình tu chứng rồi, thì mấy người này, họ thay Thầy, để mà dạy cho Phật tử. Còn Thầy ở đây để làm gì, lớn tuổi rồi. Thôi! Thầy ra đi!” Cho nên Thầy bảo: "Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền". Thì ngay tại thân Thầy, tâm Thầy mới vào Tứ Thiền, một cái trạng thái an ổn, hơi thở ngưng, mà nó rất là an lạc. Lúc bây giờ, Thầy mới từ ở trong cái trạng thái Tứ Thiền đó, Thầy tác ý ra: ”Thân tâm phải xả cái trạng thái Tứ Thiền, vào trạng thái Niết Bàn”. Tức là vào trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Bỏ thân thì ngay đó, thân tâm Thầy nó sẽ vào cái trạng thái Thanh Thản, an Lạc, vô Sự, nó bỏ cái thân này, không còn thở nữa. Lúc bây giờ người ta thiêu đốt, hoặc là người ta chôn, tùy ý người. Đó gọi là làm chủ sự sống chết. Chứ không phải đợi thân mình bệnh đau, cho đến đỗi mà mình không thể thở được, rồi mới chết, đó là chết trong bệnh đau mấy con. Cho nên, một người tu theo đạo Phật, là một người không để bệnh đau mà chết. Mà chết trong cái sự tu tập của mình, trong phương pháp hẳn hòi, có phương pháp. Đó là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

(16:14) Vì vậy, thì mấy con thấy, từ lâu tới giờ, Thầy dạy hai mươi mấy năm nay có người nào tu chứng không? Có! Hỏi có nhiều người tu chứng không? Có, có nhiều người họ làm chủ được bệnh mà, có nhiều người họ làm chủ được tâm. Khi mà ai nói gì đó, vợ chồng cãi cọ, hay hoặc này kia đồ đó thì họ được học pháp Thầy, họ không còn cãi cọ, họ tôn trọng, cung cung kính nhau, chồng biết cung kính vợ, vợ biết cung kính chồng, thì không bao giờ có dùng ngôn ngữ thô lỗ, hoặc là kém văn hoá, cãi cọ, chửi mắng nhau, làm cho gia đình họ hạnh phúc. Đó là làm chủ được cái đời sống họ rồi đó, con hiểu không? Và bây giờ, mỗi khi có ai nói gì tức giận, thì họ lại đuổi được cái tâm sân của họ ra khỏi, thì họ đã làm chủ được đời sống rồi. Có! Như vậy là chứng đạo chứ sao! Đó là chứng về đời sống rồi.

Bây giờ chứng về tuổi già, một cái người, mà có thân mà bệnh đau, mà cứ đuổi bệnh thì cái thân của họ có yếu đuối không mấy con? Không! Mình bị cái bệnh tật, mà nó làm cho cái cơ thể càng ngày càng suy yếu mấy con. Còn cái người, có thân, mà có bệnh, mà đuổi bệnh, cho nên thân khỏe mạnh, không có uống thuốc thang. Còn mấy con thì bị bệnh đau, phải đi uống thuốc thang. Uống thuốc thang nó hết bệnh này, nhưng mà cái thuốc, nó sẽ làm ảnh hưởng cơ thể của mấy con, có bệnh khác, chứ chưa hẳn đã là hoàn toàn. Còn ở đây, người ta dùng pháp, thì còn có nào mà làm cho nó đau nữa đâu? Con hiểu không? Cho nên vì vậy, mà người ta làm chủ được bệnh, thì làm chủ được tuổi già. Khỏe mạnh. Như Thầy bây giờ khỏe mạnh, đi đứng không thấy run rẩy, đầu óc không lẫn lộn, còn nhớ nhớ đâu đó rõ ràng, mà tám mươi mấy tuổi rồi. Đâu có phải nhỏ. Nhưng mà, vẫn thấy khỏe mạnh, vẫn thấy sáng suốt, vẫn ngồi viết được những suy tư, những cái đạo đức, để áp dụng cho các em.

6- ÁP DỤNG ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ VÀO ĐỜI SỐNG

(18:00) Bởi vì, đạo đức không có nghĩa là mình dạy lý thuyết suông, mà phải dạy cho nó vào cái hành động sống. Thí dụ như bây giờ, dạy đạo Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, thì đâu dạy cho nó hiểu tức là lý thuyết. Nhưng mà bắt các em, bây giờ các em đi nè, các em phải cẩn thận thấy không. Đi phải nhìn trước, nhìn sau, đừng đạp con kiến này kia, nó chết ở dưới chân các em thấy không. Bây giờ các em áp dụng, bây giờ Thầy dạy, Thầy là Thầy giáo mà, Thầy dạy đạo đức mà, phải không? Thầy dạy đạo Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, Thầy bắt các em, bây giờ trong cái sân này nè, bây giờ các em phải (trong cái giờ đạo đức mà) đi nè, nhìn dưới chân mình đi từ đây ra cửa rồi vô đây, tập vậy thấy không, thì các em sẽ tập đi một vòng vậy.

Đó các em thấy không? Đi như vậy, các em sẽ không có đá trên cục đá, không có sụp cái hố, mà không đạp chúng sanh, thì như vậy các em cứ tập như vậy. Khi mình đi học, mình về, mình cẩn thận thì các em sẽ không xảy ra tai nạn giao thông, phải không mấy con? Tập Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, thì do đó, nó tập nó quen rồi, nó đi ra đường là nó cẩn thận, tức là dạy đạo đức Cẩn Thận phải không? Mấy con có hiểu chưa? Mà nó đã tập thành quen rồi, thì các em này, nó đâu có xảy ra tai nạn. Đó là học đạo đức! Các con thấy chưa? Trong cái vấn đề, nó quan trọng là ở chỗ phải thực hành, bởi vì dạy đạo đức mà dạy lý thuyết suông, là cho nó học, để nó thi! Là một cái gánh nặng nó, mà nó không có ích lợi! Hầu như là sách giáo khoa, mà dạy đạo đức cho công dân! Là dạy cái lý thuyết, mấy con! Không có áp dụng vào đời sống của nó, còn Thầy dạy đâu là áp dụng vào đó. Một bài học đạo Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, thì dạy cho nó cẩn thận như vậy, đi đứng mà nhìn dưới chân đàng hoàng, thì đó là Đức Cẩn Thận chứ sao! Mà cẩn thận như vậy đó, thì nó khi mà nó ra ngoài đường, nó đi, nó cưỡi cái xe đạp, hay hoặc là lái một cái xe gắn máy đi nữa, đều cẩn thận hết.

Thì tai nạn làm sao xảy ra? Mà người nào cũng vậy hết, thì làm sao xảy ra cái gì mấy con? Thấy không? Tai nạn giao thông sẽ chấm dứt ngay liền! Thì phải dạy cho nó áp dụng, nó áp dụng nó thành thói quen đạo đức rồi. Nó phải ở trong thói quen, chứ đạo đức không thể nói suông. Mà trường học bây giờ, hầu hết là, Thầy nói, Thầy giáo dạy đều phần nhiều là dạy lý thuyết, cho nên làm cho các em, chỉ làm cái bài để lấy điểm. Đó là gánh nặng của các em, mà không đem lại sự lợi ích cho bản thân các em. Còn đối với Thầy, thì phải hướng dẫn cho giáo viên dạy các em phải học đạo đức là phải biến ra cái sự sống, cái hành động sống của các em trong cái đạo đức đó, chứ không thể nói lời nói suông, thì nó sẽ lợi ích rất lớn. Đó! Đó là cách thức dạy đạo như vậy!

7- ĐẠO ĐỨC ĐẦY ĐỦ THÌ LỢI ÍCH LỚN CHO CON NGƯỜI

(20:22) Trong cái vấn đề, mà đạo đức đều là rất là quan trọng cho xã hội chúng ta. Mà đạo Phật có cái nền đạo đức nhân bản – nhân quả. Vừa rồi, Thầy có đọc một số báo chí, nói về vấn đề mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo đó cho soạn lại cái bộ sách Đạo Đức giáo khoa cho các em. Nhưng họ ở trên báo chí, thì họ gợi ý là bây giờ, chỉ dựa vào những cái đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho giáo ngày xưa đó, để dựa vào đó mà viết ra. Thầy nói: "Chưa đủ". Nó chưa đủ mấy con! Đâu có đủ được, bởi vì nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hồi nào đến giờ, ông bà chúng ta cũng dạy nó. Nhưng mà hiện bây giờ đâu có dễ gì, cho nên nó còn thiếu. Nhưng mà đạo đức không làm khổ mình, khổ người của Phật giáo mới đủ. Nghĩa là mỗi mỗi hành động mà chúng ta sơ suất, là chúng ta tự làm khổ mình rồi, mà sơ suất thì làm khổ người khác. Cho nên, những cái hành động, mà không làm khổ mình, khổ người, là hành động đạo đức. Thầy dạy làm sao? Lỡ mình nói lời nói to tiếng, là làm cho người ta buồn, là mình vô đạo đức rồi! Thiếu đạo đức rồi! Mấy con thấy không? Dạy từng cái đó, nó trở thành một đứa trẻ, một người nào đó, mà học đạo đức rồi, thì người ta dùng ái ngữ, cái lời nhẹ nhàng, ôn tồn, chứ không dám nói lời to tiếng, thô lỗ.

Đó là văn hóa, các con thấy chưa? Đó là truyền đạt được những cái tư tưởng đạo đức như vậy, xã hội của chúng ta đẹp biết bao nhiêu. Nó không còn xung đột, mà không còn xung đột nữa, thì chúng ta sống trong một đất nước, người này không xung đột người kia, gia đình không xung đột với nhau, rồi thì nước này, với nước kia, mà đều học đạo đức, thì không còn chiến tranh. Có ai mà ở đất nước này đi xâm chiếm nước khác không? Thì đó là một cái lợi ích quá lớn, đó mấy con!

8- MUỐN GIẢI THOÁT PHẢI TỰ MÌNH TU TẬP

(21:47) Hôm nay Thầy, thấy đơn giản, thì mấy con thấy, cái chỗ mà Thầy dạy tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì chỉ cần chúng ta tập, chẳng hạn là ban đầu: chúng ta được một phút, rồi hai phút, lần lượt, nó dần nó tăng lên, chứ đâu phải là không được! Nhưng mà mình phải chịu khó, cho đến khi suốt bảy ngày đêm, để cho nó ở trên một cái tâm đó, để nó chứng đạt được cái tâm vô lậu, bảy ngày đêm thôi con! Nó không còn đói khát, nó không còn hôn trầm, thuỳ miên. Do đó, chúng ta mới đạt được cái chỗ mà Tứ Thần Túc. Bởi vì cái tâm, mà nó Bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì nó phải có cái lực, cái lực của cái tâm đó. Còn bây giờ, mình có cái tâm giận hờn, phiền não thì nó cũng phải có cái lực của sự giận hờn, phiền não, gọi là nghiệp lực. Người ta vừa nói cái mình tức giận liền, đó là cái lực của nó phải không? Còn cái kia, mình ở trong ta cái tâm vô lậu, thì mình có cái lực, lực Định Như Ý Túc, lực Dục Như Ý Túc. Mình muốn cái gì, thì thân, tâm mình làm theo.

(22:39) Giống như Thầy muốn tịnh chỉ hơi thở thì nó ngưng, còn mấy con muốn không được. Tại vì mấy con chưa đủ lực, các con hiểu chưa? Tự ở trong thân, tâm của mấy con, nó có cái lực. Nhưng mấy con chưa tu tập, thì nó không có tạo được cái lực, các con hiểu không? Còn khi mà tu tập rồi thì nó mới có cái lực, cái lực đó là cái lực làm chủ sự sống chết của chúng ta, thì cái lực đó mấy con tập từ chỗ nào? Từ ở chỗ tác ý của mấy con: "An tịnh thân hành; an tịnh tâm hành" hay hoặc là: "Các cảm thọ, các pháp đều vô thường hết, buông xuống đi". Các con không ngờ cái tác ý như vậy, mà nó trở thành cái lực đó, cái lực ý thức của mình.

Cho nên mấy con tu, thì mấy con sẽ làm chủ được, mà mấy con không tu, thì mấy con phải chịu thôi. Cũng như bây giờ, mấy con tập thì mấy con mới làm chủ được bệnh, còn mấy con không tập, thì mấy con phải chịu mà thôi. Bởi vậy đức Phật mới nói: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta không thể đi thay mấy con được, ta chỉ là người hướng đạo". Phải không mấy con? Thầy nãy giờ nhắc nhở mấy con, cũng chỉ là người hướng đạo mà thôi. Còn phải mấy con, phải tự tập, tự tu. Như vậy, thì mấy con thấy, Phật pháp nó thực tế chứ. Nó đâu có phải xa vời, đâu phải cầu khấn ông Phật phù hộ cho mình được, ban phước lành cho mình đâu, đâu phải cầu khẩn, phù hộ ban cho mình tai qua, nạn khỏi được đâu. Mà chính mình sống, mình làm chủ được thân tâm của mình, thì tai qua nạn khỏi cũng do chính mình, mình đẩy lui ra. Các con hiểu điều đó không? Phải ráng tu tập mấy con!

Thôi bây giờ Thầy gặp mấy con, Thầy nói chuyện với mấy con, đủ rồi phải không con? Các con có hỏi Thầy gì thêm không con? Ráng mà tu tập, nghe những lời Thầy, rồi về đọc sách Thầy. Khi nào không hiểu, mấy con viết thơ hỏi Thầy, Thầy trả lời. Thầy sẽ giúp đỡ mấy con tu cho tốt hơn. Thôi mấy con nhớ chưa? Thôi bây giờ Thầy về, mấy con! Hồi nãy, Thầy có tiếp khách ở bên kia, rồi bây giờ qua đây, tiếp mấy con, chứ không lẽ mà, bây giờ mấy con đến thăm Thầy, mà không thấy Thầy, mấy con về buồn lắm! Thầy không để mấy con mất hy vọng!

Trưởng lão: Ngồi đi con.

Phật tử: Thôi giờ, nãy giờ, tụi con cũng nghe được cái lời dạy quý báu của Thầy, để cho tụi con về học hỏi. Rồi con cũng cầu nguyện Phật, làm sao mà độ cho tụi con. Mà sau này, mà tụi con, mà tu được, mà giống như Thầy dạy tụi con vậy. Trời ơi! Chắc tụi con cũng sướng lắm!

Trưởng lão: Phải rồi. Nhưng mà mấy con quyết tâm, là mấy con sẽ được như Thầy! Không có thua Thầy! Không có thua Thầy chút nào đâu con! Thôi bây giờ Thầy ra mấy con! Thầy chào mấy con!

Phật tử: Con chào Thầy ạ. Cám ơn Thầy!

HẾT BĂNG