Skip directly to content

SÁT SANH MÀ KHÔNG TỘI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy dạy đứng trên công lý được phép giết những loài sâu bọ côn trùng, chuột, v.v.. nhưng các loài đó sinh ra là bản tính của chúng như vậy. Cứ cho là giết hết chúng thì sẽ sinh ra loài khác tương tự hoặc không sinh ra loài khác thì mối tương quan tương sinh “có loài này thì sẽ có loài khác là sự hỗ tương trong môi trường”.

Phần này đối với đời sống của con người bình thường là họ sẽ giết, song đối với đạo Phật có lòng từ bi “Tứ Vô Lượng Tâm”, Phật dạy không được sát sanh dù là con vật nhỏ nhất, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Con suy nghĩ mục này, nên để ở bộ sách Đạo Đức Làm Người chứ ở bộ sách Đường Về Xứ Phật thì nhiều người sẽ nghĩ là không có lòng từ bi. Vậy kính mong Thầy dạy cho.

Đáp:Bộ sách Đường Về Xứ Phật là bộ sách phá những kiến chấp sai lầm trong đạo Phật cũng như ngoài đời. Vì thế, đời đạo phải rõ ràng: Đời là đời, đạo là đạo; đời có đạo đức của đời, đạo có đạo đức của đạo.

Đời có đạo đức của đời, đạo đức của đời là cách thức và hành động trách nhiệm bổn phận đối nhân xử thế, phải sản xuất ra sự sống, phải bảo vệ sự sống, phải làm hết bổn phận làm người đối với gia đình và xã hội, quê hương xứ sở, v.v…

Ai cũng biết vị trí làm người là phải sản xuất ra sự sống và bảo vệ nó, chứ không được quyền ăn bám vào người khác. Nếu có kẻ nào khác hay những loài vật nào xâm phạm cướp giựt, phá hoại sự sống thì người đời phải có quyền bảo vệ cầm súng hay bất cứ một vũ khí nào hoặc bình xịt thuốc sâu rầy để diệt trừ những côn trùng phá hoại mùa màng và kẻ xâm phạm sự sống. Đừng lấy Thánh hạnh hiếu sinh của người ly gia cắt ái mà áp dụng vào đời thường thì không đúng đạo đức làm người. Những câu trả lời trong bộ sách Đường Về Xứ Phật là trả lời chung cho người cư sĩ và người tu sĩ, chứ không riêng gì người tu sĩ đã ly gia cắt ái.

Đạo đức của người đời thì không được vô cớ giết hại người và tất cả chúng sanh dù là loài vật đó nhỏ như vi khuẩn, vi trùng.

Đạo đức làm người không cho phép chúng ta làm ngơ nhìn giặc cướp nước mà không cầm súng giết giặc bảo vệ quê hương Tổ Quốc, để nước mất nhà tan là người không có đạo đức. Vua Lương Võ Đế vì tin Phật không đúng chánh pháp, mê tín không trí tuệ, giặc đến cướp nước mà cứ tưởng rằng mình có công với Phật giáo, bỏ tiền ra xây cất 72 cảnh chùa và giúp đỡ biết bao nhiêu Tăng chúng tu học. Do công lao ấy nên an nhiên tự tại ngồi gõ mõ tụng kinh cầu chư Phật đuổi giặc. Giặc không đuổi được, nước mất, nhà tan, chết một cách rất thảm thương.

Hầu hết mọi người hiểu nghĩa Tứ Vô Lượng Tâm một cách sai lệch. Từ bi không phải là lòng yêu thương tầm thường, từ xưa đến nay mọi người đều hiểu như vậy. Hiểu đúng nghĩa “Từ bi” là phương pháp buông xả để đối trị tâm sân hận, chứ không phải lòng yêu thương bình thường, nhưng chúng ta không có danh từ nào để diễn tả đúng nghĩa từ bi buông xả với một tâm hồn thanh thản. Từ bi cũng là một pháp độc nhất để đi đến cứu cánh hoàn toàn, cho nên lấy tâm phàm phu của con người mà hiểu từ bi Tứ Vô Lượng Tâm thì làm sao hiểu được.

Tứ Vô Lượng Tâm là pháp không phóng dật, là pháp tâm bất động, còn thương yêu là còn động tâm. Như vậy Từ, Bi, Hỷ, Xả là một trạng thái Niết Bàn, chứ không phải từ bi là yêu thương theo kiểu giáo pháp phát triển.

Từ bi của giáo pháp phát triển là một trạng thái tiêu cực, chịu đựng ức chế tâm, chứ không phải từ bi không phóng dật.

Người tu sĩ Phật giáo sống ba y một bát, không nhà, không cửa, không làm một nghề nghiệp nào cả chỉ có đi xin ăn ngày một bữa thì làm gì có diệt sâu rầy, thì làm gì mà không tỉnh thức để đến nỗi vô tình sát sanh, hại mạng chúng sanh.

“Bộ sách Đường Về Xứ Phật là trả lời chung cho tất cả những câu hỏi về đời, về đạo chứ không phải chỉ có riêng trả lời về đạo mà thôi”.

Từ bi của đạo Phật là một pháp môn độc nhất tu hành từ tâm phàm phu đến tâm vô lậu, nó luôn luôn được áp dụng cho sự tu tập của tu sĩ, hơn là áp dụng nó cho cư sĩ, vì áp dụng cho người cư sĩ thì nó trở thành lòng yêu thương tầm thường nên rơi vào pháp đối đãi, do đó bị chướng ngại khi nghe nói hay thấy người cư sĩ bảo vệ mùa màng hoặc cầm súng giết giặc thì bảo rằng không lòng “Từ bi”. Ấy là hiểu và sử dụng lòng từ bi không đúng pháp, đúng chỗ, đúng người.

Đọc sách Đường Về Xứ Phật có nhiều chỗ không phải khó hiểu, nhưng vì bị những kiến chấp sai lầm từ lâu của kinh sách phát triển thành ra khó hiểu, nên hiểu không đúng ý nghĩa chánh pháp của Phật, đâm ra nghi ngờ tác giả dạy sai.