KHI TU XONG, CÒN THAM, SÂN, SI NỮA KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Câu “vì vô minh nên ta sống viễn ly” có phải người sống viễn ly như vậy tu toàn pháp quán, tưởng, Định Vô Lậu, tu không có đối cảnh để buông xả, ly dục ly ác pháp…. nhưng khi ra giữa chợ, họ còn thèm ăn, ai chửi mắng họ còn có tức giận và tham, sân, si nữa hay không?
Đáp: “Vì vô minh ta sống viễn ly”, Vô minh là không hiểu rõ, viễn ly là xa lìa.
Câu này không có nghĩa bỏ cuộc đời sống một mình trong rừng núi như các nhà Yoga, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mà phải hiểu “Vì thông hiểu rõ các pháp nên các pháp đến ta đều bỏ xuống không cho dính mắc trong tâm”.
Tu không đối tượng không bao giờ có giải thoát chỉ là một dạng người yếm thế tiêu cực trốn đời, lánh khổ. Đạo Phật không chấp nhận điều này nên pháp môn hành thiền của Ngài, Thiền Thứ Nhất “ly dục ly ác pháp” diệt ngã xả tâm quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử, chỉ khi nào tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, thì mới sống độc cư trong rừng núi một mình để thực hiện những thiền định sau cùng. Xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua nhiều kiếp tu hạnh “Nhẫn nhục”, “Tứ vô lượng tâm” (tu có đối tượng) đến kiếp cuối cùng Ngài mới thành Phật. Tu có đối tượng tức là “Hoa sen nở trong lò lửa”.
Người tránh cảnh, tu để tiêu dao, thảnh thơi an lạc không ai quấy rầy là người yếm thế như Lão Trang (Tiên Đạo). Khi đụng đến đối tượng, bao nhiêu tâm phiền não vẫn còn đầy đủ.
Đạo Phật không yếm thế, ngay cảnh phiền não, giải quyết tâm mình, buông xả hay viễn ly, tức bồ đề (giải thoát).
“Vì vô minh ta sống viễn ly”, câu này theo như các con hiểu khi tâm chúng ta còn tham, sân, si thì nên sống tránh xa mọi người, tìm nơi thanh vắng yên tịnh, để tu tập thiền định đến khi nhập các định xong, nhờ các định sẽ quét sạch tâm tham, sân, si, điều này là ảo tưởng con ạ! Con nên nhớ trong Bát Chánh Đạo, Chánh Định không bao giờ đi trước Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ, v.v..
Các con nên nhớ, khi sống trong rừng núi một mình tâm chúng ta không bao giờ chịu cô đơn, nó sẽ tìm mọi cách lý luận.
Cho nên, khi vào trong rừng núi ở tu một mình tâm sanh ra nhiều thứ chướng ngại khiến cho chúng ta bỏ hạnh độc cư thường hay thỉnh thoảng đi tới đi lui như sư cô..., sư Thầy... Còn ngồi lỳ trong thất tu hành mà không xả tâm lại ức chế tâm, nén tâm đến khi có pháp chướng ngại thì tâm nổi lên sân ầm ầm như Minh Tông mà các con là những người đã trực tiếp chứng kiến sự tu tập từ đầu đến cuối hoàn toàn sống cách ly suốt gần năm năm, thế mà tâm Thầy vẫn còn phiền não và sân hận như người bình thường chưa tu, rất uổng công tu tập gần năm năm trời một thời gian quá dài bây giờ trở về với một số “không”, chỉ còn có hình thức tu hành mà thôi, chứ xét nghiệm lại đức hạnh thì cũng không có mà thiền định thì lại rơi vào thiền tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển, cho nên năm năm trời tu hành chẳng ích lợi cho mình và cho người, bây giờ chỉ còn nói vọng ngữ lừa đảo với thiên hạ mà thôi.
“Vì vô minh ta sống viễn ly”, hiểu như các con đó là sai, vì hiểu sai như vậy đã biến đạo Phật trở thành đạo yếm thế, nhưng để chứng minh cho các con thấy, các huynh đệ của các con đã để lại một kinh nghiệm sai lầm quá lớn “Vì vô minh ta sống viễn ly”.
Xưa, có một vị Hòa Thượng ở trong rừng núi, ông xin một đứa bé hài nhi đem về núi nuôi dạy tu hành, khi đứa bé đến tuổi trưởng thành ông đưa về thành phố nơi phồn hoa đô hội “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Khi vào thành phố đứa bé thấy mọi vật cái gì cũng đẹp cũng lạ và nhất là phụ nữ thì cậu ta lại càng thích hơn và hỏi Thầy: “đó là con vật chi thưa Thầy?”.
Vị Thầy trả lời: “Đó là con cọp”.
Cậu bé hỏi: “Con cọp có dữ không thưa Thầy? Sao con thấy nó dễ thương quá vậy”.
Vị Thầy trả lời: “Con cọp dữ lắm con ạ! Nó sẽ ăn thịt con đó, con đừng nên lại gần nó”.
Sau chuyến đi thành phố này trở về núi, cậu bé không còn vui đùa hồn nhiên như trước, luôn luôn lúc nào cũng có chiều suy tư. Một hôm cậu thưa với Thầy: “Kính bạch Thầy! Xin Thầy cho phép con mua con cọp đó về nuôi được không? Sao con ưa thích nó quá”.
Vị Thầy làm thinh không trả lời và suy tư: “Tu hành theo đạo Phật không thể tránh cảnh mà tâm thanh tịnh được, trực tiếp trong mọi cảnh và phải thấu suốt cảnh vật, có trực tiếp, có thấu suốt thì mới buông xả được”, còn cậu bé này được cách ly thế giới bên ngoài từ lúc sơ sinh cho đến 18 tuổi chuyên ngồi thiền niệm Phật tụng kinh bái sám, nhưng ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám chẳng giúp gì cho cậu buông xả được mà ngược lại khi trực tiếp vào cảnh thì cậu bị lôi cuốn ngay từ lúc đầu “ái dục”.
Cho nên, câu nói “Vì vô minh ta sống viễn ly” đó là lời nói sai không đúng. Đừng hiểu lầm theo kiểu kinh sách phát, trí tuệ từ thiền định sanh ra, điều này không đúng, người ta cứ nghĩ rằng khi tọa thiền, ngồi im lặng thân tâm bất động tức là tâm hết vọng tưởng thì trí tuệ sanh, hiểu như vậy là hiểu sai. Trí tuệ được phát triển từ chỗ quán xét tư duy đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người, còn ngược lại tọa thiền ức chế tâm, tâm không vọng tưởng, từ trong sự yên lặng đó tưởng tuệ phát sanh, khiến cho từ xưa đến này mọi nguời đều lầm tưởng rằng tưởng tuệ là trí tuệ, cho nên kinh sách của các Tổ viết ra đều do tưởng tuệ, chứ không phải trí tuệ.
Cái sai thứ nhất của kinh sách phát triển và Thiền Tông là: Khi tâm hết vọng tưởng do sự tập trung ức chế ý thức mà cho là định thì đó không phải định của đạo Phật, mà định của ngoại đạo.
Cái sai thứ hai là: Trong chỗ hết vọng tưởng phát sanh sự hiểu biết, mọi người đều lầm tưởng cho sự hiểu biết đó là trí tuệ, sự thật đó là tưởng tri chứ không phải trí tuệ. Đức Phật đã xác định trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, mà giới luật tức là đức hạnh, cho nên người có đức hạnh là người có trí tuệ, người có trí tuệ là người có đức hạnh.
Trí tuệ hiểu biết những tưởng pháp như hiểu biết trong kinh sách phát triển là tưởng tuệ, sự hiểu biết đó không ích lợi cho mình cho người, sự hiểu biết đó chỉ là một hý luận. Từ xưa đến giờ các thiền sư dựng lên trò hý luận “công án” nói Đông trả lời Tây, nói Nam trả lời Bắc và còn hơn thế nữa là la, hét, chỉ, trỏ, v.v..
Vì hiểu không đúng nên mọi người khi nói đến tu thiền định thì ai ai cũng nghĩ rằng phải tìm nơi yên tịnh vắng vẻ để tu tập thiền định, chừng nào đắc định thì trí tuệ phát sanh, trí tuệ phát sanh sẽ quét sạch tâm tham, sân, si và các chướng ngại pháp, do sự hiểu lầm lạc mà người ta đẻ ra câu kinh này: “Vì vô minh ta sống viễn ly”.
Thuần Tâm là một hành giả Yoga, ông biên soạn và viết về các loại sách này có câu: “Có thiền định mới có trí tuệ, ngoài thiền định không có trí tuệ”. Nếu không có bài kinh Sonadanda trong kinh Nguyên Thủy thì lấy đâu chỉnh đốn sự sai lầm này.
Đạo Phật lấy đức hạnh làm thanh tịnh trí tuệ, lấy trí tuệ làm thanh tịnh đức hạnh, do vậy mà người tu sĩ lấy đối tượng các chướng ngại pháp của cuộc sống đẩy lui khỏi tâm mình bằng sự triển khai trí tuệ vô lậu, cho nên câu: “Vì vô minh ta sống viễn ly”. Muốn hết vô minh ta phải sống viễn ly các ác pháp chứ không phải sống viễn ly là tránh né trốn đời, trốn ác pháp.
Khi mà tránh né trốn đời, trốn ác pháp, tìm nơi yên tịnh, thanh vắng tu tập thiền định của Đại Thừa và thiền Đông Độ, khi triệt ngộ xong có nghĩa là họ đã thành một thiền sư chánh thức, khi họ xuống núi va chạm vào cuộc đời thì tâm tham, sân, si họ vẫn còn đủ và có thể còn nhiều hơn nữa, bằng chứng các thiền sư Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam sống phạm giới, phá giới, sống ăn uống phi thời, chùa to Phật lớn, và mỗi vị Hòa Thượng tịch đều xây tháp vĩ đại, khiến cho hao tài tốn của, mang nợ của đàn na thí chủ quá nhiều, mà họ có làm lợi ích được những gì cho ai đâu.
Vào đầu thế kỷ thứ 20 làn gió Thiền Tông từ Nhật Bản thổi sang Tây Âu làm dậy sóng và thức tỉnh Á Châu, nhưng bước sang đầu thế kỷ thứ 21 Thiền Tông bắt đầu tuột dốc, vì người ta đã tìm thấy thực chất của nó là một trò hý luận ảo tưởng. Hai vị Thiền Sư lớn nhất của Việt Nam là Hoà Thượng Nhất Hạnh và Hoà Thượng Thanh Từ đã bắt đầu quay hướng về những lời dạy Nguyên Thủy của đức Phật, gần đây những bài giảng của hai Ngài rất gần với ý kinh Tứ Chánh Cần.
Tóm lại, tu hành thiền định của đạo Phật, không phải chỗ ngồi thiền, tụng kinh, bái sám, niệm chú, niệm Phật, v.v.. mà ở chỗ ngăn ác diệt ác pháp và đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, thì đó mới chính là tu thiền của đạo Phật.