Skip directly to content

LỚP THỨ HAI: “CHÁNH TƯ DUY”

Lớp thứ hai trong tám lớp của Đạo Đế là lớp Chánh Tư Duy. Vậy Chánh Tư Duy có nghĩa là gì?

Chánh Tư Duy có nghĩa là suy tư, suy ngẫm về mười điều thiện và mười điều ác, do sự tư duy như vậy ta nhất định sống trong mười điều lành và luôn luôn loại trừ mười điều ác, mỗi khi có điều gì khởi lên trong ta, ta tư duy suy ngẫm và hiểu rõ nó thiện hay là ác, nếu là ác pháp thì ngay đó ta liền đẩy lui ra khỏi tâm ta, như trong kinh Song Tầm đức Phật dạy: “Này chư Tỳ Kheo! Trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành chánh giác và còn là Bồ Tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Này chư Tỳ Kheo, phàm có dục tầm[1] nào, sân tầm[2] nào, hạitầm[3] nào, đó là Ta phân làm phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, đó là Ta phân làm phần thứ hai. Này chư Tỳ Kheo! Rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Khi dục tầm khởi lên Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại Ta, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, dục tầm này đưa đến diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn (tức là không đưađến tâm thanh thản an lạc và vô sự cho mình cho người)”. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại Ta”, dục tầm tự biến mất. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm tự biến mất. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai Ta và người”, dục tầm được biến mất. Này chư Tỳ Kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm này được biến mất. Nàychư Tỳ Kheo! Như vậyTa cứ Chánh Tư Duy tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn diệt dục tầm”. (Trung Bộ Kinh tập 1 trang 262).

Đoạn kinh trên đây, đức Phật đã dạy chúng ta tu học trong lớp Chánh Tư Duy, nhờ có học, tu tập và sống trong lớp Chánh Tư Duy như vậy chúng ta mới lìa xa gốc tham dục và ác pháp.

Nếu một người quyết tâm tu hành, để cầu giải thoát thì trong lớp Chánh Tư Duy này chúng ta đã tìm được sự giải thoát thật sự đâu cần phải tu pháp nào khác hơn nữa. Phải không hỡi quý vị?

Từ khi thành lập tu viện đến giờ, hầu hết chúng tôi thấy, người tu thời bấy giờ họ không xả tâm, họ biết Chánh Kiến, biết rất rõ pháp nào ác, pháp nào thiện, họ cũng biết Chánh Tư Duy, biết rất rõ các pháp ác làm khổ mình, khổ người nhưng họ không xả ly mà chỉ ôm ấp trong lòng thù hận, oán ghét… để chịu khổ, thật là đảo điên! Điên đảo! Vậy, họ tu theo Phật để làm gì? Nếu không xả tâm dục và ác pháp.

Mục đích của đạo Phật chỉ có xả tâm để được giải thoát, nếu họ không xả tâm mà cầu Phật Đạo là cầu cái gì? Cầu thần thông ư? Điều này có lợi ích gì? Cầu về Cực Lạc Tây Phương ư? Mơ hồ trừu tượng quá không thực tế, ích kỉ cá nhân. Cầu kiến tánh thành Phật ư? Điều này cũng quá mơ hồ trừu tượng, chỉ có những người điên đảo, đảo điên thì mới sống trong mơ mộng và ảo tưởng như vậy. Cầu thiền định ư? Thiền định thì ở chỗ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, ngoài Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thì không có Chánh Thiền Định, đó là tà thiền tà định, mà tà thiền tà định thì có lợi ích gì cho mình cho người đâu.

Đạo Đế là con đường duy nhất tu tập của đạo Phật, để có Chánh Thiền Định, ngoài Đạo Đế ra, không còn có con đường nào khác hơn nữa, để có Chánh Thiền Định, đi đến giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chỉ là những pháp môn trợ giúp cho Đạo Đế, hay nói một cách khác cho dễ hiểu hơn ba mươi bảy phẩm trợ đạo là giáo trình tu học của Bát Chánh Đạo, nó làm sáng tỏ thêm Đạo Đế, về cách thức thực hành tu tập rèn luyện trau dồi trí tuệ, để sống đúng tám phương pháp này, tám phương pháp này là đạo đức làm Người, làm Thánh của đạo Phật như: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Vì thế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phải là Đạo Đế, nếu cho nó là Đạo Đế thì còn gọi nó trợ đạo để làm gì?

Ví dụ 1: Chúng ta lấy Tứ Chánh Cần để tu tập ngăn ác, diệt ác pháp thì Tứ Chánh Cần là pháp môn giúp cho chúng ta thấy rõ các ác pháp, tức là giúp cho chúng ta có Chánh Kiến, giúp chúng ta thấy biết rõ căn gốc của ác pháp, tức là giúp chúng ta có Chánh Tư Duy. Và như vậy, chúng ta tu Tứ Chánh Cần, tức là chúng ta tu tập trí tuệ Chánh Kiến và Chánh Tư Tuy hay nói cách khác Tứ Chánh Cần là giáo trình thực tập trên các lớp Chánh Kiến đến lớp Chánh Niệm có những bài vở từ thấp đến cao.

Tứ Chánh Cần, xác định rõ cho chúng ta biết vị trí và phận sự của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là ngăn ác, diệt ác pháp, có ngăn ác, diệt ác pháp thì mới gọi là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, nếu không ngăn ác, diệt ác pháp thì không thể nào gọi là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy mà phải gọi là Tà Kiến và Tà Tư Duy.

Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là lớp để tu tập Tứ Chánh Cần, còn Tứ Chánh Cần là giáo trình thực tập để định nghĩa và làm sáng tỏ cho lớp Chánh Kiến và Chánh Tư Duy trong tu tập.

Ví dụ 2: Chúng ta lấy Tứ Niệm Xứ trên thân, quán thân để tu tâp khắc phục tham ưu, thì Tứ Niệm Xứ sẽ giúp cho chúng ta quan sát, hiểu biết rõ bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, khi có các ác pháp tham ưu sanh khởi, trên bốn chỗ này khiến cho nó bị khổ đau, phiền toái. Như vậy, Tứ Niệm Xứ cũng là giáo trình thực tập để xác định và làm sáng tỏ giúp cho chúng ta có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy để ngăn ác và diệt các ác pháp trên bốn chỗ này. Và như vậy, chúng ta tu tập giáo trình Tứ Niệm Xứ, tức là tu tập trí tuệ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Tóm lại, ba mươi bảy phẩm trợ đạo chỉ là những giáo trình tu học làm sáng tỏcho sự hiểu biết và sự thực hành để chúng ta thực hiện chương trình Bát Chánh Đạo dễ dàng hơn, không có mệt nhọc mà kết quả giải thoát rất cụ thể.

Trên đây, chúng ta tu học lớp thứ hai Chánh Tư Duy, nếu chúng ta theo như lời đức Phật đã dạy mà tu tập lớp Chánh Tư Duy như vậy thì chắc chắn không những chúng ta mà bất cứ người nào tu tập cũng đều có sự giải thoát như nhau cả, nghĩa là người nào tu theo đạo Phật đúng con đường Bát Chánh Đạo thì chắc chắn trăm muôn ngàn người đều có kết quả thiết thực cụ thể, tức là giải thoát giống y như nhau.

Kính thưa các bạn! Tu học Bát Chánh Đạo, đức Phật đâu có dạy: tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú đánh chuông, gõ mõ, v.v.. mà chỉ có sống đúng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ...

Bát Chánh Đạo là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật và nó chính là chương trình tu học chân chánh của đạo Phật thì cách thức tu tập phải rõ ràng, cụ thể và thiết thực không thể mơ hồ, trừu tượng, mê tín được. Nếu Bát Chánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo tu học mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, huyễn hóa thì không được gọi là chương trình giáo dục đào tạo, không được gọi là chân lý.

Cho nên, chương trình giáo dục đào tạo, được gọi là chân lý phải là thiết thực, cụ thể, phải hiểu biết bằng tri thức của chúng ta, còn những loại pháp môn trừu tượng, mơ hồ, ảo giác, với sự hiểu biết bằng tưởng tri thì không được gọi là chân lý như: Triết học Tánh Không, Trí tuệ Bát Nhã, Phật Tánh, v.v.. đều không được gọi là chân lý, phần nhiều người ta hiểu về những pháp này bằng tưởng tuệ, chứ không phải trí tuệ, nên các pháp môn này được xem là Tà Kiến ngoại đạo, không phải là của đạo Phật.



[1] Dục tầm là ý niệm về dục khởi lên

[2] Sân tầm là ý niệm về sân khởi lên

[3] Hại tầm là ý niệm về tai hại khởi lên