Skip directly to content

ĐỜI THỨ HAI

Ông cố chúng tôi tên là LÊ VĂN TỜN, pháp danh THÍCH NHƯ QUANG, sinh năm 1806, là người cháu đích tôn của dòng họ Lê, được thừa kế giữ gìn ngôi Chùa Am. Lên thừa kế làm trụ trì ngôi Chùa Am, ông sửa sang cất lại bằng tranh lá, nhưng lại rộng rãi hơn trước, vì có nhiều người dân nơi đây đến lễ Phật, cúng bái, tụng kinh, niệm Phật và xem bói.

Lúc bấy giờ dưới chế độ vương triều nhà Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Khi lên ngôi vua, Gia Long thẳng tay thi hành những chánh sách đàn áp, bóc lột nhân dân không thương xót. Nhà Nguyễn vơ vét của cải bằng cách bắt nộp cống phẩm, đánh nhiều loại (50) thuế và thuế rất nặng: thuế buôn bán, thuế thân, thuế ruộng. Nhà Nguyễn thu thuế theo nguyên tắc bảo đảm thu nhập cho Nhà nước, bất chấp đời sống khổ cực của nhân dân và thiên tai mất mùa đói kém. Chế độ lao dịch cũng nặng nề, người dân phải đi lao dịch 60 ngày trong năm xây cung điện, thành lũy, lăng mộ. Nhân dân còn phải cung cấp vật liệu xây cất cho Nhà nước, cung cấp trang thiết bị và lương thực cho quân đội. Tục ngữ dân gian đã xác định sự thống trị tàn bạo của chế độ phong kiến vương triều Nguyễn:

“Thành xây xương trắng,

Hào đào máu dân”

Chính sách bóc lột, thống trị tàn bạo của vương triều Nguyễn làm cho mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến ngày càng gay gắt. Chưa có một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, vừa mới thành lập đã bị nông dân chống đối kịch liệt như triều nhà Nguyễn. Chúng ta hãy đọc những trang sử cận đại, để thấy rõ các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống đối các triều đại vương triều Nguyễn:

“Ngay từ năm 1802 - 1812 đã có 70 cuộc khởi nghĩa của nông dân. Đến đời Minh Mạng từ năm 1820 - 1840, đã có 200 cuộc nổi dậy lớn nhỏ. Thời Thiệu Trị từ năm 1841 - 1846, chỉ 7 năm có 50 cuộc khởi nghĩa. (51)

Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu là khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821 - 1827) ở Thái Bình; khởi nghĩa của Nông Văn Vân, vốn là tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng), ông xưng là Tiết chế thượng tướng quân, kêu gọi đồng bào thiểu số chống lại triều đình. Cao Bá Quát, nhà nho, nhà thơ nổi tiếng đương thời, đã phất cờ chống lại triều đình năm 1854 - 1855”.

Bia đá trong khuôn viên Chùa Am (52)

Ở miền Nam, có cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Văn Khôi. Cuộc khởi nghĩa này, ông cố chúng tôi có tham dự, vì thế tuy ở trong chùa, nhưng thường kêu gọi mọi người hãy đoàn kết dưới ngọn cờ của Lê Văn Khôi để chống lại triều Nguyễn.

Ông cố khéo gợi ý và thông tin cho những người dân biết, triều đại chúa Nguyễn bắt dân lao dịch làm phu nặng nề, mà còn sưu cao thuế nặng khiến nông dân quá cơ cực lại còn cơ cực hơn.

“Chiều ngày 30 tháng 8 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha gồm 2.500 quân (450 lính Tây Ban Nha), 13 chiến thuyền, trang bị vũ khí hiện đại, có tàu chiến tới 50 đại bác, Đờ-Giơ-Nui chỉ huy và giám mục Pe-Rơ-Lanh làm cố vấn, tấn công vào Đà Nẵng. Đó là bắt đầu ngày lịch sử quân Pháp xâm lược Việt Nam.

Phong trào nhân dân nổi dậy chống Pháp khắp nước. Trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, có cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định, khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông. Ở Định Tường, cuộc khởi nghĩa của Cử nhân Trần Xuân Hoa, Hương thân Lê Cao Dũng, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Ở Mỹ Tho, Gò Công có Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Ngọc Thăng…​

Ở Kiên Giang, có cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực. Ở Tân An, có cuộc khởi nghĩa của Phan Trung. Ở Đồng Tháp, có cuộc khởi nghĩa (53) Võ Duy Dương. Ở Gia Định, có Đốc Binh Kiều, Tri huyện Âu Dương Lân, Cử nhân Phan Văn Trị, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ở Bình Thuận, có cuộc khởi nghĩa Lê Quang Kiều, Phan Chính. Trương Quyền, con trai của Trương Công Định, đã liên hệ với Pu Kum Pao, nhà yêu nước Campuchia khởi nghĩa ở Tây Ninh”.

Lối đi trong Chùa Am, khu phát triển ngày nay

Trong cuộc khởi nghĩa này, có ông cố của chúng tôi và một số bạn bè thân hữu của ông tham gia chống Pháp. Trong chùa những ngày rằm, ngày vía, ngày lễ lớn, ông thường tổ chức những buổi họp mặt thông tin tuyên truyền cho mọi người biết các cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp (54) khắp nước, và giặc Pháp còn bắt bớ những nhà yêu nước bỏ tù rồi đưa ra Côn Đảo tra tấn đủ mọi cực hình, và biết bao nhiêu nhà yêu nước đã chết ở đây.

Nhờ sự thông tin tuyên truyền của ông cố chúng tôi, đã làm cho nhân dân ở đây căm thù giặc Pháp rất sâu đậm, chỉ còn chờ ngày có người lãnh đạo khởi nghĩa chống giặc Pháp là nhân dân sẵn sàng đứng lên chiến đấu.

“Trong tháng 6, tháng 7 năm 1930, tại Nghệ Tĩnh nổ ra 11 cuộc biểu tình lớn với 12.000 người tham gia. Ngày 1 tháng 8 năm 1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng đình công. Ngày 12 tháng 9 năm 1930, 20.000 công nhân Hưng Nguyên biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh của thành phố Vinh. Từ đó, phong trào nông dân lan khắp các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Can Lộc, Anh Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà với hàng vạn người tham gia. Tình thế quá căng thẳng và nghiêm trọng, giặc Pháp điên cuồng dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm chết 217 người, bị thương 126 người”.

Giặc Pháp càng bắn giết nhân dân bao nhiêu, thì lòng căm thù của toàn dân càng ngút ngàn bấy nhiêu. Khi biết rõ tình hình như vậy, ông cố chúng tôi thông tin cho mọi người biết, để cùng nhau (55) đoàn kết siết chặt vòng tay và quyết tâm một lòng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi đất nước.

Lối đi trong Chùa Am

Một người làm cách mạng bao giờ cũng phải theo dõi tình hình diễn biến chính trị trong nước cũng như trên thế giới. Khi thấy các phong trào yêu nước nổi dậy chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai trong nước cũng như ở ngoại quốc, thì ông (56) cố chúng tôi tập hợp quần chúng rải truyền đơn, hoặc xuống đường biểu tình để hỗ trợ cho các phong trào nổi dậy của các tỉnh khác, làm cho giặc run sợ trước tình hình cả nước một lòng chống giặc, đuổi giặc ra khỏi đất nước.

Cho nên người làm chính trị phải sáng suốt và nhận định tình hình để hỗ trợ cho nhau, giúp cho phong trào chống giặc càng lớn mạnh. Tuy mặc áo tu sĩ Phật giáo, nhưng ông cố chúng tôi không có một ngày nào tu tập, mà chỉ tập trung vào công cuộc cách mạng đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước.

Làm được như ông cố của chúng tôi không phải dễ dàng, trong khi ngụy quân ngụy quyền tề ấp lúc nào cũng để mắt đến những người có uy tín trong nhân dân. Hễ sơ hở chỉ một chút là dễ vào tù ngay. Nhưng dù sao, làm cách mạng thì có những anh em cách mạng cấp trên hướng dẫn chỉ đạo, nên đều vượt qua mắt giặc. (57)

✿✿✿