Skip directly to content

ĐỜI THỨ NHẤT

Vị trụ trì đầu tiên của Chùa Am là Hòa thượng THÍCH MINH KHÔNG, tục danh là LÊ VĂN TÂM, một võ tướng của Tây Sơn, dưới trướng của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ như chúng tôi đã tường trình sơ lược ở trên (theo gia phả của dòng họ Lê ghi lại rõ ràng).

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng của Việt Nam; ông thường đánh Nam, dẹp Bắc để thống nhất giang sơn Tổ quốc. Trong trận đánh quân nhà Thanh tại Hà Nội, với chiến lược, chiến thuật thần tốc của vua Quang Trung thì Lê Văn Tâm lãnh một đạo quân, dưới quyền chỉ huy của vua Quang Trung, mở cuộc tấn công dũng mãnh vào phía nam đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh (35) rút vào đồn lũy cố thủ, dùng đại bác và hỏa khí bắn xuống dữ dội như mưa để cản bước tiến của quân Tây Sơn.

Một tượng Phật trong khuôn viên Chùa Am

Trước chiến trận như vậy, Vua Quang Trung ra lệnh cho đội xung kích gồm 600 dũng sĩ cảm tử, trong đó có ông sơ chúng tôi tình nguyện chiến đấu, lưng giắt đao ngắn, 200 người đi đầu khiêng 20 tấm ván dầy, bện rơm thấm nước che súng đạn và lửa cho 400 dũng sĩ theo sau, làm cho súng đạn quân Thanh mất hiệu lực.

Lúc bấy giờ quân Tây Sơn hợp lại đông như kiến cỏ, khí thế lên ào ạt như thủy triều dâng, tấn công phá tan cửa lũy, mở đường cho kỵ binh và (36) tượng binh tiến vào thành. Quân Tây Sơn tung hoành chém giết. Đồn Ngọc Hồi chìm trong khói lửa. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy tán loạn, lớp bị giết, lớp chà đạp lên nhau chạy mà chết, nên thây nằm lớp lớp.

Quân Tây Sơn đã phá tan cứ điểm Ngọc Hồi, tiêu diệt 3 vạn quân Thanh, trong đó có 3 danh tướng cao cấp của giặc. Trong trận đánh này, ông sơ của chúng tôi cũng được tham dự như trên đã nói, đập nát phòng thủ phía Nam, mở toang cánh cửa vào thành Thăng Long.

Trong khi đạo quân chủ lực đang quyết chiến ở mặt trận phía Nam thành Thăng Long, thì sáng ngày mồng 5 Tết nguyên đán năm Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã đập tan mộng cướp nước, đè bẹp ý chí xâm lược của quân nhà Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long và miền Bắc, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Chiến thắng Ngọc Hồi là một chiến công oanh liệt, làm vẻ vang cho Tổ quốc và kết thúc sự xâm lược của phong kiến phương Bắc đối với nước Việt Nam.

Công việc đang tiến hành thuận lợi, thì vào ngày 29 tháng 7 năm 1792 âm lịch, phái bộ Đại Việt nhận được tin Vua Quang Trung đã đột ngột từ trần. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh Hoàng Đế. Vua Quang Trung chết là một nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Vì đất nước (37) chưa thống nhất hoàn toàn, nên Vua Quang Trung chết là một thiệt thòi rất lớn cho vận mệnh quê hương xứ sở này.

Đường vào am thất trong Chùa Am

Khi Vua Quang Trung mất, thì anh em của Vua Quang Trung chia nhau đất nước cai trị. Miền Nam do Nguyễn Lữ cai trị, nhưng do sự bất tài của Nguyễn Lữ, miền đất chiến lược không được Tây Sơn tổ chức cai trị chặt chẽ nên đã lọt vào tay Nguyễn Ánh tháng 8 năm 1788. Trên mảnh đất chiến lược này, Nguyễn Ánh ra sức phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng và ngoại giao cầu viện thực dân Pháp, để mở màn cho một cuộc tấn công qui mô đối với quân Tây Sơn. (38)

Sự lớn mạnh và những cuộc tấn công của lực lượng Nguyễn Ánh trực tiếp đe dọa sự tồn tại của triều đại Tây Sơn. Chính khi còn sống, Vua Quang Trung đã nhìn thấy hiểm hoạ đó. Ông xem lực lượng phản động của Nguyễn Ánh là một tai hoạ lớn cho bước tiến thống nhất đất nước.

Sau khi chiến thắng quân Thanh ở thành Thăng Long, khi về Phú Xuân, Vua Quang Trung ra sức chuẩn bị lực lượng, chiến thuật chiến lược, vạch ra kế hoạch tấn công tiêu diệt Nguyễn Ánh. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì Vua Quang Trung đã đột ngột từ trần vào năm 1792, như trên đã nói.

Cái chết của Vua Quang Trung đã làm suy yếu toàn bộ phong trào Tây Sơn, và cuộc đương đầu với Chúa Nguyễn có phần suy yếu. Đó là thế lợi cho Nguyễn Ánh. Nhất là trong nội bộ anh em của Tây Sơn tham quyền cố vị, chia rẽ và giết hại lẫn nhau nên đã làm lực lượng Tây Sơn suy yếu lại càng suy yếu hơn.

Năm 1801, Nguyễn Ánh đem toàn lực lượng tấn công kinh thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân bị Nguyễn Ánh chiếm. Vua Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà, huy động quân đội các trấn Hải Dương,

Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và quân Thanh - Nghệ chống lại với quân Nguyễn Ánh. Mặt trận chính xảy ra ở Nghệ An và Thanh Hóa. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy 5.000 quân cùng hàng vạn (39) quân của Vua Cảnh Thịnh chống trả quyết liệt cuộc tấn công của quân Nguyễn Ánh, khiến cho quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Lúc bấy giờ Vua Cảnh Thịnh hèn nhát, sợ chết rút lui làm cho mặt trận Nghệ An tan vỡ. Trần Quang Diệu và ông sơ tôi đem quân ra cứu viện, nhưng không kịp. Trần Quang Diệu, vợ là Bùi Thị Xuân và con gái bị quân Nguyễn Ánh bắt, còn ông sơ của chúng tôi chạy thoát.

Tượng Tổ Tuyết Sơn trong khuôn viên Chùa Am (40)

Sau khi bắt Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái thì Nguyễn Ánh đem hành hình một cách thảm khốc. Hành động trả thù của Nguyễn Ánh rất thù vặt, mất nhân tính, ác độc. Lịch sử còn ghi lại những hành động ác này để chứng minh tập đoàn phong kiến vương triều Nguyễn là những nhà vua không lấy đức trị dân, mà đàn áp bóc lột nhân dân.

Trước sự hành hình Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái, Vua Gia Long đang thị sát cuộc hành quyết, không bao giờ xúc động trước tiếng kêu cứu của một đứa bé vô tội, con gái Trần Quang Diệu, khi cháu kêu: “Mẹ ơi cứu con với!”. Tiếng kêu cứu làm đứt ruột nát lòng của người mẹ. Nhưng lúc ấy, Bùi Thị Xuân cũng đang bị hành quyết như con, bị bốn ngựa xé xác, bà cất tiếng trả lời, an ủi con bằng nước mắt của người mẹ: “Hãy gan dạ lên con! Đừng sợ hãi bọn giặc bán nước. Chỉ có cái chết mới đền ơn nợ nước, tình nhà. Chúng ta rất hãnh diện chết là vì quê hương tổ quốc con ạ!”.

Một đứa trẻ vô tội có làm gì nên tội, mà phải bị xử tử cho bốn ngựa xé xác như vậy thật là tội nghiệp!

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những tướng tá của Vua Quang Trung, thì phải hết sức phò vua giúp nước, nhưng khi bị bắt thì chỉ còn đem cái chết để đền ơn nước tình nhà, mà gọi có (41) tội là không đúng. Khi hai bên đánh nhau, ai vì vua nấy; ai thắng làm vua, ai thua làm giặc, đó là lẽ thường; cớ sao khi thắng làm vua thì lại thù vặt, giết người như vậy? Thật là hẹp hòi, ích kỷ, thiếu lòng nhân ái!

Tượng Phật Thích Ca tĩnh toạ trong khuôn viên Chùa Am

Bằng chứng khi Vua Gia Long lên ngôi thì nhân dân khắp nước nổi lên chống chế độ phong (42) kiến của ông.

Ngày 10 tháng 6 năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm được thành Thăng Long. Vua Cảnh Thịnh và em là Nguyễn Quang Thùy chạy về Kinh Bắc thì bị Nguyễn Ánh bắt và bị hành hình. Vua Cảnh Thịnh không đủ tài đức điều quân khiển tướng, nên bị Vua Gia Long tiêu diệt. Từ đó quân Tây Sơn lần lần tan rã, tất cả tướng tá của Tây Sơn đều trốn chạy. Vì Vua Gia Long là một người tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, thiếu lòng nhân, không biết chiêu dụ người hiền tài, nên thường truy tìm bắt tướng tá của Tây Sơn trả thù, khi bắt được thì hành hình thảm khốc như vợ chồng Trần Quang Diệu. Vì thế, ông sơ chúng tôi phải giả thường dân, trốn tránh vào trong miền Nam thành Gia Định.

Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, xưng đế hiệu là Gia Long. Trước đó, Nguyễn Ánh nhiều lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc lánh nạn; có khi phải chạy qua Xiêm La cầu cứu viện binh; có khi bị quân Tây Sơn đánh tơi tả không còn một manh giáp. Do đó, ông ôm hận thù, nên khi Vua Quang Trung chết và quân Tây Sơn tan rã, thống nhất được đất nước, Vua Gia Long quyết tâm trả thù, nên lúc bây giờ tướng tá của Tây Sơn chết do Vua Gia Long giết không biết bao nhiêu người mà kể. Thù hận đến nỗi, Vua Gia Long đào (43) mộ Vua Quang Trung, lấy sọ để vào cầu xí, hằng ngày tiểu tiện lên đó. Thật là một vị vua tâm lượng hẹp hòi đê tiện mà sử sách còn ghi, thật là đáng chê trách!

Đường vào khu phát triển của Chùa Am ngày nay

Do sự lùng bắt gắt gao của quân lính Vua Gia Long, nên ông sơ chúng tôi phải cải trang làm một người thường dân, cùng một cô em gái mà chúng ta gọi là bà Năm (Vì lúc đó chúng tôi còn nhỏ nên ông bà, cha mẹ không cho chúng tôi biết tên ông sơ). Ông sơ và bà Năm trốn vào thành Gia Định lánh nạn, cư ngụ tại Phú Lâm thuộc Phú Thọ Hòa bây giờ. Trước tình trạng Vua Gia Long truy lùng (44) tướng tá của Tây Sơn để trả thù quá gắt gao, nên ông sơ chúng tôi cải trang làm tu sĩ Phật giáo, bỏ người em gái ở lại Phú Thọ Hòa, rồi đến Tỉnh Tây Ninh, Huyện Trảng Bàng, cư ngụ tại Ấp Bàu Trâm. Bấy giờ ở đây là rừng rú trùng trùng điệp điệp, không có người ở, không có tên là Ấp Gia Lâm.

Ông cất một am tranh tu hành, và dùng tài chiêm tinh bói toán của mình để giúp dân làng nơi đây ngăn chặn bọn trộm cắp, nhất là tìm lại những trâu bò bị bọn trộm cắp bắt. Nhờ khoa chiêm tinh bói toán tìm lại trâu bò đã mất, nên dân làng một lòng rất kính trọng và thương mến ông.

Vì thế, những người trộm cướp thường lén đốt am tranh của ông. Nhưng mỗi khi am bị đốt, thì được những người dân làng ở đây nhớ ơn, nên chặt cây cất lại am khác cho ông. Cuộc sống ở đây được bình an, không còn bị truy lùng bắt bớ, ông lập gia đình với một người phụ nữ tại địa phương này, rồi sinh con đẻ cái ở đây tạo thành một dòng họ Lê rất đông đảo.

Và cũng là nơi đây, Chùa Am bắt đầu khởi sự cho con cháu sau này tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha, đã trở thành những người con Việt Nam anh hùng cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đây, Chùa Am là nơi tập trung những nhà yêu nước, yêu dân tộc. (45)

Như vậy, Lê Văn Tâm là ông sơ của chúng tôi, có pháp danh Thích Minh Không như trên đã sơ lược kể, sinh năm 1760, và Chùa Am khởi sự dựng cất vào năm 1802, lúc Nguyễn Ánh lên ngôi xưng hiệu là Gia Long. Từ đó, ngôi Chùa Am được con cháu thừa truyền nối tiếp nhau mãi mãi, cho đến ngày hôm nay đã trải qua nhiều đời.

Nhà thất trong khuôn viên Chùa Am

Lê Văn Tâm trong lúc làm tướng dưới trướng Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đánh Nam dẹp Bắc, có công đuổi giặc nhà Thanh ra khỏi miền Bắc - Hà Nội, và đập tan quân Xiêm La ở miền Nam nơi Rạch Gầm; chúng chạy về nước không kịp thở. (46)

Một người có công lao với đất nước như ông sơ chúng tôi mà không được ghi vào sách sử, cũng như biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vô danh đã bỏ mình cho đất nước này, nhưng đến nay có còn ai nhắc đến; có còn sử sách nào ghi chép?

Thật may mắn thay, gia tộc chúng tôi còn ghi lại gia phả; nếu không ai ghi lại gia phả thì hôm nay làm gì chúng tôi biết mà ghi lại những trang sử Chùa Am, và như vậy thì ông sơ chúng tôi cũng chỉ là một chiến sĩ vô danh như bao nhiêu chiến sĩ khác, chỉ có hy sinh xương máu của mình ngoài mặt trận giải phóng dân tộc mà thôi.

Chúng tôi nói không phải kể công lao ông sơ của chúng tôi, mà nói ở đây là khéo nhắc nhở những nhà cầm bút viết sử phải lưu ý bao nhiêu danh tướng dưới một nhà vua tài ba chỉ huy, thì không một lý do nào lại bỏ sót một vị tướng có công với Tổ quốc, khi họ đã hy sinh công sức và xương máu của mình ngoài mặt trận.

Làm nên một sự nghiệp thống nhất đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Vua Lê Lợi, Vua Quang Trung, không phải chỉ có một mình các Ngài làm nên sự nghiệp lớn như vậy, mà còn biết bao công sức, xương máu của tướng tá và binh lính. Cho nên, việc viết sử là phải người đương thời viết, còn mọi sự việc lịch sử đã qua và người sau viết lại lịch sử thì sẽ không làm sao (47) tránh khỏi sự thiếu sót rất nhiều.

Người viết sử nên viết lại những công lao của những người lính trước, rồi sau đó mới ghi tới tá, tướng, và cuối cùng mới ghi đến cấp lãnh đạo chỉ huy mặt trận như vua, chúa. Chớ viết sử mà chỉ nhắc đến các vua chúa, danh tướng, còn các tướng tá, quân lính vô danh mà không ghi lại thì sử đó không giá trị.

Khu phát triển của Chùa Am

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vì bảo vệ đất nước đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Vì thế, Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo (48) rất sáng suốt, cho phép mỗi địa phương từ xã, huyện, tỉnh đều được ghi lại lịch sử từ người lính đến các cấp tướng tá tại địa phương đó, bằng cách xây dựng Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ, để nhớ công ơn từ người lính đến các sĩ quan tướng tá.

Hình ảnh nghĩa trang liệt sĩ khắp nơi trong nước, là nói lên những trang sử oai hùng của dân tộc được ghi lại bằng những công lao từ người lính đến sĩ quan cao cấp rất rõ ràng. Bởi vậy, nhìn những Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ rất uy nghi tuyệt vời.

Đời đời con cháu hằng năm đến những ngày lễ lớn, đều về thăm viếng mồ và thắp những nén tâm hương nhớ đến công ơn của những anh hùng liệt sĩ. Đó là những hành động “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của những con cháu nhiều thế hệ, ngàn đời sau này mãi mãi không bao giờ quên. (49)

✿✿✿