V. PHẨM SOṆA - THỨ NĂM
5. 1. KINH ĐỨC VUA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này:
“Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.”
2. Sau đó, đức vua Pasenadi xứ Kosala từ tòa lâu đài đã đi xuống rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây trẫm cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý rồi trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, hoàng hậu Mallikā đã nói với trẫm điều này: ‘Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.’”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi đi vòng quanh tất cả các phương bằng tâm, vẫn không đạt được người đáng yêu hơn bản thân ở bất cứ đâu. Tương tự như vậy, bản thân của những người khác là đáng yêu đối với chính họ; vì thế người yêu mến bản thân không nên hãm hại người khác.”
5. 2. KINH TUỔI THỌ ÍT ỎI
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy vào buổi chiều, đại đức Ānanda, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Bạch Ngài, mẹ của đức Thế Tôn có tuổi thọ ít ỏi đến chừng ấy. Khi đức Thế Tôn được sanh ra bảy ngày, mẹ của đức Thế Tôn đã từ trần, và đã được sanh về tập thế cõi Đẩu Suất.”
“Này Ānanda, điều ấy là như vậy. Này Ānanda, những người mẹ của các đức Bồ Tát quả là có tuổi thọ ít ỏi, khi các đức Bồ Tát được sanh ra bảy ngày, những người mẹ của các đức Bồ Tát từ trần, và được sanh về tập thể cõi Đẩu Suất.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tất cả mọi loài đã được sanh hoặc sẽ được sanh ra,
tất cả sẽ ra đi sau khi buông bỏ thân xác.
Sau khi biết được mọi sự mất mát ấy, bậc thiện xảo
có nhiệt tâm nên thực hành Phạm hạnh.”
5. 3. KINH GÃ CÙI SUPPABUDDHA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở Rājagaha gã cùi tên Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy từ đằng xa đám đông người tụ hội lại, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là ở đây có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó sẽ được phân phát! Có lẽ ta nên đi đến gần đám đông người ấy, có lẽ ở đây ta có thể nhận được vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó.”
3. Sau đó, gã cùi Suppabuddha đã đi đến gần đám đông người ấy. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Sau khi nhìn thấy, gã ấy đã khởi ý điều này: “Ở đây, không có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó được phân phát! Vị Sa-môn Gotama này thuyết Pháp cho hội chúng. Có lẽ ta cũng nên nghe Pháp.” Rồi đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy (nghĩ rằng): “Ta cũng sẽ nghe Pháp.” Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm toàn thể hội chúng, đã tác ý rằng: “Ở đây người nào có khả năng hiểu được Giáo Pháp?”
4. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gã cùi Suppabuddha đang ngồi ở hội chúng ấy, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Ở đây người này có khả năng hiểu được Giáo Pháp.” Và Ngài đã thuyết Pháp theo thứ lớp liên quan đến gã cùi Suppabuddha. Tức là Ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới, bài thuyết về cõi Trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gã cùi Suppabuddha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, Ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tự như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gã cùi Suppabuddha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
5. Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gã cùi Suppabuddha đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch Ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
6. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, gã cùi Suppabuddha đã thích thú, đã tùy hỷ lời dạy của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi gã cùi Suppabuddha ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của gã cùi Suppabuddha.
7. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người cùi tên Suppabuddha đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người ấy đã qua đời. Đối với người ấy, cảnh giới tái sanh là gì, kiếp kế tiếp là gì?”
8. “Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha là người sáng suốt, đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha do sự diệt tận ba sự ràng buộc là vị Nhập Lưu, có pháp không bị thối đọa, có sự tiến đến giác ngộ đã được chắc chắn.”
9. Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân gì, duyên gì khiến gã cùi Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất?”
10. “Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ gã cùi Suppabuddha đã là con trai nhà triệu phú ở ngay tại thành Rājagaha này. Người ấy, trong khi được đưa đến khu vườn giải trí, đã nhìn thấy vị Phật Độc Giác đang đi vào thành để khất thực, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: ‘Gã cùi này là ai mà đi lang thang với y phục của người cùi vậy?’ rồi đã khạc nhổ, hướng vai trái (về phía vị Phật Độc Giác), và ra đi. Người ấy, do quả thành tựu của nghiệp ấy, đã bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, với phần còn lại của chính nghiệp quả ấy, đã là người cùi ở ngay tại thành Rājagaha này, là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất. Sau khi đi đến với Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai, người ấy đã thọ trì niềm tin, đã thọ trì giới, đã thọ trì điều đã được nghe, đã thọ trì sự xả thí, đã thọ trì trí tuệ. Sau khi thọ trì niềm tin, sau khi thọ trì giới, sau khi thọ trì điều đã được nghe, sau khi thọ trì sự xả thí, sau khi thọ trì trí tuệ, người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời, có sự cộng trú với chư Thiên cõi Ba Mươi Ba. Tại nơi ấy, người ấy chói sáng vượt trội chư Thiên khác không những về sắc đẹp mà còn về danh tiếng nữa.”
11. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tựa như người có mắt, trong khi đang có sự ra sức, nên tránh xa những nơi trắc trở, bậc sáng suốt, ở thế gian cuộc sống, nên tránh xa những điều ác.”
5. 4. KINH CÁC THIẾU NIÊN
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thiếu niên đang hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã đi đến gần các thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với các thiếu niên ấy điều này: “Này các cậu bé trai, các con có sợ hãi sự khổ đau không? Đối với các con có phải sự khổ đau là không được ưa thích?” “Bạch Ngài, đúng vậy. Chúng con sợ hãi sự khổ đau. Đối với chúng con sự khổ đau là không được ưa thích.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nếu các con sợ hãi sự khổ đau, nếu đối với các con sự khổ đau là không được ưa thích, các con chớ làm việc ác dầu là công khai hay kín đáo.
Và nếu các con sẽ làm việc ác, hoặc đang làm, thì không có sự thoát ra khỏi khổ đau cho các con, cho dầu các con lánh xa và trốn chạy.”
5. 5. KINH LỄ UPOSATHA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[7] Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, đức Thế Tôn đang ngồi, được vây quanh bởi hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh một đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh giữa đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh.”
2. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã khởi ý điều này: “Liên quan đến nhân vật nào khiến đức Thế Tôn đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh’?” Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã tác ý dùng tâm biết được tâm của toàn thể hội chúng tỳ khưu. Đại đức Mahāmoggallāna đã nhìn thấy nhân vật ấy, kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải là Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, không có Phạm hạnh, tự xưng là có Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, đang ngồi giữa hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gần nhân vật ấy, sau khi đến gần đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Khi ấy, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ nhì, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ ba, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ ba, nhân vật ấy đã im lặng.
3. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã nắm lấy nhân vật ấy ở cánh tay đẩy ra bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào, gài chốt cửa lại, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân vật ấy đã bị con đẩy ra ngoài rồi; hội chúng được thanh tịnh. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Moggallāna, thật kỳ lạ thay! Này Moggallāna thật khác thường thay! Gã rồ dại ấy lại chờ đợi cho đến lúc bị nắm lấy cánh tay.”
4. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau Ta sẽ không tiến hành lễ Uposatha, sẽ không tuyên đọc giới bổn. Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau chính các ngươi sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, việc này không hợp lý không có cơ sở là việc đức Như Lai có thể tiến hành lễ Uposatha, có thể tuyên đọc giới bổn Pātimokkha ở hội chúng không thanh tịnh.
5. Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(2.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(3.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(4.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, sự việc các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(5.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(6.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả chỉ có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(7.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý. Ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(8.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn. Ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
6. Này các tỳ khưu, tương tự y như thế trong Pháp và Luật này có tám pháp kỳ diệu phi thường, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột, này các tỳ khưu, tương tự như thế trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, sự việc trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(2.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ, này các tỳ khưu, tương tự như thế điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử của Ta, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, sự việc điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(3.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả không sống chung với xác chết nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền, này các tỳ khưu, tương tự như thế nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với kẻ ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra.
Cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, sự việc nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với nhân vật ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra; cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(4.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả,’ này các tỳ khưu, tương tự như thế bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, sự việc bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(5.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy, này các tỳ khưu, tương tự như thế cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(6.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có một vị là vị của muối, này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(7.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo, này các tỳ khưu, tương tự y như thế Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(8.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
Này các tỳ khưu đây là tám pháp kỳ diệu phi thường trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.”
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mưa rơi nhiều ở vật đã được che đậy, mưa không rơi nhiều ở vật đã được mở ra. Vì thế, hãy mở ra vật đã được che đậy, như vậy mưa không rơi nhiều ở vật ấy.”[8]
5. 6. KINH SOṆA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāyana ngụ trong xứ Avanti, ở thành Kuraraghara, tại núi Pavatta.[9] Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại đức Mahākaccāyana. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?”
2. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
3. Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
4. Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
5. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy thì ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Đến lần thứ nhì, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
6. Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
7. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Vào lúc bấy giờ, ở khu vực phía nam của xứ Avanti có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên.
8. Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: - Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
9. “Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy dễ mến, đáng tin, có giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến sự tĩnh lặng và thu thúc tột đỉnh, là đấng voi chúa đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát. Sau khi nhìn thấy, ngươi hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) với lời của ta rằng: ‘Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’” “Thưa ngài, xin vâng.” Đại đức Soṇa đã thích thú và tùy hỷ với lời nói của đại đức Mahākaccāyana, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm bình bát và y, ra đi về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).” “Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và ngươi không có mệt nhọc với việc khất thực phải không?” “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và Bạch Ngài, con đi đường xa ít có mệt nhọc và con không có mệt nhọc với việc khất thực.”
10. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.” Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỳ khưu ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự. Sau đó, đức Thế Tôn, sau khi đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Đại đức Soṇa, sau khi cũng đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng: “Này tỳ khưu, mong rằng có đề tài Pháp gây hứng thú cho ngươi để thuyết giảng.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Nghe theo đức Thế Tôn, đại đức Soṇa đã thuyết lại đầy đủ toàn bộ mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám một cách mạch lạc. Sau đó, vào lúc kết thúc cuộc thuyết giảng mạch lạc của đại đức Soṇa, đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm! Này tỳ khưu, mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?” “Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.” “Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?” “Bạch Ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.”
11. Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở thế gian, sau khi hiểu được Pháp không đưa đến tái sanh, bậc Thánh không thích thú điều ác, vị trong sạch không thích thú điều ác.”
5. 7. KINH REVATA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.Vào lúc bấy giờ, đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bất cứ những hoài nghi nào, ở đời này hoặc đời sau, sẽ được cảm nhận bởi chính mình hoặc sẽ được cảm nhận bởi người khác, các vị chứng thiền, có nhiệt tâm, đang thực hành Phạm hạnh, dứt bỏ tất cả các hoài nghi ấy.”
5. 8. KINH ĀNANDA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, vào buổi sáng đại đức Ānanda đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.[10] Devadatta đã nhìn thấy đại đức Ānanda đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: “Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ hành lễ Uposatha và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.” Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha, đại đức Ānanda sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nơi đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Bạch Ngài, Devadatta đã nhìn thấy con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: ‘Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.’ Bạch Ngài, hôm nay Devadatta sẽ chia rẽ hội chúng, sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Điều tốt là dễ làm bởi người tốt, điều tốt là khó làm bởi kẻ xấu. Điều ác là dễ làm bởi kẻ xấu, điều ác là khó làm bởi các vị Thánh.”
5. 9. KINH NHẠO BÁNG
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn có vẻ đang nhạo báng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thanh niên Bà-la-môn đang đi ngang qua ở nơi không xa có vẻ đang nhạo báng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những kẻ bị lẫn lộn, làm ra vẻ người sáng suốt, có lời phát biểu thuộc lãnh vực của lời nói (mà không hiểu nghĩa), có miệng há rộng theo như chúng muốn; điều gì dẫn dắt chúng thì chúng không biết.”
5. 10. KINH PANTHAKA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Với thân vững chãi, với tâm vững chãi,
dầu đang đứng, hoặc đã ngồi xuống, hay đang nằm,
vị tỳ khưu duy trì vững chắc niệm như vậy
có thể đạt được sự chứng đắc theo tuần tự.
Sau khi đạt được sự chứng đắc theo tuần tự,
có thể đi đến nơi ngoài tầm nhìn của Thần Chết.”
Phẩm Soṇa là thứ năm.
TÓM LƯỢC PHẦN NÀY
Đức vua, tuổi thọ ít ỏi, gã cùi, các thiếu niên, và lễ Uposatha, vị Soṇa, và vị Revata, vị Nanda, với việc nhạo báng, và với vị Panthaka.
--ooOoo--
[1] Kapotakandarā (hang Bồ câu): là tên của một hang động (kandarā) có nhiều chim bồ câu (kapota). Về sau, tại đây một trú xá đã được xây dựng và có tên gọi như vậy (UdA. 244).
[2] 1 ratana = 0.25 mét, đơn vị đo chiều dài.
[3] Đoạn thăm hỏi sức khỏe đã không được dịch sát từ (ND).
[4] Kệ ngôn này được thấy ở Pācittiyapāḷi - Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2 (TTPV 02, 129); Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, Ekakanipāta, Ekudāniyattheragāthā (TTPV 31, 31).
[5] Dhammapadapāḷi - Pháp Cú, Nirayavaggo - Phẩm Địa Ngục, câu kệ 306.
[6] Kệ ngôn này được thấy ở Suttanipātapāḷi - Kinh Tập, kệ ngôn 749 (TTPV 29, 233).
[7] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, từ trang 427).
[8] Người phạm tội mà che giấu (vật đã được che đậy) thì sẽ tiếp tục phạm tội (mưa rơi nhiều), còn người đã phạm tội mà sám hối (vật đã được mở ra) thì sẽ không tiếp tục phạm tội nữa (UdA. 306; ThagA. ii, 188; VinA. vi, 1287). Câu kệ này cũng được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07), 435; Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, câu kệ 447 (TTPV 31, 131).
[9] Câu chuyện tương tự được thấy ở Mahāvaggapāḷi - Đại Phẩm (TTPV 04, từ trang 507).
[10] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, 305).