VI. PHẨM MÙ BẨM SINH - THỨ SÁU
6. 1. KINH BUÔNG BỎ THỌ HÀNH
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana (Đại Lâm), nơi giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Vesālī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Vesālī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy lấy tấm lót ngồi. Chúng ta sẽ đi đến bảo điện Cāpāla để nghỉ trưa.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thê Tôn đã cầm lấy tấm lót ngồi rồi nối tiếp theo sau đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến bảo điện Cāpāla, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được xếp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! Bảo điện Udena thật đáng yêu! Bảo điện Gotamaka thật đáng yêu! Bảo điện Sattamba thật đáng yêu! Bảo điện Bahuputta thật đáng yêu! Bảo điện Sārandada thật đáng yêu! Bảo điện Cāpāla thật đáng yêu! Này Ānanda, đối với người nào, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, thì người ấy trong khi mong muốn có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp. Này Ānanda, đối với Như Lai, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, này Ānanda, trong khi mong muốn Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda trong khi được ra dấu hiệu rõ ràng, trong khi được làm biểu hiện rõ rệt bởi đức Thế Tôn như thế, đã không thể thấu hiểu, đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại,” như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập. Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
2. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, ngươi hãy đi, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã ngồi xuống ở gốc cây nọ ở nơi không xa.
3. Sau đó, khi đại đức Ānanda ra đi không bao lâu, Ma Vương ác độc đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, Ma Vương ác độc đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình sẽ thuật lại, sẽ thuyết giảng, sẽ quy định, sẽ thiết lập, sẽ khai mở, sẽ phân tích, sẽ làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì sẽ khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’
Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình rồi thuật lại, thuyết giảng, quy định, thiết lập, khai mở, phân tích, làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.
4. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu ni của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nam cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
5. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nữ cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
6. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào Phạm hạnh này của Ta vẫn còn chưa được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, và vẫn còn chưa được khéo giảng giải bởi loài người.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay Phạm hạnh của đức Thế Tôn không những được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, mà còn được khéo giảng giải bởi loài người. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Ma Vương ác độc điều này: “Này kẻ ác độc, ngươi hãy bình tĩnh. Không lâu nữa sẽ là sự viên tịch Niết Bàn của Như Lai. Từ nay cho đến hết ba tháng, Như Lai sẽ viên tịch Niết Bàn.” Khi ấy, ở tại bảo điện Cāpāla, đức Thế Tôn có niệm, có sự nhận biết rõ, đã buông bỏ thọ hành. Và khi đức Thế Tôn buông bỏ thọ hành, đã có sự lay động của đại địa cầu, làm kinh sợ, khiến dựng đứng lông; và các tiếng sấm trời đã bùng nổ.
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trong khi cân nhắc Niết Bàn và nguồn sanh khởi (của hữu), bậc hiền trí đã buông bỏ sự tạo tác dẫn đến hữu. Thích thú ở nội tâm, được định tĩnh, người đã phá tan nguồn sanh khởi của tự ngã, tựa như phá tan tấm áo giáp.”
6. 2. KINH ĐẠO SĨ TÓC BỆN
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, nhằm lúc chiều tối đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đã ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa chánh.
Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, có bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn.
2. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đang đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn. Sau khi nhìn thấy, đức vua đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải ở trên đất, chắp tay hướng về bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, thông báo danh tánh ba lần: “Thưa các ngài, trẫm là vua Pasenadi xứ Kosala.”
3. Sau đó, trong khi bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy ra đi không bao lâu, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, những người này là những vị nào đó trong số các vị A-la-hán hoặc các vị đang thực hành đạo lộ A-la-hán ở thế gian.”
“Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được đối với đại vương là người tại gia, có sự thọ hưởng ngũ dục, đang sống chung đụng với con cái, đang thưởng thức trầm hương của xứ Kāsī, đang đeo tràng hoa, dầu thơm, và son phấn, đang chấp nhận vàng bạc: ‘Những người này là các vị A-la-hán hay những người này đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú, giới có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài không phải ngắn hạn, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do giao tiếp, sự liêm khiết có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, khi có những nỗi bất hạnh, sự vững chãi có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do đàm luận, trí tuệ có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi.”
4. “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được —như trên— đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú —như trên— không phải do người có tuệ tồi.’ Bạch Ngài, những người này là những nam nhân, những kẻ cải trang, những người trinh sát của trẫm, họ trở về sau khi đã đi thanh tra xứ sở. Sự việc được họ điều tra trước, sau đó trẫm sẽ duyệt lại. Bạch Ngài, giờ đây sau khi rũ bỏ bụi bặm và cáu ghét, họ được tắm, được thoa dầu kỹ lưỡng, có tóc râu được sửa soạn, mặc vải trắng, được thọ hưởng, được cung ứng năm loại dục lạc, họ sẽ tiêu khiển.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không nên nỗ lực ở mọi nơi, không nên là người (phục vụ) của kẻ khác, không nên sống nương nhờ kẻ khác, không nên làm thương mại với Giáo Pháp.”
6. 3. KINH QUÁN XÉT LẠI
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại vô số ác bất thiện pháp của bản thân đã được dứt bỏ và vô số thiện pháp của bản thân đã đạt đến sự đầy đủ do việc tu tập.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trước đây đã có rồi không có, trước đây không có rồi đã có,
đã không có và sẽ không có, trong hiện tại cũng không tìm thấy.”
6. 4. KINH NGOẠI ĐẠO - THỨ NHẤT
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật khác thân thể là vật khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’
4. Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ ngay tại thành Sāvatthi này đã có vị vua nọ. Này các tỳ khưu, khi ấy vị vua ấy đã bảo một người đàn ông nọ rằng: ‘Này nam nhân, hãy đến. Ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì ngươi hãy tập trung tất cả bọn họ lại một chỗ.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy, rồi ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì đã bắt hết tất cả bọn họ, sau đó đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì bọn họ đã được tập trung lại.’ ‘Này khanh, như thế thì người hãy phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy đã phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đầu của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái tai của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày ngà của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái vòi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày thân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày bắp vế của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chùm lông đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Này các tỳ khưu, rồi người đàn ông ấy sau khi phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, con voi đã được những người mù ấy nhìn thấy. Xin bệ hạ hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.’
5. Này các tỳ khưu, sau đó vị vua ấy đã đi đến gặp những người mù bẩm sinh ấy, sau khi đến đã nói với những người mù bẩm sinh ấy điều này: ‘Này các người mù, có phải các ngươi đã thấy con voi?’ ‘Tâu bệ hạ, đúng vậy. Chúng tôi đã thấy con voi.’ ‘Này các người mù, các ngươi hãy nói con voi là như thế nào.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đầu của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chum.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái tai của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái nia.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy ngà của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là lưỡi cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái vòi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cán cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy thân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là nhà kho.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cột trụ.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy bắp vế của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái cối giã.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chùm lông đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chổi.’ Bọn họ (đã cãi vã): ‘Con voi là như thế này, con voi là không như thế kia. Con voi là không như thế kia, con voi là như thế này,’ đã gây hấn lẫn nhau bằng những nắm đấm. Này các tỳ khưu, trái lại vị vua ấy đã thích chí vì việc ấy.
Này các tỳ khưu, tương tự y như thế các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
6. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, rồi gây gổ, cãi cọ về điều ấy, (giống như) những người nhìn thấy một góc cạnh.”
6. 5. KINH NGOẠI ĐẠO - THỨ NHÌ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn;’ chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, chìm xuống ngay ở giữa dòng, sau khi còn chưa đạt đến vị thế nâng đỡ ấy.”
6. 6. KINH NGOẠI ĐẠO - THỨ BA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Loại người này bị gắn bó (với ý nghĩ) ‘Tôi là người tạo ra,’ bị gắn liền (với ý nghĩ) ‘Kẻ khác là người tạo ra,’ nhiều người đã không biết rõ điều ấy, đã không thấy điều ấy là ‘mũi tên.’
Và đối với vị trước đây nhìn thấy điều ấy là mũi tên, (ý nghĩ) ‘Tôi tạo ra’ là không có đối với vị ấy, (ý nghĩ) ‘Kẻ khác tạo ra’ là không có đối với vị ấy.
Bị nhiễm bởi ngã mạn, bị trói buộc bởi ngã mạn, bị trói chặt bởi ngã mạn, có lời nói công kích về các quan điểm, loại người này không vượt qua luân hồi.”
6. 7. KINH SUBHŪTI
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, thể nhập định vô tầm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang thể nhập định vô tầm.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, các tầm đã được tiêu tan,
khéo được xếp đặt ở nội tâm, không còn dư sót,
sau khi vượt lên sự dính mắc ấy, có sự nhận biết về vô sắc,
(vị ấy) vượt qua bốn sự gắn bó,[1] chắc chắn không trở lại.”
6. 8. KINH NGƯỜI KỸ NỮ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở thành Rājagaha có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.
2. Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Rājagaha, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Rājagaha, có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Cái nào đã được đạt đến và cái nào sẽ được đạt đến, cả hai cái này đều bị lấm bụi (ô nhiễm) đối với người bị bệnh đang còn học tập (người có tà kiến).
Những người nào có việc học tập là cốt lõi, có sự phục vụ là cốt lõi đối với giới, phận sự, sự nuôi mạng, và Phạm hạnh; đây là một cực đoan (hành xác).
Và những người nào có học thuyết như vầy: ‘Không có lỗi lầm ở các dục;’ đây là cực đoan thứ hai (hưởng dục). Cả hai cực đoan này là sự tăng trưởng của các bãi tha ma (tham ái và vô minh). Các bãi tha ma làm tăng trưởng tà kiến. Những người này không biết rõ cả hai cực đoan ấy, một số thụ động (hưởng dục), một số chạy quá mức (hành xác). Và những người nào sau khi biết rõ chúng, đã không ở nơi ấy (đã dứt bỏ hai cực đoan), và nhờ thế đã không suy nghĩ về chúng (đã không bị tác động của tham ái, tà kiến, và ngã mạn). Đối với các vị ấy, không có luân hồi để mô tả.”[2]
6. 9. KINH ĐẾN GẦN RỒI VƯỢT QUA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời trong bóng tối dày đặc của ban đêm, khi những cây đèn dầu đang cháy sáng. Vào lúc bấy giờ, nhiều côn trùng có cánh sa vào tai nạn, lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều côn trùng có cánh ấy đang sa vào tai nạn, đang lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Chúng chạy đến gần rồi vượt qua, không đi đến cốt lõi, chúng làm tăng thêm sự trói buộc mới hơn nữa, một số người lao theo điều đã được thấy, điều đã được nghe nói lại như thế, rồi sa đọa, tựa như các côn trùng có cánh rơi vào ngọn đèn.”
6. 10. KINH SỰ HIỆN KHỞI CỦA NHƯ LAI
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, hiện nay chính đức Thế Tôn là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
2. “Này Ānanda, việc ấy là như vậy. Này Ānanda, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Này Ānanda, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hiện nay, chính Như Lai là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khi nào mặt trời chưa mọc lên, khi ấy con đôm đốm ấy còn chiếu sáng. Khi mặt trời đã mọc lên, nó có ánh sáng bị diệt đi và cũng không phát sáng.
Tương tự như thế, các nhà lý luận vẫn còn tỏa sáng khi nào các bậc Chánh Đẳng Giác còn chưa hiện khởi ở thế gian. Các nhà lý luận không thanh tịnh và các đệ tử cũng không (thanh tịnh); những người có quan điểm xấu xa không giải thoát khỏi khổ đau.”
Phẩm Mù Bẩm Sanh là thứ sáu.
TÓM LƯỢC PHẦN NÀY
Tuổi thọ, đạo sĩ tóc bện, quán xét lại, ba chuyện ngoại đạo, vị Subhūti, người kỹ nữ, đến gần rồi vượt qua là thứ chín, và các vị sanh lên; chúng là mười.
--ooOoo--