Skip directly to content

V. Phẩm Tỳ-kheo-ni

1. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Xuất gia học đạo lâu, được Quốc vương cung kính là Tỳ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo Kiều-đàm-di. Trí huệ thông minh là Tỳ-kheo-ni Thức-ma. Thần túc bậc nhất, cảm dến chư thần là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc (Liên Hoa Sắc). Hành pháp đầu đà có mười một trở ngại là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá-cù-đàm-di. Thiên nhãn đệ nhất chiếu soi không ngại là Tỳ-kheo-ni Xà-câu-lê. Tọa thiền nhập định ý không phân tán là Tỳ-kheo-ni Xà-ma. Phân biệt nghĩa thú, quảng diễn đạo giáo là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-đồ-na. Phụng trì Luật giáo không có vi phạm Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na. Ðược tín giải thoát chẳng lui sụt trở lại, là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên. Ðược bốn biện tài, chẳng ôm lòng khiếp nhược là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.

Ðại ái và Thức Ma,
Ưu-bát, Cơ-đàm-di,
Câu-lợi, Xà, Lan-đồ,
Na-la, Ca-chiên, Thắng.

*

2. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Tự biết việc vô số kiếp đời trướclà Tỳ-kheo-ni Bà-đà-ca-tỳ-ly. Nhan sắc đoan chánh được người kính yêu là Tỳ-kheo-ni Hê-ma-xà. Hàng phục ngoại đạo, lập cho chánh giáo là Tỳ-kheo-ni Thâu-na. Phân biệt nghĩa thú, giảng rộng từng phần, từng bộ là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề-na. Thân mặc áo thô không lấy làm xấu hổ là Tỳ-kheo-ni Ưu-đa-la. Các căn tịch tĩnh, hằng giữ nhất tâm là Tỳ-kheo-ni Quang Minh. Y phục tề chỉnh, thường như pháp dạy dỗ là Tỳ-kheo-ni Thiền Ðầu. Hay luận đủ thứ, không bị nghi trệ là Tỳ-kheo-ni Ðàn-đa. Kham nhậm tạo kệ tán thán đức Như Lai là Tỳ-kheo-ni Thiên Dữ. Nghe nhiều biết rộng, dùng ân huệ tiếp người dưới là Tỳ-kheo-ni Cù-ty.

Bạt-đà, Ðồ, Thâu-na,
Ðàm-ma-na, Ưu-đa,
Quang Minh, Thiền, Ðàn-đa,
Thiên Dữ và Cù ty.

*

3. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Hằng ở chỗ nhàn tĩnh, không ở trong nhân gian là Tỳ-kheo-ni Vô Úy. Khổ hình khất thực, không chọn sang hèn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xá-khư. Ở một chỗ, ngồi một nơi trọn không dời đổi là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-bà-la. Ði khắp cầu xin, rộng độ nhân dân là Tỳ-kheo-ni Ma-nộ-ha-lợi. Chóng thành tựu đạo quả, khoảng giữa không bị ngăn trệ là Tỳ-kheo-ni Ðà-ma. Cầm giữ ba y trọn không rời bỏ là Tỳ-kheo-ni Tu-đà-ma. Hằng ngồi dưới gốc cây, ý không cải đổi là Tỳ-kheo-ni Hiếo-tu-na. Hằng ở ngoài trời, không nghĩ đến mái che là Tỳ-kheo-ni Xà-đà. Ưa ở chỗ hoang vắng, không ở nhân gian là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-la. Ngồi hoài trên đệm cỏ, không mặc đồ phục sức là Tỳ-kheo-ni Ly-na. Mặc y năm mảnh để giữ phần khí (phần vệ) là Tỳ-kheo-ni A-nô-ba-ma.

Vô Úy, Ða-tỳ-xá,
Bà-đà, A-nô-ba,
Ðàn, Tu-đàn, Xà-đa,
Ưu-ca, Ly, A-nô
.

*

4. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Ưa ở bãi tha ma là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-ma. Ði nhiều vì thương xót, nhớ nghĩ chúng sinh là Tỳ-kheo-ni Thanh Minh. Khóc thương chúng sanh không đến được đạo là Tỳ-kheo-ni Tố-ma. Vui được đạo và mong phổ cập đến tất cả là Tỳ-kheo-ni Ma-đà-lợi. Giữ gìn các hạnh, ý không xa lìa là Tỳ-kheo-ni Ca-la-già. Thủ không, chấp hư, biết rằng không có là Tỳ-kheo-ni Ðề-bà-tu. Tâm vui Vô tưởng, trừ bỏ các chấp trước là Tỳ-kheo-ni Nhật Quang. Tu tập Vô nguyện, tâm hằng cứu giúp rộng rãi là Tỳ-kheo-ni Mạt-na-bà. Các pháp không nghi, độ người không giới hạn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-ma-đạt. Hay thuyết rộng nghĩa, phân biệt những pháp sâu xa là Tỳ-kheo-ni Phổ Chiếu.

Ưu-ca, Minh, Tố-ma,
Ma-đà, Ca, Ðề-bà,
Nhật Quang, Ma-na-bà,
Tỳ-ba-đạt, Phổ Chiếu
.

*

5. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Tâm ôm nhẫn nhục như đức bao dung là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề. Hay giáo hóa người khiến lập hội thí (đàn hội) là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma. Xếp đặt giường tòa đầy đủ cũng là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma. Tâm đã dứt hẳn, không dấy loạn tưởng là Tỳ-kheo-ni Nhân-đà-xà. Quán rõ các pháp mà không nhàm chán là Tỳ-kheo-ni Long. Ý cứng rắn mạnh mẽ, không bị nhiễm trước là Tỳ-kheo-ni Câu-na-la. Nhập thủy tam muội, thấm nhuần khắp tất cả là Tỳ-kheo-ni Bà-tu. Nhập Diệm quang tam-muội chiếu soi mọi loài là Tỳ-kheo-ni Hàng-đề. Quán nhơ nhớp bất tịnh, phân biệt duyên khởi là Tỳ-kheo-ni Giá-ba-la. Nuôi dưỡng mọi người, cung cấp chỗ thiếu thốn là Tỳ-kheo-ni Thủ-ca. Tỳ-kheo-ni bậc nhất cuối cùng trong hàng Thanh Văn của Ta là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-quân-đà-la nước Câu-di.

Ðàm-ma, Tu-dạ-ma,
Nhân-đề, Long, Câu-na,
Bà-tu, Hàng, Giá-ba,
Thủ-ca, Bạt-đà-la.

Năm mươi Tỳ-kheo-ni này, nên nói rộng như trên.