TÂM SẮC DỤC
Pháp Thoại
1) Tâm sắc dục rất nguy hiểm, người tu nếu không xả được khi tâm sắc dục để nó khởi lên, người đó sẽ lồng lộn lên như con trâu điên khó kìm giữ, có thể lời nói và hành động bất nhã còn hơn người chưa tu.
Muốn xả tâm sắc dục, người tu phải thường quán thân bất tịnh, phải biết phòng hộ sáu căn, phải ly dục ly ác pháp và dùng câu tác ý diệt tâm sắc dục khi nó vừa móng khởi lên từ trong ý niệm.
2) Người tu phải xả tâm phân biệt trọng nam khinh nữ. Tuy 2 hình thế nam nữ khác nhau nhưng tâm thể thì tương đồng.
Tâm không hình tướng thì nào phân biệt được nam hay nữ?
Do đó, nếu người nữ quyết tâm tu giải thoát, nghiêm túc giữ gìn giới luật, biết phòng hộ 6 căn, phải ly dục ly ác pháp, không vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì sự chứng đắc cũng y như người nam vậy.
3) Phải xả tâm tỉnh thức, khi bất chợt có người hỏi thì phải nhạy bén đối đáp, không thể ngơ ngơ mất tỉnh thức được.
Phải luôn luôn quán tâm, khi tâm thanh thản biết tâm đang thanh thản, khi tâm khởi niệm biết tâm đang khởi niệm, thì dùng câu pháp hướng đánh bạt niệm khởi xuống rồi, buông niệm, buông luôn câu pháp hướng không được ôm giữ khư khư câu pháp hướng, có nghĩa là quán xét xả tâm trong trạng thái câu pháp hướng đó, chứ không phải niệm pháp hướng.
Xong rồi để tâm trở về trạng thái bình thường, thanh thản, an lạc và vô sự.
4) Người tu thiền phải thận trọng về âm thanh, khi ngồi thiền nghe tiếng chim hót hoặc những tiếng hay lạ khác mà đắm chìm trong âm thanh đó thì sẽ bị hư nhĩ căn, người tu thiền phải luôn luôn cảnh giác.
5) Người nữ tu phải xả tâm phân biệt nam nữ.
Khi tiếp xúc với người nam phải biết vượt qua những thường tình nữ tính, phải dũng mãnh tự xem mình là người nam như họ để không còn e thẹn không còn rụt rè, để tâm không bị dao động về những ý niệm, những cảm thọ về ái dục. Và nhất là không nhận sự giúp đỡ, thọ ân của họ. Vì thọ ân thì tâm dễ sanh ra ái dục.
Tiếp xúc với người nam hay nữ với một tâm hồn vô tư trong sáng. Do đó, không thể phạm giới, giữ trọn vẹn đức hạnh của một người chơn tu.
6) Dừng cái ý có nghĩa là ý khởi niệm gì thì không duyên theo ý niệm đó, nếu duyên theo ý niệm đó là hành động theo dục, nó sẽ đưa đến hại mình, hại người và hại cả hai.
Ví dụ: Thấy người làm sai một điều gì thì không được nói, không được nhắc nhở họ, chỉ có thể nói cho Thầy biết để sửa đổi họ mà thôi. Do đó, tâm không duyên theo cảnh mà khởi động. Tại vì mình còn đang tu tập nên dù có nhắc họ, nhưng họ cũng không nghe theo.
7) Sống trong Tu Viện mọi người phải giữ hạnh độc cư nên không được nói chuyện với nhau. Nói chuyện sẽ có nhiều bất lợi trong việc tu có hại cho mình và cho người, làm động mình, động người.
Thứ nhất, nói chuyện thì tâm duyên theo cảnh không nhiếp tâm trong thiền định xả tâm được. Không tỉnh giác trong lúc đang làm việc, lúc đang đi đứng. Vì vậy tâm thường phóng dật.
Thứ hai, nói chuyện dễ sanh kết bạn, kết phe nhóm, nói xấu người này người kia làm động trong chúng, rối loạn trong tu viện. Đó là điều không lợi ích, là sự tai hại cho mình, cho người.
Vì vậy, người tu hành phải giữ hạnh độc cư cho đúng, không được nói chuyện, chỉ nói những điều cần thiết mà thôi.
8) Người tu phải luôn diệt trừ tâm ngã mạn. Bản ngã càng nhỏ bé thì con đường tu càng tiến bộ.
Khi bản ngã khởi lên thấy mình hơn người thì phải tự quán xét mình và tác ý: “Mình hơn người này, nhưng còn nhiều người khác hơn mình, mình phải bỏ cái tâm ngã mạn đó đi”.Và khi thấy người hơn mình thì không sanh tâm ganh ghét đố kị. Đó cũng là một thứ ngã mạn.
Khi quán xét và tác ý như vậy thì người đó dần dần sẽ xả được tâm ngã mạn.
9) Người tu tập phải tự rèn cho mình có ý chí tự lập, việc gì mình cũng có thể làm được, không có tính ỷ lại vào người khác.
10) Khi gặp ác pháp đến người tu phải tự xét hỏi: “Ác pháp đến ta phải làm gì? Không lý ác pháp đến ta lại cột mình vào ác pháp, phải sống trong ác pháp hay sao? Phải biết xả, xả cho thật sạch, không còn một chút ác pháp nào dính mắc trong tâm ta được”.
11) Những người đạo cao chức trọng và những người kiến thức sâu rộng hoặc giàu có hơn người khác mà không xả tâm được thì bản ngã càng ngày càng to lớn theo đạo cao chức trọng, sự hiểu biết và sự giàu sang của họ, thì con đường tu của họ không đi đến đâu cả.
Người tu mà xả được bản ngã thì không thấy mình hơn người, không thấy mình đạo cao chức trọng, đi đến đâu gặp người tiếp đón ân cần nồng hậu thì không mừng, nếu gặp người tiếp đón lơ là thì cũng không buồn.
12) Hằng ngày ta phải tập ngăn ác diệt ác, khi ý khởi làm cái này muốn cái kia ta phải chủ động dùng pháp hướng để điều khiển cái ý, không để lệ thuộc theo ý.
Khi ta điều khiển ý được thuần thục đến lúc bệnh đau hoặc trước giờ lâm chung, ta giữ được tâm thanh thản, an vui. Nhờ đó tâm được an nhiên tự tại ra đi do sức tự lực điều khiển ý của mình, chứ không phải dùng tưởng lực.
13) Người tu khi làm một việc gì thì phải tùy thuận, bằng lòng theo ý của mọi người khác, không được tùy theo ý mình mà làm, phải tỉnh thức và tự lực trong việc làm, như vậy tu mới tiến bộ được.
14) Tâm dục do từ nơi ý khởi lên, vì vậy phải ngăn ác diệt ác thì sẽ không còn thấy ham thích, không còn muốn hơn thua tranh chấp.
Ngăn ác diệt ác thì tâm phát khởi sáng, nhận thức đúng những sự việc của mình của người mà không bao giờ lầm lạc.
15) Người tu cần phải có ý chí kiên nhẫn, chịu đựng khắc phục những khó khăn, để dũng mãnh vượt qua, quyết chí cố tiến lên, chứ không lùi bước trước một khó khăn, một trở ngại nào.
16) Hằng ngày chúng ta phải quan sát và chủ động điều khiển ý thức.
Khi gặp chuyện buồn ta biết đó là ác pháp, ta tác ý cho chuyện buồn rơi rụng xuống, tâm ta trở lại thanh thản, bình thường hoặc gặp chuyện mừng vui thì tâm ta vẫn bình thản không mừng, vì mừng vui hoặc buồn khổ quá độ sẽ khiến ta mất tự chủ, ảnh hưởng không tốt đến việc tu.
17) Người tu khi ăn một món ngon muốn ăn thêm nữa thì phải biết rằng: Đây là tâm tham vẫn còn nên tác ý chủ động điều khiển ý tham ấy dừng lại: “Bao nhiêu đó đủ rồi, không còn tham ăn nữa”.
Nếu thấy ăn ngon, vẫn ăn cho thỏa thích như người thế gian thì còn gì đạo hạnh của người tu.
Xả tâm sân giận cần có tình thương đi đôi thì xả tâm nhanh chóng và dễ dàng. Nếu thiếu tình thương trong đó mà thêm cái ghét thì rất khó xả. Có tập xả thì cũng xả tâm trong sự ức chế mà thôi.
Vì vậy, người tu tập hằng ngày nên rèn luyện cho mình có cái tâm thương tất cả mọi người, nên nhìn thấy cái tốt của mọi người mà thương. Trước sau không còn một người nào mình ghét thì sự tu tập xả tâm mới tốt được.
19) Khi mình làm được điều gì có lợi ích cho đời, cho người thì nên âm thầm im lặng không nói cho ai biết, có người hỏi cũng không nói. Nếu nói cho người biết là tâm danh còn, nó làm cho bản ngã càng thêm lớn, rất có hại cho người tu. Vì vậy, người tu hành cần nên cảnh giác trong lời nói của mình suy xét cho kỹ rồi mới nói.
20) Người tu luôn luôn quán xét tâm mình, nếu thấy có làm điều gì lỗi lầm thì tự răn mình sửa đổi không nên đổ lỗi cho người này người kia, là tu sai rồi. Phải nhìn thấy lỗi mình trước, chứ đừng nhìn thấy lỗi của người.
21) Khi gặp ác pháp thì ta phải tư duy quán xét cho tận nguồn gốc, ta có làm điều gì lỗi hay không? Khi đã nhận ra lỗi lầm thì xả cho thật sạch, không còn một chút buồn giận nào dính mắc trong tâm ta nữa.
Lúc đang buồn giận vì bị la rầy mà vào thất đọc sách hay nghe băng thì buồn giận sẽ lướt qua trong sự ức chế đè nén là đào lấp sự buồn giận chứ không phải là xả tâm.
Muốn xả tâm cho rốt ráo ta phải đào bứng cho tận gốc rễ sự buồn giận bằng cách tư duy quán xét nhận cho ra lỗi lầm là thiếu sự tùy thuận, rồi dùng câu tác ý mà xả cho sạch và diệt bản ngã bằng sự sám hối, nói lời xin lỗi.
22) Không dính mắc vào sự khen chê có nghĩa là khi có người khen mình, mình không khởi tâm vui mừng vì mừng vui thì bản ngã càng lớn là tâm danh còn. Và khi bị người chê, thì ta không buồn giận, nhưng phải quán xét ta có làm điều gì sai quấy hay không mà bị người chê. Nếu có sai quấy lỗi lầm thì tự răn, mình sửa đổi, còn nếu không có lỗi lầm thì an nhiên tự tại trước lời khen chê, phải tự tin nơi mình.
23) Khi nghe có người nói xấu mình một điều gì thì đừng vội tin, vì tin liền là mình mất tự chủ, mà phải suy xét cho kỹ nếu đúng thì ta tự răn mình và sám hối, sửa đổi. Còn nếu lời nói sai thì ta xả, không quan tâm tới nữa.
24) Trong sự giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, sự quán xét tư duy là quan trọng. Nếu thiếu quán xét thì công việc dễ bị lệch lạc, dễ bị hư hao thất bại. Vì vậy, người tu hành cần phải thường xuyên quán xét, quán xét tâm niệm, quán xét sự việc để tâm lúc nào cũng ở trong trạng thái tỉnh thức qua lời dạy của Thầy và những thử thách trên bước đường tu tập.