Ý THỨC CÓ MẤY LOẠI?
Câu hỏi của Diệu Thanh
Hỏi:Kính xin Thầy giảng cho chúng con được rõ về ý thức có đến mấy loại? Và ý nào cần phải phát triển ý nào cần phải dừng? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Đáp:Có hai loại ý thức:
1/ Ý thức thiện.
2/ Ý thức ác.
Ý thức thiện cần phải phát triển.
Ý thức ác cần phải ngăn diệt
Theo kinh Tứ Chánh Cần Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện”. Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”.
Nhờ biết được ý thức có hai loại nên Đức Phật mới dạy chúng ta tu tập luôn luôn phải ngăn và diệt ý thức ác, không được nuôi dưỡng và tăng trưởng nó, khi nó đến thì phải diệt tức khắc ngay liền, diệt sớm chừng nào tốt chừng nấy, vì càng diệt sớm thì tâm càng được giải thoát sớm, sớm phút nào tốt phút nấy. Bởi vì đạo Phật là đạo giải thoát mà để pháp ác trong tâm thì làm sao được gọi là tu theo đạo Phật. Đó chính là mục đích pháp hành của đạo Phật là vậy.
Pháp hành như vậy được đức Phật gọi là phương pháp tu tập thiền định (Định tư cụ). Vậy pháp tu tập thiền định của đạo Phật là pháp ngăn diệt ác pháp trong tâm. Khi nào không còn ác pháp trong tâm thì người ấy nhập định, chứ không giống như loại thiền định ức chế tâm của tà giáo ngoại đạo.
Ý thức thiện vô lậu của đạo Phật thì không ngoài tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế đức Phật bảo phải tăng trưởng và kéo dài ra cái ý thức này. Đó là một phương pháp tu tập giải thoát tuyệt vời mà không có một pháp thiền nào sánh kịp. Chính ý thức thanh thản, an lạc và vô sự là trạng thái sung mãn của Tứ Niệm Xứ; là trạng thái bất động của thân tâm không bị một ác pháp nào tác động vào được. Con đường tu hành theo Phật giáo chỉ cần chứng đạt được chân lí này cũng đủ mãn nguyện cho một đời tu tập của chúng ta không uổng. Hãy cố gắng lên các bạn ạ! Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Phật pháp không khó vì tu tập, mà khó vì lòng người chẳng muốn lìa tham, sân, si.
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn pháp vô thường buông xuống đi!
Đời người là như vậy, có buông bỏ hay không buông bỏ, mọi vật đều buông bỏ chúng ta mà đi. Ngày mai khi xuôi tay vào lòng đất thì chúng ta mới thấy Phật pháp là chân thật, không lừa đảo ai hết. Phải không các bạn?