GIẢI ĐÁP MỐI NGHI
1. Pháp môn tu hành của Thầy là Pháp môn nào ?
Xin trả lời, chúng tôi tu hành theo pháp môn Giới, Định, Tuệ của Đức Phật. Trước khi chưa tu, là một tăng sinh đang học Phật pháp, chúng tôi đã từng học qua những lời di chúc của Đức Phật. Sau đây là lời căn dặn của Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết Bàn.
Lời di chúc thứ nhấtĐức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, các con hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật của ta làm Thầy và làm chỗ nương tựa để tu hành vững chắc khi ta nhập Niết Bàn". Lời dạy này chúng tôi ghi khắc mãi, không bao giờ quên : Thầy của chúng tôi là Giới Luật, là chỗ nương tựa vững chắc cho sự tu hành của chúng tôi ngày mai.
Lời di chúc thứ haiĐức Phật dạy: "Giới Luật còn là Phật còn tại thế, Giới Luật mất là Phật mất". Lời này dạy về Giới Luật là hình ảnh của Đức Phật, nên chúng tôi nghiêm khắc khép mình trong Giới Luật không để không vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Chúng tôi lấy đó làm giai đoạn tu hành thứ nhất của mình .
Lời di chúc thứ ba“Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, các pháp lành đều nhờ đó mà sanh, các Tỳ Kheo hãy nhớ lấy mà tu tập”.
Lời di chúc thứ tưlà không lời, «khi nhập Niết Bàn, Đức Phật nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, nhập xuôi nhập ngược tới ba lần rồi mới chịu nhập Niết Bàn ».
Kính thưa quí vị, ở đây Phật muốn nhắc nhở người sau phải ráng nỗ lực tu tập thiền định này, đừng bao giờ tu tập thiền định nào khác. Vì trong cuộc sống của chúng ta hiện giờ, và ngay cả trong thời Đức Phật, đã có biết bao nhiêu thứ thiền mà chẳng có thiền nào đưa chúng ta đến giải thoát được thân tâm và chấm dứt sự tái sanh luân hồi. Cho nên Phật chỉ định có thứ thiền này mới làm chủ được sanh tử, tự tại bỏ báo thân, chấm dứt được tái sanh luân hồi mà thôi. Vậy xin quí vị Phật tử hãy lưu ý thiền định này. Khi nhập xuôi nhập ngược ba lần xong, thì Ngài nhập Tứ Thiền xả bỏ báo thân, nhập Niết Bàn. Thể theo những lời di chúc này chúng tôi tu tập ngày đêm không biết mỏi mệt, dù ốm đau quyết không bỏ giờ tu suốt ba năm trời trong thất, chịu từng đắng cay gian khổ để chiến đấu với tạp khí thói quen, tật xấu với nghiệp lực quá nặng nề, với tâm tham ái, dục vọng dẫy đầy. Nhiều khi chúng tôi tưởng chừng không thắng nổi. Nhưng với sức bền lòng, kiên cường, gan dạ, dũng cảm, quyết liệt chúng tôi đã chiến thắng thân tâm của chính mình và chứng nghiệm được sự giải thoát của Đạo Phật.
2. Sự tu hành của thầy có kết quả hay không?
Kính thưa quí vị ! Giới luật là pháp môn tu để giải thoát đời sống của con người. Chúng tôi đã chứng nghiệm được điều này rất thực tế và cụ thể. Ví dụ trước kia chúng tôi ăn ngày ba bữa, còn bây giờ ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt gì hết, cơ thể thì rất khỏe mạnh, ít bệnh tật, suốt ngày không lo ăn uống gì cả, tâm ít vọng tưởng, ít ngủ. Ăn ngày một bữa, chúng tôi tìm thấy giải thoát được hai bữa ăn và đầu óc ít nghĩ bậy bạ, tâm không ham muốn và không ham ngủ. Sự giải thoát chân thật cụ thể này thì quí vị không thể nào phủ nhận được. Cũng từ trong sự tu giới luật này, chúng tôi đã được giải thoát nhiều điều trong đời sống hàng ngày.
Thưa quí vị, thiền định của Đạo Phật từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền là những pháp môn giải thoát tự tại sanh tử, làm chủ sự sống chết của thân tâm. Chúng tôi nhận biết rõ ràng bằng cách chứng nghiệm rất cụ thể. Ví dụ : chúng tôi nhập Tứ Thiền suốt một tuần lễ, nửa tháng hoặc một tháng, không ăn uống gì hết, không đi đại tiểu tiện, không mệt nhọc, không có đau khổ và cũng không chết. Xuất định, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc. Đó là một bằng chứng rất cụ thể. Như vậy trong sự tu hành của chúng tôi, khi sống đã có giới luật, tâm ly dục ly ác pháp nên tâm hồn bất động, và chết đã có thiền định, làm chủ được hơi thở. Chúng tôi đã có sự giải thoát ở mức cao độ cho nên chúng tôi có sự hiểu biết về vô lậu của mình. Sự hiểu biết vô lậu đó là do trí tuệ của chúng tôi, nhờ đó chúng tôi thực hiện Tam Minh và lậu tận minh là trí tuệ cuối cùng của người tu Phật. Đến đây chúng tôi đã có đủ giới, định, tuệ theo con đường tu tập mà Đức Phật đã vạch ra chỉ dạy từ ngàn xưa.
3. Kết quả tu tập của Thầy có thiết thực giải thoát cho đời người hay không?
Tôi nhập thất ba năm nay, mục đích là để làm gương cho chúng tu hành (riêng tôi tu hành đã thành tựu vào năm 1980). Vì thế, không phải riêng có tôi mà còn có những người khác đang nhập thất với tôi. Ngoài ra, còn có những người cư sĩ đang sống tại gia đình như Cô Út người phục vụ cơm nước ở đây, và cháu Đào ở Phước Hải. Họ được nghe băng của chúng tôi, tự nghiêm khắc mình trong giới luật bằng ba hạnh ăn, ngủ và độc cư và họ cũng đã chứng nghiệm được sự giải thoát và đang chủ động điều khiển diệt tầm tứ trong hơi thở để chuẩn bị sự nhập định, phá thọ làm chủ thân tâm. Hiện giờ chúng tôi chưa cho phép họ nhập định vì họ chưa ly dục và ác pháp hoàn toàn. Họ còn phải học xong và sống đúng giới luật đức hạnh giải thoát của Đạo Phật thì mới không lọt vào thiền tưởng. Tại sao? Vì giới luật và đức hạnh là pháp môn đầu tiên của Đạo Phật, là bước đường đầu tiên đi vào con đường giải thoát của đạo. Nếu giới luật không nghiêm chỉnh thì chúng tôi sợ e quý vị rơi vào tà thiền thay vì xả tâm lại ức chế tâm Tóm lại, chúng tôi cũng đã có những người chứng nghiệm được sự giải thoát chân thật, mặc dù họ chưa phải viên mãn hoàn toàn. Vì giai đoạn nhập định là giai đoạn khó nhất, nếu ly dục ly ác pháp chưa xong thì rất là nguy hiểm, có thể rơi vào thiền tưởng và cũng có thể loạn óc điên khùng. Nhưng có điều chắc chắn hiện giờ đứng trước cuộc sống nghèo đói, bịnh tật, tử vong chúng tôi chẳng hề nao núng, vì làm chủ được tâm mình. Chúng tôi không còn bị chướng ngại hoặc bị các ác pháp cám dỗ bằng bất cứ hình thức nào và chẳng còn biết sợ hãi mọi điều gì cả. Tuy rằng chúng tôi chưa chuyển được toàn diện nhân quả.
4. Sự giải thoát đó có phải của Đạo Phật hay không?
Xin quí vị vui lòng đọc lại các Kinh điển Nguyên Thủy của Đạo Phật, rồi nghiệm lại đời sống của Đức Phật và đời sống của chúng tôi thì quí vị sẽ rõ. Đời sống của Đức Phật:
1- Ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt phi thời .
2 - Ngủ ít.
3- Không có của cải, châu báu, ngọc ngà, tiền bạc và cũng không có chùa to, Phật lớn sang đẹp.
4- Sống lấy gốc cây làm giường nằm, chết dưới gốc cây.
Hiện giờ chúng tôi cũng sống như vậy: không ăn uống lặt vặt phi thời, nhà ở bằng cây tầm vông, vách bằng liếp đan và nếu đủ duyên chúng tôi sẽ sống trong hang núi và cũng chết dưới gốc cây như Đức Phật. Đó là lối sống của Đức Phật và lối sống của chúng tôi đều giống nhau. Cho nên, quí vị không thể nào nói rằng chúng tôi tu sai pháp Phật được.
Phần làm chủ thân tâm thứ hai cũng rất cụ thể. Đức Phật tuyên bố trước mọi người còn ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết Bàn. Điều này Đức Phật đã giữ đúng lời hứa. Chúng tôi đã nhập được Tứ Thiền phá được thọ, tịnh chỉ được hơi thở, cho nên chúng tôi cũng làm được điều này khi chúng tôi muốn dứt bỏ báo thân. (Hòa Thượng Chơn Như đã từng lên trình pháp với Hòa Thượng Thanh Từ và xin phép được ngồi thiền và thị tịch trước mặt Thầy và tăng chúng để chứng minh lời dạy của Phật trong kinh Nguyên Thủy là đúng, nhưng Hòa Thượng Thanh Từ khuyên “nên ở lại trụ thế để giúp Thầy hoằng pháp, lợi sanh”.)
Kính thưa quí vị! Chúng tôi có làm khác Đức Phật hay không? Ở đây quí vị không thể nào viện một lý do gì bảo rằng chúng tôi tu sai pháp Phật được. Xưa, Đức Phật đã làm được điều gì, thì bây giờ chúng tôi cũng làm được như vậy. Tuy rằng chúng tôi không giảng Kinh thuyết pháp như các Thầy khác, nhưng chúng tôi đã thân giáo bằng hành động thân, khẩu, ý trong cuộc sống hơn là dùng ngôn ngữ. Chúng tôi hướng dẫn người qua kinh nghiệm bản thân của mình cho nên rất thực tế và cụ thể. Trên đường tu theo Đạo Phật chúng tôi tu hành như vậy, không còn sợ sai trái với Đạo Phật và không còn sợ mọi ảnh hưởng của các tôn giáo khác đang đồng hóa Đạo Phật...
Giờ đây chúng tôi mạn phép hỏi quí vị một câu: Thầy của quí vị là ai? Quí vị cứ trả lời tự nhiên, đừng dựa vào huyền sử 33 vị Tổ sư thiền Đông Độ và Trung Hoa.
Kính thưa quí vị, cứ theo kinh sách Nguyên Thủy thì Thầy của quí vị không phải là chúng tôi. Chúng tôi là những con người bằng xương, bằng thịt như quí vị, chúng tôi cũng không được Đức Phật chỉ định làm người thừa kế, dẫn dắt quí vị trên đường tu theo Đạo Phật. Cho nên, quí vị đừng nương tựa theo chúng tôi tu hành, vì có nhiều điều bất lợi và khó khăn cho quí vị:
1- Chúng tôi không phải là người thừa kế của Đạo Phật, vì thế chúng tôi không đủ niềm tin đối với quí vị. Khi quí vị nghe người ta nói xấu chúng tôi, cho chúng tôi tu hành không đúng Đạo Phật, tu theo ngoại đạo, liệu quí vị còn đủ niềm tin đối với chúng tôi chăng?
2- Thời điểm hiện giờ, Phật Giáo suy thoái. Người tu sĩ Phật Giáo đắm danh, ham lợi, lòng ganh tị nhỏ nhen ích kỷ hẹp hòi và tinh thần tỵ hiềm cao độ.
3- Pháp môn tu hành của Đạo Phật hiện giờ đã bị lẫn lộn nhiều pháp môn của ngoại đạo khó phân biệt tà chánh.
4- Các bậc Tôn túc đi trước tu hành sai , người sau không dám sửa đổi sợ Thầy Tổ buồn phiền. Thầy chúng tôi, Hòa Thượng Thích Thanh Từ tu thiền, Hòa thượng Thiện Hoa là Thầy bổn sư cũng không vừa ý.
5- Lòng người còn ham danh đắm lợi ham mê sắc dục không muốn rời xa 5 thứ dục lạc của thế gian. (Tài, danh, sắc, thực, thùy).
6- Đời người còn lạc hậu nặng lòng mê tín, thường cầu khẩn bái lạy tụng kinh niệm chú, lấy Đạo Phật làm chỗ nương tựa tu hành không tự cứu mình.
7- Ham mê thần thông bùa chú linh hiển tin chuyện quá khứ vị lai.
8- Lòng người bây giờ thiếu thành thật, thường dối Thầy, dối Tổ, dối mình và dối người khác.
9- Ham danh, ham học thức cao, chạy theo cấp bằng này, cấp bằng nọ.
10- Những bậc chân tu không xu hướng chính trị bên này bên kia thì bị tìm cách cô lập.
Do 10 điều trên đây quí vị không nên theo chúng tôi tu hành, vì rất khó khăn cho quí vị và chúng tôi. Vả lại, theo chúng tôi tu hành đông đảo chắc chắn sẽ để lại một trang sử Phật Giáo không tốt đẹp. Xưa Huệ Khả bị giết, Lục Tổ Huệ Năng bị hành thích, gần đây Tổ Sư Minh Đăng Quang bị bắt cóc mất tích, ông Đạo nằm Nguyễn văn Thế bị ám sát bắn chết tại chùa.
Kính thưa quí vị Phật tử, người Thầy của quí vị chính là Giới Luật. Giới Luật là người thừa kế của Đức Phật và đã được Đức Phật chỉ định trước giờ nhập Niết Bàn. Chính chúng tôi tu học cũng từ Ông Thầy Giới Luật mà có được như ngày hôm nay. Vậy quí vị hãy trở về nương tựa nơi ông Thầy Giới Luật của quí vị đi. Đừng nương tựa vào ai hết dù bất cứ ông Thầy nào. Họ là những con mọt kinh sách, chẳng có một chút kinh nghiệm gì trên đường tu tập. Họ chỉ nói bằng miệng mà cuộc sống tu hành chẳng có ra gì. Họ đâu biết rằng kinh sách hôm nay là do tam sao thất bổn, có nghĩa là ba lần sao chép làm Kinh mất gốc.
Kính thưa quí vị, sau khi Phật nhập diệt, các bộ phái tự đặt ra kinh sách, giới luật, thêm bớt quá nhiều theo kiến thức hiểu biết của họ (mà họ cho rằng đúng) làm lệch lạc con đường tu hành của Đạo Phật ở đời sau. Họ không dám tu giới luật, lúc nào cũng tìm cách tránh né, viện cớ này cớ kia hoặc chạy theo con đường phá giới, phá oai nghi tế hạnh của Đạo Phật.
Tóm lại, vì các tu sĩ chẳng nghe Ông Thầy Giới Luật nên tình trạng Phật Giáo mới ra nông nỗi này. Phật giáo ngày nay đã trở thành Thần Giáo (Ông Phật thành Ông Thần), nhà chùa là nơi cúng bái, cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, xin xăm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn, coi ngày giờ tốt xấu, dựng vợ gả chồng. Chùa biến thành nơi phục vụ mê tín cho những người Phật tử còn lạc hậu. Chùa là nơi mà tăng sĩ phải lao động quần quật cả ngày, các ni cô phải làm bánh, nấu ăn, chạy bàn (còn sức đâu nữa mà tu?), chùa là nơi để cho người ta tham quan du lịch, tiếp khách ồn náo và các thầy tu lo chăm sóc cây kiểng, làm đẹp cảnh chùa cho du khách chụp hình (còn tâm trí đâu mà ngồi thiền ?). Nhớ lại ngày xưa Đức bổn Sư chỉ có ba y, một bát, dưới gốc cây nằm ngủ, ngày ngày đi xin ăn mà đau lòng cho Phật giáo ngày nay....