THỜI KHÓA TU TẬP TẠI TU VIỆN CHƠN NHƯ
(Trích Đường Về Xứ Phật, quyểnVIII)
Mỗi ngày tu tập 4 thời (khuya, sáng, chiều, tối), mỗi thời là 3 tiếng đồng hồ và cách thức tu tập mỗi thời đều giống nhau.
KHUYA VÀ SÁNG
Khuya | Sáng |
2: 00 - 2: 30 Ngồi thở 5 hơi thở, đi 20 bước (4x5) 30' | 7:00 – 7: 00 Thở 5 hơi, đi 20 bước tập 30’ |
2:30 – 3:00 nghỉ xả hơi 30 phút | 7:30 – 8:00 nghỉ xả hơi 30 phút |
3:00 – 3:30 Chánh Niệm Tỉnh Giác Tứ Vô Lượng Tâm | 8:00 – 8:30 Chánh Niệm Tỉnh Giác Tứ Vô Lượng Tâm |
3:30 – 4:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng | 8:30 – 9:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng |
3:30 – 4:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng | 8:30 – 9:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng |
4:00 – 4:30 Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm, Nhân quả, Duyên sinh | 9:00 – 9:30 Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm, Nhân quả, Duyên sinh |
4:30 – 5:00 Định Niệm Hơi Thở | 9:30 – 10:00 Định Niệm Hơi Thở |
Định Vô Lậu 5:00 – 7:00 Lao Tác | Định Vô Lậu 10:00 – 12:00 nghỉ ngơi, độ ngọ. 12:00 – 14:00: tịnh chỉ |
CHIỀU VÀ TỐI
CHIỀU | TỐI |
2:00 – 2:30 Thở 5 hơi, đi 20 bước Tập 30 phút | 7:00 – 7:30 Thở 5 hơi, đi 20 bước Tập 30 phút |
2:30 – 3:00 nghỉ xả hơi 30 phút | 7:30 – 8:00 nghỉ xả hơi 30 phút |
3:00 – 3:30 Chánh Niệm Tỉnh Giác Tứ Vô Lượng Tâm | 8:00 – 8:30 Chánh Niệm Tỉnh Giác Tứ Vô Lượng Tâm |
3:30 – 4:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng | 8:30 – 9:00 nghỉ xả hơi 30 phút, được phép vọng tưởng |
4:00 – 4:30 Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm, Nhân quả, Duyên sinh | 9:00 – 9:30 Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm , Nhân Quả, Duyên Sinh |
4:30 – 5:00 Định Niệm Hơi Thở Định Vô Lậu 5:00 – 7:00 Lao động nhẹ Nghỉ ngơi | 9:30 – 10:00 Định Niệm Hơi Thở Định Vô lậu 10:00 tối đến 2 g sáng chỉ tịnh |
Trong ba tiếng đồng hồ ở mỗi thời công phu, thì hai giờ đầu chỉ thực tập 30 phút, rồi nghỉ 30 phút.
1/. Giờ thứ nhất: công phu 30 phút, nghỉ xả hơi 30 phút. Trước tiên ngồi kiết già thẳng lưng, như lý tác ý hướng tâm: “Tâm phải chú ý rất kỹ từng hơi thở một, không được xao lãng” hoặc “Tâm phải bám chặt hơi thở, không được lơi lỏng”. (Trên đây chỉ dạy cho những người mới tập tu) Tiếp theo là thực tập năm hơi thở (hít vô, thở ra đếm 1, hít vô, thở ra đếm 2 v.v.... chậm, nhẹ, đều). Sau khi nhiếp tâm trong 5 hơi thở xong thì đứng dậy đi kinh hành. Trước khi đi cũng phải tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành”. Đi kinh hành 5 bước thì lại nhắc tâm như thế. Sau khi được 20 bước (4 lần tác ý), thì tiếp tục ngồi thở 5 hơi. Liên tục thay đổi hai tư thế ngồi và đi kinh hành, tu tập đúng 30 phút thì nghỉ 30 phút. Nghỉ xả hơi 30 phút:
Sau khi tu tập 30 phút xong, liền xả nghỉ thư giãn, nghỉ ngơi, ngồi chơi trong tư thế thường, thỉnh thoảng nhắc tâm: “Tâm phải thư giãn, nghỉ ngơi, vô sự, thanh thản và an lạc. Tâm không được nghĩ ngợi lung tung. Thân và các cơ buông thõng xuống, tự nhiên, không được gồng hay gò bó, hai chân phải buông thõng ra, tự nhiên, thoải mái, dễ chịu”. Sau khi thư giãn 30 phút thì đi kinh hành, tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
2/. Giờ thứ nhì: tu tập 30 phút đi kinh hành tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định câu hữu (cùng với) Tứ Vô Lượng tâm. Vừa đi vừa chú ý bước chân, vừa nhắc: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi phải giữ gìn, tránh không đạp dẫm lên chúng sanh”, rồi đếm bước từ 1 đến 20. Đúng 20 bước thì dừng lại, ngồi nghỉ xả hơi 2 phút. Khi xả nghỉ 2 phút xong, liền đứng lên tiếp tục đi kinh hành và cũng nhắc tâm như trên: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành”, hoặc là “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi giữ gìn không dẫm đạp lên chúng sanh”. Hướng tâm như vậy rồi tiếp tục đếm bước đi từ 1 cho đến 20 bước, rồi xả nghỉ. Khi ngồi nghỉ đúng 2 phút thì lại tiếp tục kinh hành. Cứ tiếp tục, vừa kinh hành, vừa nghỉ cho đến khi đủ 30 phút mới xả nghỉ. Nghỉ xả hơi 30 phút.
Trong thời gian nghỉ có thể ngồi chơi, hay may vá. Tâm có vọng tưởng hay không có vọng tưởng cũng tốt, đừng nên lúc nào cũng ức chế tâm, không cho vọng tưởng xen vào là không tốt. Phải để tâm tự nhiên của nó, đừng bắt ép nó thái quá, muốn mau mà thành chậm. Nhớ không được tập trung quá nhiều mà sanh ra mỏi mệt, lười biếng, hôn trầm, buồn ngủ, thân lờ đờ, uể oải, tâm thẩn thờ, khó chịu. Đó là tu quá sức thành ra tu sai. Ví như người lên dây đàn, chùng thì không thành tiếng, căng quá thẳng thì đứt dây. Chỉ có lên dây vừa là phát âm tiếng tốt, đúng nhịp. Cho nên thời gian xả nghỉ phải để tự nhiên như người chưa bao giờ tu.
3/. Giờ thứ ba: Sau khi xả nghỉ để tâm được tỉnh thức hoàn toàn thì mới nên tiếp tục tu tập Định Vô Lậu:
a/. Quán pháp: ngồi kiết già, lưng thẳng, dùng pháp hướng Tứ Bất Bất Hoại Tịnh: “Tâm phải bất động trước các pháp của thế gian, phải giống như tâm Phật, phải buông xả hết, không được buồn, vui, yêu, ghét, giận, hờn, thù, oán, ham muốn và sợ hãi, vv...Tất cả các pháp trên thế gian này chẳng có gì là ta, của ta. Nếu ta còn thấy là ta, là của ta, là ta còn vô minh, điên đảo, ngu si, ta đã tự buộc chặt ta vào những sợi dây sanh tử luân hồi, khổ đau muôn kiếp”.
b/. Quán thức ăn, quán ngã: Kế tiếp ta dùng pháp như lý tác ý để diệt ngã, xả tâm chấp ngã: “Thực phẩm là món ăn bất tịnh, uế trược, ta phải chừa tánh ưa thích ăn ngon”. Và ta tác ý câu khác nữa: “Thân, thọ, tâm và các pháp này đều là do duyên hợp, không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Vậy từ nay về sau ta không được chấp ngã, coi trọng ngã, yêu quí ngã, lo lắng cho ngã”.
c/. Giải thoát sợ loài vật: Ta nên quan sát các loài vật đều hiền lành, không có loài vật nào hung ác. Chúng cắn ta chỉ vì bảo vệ sự sống của chúng mà thôi. Khi bị dẫm, đạp lên, chúng đau đớn mà phản ứng, bảo tồn sự sống nên mới cắn chúng ta. Vì nghiệp báo khác nhau nên chúng có những hình dạng, màu sắc khác nhau khiến cho ta thấy có loài rất đáng sợ, có loài thì không. Muốn không sợ hãi, ta nên dùng pháp hướng như lý tác ý: “Tâm đừng nên sợ rắn, rắn không cắn người, hại người hiền đâu. Ta là người hiền, tu theo đạo Phật, ta không làm ác, làm hại, làm khổ đau chúng sanh, thì quyết chắc không bao giờ có ác thú và rắn độc hại ta được. Ta hãy bình tĩnh và không bao giờ sợ hãi nữa”.
Giải thoát sợ ma: Nếu tâm thường hay sợ ma và bóng đêm thì ta nên nhắc: “Đức Phật đã dạy thế giới siêu hình không có, tức là không có linh hồn người chết, mà đã không có linh hồn người chết thì ma là cái gì ? Ta quyết định không sợ ma. Vậy không có ma, ma chỉ là một bóng dáng tưởng tượng của người còn mê tín lạc hậu mà thôi. Từ nay tâm ta không được sợ ma nữa. Phải dạn dĩ, can đảm và chẳng hề sợ gì cả”.
d/. Quán nhân quả: Kế tiếp ta phải tu tập nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và tư duy, tìm cách để hàng phục những hành động ác của thân, miệng, ý của mình, để hàng ngày chuyển hoá những hành động ác trở thành những hành động thiện. Và nhờ biết chuyển hoá như vậy, nên chuyển hoá được nghiệp báo khổ đau, tật bệnh, tai nạn và chuyển hoá cả nghiệp báo của luân hồi sanh tử được nhẹ nhàng, thoải mái.
30 phút cuối cùng của thời công phu: Tu Định Niệm Hơi Thở cùng với pháp hướng như lý tác ý về Vô Lậu. Trước tiên, ta phải ngồi kiết già, lưng thẳng, dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Sáu thức phải bám chặt vào tụ điểm, biết hơi thở ra vô cho rõ ràng”. Hướng tâm xong rồi, hít một hơi thở dài, chậm chậm để gom tâm, kế tiếp thở hơi thở bình thường, khoảng 5 hơi thở thì lại hướng tâm một lần: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở”. Khi hướng tâm, lại tiếp tục 5 hơi thở nữa. Từ đây về sau, cứ sau 5 hơi thở bình thường thì một lần tác ý, tuần tự theo các câu pháp hướng như sau (tu tập Định Vô lậu):
Quán ly tham, tôi biết tôi đang hít vô; quán ly tham, tôi biết tôi đang thở ra.
Quán ly sân, tôi biết tôi đang hít vô; quán ly sân, tôi biết tôi đang thở ra.
Quán từ bỏ tâm si, tôi biết tôi đang hít vô; quán từ bỏ tâm si, tôi biết tôi đang thở ra.
Quán từ bỏ ngã mạn, tôi biết tôi đang hít vô; quán từ bỏ ngã mạn, tôi biết tôi đang thở ra.
Quán từ bỏ tâm nghi, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ tâm nghi, tôi biết tôi thở ra.
Trên đây là phần quán lià Ngũ Triền Cái (Năm thứ ngăn che). Ghi nhớ là sau mỗi câu pháp hướng thì thở 5 hơi thở bình thường (không có một tạp niệm nào xen vô).
Tiếp theo, ta lại thực tập quán lìa Thất Kiết Sử (Bảy thứ buộc ràng) giống như trên, sau mỗi câu pháp hướng thì thở 5 hơi thở bình thường:
Quán từ bỏ ái kiết sử, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ ái kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ sân kiết sử, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ sân kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ thân kiến kiết sử, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ thân kiến kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ nghi kiết sử, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ nghi kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ mạn kiết sử, tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ mạn kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ hữu tham kiết sử, tôi biết tôi hít vô;, quán từ bỏ hữu tham kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Quán từ bỏ vô minh kiết sử, tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ vô minh kiết sử, tôi biết tôi thở ra.
Tiếp theo, ta lại quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp (Tứ Niệm Xứ) không phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Trước hết là quán thân (nhớ thở 5 hơi bình thường sau mỗi câu hướng tâm):
Thân này không phải là ta, tôi biết tôi hít vô; thân này không phải là ta, tôi biết tôi thở ra.
Thân này không phải của ta, tôi biết tôi hít vô; thân này không phải của ta, tôi biết tôi thở ra.
Thân này không phải là tự ngã của ta, tôi biết tôi hít vô; thân này không phải là tự ngã của ta, tôi biết tôi thở ra.
Sau khi quán thân xong, ta tiếp tục quán thọ, với ba câu pháp hướng tương tự như trên (Cảm thọ không phải là ta, là của ta, là tự ngã cuả ta …) 5 hơi thở sau mỗi câu hướng tâm. Quán thọ xong, thì quán tâm. Quán tâm xong thì quán các pháp, cũng tương tự như trên, với 5 hơi thở sau mỗi câu hướng tâm.
* Điều quan trọng cần nhớ là lúc nào cũng phải nương theo hơi thở khéo tác ý như vậy, thì sự lợi ích và kết quả rất lớn cho hành giả. Sau khi tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng vô lậu về thân, thọ, tâm, pháp xong, ta lại tiếp tục tu tập Định Niệm Hơi Thở và câu hữu pháp hướng vô lậu thân, thọ, tâm, pháp như sau (quán thân, thọ, tâm, pháp theo hơi thở đi kèm với vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh) :
Thân này vô thường, tôi biết tôi hít vô; thân này vô thường, tôi biết tôi thở ra.
Có thân là khổ, tôi biết tôi hít vô; có thân là khổ, tôi biết tôi thở ra.
Thân này vô ngã, tôi biết tôi hít vô; thân này vô ngã, tôi biết tôi thở ra.
Thân là nhân quả, tôi biết tôi hít vô; thân là nhân quả, tôi biết tôi thở ra.
Quán thân xong thì ta quán thọ, rồi quán tâm, và sau cùng là quán pháp cũng tương tự như trên với 5 hơi thở sau mỗi câu pháp hướng.
Trong thời gian tu tập chúng ta đều phải nương theo hơi thở và khéo léo, thiện xảo như lý tác ý như vậy thì chúng ta sẽ thấy kết quả thân tâm an lạc vô cùng. Cuối cùng, nên nhớ kỹ cứ cách 5 hơi thở thì phải hướng tâm nhắc một lần: “Cảm giác toàn thân an lạc tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân an lạc, tôi biết tôi thở ra”. Rồi lại tiếp tục 5 hơi thở nữa và hướng tâm: “Cảm giác toàn tâm an tịnh, tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm an tịnh, tôi biết tôi thở ra”. Rồi lại tiếp tục 5 hơi thở nữa và hướng tâm nhắc: “Tâm như cục đất, tôi biết tôi hít vô, tâm như cục đất, tôi biết tôi thở ra”.