Skip directly to content

GIỚI THỨ NHẤT: KHÔNG NÊN SÁT SANH, GIẾT HẠI CÁC LOÀI VẬT

Không nên sát sinh là một lời khuyên của đức Phật, bởi vì sự sống của con người cũng như của các loài vật đều có sự bình đẳng như nhau, cớ sao chúng ta lại giết chúng và còn ăn thịt nữa, thật là bất công vô cùng. Có phải chúng ta ỷ mình là con người rồi hiếp đáp loài chúng sinh. Thật ra con người đến nổi quá thậm tệ mất nhân tính thường dùng trí tuệ mưu mô hung hiểm ác độc chế ra dao, rựa, búa, gươm đao, lưới, câu, rập, bẫy, súng, đạn, điện, thuốc độc v.v.. để tìm mọi cách bắt chúng làm thành thực phẩm để ăn uống hằng ngày hả hê. Đó là một sự sống ác độc, thiếu sự sống bình đẳng, loài lớn khôn ngoan hiếp đáp loài vật nhỏ bé yếu đuối hiền lành khác v.v.. Con người mà sống như vậy có khác nào như bầy thú rừng hoang dã chỉ biết hung ác giết hại và ăn thịt lẫn nhau, chứ đâu biết thương yêu nhau. Cho nên con người không biết sống đạo đức nhân bản – nhân quả thì sẽ thành những loài thú hung dữ, gian ác mà không có một loài thú nào bằng.

Con người là một con vật thông minh và tình cảm yêu thương của con người không có một con vật nào trên hành tinh này hơn được. Nhưng con người đã đánh mất lòng yêu thương ấy thì dễ trở thành một ác thú, thật đáng tiếc. Bởi vậy chính con người đánh mất lòng yêu thương ấy nên cả thế giới loài người lúc nào cũng xung đột, không nhà này thì nhà khác và chiến tranh không bao giờ dứt, không nước này thì nước khác. Thật là đau thương.

Vì thế, đức Phật dạy: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Đó là một lời khuyên chúng ta nên thương yêu nhau. Dù con kiến, con muỗi, con rận, con chí v.v.. đó là những con vật cắn hại làm cho chúng ta khổ sở. Vậy mà chúng ta cũng còn không giết hại chúng, huống chi là các loài chúng sinh hiền lành khác, chúng không bao giờ làm đau khổ cho một ai. Phải không thưa quý vị?

Muốn thực hiện đức hiếu sinh đối với muôn loài vạn vật thì tu sĩ và cư sĩ phải giữ gìn ý tứ tỉnh thức cẩn thận trong khi đi, đứng, nằm, ngồi để tránh dẫm đạp làm đau khổ vì vô tình làm hại chúng sanh.