Bài viết số 3: THƠM THẢO TẤM LÒNG NGƯỜI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
“Tui là nông dân ở quê, đưa con vào TP.HCM thi, vừa xuống bến xe thì được các anh chị sinh viên tình nguyện chở về đây ở! Không ngờ ở Sài Gòn lại có nhiều người tốt như thế!”, ông Phạm Lợi, bố của thí sinh Phạm Tuân, ở trọ miễn phí tại nhà 41/7 đường Cô Giang (Q.1), xúc động nói.
1. Ở đây sướng lắm!
Đến căn nhà vào buổi sáng, lên tầng trên nhìn ra ban công, năm phụ huynh đang ngồi uống nước trà và trò chuyện, nhìn sang phía đối diện là các sĩ tử đang ôn bài. Mặc dù chỉ đăng ký cho ở năm người, nhưng bây giờ số người ở miễn phí tại đây đã tăng gấp ba. Đã chín năm nay, năm nào tới mùa tuyển sinh, căn nhà của ông Hồ Đắc Dung (68 tuổi) cũng là nơi ở miễn phí cho nhiều thí sinh và phụ huynh ở tỉnh xa.
Ông dành nguyên cả tầng trên để các thí sinh và người thân ở, còn mình thì nghỉ tầng dưới. Các căn phòng đều trang bị đầy đủ bàn và ghế ngồi học.
“Tui là người thành phố, trước kia lại là cán bộ Đoàn, cứ mỗi năm tới mùa tuyển sinh tôi lại bắt gặp nhiều cháu ở quê lên không có tiền thuê nhà trọ, không có tiền ăn cơm, phải ngủ bờ ngủ bụi để thi. Thậm chí có nhiều cháu còn bị giật mất quần áo, tiền bạc... thấy thương quá! Thôi thì mình có điều kiện hơn, nhà cũng có chỗ trống, cho ở được cháu nào hay cháu đó”.
“Năm đầu tiên chỉ cho hai cháu ở, vì mình cũng còn e ngại, nhưng đến hôm nay thì vượt chỉ tiêu”, ông vừa cười vừa kể. “Vui nhất là khi nhận được điện thoại báo đậu đại học của các cháu điện về. Nhiều cháu còn mang quà ở quê vào cám ơn rồi nói: Nhờ ở nhà ông mà con đậu đại học đó!”.
Một ngôi nhà ở đường Ngô Văn Năm (Q.1).
Trong các căn phòng rộng và sạch sẽ là cảnh học sinh đang ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, phụ huynh thì nằm nghỉ ngơi. Chị YBRai, mẹ của thí sinh Chu Thị Thu Hà (quê Đakglây, Kontum) kể: “Bố nó mất từ lúc nó lên sáu tuổi, một mình tui phải làm để nuôi hai chị em ăn học. Làm nông nghèo, phải chạy vạy khắp nơi mới vay được tiền xuống thành phố thi. Đến nơi, may mà nhờ các anh chị sinh viên tình nguyện chở đến đây ở miễn phí, nếu không thì không biết lấy tiền đâu mà thuê chỗ ở”.
2. Như là gia đình thứ hai
Vợ chồng lương y Cao Văn Đắc (phòng chẩn trị y học cổ truyền Phú Lâm, 14-16 Bà Hom, Q.6) mùa thi này lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, giặt chăn màn, sửa lại bóng điện, chuẩn bị chỗ ngủ... để đón thí sinh. Đợt 1 vừa qua, căn nhà của bà là nơi ở của hơn 20 thí sinh. Ông bà đã cho thí sinh ở từ ba năm nay.
Bà bồi hồi kể lại: “Năm đầu tiên cô đăng ký cho ở miễn phí thì chẳng có ai ở cả, đến năm thứ hai bắt đầu đông. Năm rồi cô phải liên hệ xin nhà chùa cho các em ở miễn phí mới đủ chỗ.
Ngày trước lúc cô đi thi, cô cũng từng sống những tháng ngày cơ cực, từng ngủ ngoài công viên chờ trời sáng rồi thi. Bây giờ nhìn những đứa trẻ ở quê lên bơ vơ, lạc lõng là mình thấy thương. Biết rằng các cháu có chí, muốn vươn lên nên mình đâu thể làm ngơ được”.
“Thiếu nước thì nói chú mua nước, tối quá thì bật điện lên học chứ để mờ mắt”, lâu lâu ông Đắc cũng nhắc. Trần Thị Kim Liên (quê Đắc Lắc), thi vào ĐH Sư phạm, tâm sự: “Lần đầu tiên xa nhà nhớ nhà nhiều lắm, nhưng sống ở đây cô chú quan tâm không khác gì cha mẹ ở nhà nên cũng đỡ nhớ. Em thấy đây giống như gia đình thứ hai của mình”.
Quang Phương
Báo Tuổi Trẻ Thứ bảy, 07/7/2007