Skip directly to content

Bài học thứ 2: CÁCH XƯNG HÔ TRONG LỚP HỌC

1- GIẢNG VIÊN XƯNG HÔ VỚI TU SINH

Trong lớp học, giảng viên nên xưng hô với học viên bằng cách tự xưng pháp danh của mình, ví dụ như GIA HẠNH, LIỄU HUỆ...

Ví dụ: - Gia Hạnh xin mời Sư Cô.

Ví dụ: - Liễu Huệ dạy theo giáo án của Trưởng Lão Thông Lạc chỉ dạy.

TU SINH LÀ TU SĨ NỮ:

Nếu tu sinh là tu sĩ nữ mặc áo Đại thừa, y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là SƯ CÔ.

Ví dụ: - Gia Hạnh xin mời Sư Cô.

Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Liễu Huệ xin mời Sư Cô Liễu Nhẫn.

Ví dụ: - Xin mời Sư Cô Liễu Nghĩa.

TU SINH LÀ TU SĨ NAM:

Nếu tu sinh là tu sĩ nam mặc áo Đại thừa, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là THẦY.

Ví dụ: - Gia Hạnh xin chào Thầy.

Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Liễu Huệ xin chào Thầy Minh Tánh.

Nếu tu sinh là tu sĩ nam mặc y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, giảng viên gọi tu sinh này là SƯ.

Ví dụ: - Gia Hạnh xin chào Sư.

Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Liễu Huệ xin chào Sư Minh Nhẫn.

TU SINH LÀ CƯ SĨ:

Đối với tu sinh là cư sĩ nam hay nữ, không biết pháp danh, giảng viên gọi chung nhiều người hay gọi riêng từng người đều dùng từ PHẬT TỬ, hay dùng danh xưng bác, cô...

Ví dụ: - Xin phật tử cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.

Ví dụ: - Xin bác cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.

Ví dụ: - Xin cô cho biết pháp danh để việc xưng hô dễ dàng.

Nếu giảng viên biết pháp danh của tu sinh thì gọi thêm pháp danh có danh xưng chú, bác, cô, anh, chị, em, cháu, v.v... để tạo sự thân mật trong danh từ xưng hô của tiếng Việt Nam.

Ví dụ: - Xin mời Chú Minh Thiện.

Ví dụ: - Xin mời Cô Liễu Minh.

Ví dụ: - Xin mời Bác Liễu Tâm.

Ví dụ: - Xin mời Anh Tâm Minh.

Ví dụ: - Xin mời Chị Liễu Minh.

Ví dụ: - Xin mời Em Liễu Châu.

2- HỌC VIÊN XƯNG HÔ VỚI GIẢNG VIÊN

Trong lớp học, học viên xưng hô với giảng viên bằng cách tự xưng pháp danh của mình, ví dụ như LIỄU THANH, MINH THÀNH...

Ví dụ: - Thưa Cô, Liễu Thanh xin hỏi.

Ví dụ: - Minh Thành có điều này muốn xin thưa hỏi Thầy.

GIẢNG VIÊN NỮ:

Nếu giảng viên là tu sĩ nữ mặc y áo Đại thừa, y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, thì học viên gọi giảng viên là SƯ CÔ.

Ví dụ: - Thưa Sư Cô, Minh Thành xin hỏi.

Ví dụ: - Liễu Thanh có điều này muốn xin hỏi Sư Cô.

Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Thưa Sư Cô Liễu Nhẫn.

Nếu giảng viên là cư sĩ, không biết pháp danh, thì học viên gọi giảng viên là CÔ.

Ví dụ: - Thưa Cô, Liễu Hạnh xin thưa hỏi.

Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Thưa Cô Từ Hạnh.

GIẢNG VIÊN NAM:

Nếu giảng viên là tu sĩ nam mặc y áo Đại thừa thì học viên gọi là THẦY. Hoặc giảng viên là cư sĩ nam thì học viên cũng nên gọi là THẦY.

Ví dụ: - Thưa Thầy, Minh Thành xin hỏi.

Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Thưa Thầy Minh Nghĩa.

Nếu giảng viên là tu sĩ nam mặc y vấn Nam tông hoặc Khất sĩ, không biết pháp danh, học viên gọi là SƯ.

Ví dụ: - Liễu Thanh xin hỏi Sư.

Nếu học viên biết pháp danh của giảng viên thì gọi thêm pháp danh.

Ví dụ: - Thưa Sư Tâm Nhẫn.

3- GIỮ GÌN OAI NGHI TRONG GIỜ HỌC

Tu sinh phải có mặt trước giờ học là 5 phút, không được đến trễ giờ học. Khi vào lớp, tu sinh vào ngay ghế của mình ngồi, không ngồi ghế của người khác. Khi giảng viên bước vào cửa lớp thì tất cả tu sinh đứng dậy, nghiêm chỉnh hướng về tượng Phật. Khi giảng viên đứng vào vị trí của mình thì cả lớp làm nghi lễ niệm Phật như đã trình bày trong phần 1. Sau khi xá chào nhau thì giảng viên mời các tu sinh ngồi xuống để bắt đầu buổi học.

Trong buổi học, tất cả tu sinh đều giữ gìn im lặng, không nên nói chuyện riêng. Khi phát biểu ý kiến hiểu biết của mình về bài học đức hạnh, thì bằng cách xưng hô như sau:

Ví dụ: - Kính thưa cô (thầy...)! Kính thưa toàn thể tu sinh! Theo Mỹ Linh hiểu đạo đức của câu hỏi này như sau...

Sau khi tu sinh trả lời xong thì tất cả tu sinh và giảng viên đồng vỗ tay khuyến khích.

Sau đó, giảng viên tiếp tục gọi tu sinh khác trả lời.

Mỗi khi học viên trả lời câu hỏi nào trong bài học đều phải đứng dậy, trừ những người già, tật nguyền không đứng được, giảng viên cho phép ngồi.

Đứng dậy trả lời là một hành động tôn kính những người có mặt trong lớp học, tôn kính giảng viên, tu sinh, và nhất là tôn kính hình tượng đức Phật và bài pháp giới luật đức hạnh mà tất cả tu sinh đều đang học.

Trong kinh Nikaya có nói về chủ khách, đức Phật không chấp nhận chủ ngồi mà khách đứng nói chuyện, tiếp chuyện với nhau như vậy là thiếu đạo đức lễ độ.

Một hôm có một Bà La Môn tên là Ambattha đến chỗ Phật, Ông không ngồi mà đứng, đi qua, đi lại, lời nói nhát gừng vấn nạn Phật, đức Phật quở trách đó là một hành động thiếu đạo đức tôn kính. (Kinh Trường Bộ tập I, trang 164) Nếu đức Phật ngồi, vị Bà La Môn cũng ngồi một bên thấp hơn, đó là hành động chủ khách ngồi tôn kính, nhưng khi thưa hỏi một điều gì thì đứng lên hoặc quỳ xuống thưa hỏi, đó là hành động đạo đức tôn kính Phật và pháp, còn khi đức Phật chưa cho phép ngồi mà ngồi thưa hỏi là thiếu đạo đức tôn kính.

Các con đọc kinh Nikaya lướt qua không nhận xét rõ ràng, cho Phật giáo bình đẳng thì không có đạo đức tôn ti trật tự, nên phát biểu theo tưởng giải của mình mà vô tình phạm vào nền đạo đức lễ nghĩa văn hoá của Phật giáo thật đáng tiếc! Sự hiểu kinh sách của các con như vậy là cái hiểu nông cạn, khiến cho người đời sau hiểu Phật giáo sai lạc. Khi nào các con tu chứng mới hiểu kinh Nikaya đúng nghĩa.

Trong phòng họp Quốc hội, các dân biểu có ý kiến đều đứng lên phát biểu, không có ai ngồi mà phát biểu bao giờ, đó là một lễ độ lịch sự mà con người có văn hoá không thể nào thiếu được.

Nói chung tất cả các buổi họp từ ấp, xã, huyện, tỉnh và các buổi họp Giáo Hội Phật Giáo, khi phát biểu đều đứng dậy, đó là một đạo đức văn hoá lễ độ mà loài người đều công nhận.

Chúng ta nên xét lại đạo đức lễ nghĩa trong các trường học, nơi mà đào tạo giáo dục con người có kiến thức và văn hoá, mà lễ nghĩa không có thì biết rằng nền giáo dục đó còn thiếu khuyết.

Cho nên càng học lên lớp cao thì học sinh và sinh viên càng thiếu đạo đức tôn trọng thầy, cô giáo và bạn bè.

Tiểu học, khi cô giáo bước vào cửa lớp thì trưởng lớp hô: “Nghiêm!” Tất cả học sinh đều đứng dậy nghiêm chỉnh. Cô giáo đứng vào vị trí của mình liền đưa tay ra dấu bảo:

- Các em ngồi xuống.

Trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp còn giữ lễ nghĩa tôn trọng ấy.

Đại học thì lễ nghĩa tôn trọng ấy không còn. Như vậy chúng ta biết rằng: nền giáo dục còn thiếu văn hóa đạo đức lễ độ rất nhiều. Vì thế chúng ta nên lo lắng cho nền giáo dục hiện tại của đất nước, quê hương.

Đạo đức đang xuống cấp.

Chúng ta là người Việt Nam, không nên dùng Hán Việt chưa được Việt hoá như: Hiền giả, Hiền huynh, Hiền tỷ, Hiền đệ, Sư huynh, Sư tỷ, Sư đệ, Đạo hữu, Đạo huynh, Tôn giả, Thánh giả, v.v...

Sau ba tháng học tập đạo đức hiếu sinh, tu sinh được dự thi lên lớp RÈN NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC LY THAM TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO, bằng những bài luận:

- Tháng thứ nhất với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Ý Hành”.

- Tháng thứ hai với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Khẩu Hành”.

- Tháng thứ ba với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Thân Hành”.

- Sau ba tháng có kỳ thi tổng kết với chủ đề “Đạo Đức Hiếu Sinh Thân, Khẩu, Ý Hành”.

Kết quả bốn kỳ thi và có sự ứng dụng thực hành đạo đức đã học trong lớp học, trong đời sống hằng ngày được giảng viên theo dõi kỹ lưỡng, ghi thành tích học tập của tu sinh để tuyển chọn lên lớp mới. Nếu tu sinh chưa đủ điểm lên lớp thì được ở lại học lớp cũ.

TAM QUY có 3 lớp học.

NGŨ GIỚI có 5 lớp học.

THẬP THIỆN có 10 lớp học.

Sau khi hết giờ học, giảng viên nói:

- “Buổi học của chúng ta chấm dứt ở đây, xin quý tu sinh đứng dậy chắp tay xá chào nhau rồi chúng ta về thất”.

Nói xong, giảng viên và tu sinh xá chào nhau rồi giảng viên ra trước, các tu sĩ có hạ lạp cao và lớn tuổi ra trước, kế tiếp những tu sĩ có hạ lạp thấp ra kế, rồi đến cư sĩ lớn tuổi ra trước và nhỏ tuổi theo sau.

(Hết giờ học, giảng viên và tu sinh không nên đọc bài hồi hướng và niệm hồng danh đức Phật. Chỉ chào nhau rồi theo thứ tự về thất trong sự im lặng và trang nghiêm)

4- CÁCH CHÀO HỎI KHI ĐI NGOÀI ĐƯỜNG VÀ TRONG LỚP HỌC

1: Hai người đi khất thực ngược chiều nhau, hai tay ôm bát thì không chào nhau, nhưng khi đi cách nhau chừng hai bước mỗi người đều dừng lại, thời gian chỉ một hơi thở ra vào thì bước đi trở lại trong im lặng.

2: Người ôm bát và người không ôm bát cùng đi ngược chiều cách nhau chừng 2 bước hai người đều dừng lại, người không ôm bát chắp tay lên xá chào người ôm bát, người ôm bát chỉ đứng im lặng cúi đầu, người kia xá xong thì hai người tiếp tục đi trong im lặng.

3: Hai người đi ngược chiều, tay không ôm bát, đi cách nhau hai bước thì dừng lại, chắp tay cúi đầu chào nhau thật sâu rồi im lặng bước đi.

4: Tu sĩ với tu sĩ ở trong lớp học khi chào nhau hai người đều đứng dậy chắp tay, cúi đầu chào nhau trong im lặng, không nên nói ra tiếng, dù là tiếng chào.

5: Tu sĩ với tu sĩ ở ngoài đường đi ngược chiều, khi cách nhau chừng hai bước mỗi người đều dừng lại chắp tay, cúi đầu chào nhau trong im lặng, không nên nói ra tiếng, dù là tiếng chào.

6: Cách chào nhau của tu sĩ với cư sĩ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường giống như tu sĩ với tu sĩ.

7: Cách chào nhau của cư sĩ với cư sĩ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường giống như tu sĩ với tu sĩ.

8: Cách chào nhau của tu sĩ nam với tu sĩ nữ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường chào nhau giống như tu sĩ với tu sĩ.

Nam nữ chào nhau phải bình đẳng, nhưng trong các pháp yết ma thì quy định tu sĩ nữ chắp tay chào tu sĩ nam còn tu sĩ nam không chào lại, đó là theo Bát Kỉnh Pháp. Theo Thầy thiết nghĩ, một người khác chào mình, dù là đệ tử của mình thì cũng phải chắp tay chào lại, huống là mọi người đồng đệ tử Phật, dù nam hay nữ chào nhau nên giữ bình đẳng là tốt nhất.

9: Cách chào nhau của tu sĩ nam với cư sĩ nữ ở trong lớp học cũng như ở ngoài đường chào nhau giống như tu sĩ với tu sĩ.

Sự chào nhau phải bình đẳng là lễ độ văn hóa kính trọng nhau.

10: Nam chào trước hay nữ chào trước? Theo đúng pháp yết ma thì cư sĩ nữ chào trước cư sĩ nam, tu sĩ nữ chào trước tu sĩ nam, nhưng ở đây thì bình đẳng nên chào nhau đồng một lượt.

11: Một người cầm đồ đạc trên tay, một người không cầm đồ đạc thì người không cầm đồ đạc chào trước.

Sự chào hỏi không mất hạnh độc cư, chỉ khi nào đi đến thất hoặc đi ngoài đường nói chuyện với nhau mới là phá hạnh độc cư.

Trong tu viện, mỗi tu sinh giới tướng phải nghiêm chỉnh, không đươc vi phạm, oai nghi tế hạnh phải hẳn hoi khi đi, đứng, nằm, ngồi.

Còn giới thể, tu sinh phải đến lớp học đức giới, hạnh giới, để thấu triệt và thấm nhuần giới thể thì mới xứng đáng là đệ tử Phật, nếu không học giới đức thì giới thể không bao giờ có trọn vẹn.

Đây là một chương trình giáo dục đào tạo giới luật đức hạnh, cho nên bài học rất sống động, mọi tu sinh đều đóng góp nhiều ý kiến đạo đức nhân bản - nhân quả, nếu những ý kiến đó chưa được ngã ngũ thì giảng viên xin viết thư hỏi ý Thầy, chứ không được cắt ngang dẹp bỏ những ý kiến đó, kẻo lớp học sẽ mất hết ý nghĩa đào sâu đạo đức. Nhưng những tu sinh góp ý đừng góp ý ngoài đề, phải nhắm vào chủ đề đạo đức của bài học.

Lớp học cần có những ý kiến trái nghịch nhau trong chủ đề, để làm sáng tỏ nền đạo đức nhân bản - nhân quả, khiến cho lớp học càng sống động hơn, nhờ đó mà tu sinh càng học càng tiến bộ, càng thấu triệt và thấm nhuần đạo đức nhiều hơn.

Giới luật đức hạnh chưa thấm nhuần, chưa thông suốt mà muốn ngồi thiền, nhập định để có Tam Minh thì đó là một ảo tưởng. Vì thế trải qua hơn 2000 năm, đã xác định rõ ràng không có ai tu chứng quả A La Hán, vì bỏ giới luật mà tìm thiền định thì không bao giờ có chánh thiền định.

Hôm nay lớp học giới luật đức hạnh được triển khai để đào tạo, rèn luyện tu sinh trở thành những bậc giới luật đức hạnh vô lậu, vậy mà có một số tu sinh cố chấp ngồi tu trong thất thật là tội nghiệp. Nếu ngồi trong thất tu được thì hơn 20 năm qua đã có nhiều người tu chứng quả A La Hán vô lậu rồi. Ngồi trong thất tu mà giới luật vi phạm thì làm sao tu chứng quả A La Hán được.

Bên hệ phái Khất sĩ, người tu sĩ rất khiêm hạ, họ thường xưng là trò. Sư Giác Toàn trụ trì Trung Tâm Tịnh Xá của hệ phái Khất sĩ thường xưng là “Trò Con”.

Chúng ta ở đây toàn là anh em, chị em với nhau, nên phải biết cách xưng hô cho hợp lý.

Các tu sinh nam cũng như nữ nên biết đoàn kết, biết thương nhau như con một nhà, biết tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau, chị ngã em nâng.