Hỏi về SÂU RẦY PHÁ HOẠI MÙA MÀNG VÀ SÁT SINH
Trích trong băng sau từ phút 13:36
(13:36)
Phật tử : Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Con kính bạch Thầy, con là một Phật tử, được cái duyên hôm nay về đây. Trong cuộc sống hàng ngày của con thì con cũng có những điều thắc mắc. Con cũng muốn trình Thầy để kính mong Thầy chỉ dạy cho. Con cũng xin thưa là một Phật tử thì đương nhiên con cũng biết 5 điều giới cấm của nhà Phật. Nhưng mà vì cuộc sống của con hàng ngày sống trong ngành nông nghiệp, trong cái trồng trọt, cho nên là khi cây hoa màu của con có những loài côn trùng chích hút phá hoại. Cũng như buổi sáng Thầy đã nói, đó là do ảnh hưởng môi trường hiện tại mà nó mới ra được những loài côn trùng chích hút phá hoại đó. Nhưng mà vì cuộc sống, nếu con không dùng những cái chất độc hóa học để diệt trừ đi những cái loài côn trùng chích hút đó thì công sức gia đình con bỏ ra sẽ không còn đem lại một cái gì hết cho cuộc sống. Vì vậy khi việc diệt trừ các loài côn trùng chích hút đó thì đương nhiên con đã phạm tội sát sanh. Cái chữ Từ ở trong Tứ vô lượng tâm là con không có nữa. Con mong Thầy chỉ dạy cho con được thấu suốt. Nam mô a di đà Phật.
Trưởng lão Thích Thông Lạc:
Bây giờ Thầy sẽ chỉ dạy cho nói chung là cho các cư sĩ đang hành cái nghề nông nghiệp. Thực ra mà từ khi các nhà kinh doanh về thuốc rầy, cũng như kinh doanh về phân hóa học, họ chỉ nghĩ cái lợi của cá nhân họ. Họ sản xuất ra những loại phân tro và thuốc rầy đó họ đưa đến nông dân của chúng ta, là những người nông dân đâu có hiểu biết. Chỉ thấy bón xuống một nắm phân nhỏ mà nó làm cho cây lúa xanh tốt hoặc là cây hoa màu của chúng ta xanh tốt và bông trái ngay liền. Chúng ta chỉ biết ăn liền mà thôi, làm có lợi liền, thấy có kết quả liền. Và ngay trên những con sâu rầy, chúng ta chỉ cần xịt nó một cái là sâu rầy nó chết hết, để bảo vệ được mùa màng thì chúng ta thấy có lợi túc thì chúng ta cứ ham mà làm thôi. Chứ chúng ta không hiểu được cái hậu quả về sau.
Cho nên cái hậu quả về sau thì thật sự ra các nhà khoa học, không phải họ có cái tâm hoàn toàn gọi là tốt mà họ nghĩ họ đi học để họ hiểu biết, họ nghiên cứu, họ phát minh ra cái này, cái kia, cũng là nghĩ đến cái danh, cái lợi của họ trong các thời chứ không có nghĩ đến cái sâu xa cái môi trường sống của nhân loại ở trên hành tinh này. Cho nên trong khi sản xuất ra những cái điều kiện thì hầu như là đưa đến cái sự tai hại rất lớn cho cái đời sống của con cháu chúng ta sau này chứ không phải riêng chúng ta.
Cũng như bây giờ chúng ta trở thành những người nông dân, mà sống trong cái giai đoạn này, là ảnh hưởng của những người nông dân trước chúng ta. Ông cha chúng ta đã tiếp nhận cái thứ khoa học tân tiến - mà những nhà khoa học đã không nghĩ về tương lai cho con cháu, nó sẽ như thế nào họ không nghĩ. Bởi vì họ nghĩ thì chắc chắn chúng ta hiện giờ rất là hạnh phúc. Khi mà họ sản xuất ra cái điều kiện gì họ nghĩ đến cái điều đó nó sẽ tai hại về sau thế nào - họ không nghĩ. Họ nghĩ sản xuất ra để đem lợi ngay trước mặt họ thôi. Bây giờ Thầy đem ví dụ, người ta sản xuất ra những cái xe gắn máy, chạy bằng cái chất dầu xăng, để rồi phun ra một cái loại khói - cái loại khói đó rất độc. Chất độc đó chúng ta hít thở mà sinh ra nhiều bệnh, thí dụ như bệnh ung thư chẳng hạn. Cái người sản xuất ra loại xe họ không nghĩ đến sức khỏe của con người ở trên hành tinh, cái sự sống con người trên hành tinh này, và loài vật nữa, loài vật cũng hít thở trong không khí này bị nhiễm ô các chất thải ra, chất độc đó. Do đó khi sản xuất cái xe, họ phải sản xuất ra một cái máy để mà hoại diệt cái chất độc đó đi thì chắc chắn bảo vệ sức khỏe. Người ta chỉ biết sản xuất cái xe để mà chúng ta giao thông cho nó tiện lợi, nhanh chóng, mà người ta không nghĩ đến cái tai hại của con người sẽ ảnh hưởng khi hít thở những chất độc đó. Đó là cái sai của nhà khoa học. Họ nghĩ một cái chiều mà họ không nghĩ cái tai hại về sau.
Cũng như sản xuất phân hóa học, cũng như sản xuất các loại thuốc diệt sâu rầy, họ chỉ nghĩ trước mắt của họ, không ngờ rằng cái chất độc họ phun ra nó sẽ sanh ra cái loài côn trùng lại độc hơn đề kháng lại cái chất độc đó. Cho nên vì vậy cứ tăng chất độc lên mãi. Cuối cùng thì chúng ta đã tự diệt chúng ta. Cho nên đó là cái sai.
Bây giờ chúng ta làm sao bây giờ? Chúng ta phải đứng trên góc độ nào để chúng ta nhìn, để mà chúng ta còn làm được cái nghề này. Thật sự ra nếu người làm nghề nông nghiệp mà không làm thì cả con người trên hành tinh này chúng ta sẽ chết đói. Nhưng mà làm cái nghề này là giết hại chúng sanh rất nhiều. Từ con vật không phá hoại, chúng ta xịt thuốc rầy cũng sẽ bị diệt chứ không phải riêng sâu rầy không. Như con nhái, như những cái loài có lợi ích cho chúng ta nó vẫn bị cái chất độc đó hoại diệt. Thậm chí như con người chúng ta mà nếu khẩu trang không khéo giữ gìn thì cái hơi độc đó vẫn làm chúng ta có thể bị ngộ độc mà chết nữa.
Tất cả những cái nguy hại này nhà sản xuất ra họ nghĩ đến tiền chứ họ không có nghĩ gì sức khỏe của mọi người. Họ không nghĩ về hậu quả ngày mai về sau. Họ đâu có nhìn thấy điều này. Họ chỉ nghĩ đến lấy được tiền mà thôi. Cho nên vì vậy mà bây giờ đất đai của chúng ta, thời tiết bị nhiễm ô rất nhiều. Nếu mà bây giờ chúng ta trồng cây lúa, hoặc trồng cây khoai, cây đậu mà chúng ta không có những loại thuốc để mà ngăn ngừa đó, thì chắc chắn chúng ta không có mà sống. Người nông dân hiện giờ làm thực sự rất là khổ. Mà cái thu lợi của họ rất là ít. Tại sao, tại vì bao nhiêu vốn liếng của họ bỏ ra để mua phân diêm tro, thuốc rầy để mà lấy lại bán cái thực phẩm làm ra được, thì coi như họ lấy công mà đổi cái sự sống. Thay vì bây giờ họ không có công ăn việc làm, cho nên họ phải làm để mà lấy cái công của họ để cho họ sống hàng ngày chứ sự thật ra nông dân không có đồng vào.
Cho nên vì vậy bây giờ chúng ta chỉ còn có nhắc nhở, chỉ còn có yêu cầu, chỉ có đề nghị những nhà khoa học phải nghiên cứu, phải nghĩ như thế nào để làm cho phun cái chất độc ra, mà cái chất độc đó nó không ảnh hưởng các loài động vật, nhưng nó giúp cho cái sức đề kháng của cái cây, của cái loại cây trồng của chúng ta đề kháng chống lại cái loại côn trùng, cái loại sâu rầy, chứ còn mà trực tiếp diệt loại sâu rầy ở trên cái thân cây của chúng ta thì chắc chắn là nó không tốt đâu. Cho nên vì vậy mà theo Thầy thiết nghĩ, thì đây là mình đề nghị mà thôi. Còn riêng các nhà khoa học thì họ đã làm được cái chất độc đó thì họ phải chế cái loại mà kháng sinh chống lại, các cây ăn cái chất đó lên rồi nó có sức chống lại, thì cái đó ít độc hơn. Nhưng mà cái chất mà để cho cái cây nó có sự chống lại thì coi chừng nó lại là một chất độc nữa thì nó lại nguy hiểm hơn. Tất cả những cái này là cho những nhà chuyên môn, riêng Thầy thì không biết cái điều này.
Nhưng bây giờ đứng trước vị trí của cái điều này, thì Thầy chỉ là một nhà tu sĩ của Đạo Phật thì Thầy phải lấy công tâm của mình mà nhìn lên cái Nhân quả. Dù là chúng ta có giết hại chúng sanh cũng đều là do Nhân quả mà thôi. Cũng như bây giờ con người mà đạo đức nó xuống cấp như thế này, người ta dám vì 1 đồng, 100 đồng, 1 triệu đồng mà người ta có thể giết người hoặc là làm những điều rất tàn ác khác, vì cái lợi nhỏ nào đó. Thì chúng ta phải biết rằng đây là cái Nhân quả. Cho nên khi cái người đã nhìn được nhân quả thì an ổn, mà không nhìn được nhân quả thì không an ổn.
Bây giờ theo cư sĩ đã hỏi Thầy, vì cái nghề nghiệp sống của mình là nông dân, thì mình phải nhìn nhân quả. Thầy đem một cái ví dụ để mà cho thấy. Bây giờ cái nhà của Thầy làm bằng tầm vông, trúc tre, phải không? Nhưng mà nếu Thầy không bảo vệ cái loài mối nó sẽ ăn sạch cái nhà của Thầy trong vòng 1 mùa mưa mà thôi, không thể kéo dài lâu được nữa. Chẳng hạn bây giờ con vật ở ngoài kia nó vô trong nhà của Thầy thì Thầy có bổn phận bảo vệ cái nhà của Thầy thì Thầy không tội đâu mấy con. Nhìn bằng đôi mắt nhân quả mà, chứ kẻ trộm cướp kẻ đó có tội chứ. Phải không, con vật nó vô đây nó ăn cái nhà của Thầy, tức là nó có tội chứ không phải là Thầy có tội đâu. Bây giờ bảo vệ cái nhà của Thầy để Thầy ở, tức là Thầy phải diệt chúng. Phải không? Đó là Thầy không tội, đứng trên cái đạo đức, đứng trên cái nhân quả, thì người ăn cướp thì phải tội thôi. Cũng như bây giờ Thầy đặt thành cái vấn đề như đất nước Việt Nam chúng ta bị một cái nước khác đem quân vào xâm chiếm, thì người dân Việt Nam chúng ta nói tôi tu theo Phật, thôi không giết họ đâu. Thôi bây giờ họ làm gì thì làm, họ bắt tôi bỏ tù hay cách gì tôi cũng chịu. Như vậy rõ ràng là mình không phải người tu sĩ đạo Phật đâu. Đó là tiêu cực và yếm thế. Cho nên trong lịch sử của Phật giáo, chúng ta đã từng nghe rõ ràng, là trong cái thời của vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa. Ông chỉ tin vào Phật mà thôi, cho nên khi mà giặc đến vây thành mà đánh thì ông nghĩ rằng mình chỉ tụng kinh thôi cầu an thôi thì chắc chắn chư Bồ Tát, chư Phật sẽ đuổi giặc ra khỏi đất nước của mình chứ gì. Cho nên các quan và vua đều là gõ mõ tụng kinh. Cuối cùng là giặc phá thành và vào cướp thành và giết vua quan đều chết sạch. Đó là cái hình ảnh không đúng cách của Đạo Phật. Bởi vì theo Đạo Phật phải nhìn nó là nhân quả.
Bây giờ môi trường đã do ông cha chúng ta để lại, môi trường ô nhiễm sinh ra các loài côn trùng quá độc. Cách đây chừng 7, 8 chục năm, khi mà Thầy sanh ra, cái môi trường ở trong môi trường sống này, người ta không có dùng thuốc rầy. Các cư sĩ biết rằng khi mà ruộng lúa cấy bị cái con bù lặt, tức là con sâu nó cuốn lá lúa lại nó ăn làm cho cái bụi lúa nó rụi xuống hết. Người ta đâu có phun thuốc rầy đâu, người ta có biết thuốc rầy làm sao mà xịt nó đâu, cho nên người ta chỉ bẻ cái cây hôi, cái cây hôi trên rừng, người ta bẻ người ta cắm cho nó hôi mà nó tự nó đi. Rồi người ta khai nước cho nó cạn xuống không có để cho đầy nước thì cây lúa mới phát triển lên được, mà cái loài sâu đó nó cũng mất đi. Cho nên cái hột lúa của người ta làm không có chất độc. Do đó, trong cái tuổi của Thầy, Thầy biết rõ ràng, ông thân của Thầy cũng là một nông dân. Ông cũng làm ruộng, rồi cách thức bị sâu rầy như vậy thì ông dùng như vậy thôi chứ ông không biết xịt thuốc gì hết. Còn ông rải phân mà để mà bón cho lúa thì ông không có dùng cái phân hóa học như diêm hay u-rê chúng ta hiện giờ, mà ông lại dùng cái phân bò, phân trâu rồi những lá cây đốt. Nhất là cái lá dừa, họ đốt họ lấy tro đó họ rải xuống ruộng. Thầy thấy càng năm càng rải thì ruộng lúa đó càng mầu mỡ. Sau này thì thấy các anh, chị em của Thầy ở quê họ cứ rải cái phân hóa học, cái đất nó cằn cỗi, nó không còn mầu mỡ như ngày xưa, thua cái lúc ông thân của Thầy đã làm ruộng rẫy.
Do đó nhìn qua vấn đề nó thực tế như vậy, cho nên vì vậy Thầy biết nó rõ ràng, cụ thể. Cho nên ở đây phần nhiều chúng ta đứng trên góc độ nhân quả mà chúng ta biết rằng, loài côn trùng sanh ra, chúng ta có quyền bảo vệ mùa màng chúng ta. Nếu chúng ta sợ hãi, tôi chấp nhận tội lỗi nhưng vì những vật này, tôi không đi lại hang con kiến kia hoặc là nơi của con rầy kia mà tôi diệt nó thì tôi có tội. Mà chúng nó đến đây xâm chiếm hoa màu của tôi, công lao của tôi làm lên. Chúng xâm chiếm, điều kiện là tôi hoàn toàn tìm cách tôi diệt. Nhưng mà chúng ta không khéo chúng ta diệt nó bằng cách nào để không khéo ảnh hưởng đến sự đau khổ của chúng ta kế tiếp. Đó là chúng ta phải diệt các loài côn trùng để bảo vệ mùa màng thì cư sĩ không nên vì lý do đó mà nói rằng tôi mang tội sát sanh, bởi vì đúng là chúng ta phải tu tập tâm Từ Bi của chúng ta, thương xót sự sống của muôn loài. Nhưng một người tu sĩ của chúng ta chắc gì họ đã có tâm Từ Bi thương xót muôn loài đâu? Đó là Đức hạnh Thánh, chứ không phải đức hạnh tầm thường đâu.
Bởi vậy cho nên Đạo Phật là như thế nào? Đạo Phật tất cả các nghề nghiệp đều buông xuống không làm. Vì cái Sa môn hạnh của người tu sĩ cho nên người tu sĩ chỉ còn mang bình bát đi xin ăn mà thôi. Đó là cái hạnh Sa môn, cho nên không có làm nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu cầu an. Trong kinh Sa môn quả, tức là hạnh Sa môn đó, kinh đó dạy chúng ta không được coi ngày giờ tốt xấu, xem sao, đoán vận mạng, tất cả mọi nghề nghiệp không có được làm nghề gì, không được trồng cây trồng trái không được trồng lúa trồng khoai trồng gì tất cả mọi nghề nghiệp, đều là cái hạnh Sa môn không có được làm. Người Sa môn thì không được làm nghề nghiệp như vậy. Cho nên đối với tu sĩ chưa chắc đã tròn, huống hồ là cư sĩ các con bây giờ.
Cho nên với cái giới 5 giới, mà giới không sát sanh, tức là đạo đức Hiếu sinh, nó là đạo đức Thánh hạnh của một bậc tu sĩ của Thánh tăng, Thánh ni, không thể phàm phu mà có thể làm được. Cho nên ở đây chúng ta làm với một cái nhìn, với cái hiểu biết bằng đạo đức nhân quả của nó. Anh xâm chiếm thì tôi có quyền diệt anh để tôi bảo vệ sự sống của tôi. Tôi bảo vệ mùa màng của tôi. Thì côn trùng, cái loài sâu rầy, chúng tôi xem nó như là một người bạn nếu mà anh không phá thì tôi có thể chia cho anh một phần nào trong cái sự hoa màu của tôi. Tôi có thể giúp cho anh một phần nào để anh sống, rồi anh đi tìm chỗ khác. Chứ anh mà phá của tôi thì chắc chắn là tôi phải diệt anh.
(28:33)
Trước khi mà con sử dụng đám đất, ruộng của con, con muốn bảo vệ đám ruộng lúa của con mầu mỡ, mà không bị sâu rầy phá, con sẽ ước nguyện: cái đám lúa này, nếu mà tất cả sâu rầy mà đến đây mà xâm chiếm thì tôi có quyền diệt mà không có tội, vì anh xâm chiếm hoa màu của tôi, công lao của tôi trồng đây, tôi phải bảo vệ nó. Mà nếu anh không xâm chiếm, tôi sẽ dành anh bao nhiêu lúa, thí dụ như một thúng lúa hoặc là một tô lúa tôi sẽ dành cho anh cái phần đó để cho anh ăn. Tôi sẽ bỏ ra tôi bố thí cho anh. Tôi làm cái điều này, nhưng mà anh phá tôi, tôi diệt anh. Đó thì trong cái vấn đề đó con phải có cái tâm thẳng thắn và quyết định. Nếu mà nó phá, con sẽ tìm mọi cách con diệt, con có thể dùng thuốc rầy hay tất cả mọi.... nhưng con nên nhớ rằng trong khi diệt loại rầy hoặc sâu thì phải tránh đi những loài vật nó đang vô tình ở cái gốc lúa của các con, như loài cá hoặc là ếch nhái. Chúng ta thấy nơi nào nó nhiều thì chúng ta tìm mọi cách khai cho nó cạn cho nó đi hết đi, rồi chúng ta mới dùng thuốc rầy. Hãy cố gắng cẩn thận
(29:46).
Cho nên vì vậy Thầy nói như cái nhà của Thầy như thế này, nếu mà Thầy không cẩn thận thì mối nó sẽ ăn sạch. Cho nên thường thường mùa mưa mối nó hay phát triển lên. Cho nên do đó muốn bảo vệ cái nhà của mình mà mình tránh khỏi sát sanh thì mình dùng cái loại phấn, cái loại mà vẽ nó đi thì con kiến con mối nó không dám xâm chiếm vào cái nơi nhà mình ở, thì tức là ngừa bệnh hơn trị bệnh. Đừng để tới nó ăn cột nhà mình rồi mình mới đập, mới diệt nó thì cũng rất tội. Nhưng vì bảo vệ sự sống của chúng ta, bảo vệ cái nhà của chúng ta để chúng ta có mà ở, có sống, chúng ta phải diệt. Nhưng chúng ta phải lấy công tâm dù là bây giờ định luật nào bắt tội tôi, tôi cũng không chấp nhận. Bởi vì nó đến xâm chiếm tôi, nó ăn cướp nhà tôi thì tôi có quyền giết nó. Tôi không có ra cái gò mối kia mà đào cái gò mối mà bắt tội tôi. Nhà của nó nó ở, mà nó đến xâm chiếm nhà tôi thì không được. Đó là cái công lý, công bằng, luật nhân quả nó cũng chấp nhận trên cái vấn đề đó, chứ không phải đụng cái gì cũng bắt tội chúng ta được, không phải đâu. Đó là cái công lý.
Cho nên ở đây Đạo Phật, công lý của chúng ta là gì ? Là trí tuệ, cái đúng, cái sai. Bởi vì ai cũng có trí tuệ. Đạo Phật là đạo Trí mà. Cho nên vì vậy chúng ta phải lấy cái trí tuệ chúng ta phán xét. Anh có quyền xâm chiếm thì tôi có quyền diệt anh. Tôi bảo vệ đất nước, quê hương tôi, tôi cầm súng tôi bắn anh chớ không phải tôi vác súng tôi đến xâm chiếm đất nước anh. Tôi xâm chiếm đất nước anh tôi có tội, tôi giết anh tôi có tội. Nhưng mà anh cầm súng anh đến nước tôi, anh bắt dân tôi làm nô lệ cho anh thì tức là tôi có quyền đứng dậy tôi bảo vệ đất nước tôi. Tôi có giết anh chết tôi không tội đâu. Đó là cái quyền bình đẳng của Nhân quả.
Cho nên ở đây trong cái vấn đề nói về thời tiết thì chúng ta thấy những cái hậu quả của những người làm mà gây ra hậu quả cho đến giờ mà chúng ta phải vất vả, phải khổ sở. Do con người chúng ta thiếu cái tâm thương yêu sự sống của người khác, cho nên vì vậy chúng ta chỉ nghĩ đến cá nhân của mình, chỉ nghĩ đến cái danh cái lợi của mình, để mình đưa ra những cái đó để mình hốt cái lợi, mà tai hại biết bao nhiêu thế hệ sau. Thì hiện giờ chúng ta cũng không nên trách vì những nhà khoa học họ chỉ nghĩ cái tiện lợi cho con người mà thôi. Thầy xin nhắc lại Thầy đọc lại câu chuyện của một nhà khoa học, họ nghĩ rằng họ sẽ chế ra một chiếc máy bay để chinh phục không gian thôi, để đưa con người đi ở trên không gian như một con chim bay thôi. Thế mà khi họ đã sáng chế ra chiếc máy bay, thì người ta lợi dụng chiếc máy bay đó người ta mang bom người ta đi bỏ để giết con người, thì ngay cái nhà khoa học đó họ đau khổ, rất đau khổ, cuối cùng họ tự tử. Họ tử tử bằng cách lấy sợi dây nịt trong người họ, họ thắt cổ họ chết. Họ không thể nào nhìn cái chuyện phát minh của họ để rồi người ta dùng cái phát minh đó mà người ta diệt. Cho nên khi mà đọc đến những điều này, Thầy thấy rất là cảm động. Người ta đâu phải sáng chế ra để mà người ta giết người. Người ta sáng chế ra những điều kiện để phục vụ cho con người, nhưng cuối cùng con người vì tham vọng mà người ta sử dụng cái khoa học đó.
Còn bây giờ vấn đề nông nghiệp, người ta sử dụng trong cái vấn đề xịt thuốc rầy hoặc là phân hóa học. Họ không phải các nhà khoa học có tình người, tình nhân loại, vì vậy mà họ đã vô tình, họ sáng chế ra họ chỉ nghĩ tạo ra các loại thuốc đó họ thu lợi, họ làm giàu trên cái mồ hôi nước mắt, trên cái sự đau khổ kế tiếp của bao nhiêu thế hệ chứ không phải là một thế hệ.
Cho nên hôm nay Thầy khuyên con là một cư sĩ, con hay nhìn nhân quả để cho tâm con an ổn. Con không bao giờ con ra ổ kiến con phá, mà cái ổ kiến đến đây phá những hoa màu của con, con có quyền diệt nó, con không sợ. Dù là Chư Phật, dù là người nào cầm cân công lý, mà đến đây phạt tội con, Thầy chịu tội cho. Thầy bảo đảm với con Thầy sẽ chịu tội thế cho con. Khi mà con diệt loài vật đến xâm chiếm nhà con, đến xâm chiếm hoa màu con, mà con gọi là có tội, Thầy chịu tội thế con. Đó là cái công bằng công lý của nhân quả. Thầy không sợ tội này đâu. Thà là Thầy chịu khổ để cho các con đều hoàn toàn an ổn trên cái vấn đề mà sản xuất hoa màu, để bảo vệ sự sống cho nhau trên hành tinh này. Thầy hoàn toàn chấp nhận chịu thọ các nỗi khổ của con đã giết chúng sanh. Thì Thầy nghĩ rằng thà một mình Thầy chịu khổ để cho các con sản xuất ra tất cả những loại. Thầy có thể đọa vạn kiếp làm côn trùng, làm loài vật, làm sâu bọ, đời đời kiếp kiếp, nào Thầy cũng chịu hết. Thầy không bao giờ Thầy sợ cái vấn đề này hết. Nhưng làm sao cho loài người có đủ thực phẩm, yên lành sống, thì điều đó là điều hạnh phúc. Dù Thầy là con sâu, là con rầy Thầy cũng hạnh phúc. Nghĩa là đối với Thầy, Thầy nghĩ như vậy, con an ổn đừng có sợ. Nhưng mà có điều Thầy nhắc nhở, con đừng có đến cái hang kiến ở ngoài kia mà con diệt nó. Chừng nào nó vô nhà con, chừng nào nó trèo lên đồ ăn con, nó cướp phá nó làm cho thực phẩm của con bị hư hại thì con có quyền diệt nó mà con không có tội gì. Đó là cái luật của công bằng, công lý của nhân quả, mà Đạo Phật đã dạy chúng ta lấy trí tuệ mà làm công năng chúng ta đi vào con đường Đạo Phật. Bởi vì Đạo Phật là đạo Trí, cho nên khi mà chúng ta có trí tuệ, chúng ta biết được hành động đó làm sát sanh mà không tội lỗi. Tại vì người mà bị chúng ta giết, là cái người đó tội lỗi hẳn hòi hoàn toàn rồi. Cho nên chúng ta giết những người đó là phải.
Đó Thầy muốn nói như vậy để cho các con biết rằng Đạo Phật rất công bằng, và công bằng ở trong nhân quả, chớ không phải không công bằng trong nhân quả. Đó là điều kiện người nông dân chúng ta hiện giờ đang cầm cái bình phun thuốc rầy, đang cầm cái cày mà cày ruộng, đang cấy những cây hoa màu, đang trồng những cây hoa màu, thì chúng ta có sự tư duy chín chắn của nhân quả. Để rồi chúng ta an ổn mà sản xuất những hoa màu, vừa giúp cho mình sống, vừa giúp cho mọi người sống. Nếu không có nông dân, toàn là công nhân không thì đời sống chúng ta không có thực phẩm để mà sống. Cho nên chúng ta an ổn để mà sản xuất.
Lần lượt sẽ có những nhà có những cái lòng yêu sự sống, người ta sẽ kêu gọi các nhà khoa học hợp tác lại, để chỉnh đốn lại những việc làm sai của các nhà khoa học, để chỉnh đốn lại đem lại cái đời sống cho con cháu chúng ta sau này có đời sống an lạc hơn. Không thể để cho con cháu chúng ta sau này khổ sở hơn. Đây là mục đích của chúng ta. Con người của chúng ta, chúng ta là anh, là bác, là cô, là cậu, là ông, là bà, mà con cháu chúng ta từ đây về sau, biết bao nhiêu là con cháu chúng ta sẽ sanh ra. Do đó chúng ta phải lần lượt, phải tìm mọi cách để bảo vệ con cháu chúng ta trên cái hành tinh sống này. Không bao giờ để cho nó khổ đau như chúng ta hiện giờ đang khổ đau. Đó là cách thức của chúng ta hiện giờ.
Cho nên ở đây Thầy kêu gọi các Phật tử các con hãy thấy cái nhiệm vụ, và trọng trách của người hiện đang sống là chúng ta nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta, chứ không phải nghĩ cho chúng ta bây giờ đâu. Cho nên những việc làm chúng ta đều là việc làm bằng trí tuệ, bằng sự sáng suốt của chúng ta xác định cái gì đúng, cái gì sai, cái gì ác, cái gì thiện. Chứ không khéo chúng ta đứng ở trong cái giới chung chung, rồi chúng ta thấy, lúc nào chúng ta cũng ngại ngùng, chúng ta không biết làm sao. Như vậy Đạo Phật làm sao để mà sống đây? Toàn bộ nếu đi tu hết thế này thì người ta lấy cái gì người ta sống đây? Cho nên hoàn toàn chúng ta phải đặt từng câu hỏi.
Nếu cả thế gian này đều là đi xin ăn, thì có ai mà cho chúng ta ăn? Cho nên chúng ta phải đặt thành vấn đề trọng đại để rồi chúng ta sẽ quan sát kỹ như thế này. Nếu mà sự thật, bây giờ đặt thành vấn đề, cả hành tinh này mọi người đều đi theo Đạo Phật, mà người nào cũng trở thành một tu sĩ hết, nghĩa là đi xin ăn hết, không còn ai mà lo sản xuất không ai làm gì hết, thì chừng đó các con sẽ biết như thế nào? Nếu mà quả chăng tất cả những con người trên hành tinh này mà theo Đạo Phật, chỉ còn ba y một bát, thì các bậc A-la-hán người ta làm thực phẩm cho mấy con ăn. Mấy con khỏi lo. Bởi vì cái năng lực của bậc A-la-hán, người ta đủ sức mà người ta lấy những cái gen, những chất bổ trong không gian này người ta làm thực phẩm cho mấy con ăn, khỏi cần mấy con phải trồng. Các con hiểu điều đó. Cho nên nhiều khi các con có sự tư duy suy nghĩ nếu cả thế gian này đi tu hết, lấy cái gì sống? Lấy cái gì đi xin, ai cho. Không đâu các con, nếu thực sự có những bậc A-la-hán mà xuất hiện ra đời mà tất cả con người trên hành tinh này đều đi tu hết, thì chừng đó các con sẽ biết.
Có nhiều người hỏi thế này, đi tu hết làm sao có sanh sản ra con người nữa được ? Đó là cái đầu tiên để trả lời cho mấy con, người ta sẽ hóa sanh. Ở trên hành tinh này sẽ có loài người hóa sanh, là loài người rất toàn thiện. Các con hiểu điều đó, chớ không bao giờ vắng bóng con người đâu. Và đồng thời người ta sẽ sản xuất ra những thực phẩm mà bằng cách trực tiếp lấy thực phẩm trong không gian này để mà sống chớ không phải là lấy thực phẩm qua một cây cỏ hoặc là qua loài động vật để chúng ta có thực phẩm ăn như ngày hôm nay. Đó là tất cả những năng lực, những quyền lực của người tu sĩ của Đạo Phật . Người ta đủ các năng lực làm điều đó. Cho nên người ta ngồi nhập định 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm mà người ta không ăn uống người ta không chết thì đủ biết người ta đã hấp thụ những gì? Chớ đâu phải đơn giản như chúng ta nghĩ. Cho nên vì vậy chúng ta đừng đặt các câu hỏi luẩn quẩn.
Cho nên ở đây tất cả những con vật, từ những cái loài côn trùng, sâu bọ, rầy, đều là do nhân quả của nó nó thể hiện qua cái giai đoạn này. Tại vì con người ác quá, tạo thành các chất độc. Nó phải xuất hiện trong môi trường độc đó xuất hiện các loài độc để rồi nó phá hoại mùa màng. Từ đó cái độc, cái ác, tức là nó phải có những cái diệt của cái ác đó, nhưng mà chúng ta nhìn trên cái ác của chúng ta làm đúng, để chúng ta diệt đúng, chúng ta không sợ đâu. Cho nên những gì mà tội lỗi, Thầy chấp nhận tất cả những tội lỗi cho mấy con. Mấy con yên tâm mà lo sản xuất, trong khi các con đừng xách thuốc rầy mà đi đến diệt cái loài kiến ở đâu mà ngoài nhà của con thì tội lắm. Nó cũng là sự sống cũng như chúng ta, không nên giết nó.
Đó thì hôm nay về cái phần nông dân các con yên tâm, nhưng mà đừng có làm trái với lương tâm của chúng ta. Nghĩa là khi nào nó xâm chiếm mùa màng, xâm chiếm nhà cửa thì các con có quyền bảo vệ nhà cửa, bảo vệ mùa màng, bảo vệ đất nước quê hương của các con, không có được ai xâm chiếm đất nước này, để cho các thế hệ con cháu chúng ta sau này được an ổn. Đó là cái điều kiện của chúng ta hôm nay để hiểu biết bằng cái trí tuệ của người tu sĩ của Đạo Phật, hoàn toàn chúng ta sống trong trí tuệ. Không vì giới luật, kẹt trong một cái chấp giới nào hết, hoàn toàn chúng ta có lý luận rõ ràng cụ thể. Chúng ta không có tàn ác, chúng ta luôn luôn thực hiện được tâm Từ, nhưng người ta không Từ với mình thì mình phải dạy họ bằng những cái điều kiện để cho họ biết rằng họ đã thiếu Từ bi với họ. Đó là cách thức trí tuệ của người tu sĩ của Đạo Phật. Cho nên không dại gì như Lương Võ Đế để bị giặc giết. Chúng ta không có dại gì, vì vậy mà luôn luôn lúc nào chúng ta cũng có thể bảo vệ quê hương đất nước chúng ta, không bao giờ để giặc. Người tu theo Phật giáo là như vậy. Chúng ta không phải bảo vệ cho chúng ta hiện giờ mà bảo vệ cho con cháu chúng ta sau này nữa. Đó là người tu sĩ của Đạo Phật chúng ta, phải có một cái hướng rất rõ ràng và cụ thể.
Cho nên hôm nay chúng ta để lại cái đạo đức cho con cháu chúng ta ngày mai, cho con cháu chúng ta hạnh phúc. Do đó con cháu chúng ta nó sẽ biết cách thức nó sẽ sống như thế nào, nó để lại cho con cháu nó ngày tới nữa như thế nào. Tương lai tất cả những con người trên hành tinh này như thế nào thì chắc chắn các con sẽ thấy con đường của Đạo Phật là con đường rất đúng đắn.
(41:25)