Skip directly to content

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC NÓI VỀ CHỮ “KHÔNG’ TRONG GIÁO NGHĨA NGUYÊN THỦY

Cập nhật ngày : 30.07.2012    

Giọt Nắng Chơn Như vừa cho đăng bài: "Nghĩa chữ 'không' theo Đạo Phật Nguyên thủy" của HT.Thích Minh Châu. Chúng tôi xin được phép đăng tiếp bài: Trưởng Lão Thích Thông Lạc nói về chữ ‘Không’ trong giáo nghĩa Nguyên thủy” (Tựa đề bài do chúng tôi tự đặt)… Hy vọng độc giả sẽ hiểu biết thêm về chữ ‘Không’ trong kinh điển Nguyên thủy dưới hai góc nhìn từ hai vị Tôn túc đáng kính…

 

BBT-Giọt Nắng Chơn Như

 

Hỏi: Kính thưa Thầy, từ lâu con được nghe Thầy giảng dạy về Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Tứ Như Ý Túc, Tam Minh, v.v… mà chưa hề nghe Thầy dạy Bốn Định Vô Sắc.

-  Vậy Bốn Định Vô Sắc tu như thế nào?

- Tu nó có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không?

- Tu nó có hại gì cho cơ thể và tinh thần không?

- Tại sao trong kinh sách Phật không dạy rõ cách thức tu nó?

Đáp: Bốn loại định vô sắc trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy rất rõ, nếu muốn đạt được Tam Vô Lậu Học giải thoát thì phải *vượt qua bốn loại định tưởng nhập vào Vô Tướng Tâm Định. Từ nội Vô Tướng Tâm Định này phải tư duy quán xét thì được giải thoát khỏi lậu hoặc vì ở Định Phi Tưởng còn nỗi ưu phiền là sáu nhập duyên mạng, tức là duyên với thân mạng. Người ấy muốn giải thoát thì phải thường hằng tuệ tri hiểu biết về sáu nhập duyên mạng này, cho nên khi nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì sáu nhập duyên thân mạng mà không có lậu hoặc như:

1- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có dục lậu.

2- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có hữu lậu.

3- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có vô minh lậu.

* (Vượt qua có nghĩa là bỏ qua không cần phải nhập bốn định này, vì bốn loại định này đức Phật đã được ngài Kalama dạy nhập Vô Sở Hữu Xứ Tưởng Định và ngài Lam Phất dạy nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, những loại định không có quả giải thoát, nên đức Phật dẹp bỏ, chỉ cần nhập Vô Tướng Tâm Định là tìm thấy được sự giải thoát ngay liền. Cho nên nghĩa vượt qua ở đây là ném bỏ không cần thiết cho sự tu tập theo đường lối của Phật giáo).

Bởi vì lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tác động vào thân ta, tức mạng sống của ta, nhưng không sanh khởi ba lậu hoặc là nhờ tâm đang ở trong Định Vô Tướng Tâm, Vô Tướng Tâm Định có một trạng thái tỉnh thức cao độ do thế mới tuệ tri được dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu để đẩy lui chúng ra khỏi tâm.

Vô Tướng Tâm Định không giống định Không Vô Biên Xứ Tưởng Định, là vì còn cái không phải không, tức là còn lục nhập duyên mạng nhưng lục nhập duyên mạng lại không có lậu hoặc nhờ có tuệ tri, nên tất cả các pháp đến đều không tác động được tâm vì thế các pháp đều được xem là không có mặt ở đây, nên được gọi là không có, nhưng đối với cái còn lại là lục nhập duyên mạng thì cái kia có, cái này có, nhưng cái có này hoàn toàn không điên đảo, hoàn toàn thanh tịnh, cho nên cái có này mà tâm không dao động, vì thế gọi là “không tánh” chứ không phải theo kiểu Tánh không của ông Long Thọ.

Chỗ này là chỗ lầm lạc của các nhà Phật giáo phát triển, vì không có kinh nghiệm tu hành, các ngài tưởng giải Không Tánh là Chân Không hay còn gọi là Chân Không Diệu Hữu, vì còn tuệ tri nên các học giả gọi là trí tuệ Bát Nhã. Do hiểu như vậy nên các nhà học giả Phật giáo phát triển rất “quê” với kinh sách Phật. Lỗi ấy là do các Tổ không tu tập chứng đạt chân lý nên làm sao hiểu nghĩa kinh Phật nổi.

Do bài kinh Tiểu Không này trong kinh Nguyên Thủy, (Trung Bộ Kinh, tập 3 trang 291) các ngài soạn thành một bộ kinh Đại Bát Nhã và cho rằng đức Phật đã thuyết giảng kinh này 22 năm. Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh Tiểu Không trong kinh Nguyên Thủy để thấy sự tưởng giải của các Tổ biên soạn ra bộ kinh Đại Bát Nhã vĩ đại đã khiến cho các nhà học giả tốn biết bao nhiêu giấy mực để luận thuyết về “Tánh Không”.

Thiền Đông Độ lấy bộ kinh Kim Cang Bát Nhã làm cốt tủy của Thiền Tông và lập luận dung hòa để tránh khỏi sự tranh chấp giữa Thiền và Giáo, nhưng người sau không biết tưởng thiền là của Phật thuyết nên mới có sự kiện Thiền Giáo đồng hành ra đời.

 “Lại nữa, này A Nanda vị tỳ-kheo không tác ý Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, không tác ý Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tác ý sự nhất trí do duyên Vô Tướng Tâm Định. Tâm vị ấy được thích thú hân hoan an trú, hướng đến Vô Tướng Tâm Định. Vị ấy tuệ tri như sau: “Vô Tướng Tâm Định này thuộc hữu vi, do tâm từ tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi do tâm từ tạo nên, cái ấy là vô tướng, chịu sự đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy”. Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy tâm được giải thoát khỏi Dục lậu, tâm được giải thoát khỏi Hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi Vô minh lậu. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát. Vị ấy tuệ tri sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa. Vị ấy tuệ tri các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây. Và chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này. Vị ấy tuệ tri. “Loại tưởng này không có dục lậu vị ấy tuệ tri. Loại tưởng này không có hữu lậu. Vị ấy tuệ tri. Loại tưởng này không có vô minh lậu. Loại tưởng này đã ly hết dục tưởng. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: Cái kia có cái này có. “Này A Nanda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.

Qua bài kinh Tiểu Không trên đây quý vị nhận xét kỹ sẽ hiểu không khác chúng tôi, chúng tôi cũng đã xác định ở trên các học giả Phật giáo phát triển dùng bài kinh Tiểu Không này lý luận thành lập hệ thống Bát Nhã, nhưng các Tổ đã đi quá xa thực tế nên biến thành trí tuệ Bát Nhã trừu tượng “Chân Không”.

Một cái sai lầm nữa, nếu chúng ta nhận xét không kỹ trong bài kinh Tiểu Không này thì hành giả phải nhập Bốn Định Vô Sắc:

1- Không Vô Biên Xứ Định

2- Thức Vô Biên Xứ Định

3- Vô Sở Hữu Xứ Định

4- Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định

Và cuối cùng cũng phải bỏ các loại định này để trở lại nhập vào “Vô Tướng Tâm Định”. Ở bài kinh trên đức Phật xác định: “Không cần phải tác ý nhập Bốn Định Vô Sắc, mà chỉ cần tác ý nhập “Vô Tướng Tâm Định”. Ở trạng thái định này hành giả dùng tuệ tri quán xét dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu để tự kiểm lại tâm mình khi lục trần tác động vào thân mà không thấy có lậu hoặc, như vậy chỗ lục trần tác động mà không có các lậu hoặc khởi lên, tức là không có ưu bi sầu khổ tham muốn, chỗ này tức là lục trần duyên mạng, lục trần duyên mạng là cái còn lại của ý thức vô dục chứ không phải của tưởng thức dục, nhưng hoàn toàn thanh tịnh vì dục nên không có lậu hoặc, do đó đức Phật gọi là không tánh của thức, tức là “Vô Tướng Tâm Định”.

Đức Phật dạy: “Nhưng đối với cái còn lại, ở vị ấy biết: “Cái kia có cái này có”. Này A Nanda, cái này đối với vị ấy (Không Tánh) thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh (lục trần duyên mạng không có lậu hoặc gọi là không tánh).”

 Như trên chúng tôi đã dạy, nhà học giả các hệ phái Phật giáo đã lầm, lấy lục trần duyên mạng (Không Tánh) cho là Chân Không diệu hữu, Tánh Không, Chân Không, Chân Như, Trí Tuệ Bát Nhã v.v...

Bây giờ chúng ta bắt đầu trở lại con đường tu tập như thế nào để đi đến Chân Không diệu hữu?

Như trong kinh Tiểu Không Phật dạy: “Muốn đi vào không tánh này, trước tiên là sẽ tập quan sát cái không của nó”. Ví dụ như ngôi nhà chúng ta đang ở đây.

   1- Không có giường, chõng, bàn, ghế, tủ, rương, đồ đạc v.v...

   2- Không có người ở,

   3- Không có đèn đuốc,

   4-  Không có màn, thảm.

Toàn bộ đều trống không, đây chỉ cho không tánh của cái nhà.

“Thật vậy này Ananda, điều ông đã nghe là đúng, ghi nhớ là đúng, tác ý là đúng, thọ trì là đúng v.v...

Ví như lầu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội và chỉ có một cái nhà không, phải không?”.

 Đoạn kinh trên đã xác định không tánh của lầu đài Lộc Mẫu.

 Ở đoạn kinh này xác định cách thức tu hành của chúng ta cụ thể rõ ràng về không tánh, chứ không phải như kinh sách phát triển dạy chúng ta kiến tánh thành Phật (đốn ngộ ngang xương) vì thế mà hiện giờ bao nhiêu người đã kiến tánh, rõ thông tánh, thấu triệt tánh, ngộ được tánh, vậy mà chẳng có ai thành Phật được cả. Từ xưa các Tổ cho đến bây giờ ai tu học về Đại Thừa và Thiền Đông Độ một thời gian, mọi người ai cũng đều kiến tánh được cả, nhưng đời sống và đức hạnh thì không giống Phật chút nào, sống với tâm sắc dục, thấy nữ sắc còn ham mê, thấy danh lợi còn chìm đắm, ăn ngủ phi thời theo thế gian, ai động đến thì tâm sân nổi lên ầm ầm.

  Kiến tánh thành Phật rồi sao còn như vậy, hễ ai hỏi đạo, hỏi thiền thì đối đáp như nước chảy, như mưa tuôn mà sống thì phi đạo đức, phá giới luật. Đó là những điều tu sai mà đi đến lạc lầm không hay biết, người trước dẫn người sau đi mãi, đi mãi mà chẳng đến đâu chỉ có tưởng giải, lý luận quanh co, lừa đảo bằng miệng lưỡi. Người đời không minh mẫn, tu không kết quả mà cứ đeo theo mãi, tưởng trạng thái tĩnh lặng và hỷ lạc là định sao? Định như vậy làm chủ được cái gì? Thấy được Phật Tánh như vậy, rồi ngẫm lại mình làm chủ được cái gì cho cuộc sống này.

Trong sáu năm tu hành, đức Phật đã thay đổi biết bao nhiêu loại pháp môn. Ngài đã nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định mà còn nghiệm xét thấy không giải thoát đối với cuộc sống đầy khổ đau của kiếp người.

Cho nên, từ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Người đã bỏ định này để nhập vào Vô Tướng Tâm Định, từ Vô Tướng Tâm Định, Người dùng tuệ tri quán xét lậu hoặc thấy lục nhập duyên mạng mà không khởi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, Người biết rằng tâm đã hết lậu hoặc thanh tịnh. Ở trạng thái này Ngài đặt tên là “Không Tánh” tức là tánh không còn lậu hoặc.

Mặc dù làm chủ được cái tâm (tâm vô lậu) không còn tái sanh luân hồi, vì nguyên nhân tái sanh là do tâm tạo nghiệp (nghiệp luân hồi chứ không phải tâm luân hồi, khi người chết nghiệp còn tâm mất). Chỗ này Ngài thực hiện làm chủ được cái tâm, không nói đến làm chủ cái thân, nhưng chúng ta phải biết, tâm đạt đến chỗ này thì nhập định rất dễ dàng chỉ còn tác ý ra lệnh là tiến tới làm chủ thân, tức là phải nhập Tứ Thiền và Tam Minh.

Kết quả trong bài kinh Tiểu Không Phật dạy: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Đoạn kinh này ý nói làm chủ nghiệp, chấm dứt tái sanh luân hồi (không còn trở lui trạng thái này nữa) tu đến đây cũng vừa đủ cho người tìm đạo giải thoát, không cần phải tu tập tới nữa, nếu có tu tập tới nữa là thừa, mà thừa thì chẳng ích lợi gì, phí thì giờ vô ích.

Chỗ này, cần giải thích thêm để quý vị hiểu rõ. Con đường tu hành của đạo Phật có bốn giai đoạn làm chủ:

    1- Làm chủ cuộc sống (sanh)

    2- Làm chủ già (lão)

    3- Làm chủ thọ (bệnh)

    4- Làm chủ sự hoại diệt (chết)

Giai đoạn làm chủ sanh có nghĩa là làm chủ cuộc sống, luôn tạo nhân lành nên dù sanh bất cứ nơi đâu cũng đều hưởng phước báo an lạc cho đến khi tu tập chấm dứt sanh tử luân hồi.

Bài kinh “Tiểu Không” chỉ cho ở giai đoạn một (vô lậu) tâm không còn tham, sân, si (các ác pháp), và lòng tham muốn dục lạc thế gian nữa, nói chung trong bài kinh dạy tu tập rất rõ từ Không Vô Biên Xứ đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, không thấy giải thoát, tức là tâm không vô lậu, phải trở lại nhập Vô Tướng Tâm Định mới thấy lậu hoặc sạch, mới làm chủ cuộc sống và nghiệp tái sanh luân hồi.

Vô Tướng Tâm Định là loại định gì?

Vô Tướng Tâm Định là một tên khác của Bất Động Tâm Định. Như trong kinh Tiểu Không đã dạy: “Khi nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu không còn, chỉ còn lục nhập duyên mạng mà thôi”. Vậy lục nhập duyên mạng là gì?

Lục nhập là lục căn và lục trần, mạng là thân mạng. Câu này có nghĩa là căn, trần tiếp xúc tác động vào thân mạng mà không sanh ra ba lậu hoặc, ở trạng thái này gọi là Vô Tướng Tâm Định.

Ba lậu hoặc là gì? Ba lậu hoặc là tham, sân, si. Dục lậu ứng cho tâm tham, hữu lậu ứng cho tâm sân và vô minh lậu ứng cho tâm si. Như vậy nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì tham, sân, si không có, cũng như nhập vào Bất Động Tâm Định thì tâm tham, sân, si cũng không có, tức là ba lậu hoặc không còn. Như vậy Bất Động Tâm Định và Vô Tướng Tâm Định chỉ là một loại định mà hai tên khác nhau.

Bất Động Tâm Định là một tên khác của Sơ Thiền, nhưng Sơ Thiền tâm còn bị trụ vào năm chi thiền:

1- Tầm,

2- Tứ.

3- Hỷ.

4- Lạc.

5- Nhất tâm.

Đó là năm trạng thái của Sơ Thiền Thiên. Như chúng ta đã biết Sơ Thiền phải ly dục ly ác pháp, mà đã ly dục ly ác pháp thì tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si tức là ba lậu hoặc cũng không có, như vậy nhập Vô Tướng Tâm Định, Bất Động Tâm Định là nhập Sơ Thiền. Nhưng Vô Tướng Tâm Định, Bất Động Tâm Định thì không có năm chi thiền.

Cho nên trong bài kinh Tiểu Không, đức Phật đã xác định rõ ràng, dù nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ vẫn phải bỏ, vì không hết lậu hoặc nên phải nhập lại “Sơ Thiền”, bằng một cái tên khác, nhưng xét cho cùng tận, chúng ta cũng nhận ra nó là Sơ Thiền, một loại thiền trong Tứ Thánh Định. Sơ Thiền thuộc về tâm định, chứ không phải thân định.

Chỉ có Sơ Thiền tâm vô lậu mới làm chủ cuộc sống (sanh) nhưng chưa hoàn tất con đường tu nên phải tiếp tục đạt đến tuệ Tam Minh để quét sạch mầm mống lậu hoặc tái sanh luận hồi. Người tu sĩ không thực hiện được Tam Minh thì không thể nào chấm dứt luân hồi.

Từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền, các loại định này làm chủ già, bệnh, và chết và duy nhất chỉ có pháp môn “Tứ Thánh Định” này mới làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người.

Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề “Không tánh”. Như chúng ta ai cũng biết, mọi vật, từ con người đến muôn loài vật không một ai mà không gây ưu phiền cho nhau, như vậy không thể nào có không tánh được. Chúng ta lần lượt loại trừ ra người và vật thì ta còn lại cỏ, cây, đất, đá, núi, sông v.v... Như vậy ta không tác ý người và vật thì tâm ta không tánh người vật (không khởi niệm người vật) chỉ còn cỏ, cây, đất, đá, núi, rừng như vậy không này chưa phải là không.

Nhưng ta thấy rằng tâm ta không người vật thật có không điên đảo, sự thực hiện như vậy tâm ta thanh tịnh người vật không có, nên không gây ưu phiền cho ta đó là thanh tịnh không tánh người vật.

Trong bài kinh Phật dạy: “Này Ananda, tỳ-kheo không tác ý những tưởng, chỉ tác ý nhất trí do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, tưởng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau “Các ưu phiền do duyên thôn tưởng, nhân tưởng, không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này do duyên lâm tưởng v.v…”. Như vậy, này A nanda, cái này đối với vị ấy là như vậy thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tánh”.

Để xác định cái không đầu tiên và để chúng ta nhận xét, cái nhà trống không và so sánh với cái tâm không niệm tức là “Không Vô Biên Xứ” .

Khi ở trong tạng thái Không Vô Biên Xứ ta tuệ tri các ưu phiền do duyên niệm thiện niệm ác không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này (là không tiến tới đâu được nữa) tức là Không Vô Biên Xứ Tưởng. Nhưng Không Vô Biên Xứ Tưởng có, tức là niệm thiện ác vẫn còn có mặc dù cái Không Vô Biên Xứ này thật sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh đối với niệm thiện niệm ác trong lúc nhập Không Vô Biên Xứ, còn khi xuất ra khỏi Không Vô Biên Xứ thì niệm thiện niệm ác vẫn còn nguyên vẹn như trên chúng tôi đã nói. Vì thế nhập Không Vô Biên Xứ không bao giờ có giải thoát.

Chỗ này kinh sách phát triển lầm tưởng khi nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng, các ngài cho là Phật Tánh nơi đây, nên các kinh này dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” hoặc “Bồ Tát độ hết chúng sanh thì thành Phật” hoặc “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã vị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, chỗ này Thiền Đông Độ dạy: “chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Tu đến đây, tức là nhập Bốn Định Vô Sắc không thấy có sự giải thoát cho nên đức Phật dạy: “Phải nhập Vô Tướng Tâm Định”, khi đức Phật nhập Vô Tướng Tâm Định thì Ngài mới thấu rõ và xác định Bốn Định Vô Sắc: “Cái kia có, cái này có, cái kia không cái này không”, do như vậy Bốn Định Vô Sắc không giải thoát, còn ngược lại Vô Tướng Tâm Định thì khác: “Cái này có nhưng lại cái kia không, tức là có lục nhập duyên mạng mà không có ba lậu hoặc”, do chỗ này các nhà học giả Bát Nhã dựa vào bài kinh Tiểu Không này lý luận: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc, có tức là không, không tức là có”, từ đó trí tuệ Bát Nhã thành hình để đập phá các luận giải của các bộ phái.

Dựa vào chỗ “Không Tánh” này các thầy Phật giáo phát triển thành lập trí tuệ Bát Nhã, lấy trí tuệ Bát Nhã tưởng này lý luận đập phá hết cả giáo lý Phật giáo (Trung Quán Luận) do Ngài Long Thọ tưởng luận ra.

Sau này các vị thiền sư Đông Độ không chấp nhận “Chẳng niệm thiện niệm ác” là cứu cánh trong Pháp Bảo Đàn Kinh, tức lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng dạy, nên bảo: “Vô tâm còn cách lớp rào”. Do đó các ngài (Tổ Sư Thiền) tiến tới vượt qua Không Vô Biên Xứ, nhập vào Thức Vô Biên Xứ, nơi đây các ngài chấp nhập được xem là “Phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu”. Nên Bà Bàng Long Uẩn nói: “Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư” hay “Sáng sáng, đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư”. Thiền Đông Độ tu đến đây được xem như viên mãn.

Đối với đạo Phật, sự tu tập của một số hệ phái mới nhập được hai loại Định Vô Sắc mà vội cho là chứng đạo. Cho nên tâm dục chưa hết, danh, lợi chưa trừ, bản ngã chưa diệt, vì thế các ngài tự tôn mình là thế này thế nọ mà thôi.

Lời nói này chúng tôi khuyên các bạn đừng tin nơi chúng tôi mà cứ suy ngẫm sự tu hành của các bạn đã tu Thiền Đông Độ từ 5 năm, 10 năm, đến 20 năm mà bây giờ các bạn tu đã đến đâu? Thì các bạn tự biết, các bạn có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không? Chắc điều này các bạn rõ hơn ai hết.

Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật đã xác định rõ ràng: Từ Không Vô Biên Xứ đến Thức Vô Biên Xứ. Cách thức tu tập do tâm thích thú, hân hoan an trú hướng đến tâm không (không niệm thiện ác) do sự thích thú hân hoan ấy nên nhất trí tác ý “không”, Tổ Huệ Khai khi chứng thiền bằng “tâm không” “không, không, không, không” bài kệ chứng đạo ngài còn lưu lại:

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

Theo như lời hỏi của cô Diệu Quang thì nên tu Bốn Định Vô Sắc như thế nào?

Như trong bài kinh Tiểu Không Phật đã dạy và chúng ta nhận xét cái không, khi đã thông hiểu cái không thì cái không ở tâm tức là không niệm thiện niệm ác, tâm không có niệm thiện ác, tức là ý thức thanh tịnh, ý thức thanh tịnh không liên hệ ngũ căn là Không Vô Biên Xứ Định, lời dạy này đức Phật đã xác định một cách rõ ràng trong Kinh Tương Ưng.

Cách thức tu nó chỉ giữ tâm chẳng niệm thiện niệm ác như các thiền sư đã dạy: “Giữ ông chủ, chăn trâu, biết vọng liền buông”, sau này các thiền sư lại chế ra pháp tu “tham thoại đầu, tham công án” và cuối cùng thì niệm danh hiệu Phật Di Đà tức là “Niệm Phật là ai?”. Đây là những pháp môn tu ức chế tâm tối đa mà các Tổ đã tu sai lọt vào tưởng giải mới sản sanh ra những pháp môn như vậy, khiến cho người đời sau tu hành chẳng đi đến đâu mà trở thành phế nhân, bệnh thần kinh, uổng phí một đời người. Nếu không thức tỉnh nhận ra kịp thời ngăn chặn những tà pháp này thì hậu quả không lường cho đời sau, những người có nhiệt tâm tìm tu giải thoát.

Loại thiền định này tu chẳng làm chủ được cái gì cả cho kiếp sống con người, chỉ có được trạng thái an ổn (xúc tưởng hỷ lạc) và triển khai được tưởng tuệ, triệt ngộ mà thôi.

Muốn tu tập 4 loại Định Vô Sắc này như trong kinh Tiểu Không Phật đã dạy: “Tỳ-kheo nên tác ý Không Vô Biên Xứ và tâm thích thú hân hoan với trạng thái “Không” này thì sẽ đạt Không Vô Biên Xứ, không mấy khó khăn”.

Muốn nhập Thức Vô Biên Xứ thì không ưa thích, hân hoan trạng thái không và không tác ý Không Vô Biên Xứ, chỉ nên tác ý Thức Vô Biên Xứ, tu tập như vậy một thời gian sau Thức Vô Biên Xứ hiện tiền, hay ở trong trạng thái Không Vô Biên Xứ mà tâm đừng chạy theo, tức là đừng bám trụ hỷ lạc của Không Vô Biên Xứ Tưởng mà phải giữ “Thức” đừng cho mất và tác ý Thức Vô Biên Xứ, rồi sanh tâm ưa thích, hân hoan với nó, tu tập như vậy một thời gian sau thì Thức Vô Biên Xứ sẽ hiện tiền không còn ở trong trạng thái Không Vô Biên Xứ nữa.

“Này Ananda, tỳ-kheo không tác ý Địa Tưởng, không tác ý Không Vô Biên Xứ Tưởng, chỉ tác ý Thức Vô Biên Xứ với sự nhất trí. Tâm vị ấy thích thú hân hoan, an trú hướng đến Thức Vô Biên. Vị ấy tuệ tri như sau: Các ưu phiền do duyên địa tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Không Vô Biên Xứ Tưởng không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Thức Vô Biên Xứ. Vị ấy tưởng tri “loại tưởng này không có địa tưởng, loại tưởng này không có Không Vô Biên Xứ Tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Thức Vô Biên Xứ Tưởng”.

Và cái gì không có mặt ở đây vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri. “Cái kia có cái này có”. Này A nanda cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tánh”.

Trong đoạn kinh này đức Phật đã xác định, dù là nhập được Không Vô Biên Xứ Tưởng nhưng vẫn còn ưu phiền cho đến Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng vẫn còn ưu phiền. “Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng”.

Đến khi nhập Vô Tướng Tâm Định thì mới chấm dứt ưu phiền, mới làm chủ được cuộc sống và chấm dứt luân hồi, còn bốn loại Định Vô Sắc kia còn ưu phiền nên chưa được giải thoát, vì thế đức Phật nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng, Ngài nhận thấy tâm còn ưu phiền không giải thoát nên liền rời bỏ vị thầy dạy mình tu tập định này.

“Lại nữa, này A nanda, vị tỳ-kheo không tác ý Vô Sở Hữu Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên Vô Tướng Tâm Định. Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú hướng đến Vô Tướng Tâm. Vị ấy tuệ tri như sau; Vô Tướng Tâm Định này hữu vi do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi do tâm tự tạo nên, cái ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt. Vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát sanh đã tận v.v...”

Đến đây chúng ta mới thấy rõ những người tu định tưởng không bao giờ có giải thoát (bốn định vô sắc thuộc vô vi) nên phải trở về định hữu vi vô tướng tâm, Định Hữu Vi, Vô Tướng Tâm thuộc về Định Hữu Sắc, do tu tập định Hữu Vi nên mới có được giải thoát hoàn toàn, còn Định Tưởng Vô Sắc nên tu tập không giải thoát. 

Tóm lại, bốn loại định tưởng tu chẳng có lợi ích gì, còn mất công tu tập và mất thì giờ vô ích, chẳng có làm chủ được gì cả, chỉ có vọng ngữ là hơn hết.

Tu định này, nếu không biết cách ức chế tâm cho hết vọng tưởng, mà cứ cố tập trung thì căng thần kinh não hoặc căng mặt rồi sanh ra bệnh tật (rối loạn cơ thể) có khi điên khùng mà người ta gọi là “tẩu hỏa nhập ma”, hoặc rơi vào pháp tưởng, chuyên lý luận. Những kẻ tu thiền này rơi vào những trạng thái tưởng thì rất khó xả bỏ. Những ai đã tu sai lọt vào những loại thiền bệnh này thì hết phương cứu trị.

Đọc đến đây các bạn cứ suy ngẫm kỹ con đường các bạn đang tu tập thì sẽ rõ, đừng tin và nghe lời chúng tôi nói trên đây, mà hãy nghiệm xét theo lời Phật dạy và lời chúng tôi nói, đúng hay sai rồi mới tin, còn không thời gian sẽ trả lời các bạn điều này.

ĐVXP-T5.