Ghi Chép: Nghề Nghiệp Sống Chân Chánh
TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
NGHỀ NGHIỆP SỐNG CHÂN CHÁNH[1]
Thiện Trí ghi chép
Hỏi: Phần mùa màng thì lúa má chuột bọ, sâu keo thì thường xảy ra, cho nên các con mà giữ đúng giới luật thì cũng thất thu, còn các con mà giết hại chúng thì các con lại mang nghiệp nhân quả. Cho nên, mấy năm nay con cứ để vậy, cho chúng ăn hết mấy thì ăn thôi, chứ con cũng không dám giết, không dám làm gì nữa cả. Con xin Thầy dạy cho con để con thấu hiểu để con về trao đổi lại với các phật tử về hai vấn đề:
- Một là về nghề nông.
- Hai là các cặp vợ chồng, như người vợ đi thọ bát quan trai, nhưng chồng ở nhà còn phải đi biển, đánh cá, ở xứ nào thì phải theo nghề nghiệp của xứ đó.
Dạ, con xin Thầy dạy bảo!
Đáp: Bây giờ Thầy nói về nghề nghiệp, có 6 nghề mà đức Phật đã cấm người Phật tử không nên làm: Nghề chài lưới; nghề săn bắn; nghề buôn bán thịt sống, thịt chín; nghề buôn bán nô lệ; nghề sản xuất và buôn bán rượu. Tất cả những nghề đó là không được hành nghề, tức là không được buôn bán, làm những nghề đó. Vậy thì tìm mọi cách thay đổi cái nghề.
Ở chợ Tân Bình có một người bán cá, đến Thầy bảo, thôi bây giờ đi bán trái cây đi có làm sao đâu, thì người này thay đổi đi bán trái cây. Bây giờ đi bán trái cây còn khá hơn trước, mà không tanh như hồi trước. Đó, các con thấy, cần phải thay đổi nghề.
Nhưng mình ở vùng biển, cha mẹ ở biển rồi làm sao mà đi chổ nào được, ruộng không có, biển không có ruộng đâu mà làm. Mấy con thấy, đó là một cái khổ, nhưng mình có tâm tha thiết theo đạo Phật thì từ vị trí đó mình sẽ di chuyển ở trên đất nước Việt Nam có nhiều chổ rất là đầy đủ phước báu. Ở chổ biển mà đi chài lưới thì con thấy rất là nguy hiểm, chồng đi chài lưới, vợ ở nhà lo lắng khi nào trở về mới bình an, chứ không khéo nó chìm dưới đáy biển. Biết bao nhiêu người đi biển chìm dưới chứ đâu phải một người! Con hiểu không? Cho nên, cái nỗi khổ, nỗi băn khoăn, nỗi lo lắng khi chồng con đi ra biển làm cái nghề sống đó, chồng trở về rồi mới mừng chứ không khéo nghe nó bảo tố đâu trên biển là thấy lo lắng rồi. Sống không có an, ăn không ngon, ngủ không yên, cả gia đình, chứ không phải riêng có một người ở trong gia đình vậy, người nào cũng lo lắng. Chừng nào mà về thấy mặt còn sống được mới mừng, đó là cái nỗi khổ của nghề nghiệp. Cho nên, các con tìm cái chổ di cư tránh khỏi vùng biển, đừng có làm cái nghề biển, nghề biển là nghề khổ lắm mấy con. Khi đi ra rồi bán cá, bán rồi nhậu nhẹt say sưa sạch vốn hết không làm giàu được. Con thấy nghề biển, có người nào giàu? Khổ lắm mấy con! Thay đổi cái nghề đi, đó là lời khuyên thứ nhất của Thầy.
Theo đúng như đạo Phật thì không nên cho chài lưới, không cho nghề săn bắn thú vật ở trong rừng, đó là những cái nghề mà không nên làm. Cái nghề nông thì làm, nhưng các con phải ước nguyện như thế này: “Con sẽ làm, và đồng thời những thóc lúa mà con làm thu hoạch được, con sẽ chia cho những loài xung quanh con, chuột bọ gì ăn phải chừa cho tui một mớ”. Nó sẽ ăn và sẽ chừa lại con đó con, chứ không phải nó ăn hết của con đâu. Con sẵn sàng lấy công của mình để bố thí cho những loài vật đó. Nhưng các con biết những loài vật đó không ai xa lạ, là những người thân của mình trong tiền kiếp. Nó có cái duyên để mà bám theo mình. Mình thấy nó là chuột bọ, nó phá hoại mùa màng mình, mình bắt giết, tức mình giết dòng họ, người thân của mình trong tiền kiếp hết đó mấy con.
Cho nên, mình sẵn sàng giúp đỡ. Con sẽ làm và con sẽ giúp đỡ tất cả những loài động vật xung quanh đây đi tìm hạt lúa để sống quá khổ sở, con là con người, con biết cày cấy con làm nó còn cực khổ. Còn chạy đi tìm kiếm như hồi nãy Thầy nói, một con vật mà đi tìm kiếm được miếng mồi sống là mừng hết sức, cho nên con thấy loài kiến nó tìm được thì nó chạy về, nó kêu bầy của nó lại, xúm khiêng nhau ba cái miếng cơm, miếng đồ ăn của mình đổ, nó xúm nhau khiêng về ổ rồi xúm nhau nó ăn. Nó ăn để nó sống đỡ vậy chứ ít bữa mình lại cái ổ, nó nằm láng lên nó chết, nó chết đói. Nó chết đói rồi sao mấy con biết không? Những con kiến chết đó thì bị những con kiến khác ăn, chứ giờ nó đâu có gì để ăn, nó phải ăn mấy thịt con kiến đó chứ nó đâu có chôn như mình đâu, để nó sống mấy con, nó sống tiếp tục. Nhưng rồi nó cũng phải chết thôi, nó khổ lắm. Mà nó ăn rồi, nó lại sanh trứng ra. Lớp cha mẹ nó chết rồi, lớp con nó lại sanh ra nữa, chạy lăng xăng nó đi tìm không có, nó về nó thịt mấy người già cả của nó nó ăn. Mấy con không quan sát cái loài kiến, loài côn trùng nó đang lăng xăng như vậy đó. Nó khổ ghê gớm lắm mấy con! Con người của mình không có khổ như vậy đâu, mình biết làm cho ra miếng ăn; còn những con bò, con trâu nó sanh được những loài đó, cỏ rác nó lên tự nhiên trên đất; còn loài kiến, nó chờ cho bông cỏ mà rớt xuống, nó chạy ra nó lượm lên, nó khiêng nhau về nó ăn. Thật ra, chờ mà rớt được thì nó cũng chết đói cả đám nhau hết rồi, nó đâu có biết làm như mình đâu.
Cho nên vì vậy đó, nguyện tôi sẽ làm nghề nông, tôi vừa nuôi gia đình tôi và tôi sẽ nuôi những loài vật xung quanh tôi mà xin các loài vật đến đây, nếu mà có ăn những lúa, quả của tôi thì nên chừa cho gia đình tôi. Con cứ nguyện vậy đi, tôi sẵn sàng tôi bố thí cái này. Mà năm nào con sẵn sàng vậy, năm nào thu hoạch của con đều bội thu hết. Cái lòng tốt của con, nó sẽ tốt hơn lúa người ta, nó lại oặn lại, nó lại sai trữu bông; con trồng bắp là trái bắp lớn, hột nhiều, mà lúa thì bông nó oặt ra, bởi vì cái lòng tốt của con, cái nhân quả đó. Còn bây giờ mình đi bắt chuột, bắt này kia, không ngờ bông lúa mình cụt ngủn à. Con hiểu không? Cho nên, sẵn sàng bố thí, người bố thí là người sẽ giàu có, còn người mà ích kỷ bỏn xẻn thì mình sẽ thất bại rất nhiều. Cho nên, sẵn sàng làm, thà là mình nhịn đói mà miễn con vật no mình cũng vui rồi con. Thầy nói làm nghề nông, chúng ta sẵn sàng làm nghề bố thí, giữ gìn cái đức bố thí.
Thật sự ra người Việt Nam mình phần nhiều là làm nông nghiệp, buôn bán không bao nhiêu mấy con. Chúng ta sẵn sàng bố thí, sẵn sàng giúp đỡ cho con vật từng cái hạt lúa rơi, ước ao cho mọi vật đến đây mà tìm những hạt lúa này. Tôi làm ra để cho mọi vật đều sống chứ không riêng cho gia đình tôi. Thì con ước nguyện ở trong đầu của con như vậy thôi, cho nên con không bao giờ có thể nói rằng thấy chuột đi đó mà đem sập bắt nó, có ăn thì chừa lại, ăn phân nữa à nghe. Con nói vậy chớ nó giao cảm được, nó sẽ chừa lại cho, nó không ăn hết đâu, và đồng thời nó không ăn nữa. Khi mà từ trường thiện của mình, cái lòng tốt bố thí của mình, cái đám ruộng của người ta nó ăn sạt mà lúa con nó không có sạt đâu. Con cứ sống đi rồi con sẽ biết cái hành động thiện của con. Thầy khuyên các con làm rồi các con sẽ thấy thực hiện Phật pháp mà, nhân quả nó chuyển, thiện nó chuyển ác mà. Mình sẵn sàng mình hi sinh, mình ăn cháo mà tất cả chúng sinh đều được no là mình mừng rồi. Đó là tâm nguyện tốt của mình, mà thật sự mình tốt thật, chứ không phải mình giả dối thì con sẽ thấy con không bao giờ con đói.
Thầy nói, cái người bố thí là không bao giờ đói, và may mắn trong gia đình con có người hướng dẫn con đi đến chổ khác làm ăn rất là giàu có, họ sẽ giúp đỡ cho gia đình con. Con cứ làm mà con bố thí, chuột bọ, sâu rầy gì con bố thí cho ăn hết, không giết con nào hết thì mai mốt có người đưa con đi làm công việc khác. Tự nó đưa mình tới cái chổ bình an hơn, đầy đủ hơn mà không cực khổ như nhà nông. Mà mình sẵn sàng mình bố thí như vậy đó thì cái duyên bố thí sẽ đưa các con đến cái chổ ở nhà cao sang sạch sẽ, có công ăn việc làm hằng ngày, có tiền bạc lương hưởng đầy đủ, không thiếu.
- Thưa thầy cho con hỏi một tý nữa, như chúng con đang cày bừa, cuốc nhằm chúng sinh, ví dụ là trùn dế, kiến, … thì Thầy cho con một câu gì để cứu họ, để mình khỏi chịu luật nhân quả?
Thầy bảo mấy con, khi các con đến đám ruộng để cày cuốc, trước khi cuốc cày mấy con nói: “Tất cả chúng sanh dưới đám ruộng này tránh, hôm nay tôi làm vụ mùa để vừa bố thí cho tất cả chúng sanh mà vừa nuôi thân tôi nữa. Tất cả mọi loài trùn, dế, kiến, … trên đám ruộng này nên tránh đi để lỡ mà tôi vô tình làm chết thì tôi xin tránh xa để tôi không có làm tội sát sanh tôi tạo nghiệp tôi”. Con cứ nói vậy đi, tác ý vậy đi, rồi con bắt đầu cày bừa. Con vật nào mà lỡ chết đó là cái nghiệp của nó. Còn tâm nguyện của con đã là tâm nguyện rất tốt con mới nói ra lời nói đó. Thì tất cả những chúng sanh nó sẽ rút đi hết. Thí dụ như ngày mai con cày đám ruộng này. Chiều nay con ra con tác ý, kêu gọi: “Tất cả chúng sanh ở đám ruộng này, ngày mai tôi sẽ cày. Đêm nay các loài chúng sanh hãy rời khỏi đám ruộng này, để ngày mai tôi sẽ làm để cho có vụ mùa để vừa nuôi thân và vừa nuôi tất cả các loài vật xung quanh ở đây”. Mình nói vậy rồi thì đêm đó những loài vật mà nó có phước nó không có chết ở trong nghiệp của nó thì nó không ở lại, nó đi hết; còn những con vật mà nghiệp đã đến rồi, nó sẽ ở lại, nó bị lằn cày, lằn cuốc của mình nó sẽ chết để nó trả cái nghiệp của nó chứ không có gì đâu.
[1] Trích đoạn Thầy tiếp phật tử Quảng Bình và Cần Thơ ngày 31/ 05/ 2008.