CHỨNG ĐẠO CỦA PHẬT GIÁO
Bức Tâm Thư Của Thầy
Ngày 18-5-2009
Kính gửi các con! Một lần nữa Thầy nói về CHỨNG ĐẠO. Các con đừng cho rằng tu hành theo Phật giáo là không chứng đạo. Chứng đạo là một sự thật của Phật giáo. Phật giáo là một tôn giáo vì loài người, cho nên tu hành phải có CHỨNG ĐẠO. Phật giáo là một tôn giáo luôn luôn biết dùng tự lực của mình vượt lên mọi đau khổ của cuộc đời, vì vượt lên mọi khổ đau của cuộc đời nên CHỨNG ĐẠO. Một tôn giáo nhờ vào tha lực của Thần, Thánh, Tiên, Phật, Trời, Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn, giải trừ bệnh tật, tai ách khổ đau của mình là một tôn giáo mê tín.
Mục đích của đạo Phật là làm chủ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, cho nên người nào làm chủ được SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT là người CHỨNG ĐẠO. Vì thế đạo Phật là đạo TỰ LỰC chứ không phải đạo THA LỰC. Ai tu theo Phật giáo mà cầu cúng, lạy lễ van xin TAM BẢO gia hộ là theo ngoại đạo Bà La Môn.
Đạo Phật còn gọi là đạo GIẢI THOÁT, vì thế ai sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh là CHỨNG ĐẠO. Bởi không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh đó là GIẢI THOÁT; mà giải thoát là CHỨNG ĐẠO. Sự chứng đạo của Phật giáo không có khó khăn, không có mệt nhọc; chỉ cần chịu khó học tập đạo đức nhân bản - nhân quả, sống với PHÁP TRÍ ĐẠO ĐỨC và TÙY TRÍ ĐẠO ĐỨC là có sự giải thoát ngay trước mặt; có sự GIẢI THOÁT ngay trước mặt là CHỨNG ĐẠO.
Muốn làm sáng tỏ sự CHỨNG ĐẠO các con đừng giải thích theo chữ Hán (Trung Hoa): đạo là con đường, nẻo, lối đi... Giải thích như vậy không đúng nghĩa Phật giáo. Vì “ĐẠO” ở đây có nghĩa là tâm không còn khổ đau, tâm được yên ổn an vui, tâm bất động không còn một ác pháp nào làm cho tâm động. Những điều trên đây tâm đã đạt được thì mới gọi là GIẢI THOÁT; mà giải thoát là CHỨNG ĐẠO như trên đã nói. Khi nói đến CHỨNG ĐẠO thì đức Phật dùng một cụm từ chỉ cho chúng ta thấy sự CHỨNG ĐẠO: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Cụm từ này chỉ rất rõ sự GIẢI THOÁT:
1. SANH ĐÃ TẬN, có nghĩa là cuộc sống không còn đau khổ.
2. PHẠM HẠNH ĐÃ THÀNH, có nghĩa là đời sống giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh.
3. CÁC VIỆC LÀM ĐÃ LÀM XONG, có nghĩa là sự tu tập đã hoàn tất, không còn tu tập một pháp môn nào nữa.
4. KHÔNG CÒN TRỞ LUI LẠI TRẠNG THÁI NÀY NỮA, có nghĩa là tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa.
CHỨNG ĐẠO có nghĩa là giải thoát hoàn toàn, tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi như trên đã nói. Cho nên trong kinh Tương Ưng có đoạn ông Xá Lợi Phất hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu con được hỏi: này Hiền giả, giải thoát như thế nào mà Thế Tôn tuyên bố đã được chứng đắc, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc làm đã làm xong, không còn trở lui lại trạng thái này nữa? Thì con sẽ trả lời: do tự giải thoát, do tự đoạn diệt tất cả các chấp thủ, do tự làm tâm con luôn an lạc trong chánh niệm; nhờ sống an lạc trong chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy và không còn tự chấp tự ngã”.
Ngài Xá Lợi Phất trả lời rất đúng. Sự giải thoát này phải do chính mình, không có một người nào giúp mình được. Do tự chính mình phải ĐOẠN DIỆT CÁC CHẤP THỦ và phải luôn luôn SỐNG AN TÂM TRONG CHÁNH NIỆM, nhờ vậy mọi ác pháp không còn tác động được tâm. Để xác định sự CHỨNG ĐẠO, một lần nữa kinh Tương Ưng dạy: “Tóm lại, pháp môn này gọi tắt như sau, những cái gì được vị Sa môn gọi là lậu hoặc là Ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được Ta diệt tận không còn phân vân gì nữa”.(Tương Ưng tập 2)
Đọc những lời trên đây, ai còn phủ nhận đạo Phật không CHỨNG ĐẠO?
Đức Phật xác định rõ cho chúng ta biết thế nào là PHÁP TRÍ: “Này các thầy Tỳ kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già tập khởi như vậy, biết già diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy. Đây là PHÁP TRÍ của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập hướng dẫn thái độ của mình đối với quá khứ và trong tương lai”. Người có trí tuệ về các PHÁPcủa đời sống con người thì phải thông suốt GIÀ, CHẾT. Thông suốt GIÀ, CHẾTthì được gọi là PHÁP TRÍ.
1- GIÀ là cơ thể suy nhược, răng rụng, da nhăn, tóc bạc, lưng khọm, tay chân run rẩy, yếu đuối... Đó là một sự đau khổ của kiếp người.
2- CHẾT là cơ thể bị hủy diệt, tử vong, các uẩn tàn lụi, hoại diệt... Đó là một sự đau khổ mà con người không ai tránh khỏi.
Do thông suốt sự đau khổ ấy, nên người có trí phải lo tu tập làm chủ GIÀ, CHẾT. Một lần nữa, đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già tập khởi như vậy, biết già diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy”.
Một khi đã hiểu biết như vậy, thì chúng ta cố gắng tu tập để giữ gìn tâm bất động; do giữ gìn tâm bất động thì lậu hoặc hoàn toàn sẽ bị diệt sạch. Cho nên kinh Tương Ưng xác định một lần nữa để chúng ta hiểu rõ sự GIẢI THOÁT bằng PHÁP TRÍ: “Đây là PHÁP TRÍ của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập hướng dẫn thái độ của mình đối với quá khứ và trong tương lai”.(Tương Ưng tập 2)
PHÁP TRÍ là trí tuệ hiểu biết về các pháp sinh, già, bệnh, chết là khổ. Người có pháp trí hiểu biết cuộc đời này là khổ, không có vật gì trên thế gian này là ta, là của ta nên buông xả sạch, vì thế họ được giải thoát hoàn toàn.
Khi một người có PHÁP TRÍ, nên về tương lai có xảy ra điều gì họ chẳng lo lắng buồn phiền và sợ hãi; do chẳng còn buồn phiền và sợ hãi, nên họ được giải thoát. Đó là họ đang sống trong TÙY TRÍ. Bởi người có TÙY TRÍ là người giải thoát về tương lai. Đây, chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Những Sa môn hay Bà la môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ già chết, sẽ hiểu rõ già chết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa tới già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy. Như vậy, như hiện nay Ta vậy. Đây tức là TÙY TRÍ của vị ấy”.
Tóm lại, người có PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ là người đang sống trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai hoàn toàn thân tâm họ được giải thoát, không còn một chút xíu nào lậu hoặc. Người ấy được nhập lưu, nhập vào dòng Thánh, được đầy đủ Trí Hữu Học, được đầy đủ Minh Hữu Học. Một lần nữa, để xác định điều này, đức Phật đã dạy: “Này các thầy Tỳ kheo! Vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí: PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ. Vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã chấp nhận diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử”.(Tương Ưng tập 2)
Trong lời dạy này chỉ định rất rõ, người có đầy đủ PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ là người hoàn toàn làm chủ sinh, già, bệnh, chết, cho nên lời dạy trong đoạn kinh này rất rõ ràng họ là người đã đứng gõ vào cửa BẤT TỬ.
Thầy xin ghi lại lời Phật dạy, để minh chứng rằng sự giải thoát của Phật giáo bằng sự hiểu biết mà đức Phật gọi là PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ. Cho nên CHỨNG ĐẠO không phải chứng bằng THIỀN ĐỊNH như mọi người nghĩ, mà chứng đạo bằng PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ.
Kính ghi
Trưởng lão Thích Thông Lạc
✿✿✿