TẠP A-HÀM QUYỂN 32
KINH 905. NGOẠI ĐẠO[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ có nhiều chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi cùng Tôn giả thăm hỏi nhau, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất rằng[2]:
“Thế nào, Xá-lợi-phất, Như Lai có sanh tử đời sau không[3]?”
Xá-lợi-phất nói:
“Này các ngoại đạo, Thế Tôn nói rằng: ‘Điều này không ký thuyết[4].’”
Lại hỏi:
“Thế nào, Xá-lợi-phất! Như Lai không có sanh tử đời sau phải chăng?”
Xá-lợi-phất đáp rằng:
“Này các ngoại đạo, Thế Tôn nói rằng: ‘Điều này không ký thuyết.’”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Như Lai vừa có sanh tử đời sau, vừa không có sanh tử đời sau chăng?”
Xá-lợi-phất đáp rằng:
“Thế Tôn nói rằng: ‘Điều này không ký thuyết.’”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Như Lai vừa chẳng phải có sanh tử đời sau, vừa chẳng phải không có sanh tử đời sau chăng?”
Xá-lợi-phất đáp rằng:
“Này các ngoại đạo, Thế Tôn nói rằng: ‘Điều này không ký thuyết’”
Các xuất gia ngoại đạo lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thế nào, những điều chúng tôi hỏi, Như Lai có sanh tử đời sau; không có sanh tử đời sau; vừa có đời sau, vừa không có đời sau; vừa chẳng phải có đời sau, vừa chẳng phải không có đời sau. Tất cả đều đáp, Thế Tôn nói rằng: ‘Điều này không ký thuyết.’ Tại sao là một Thượng tọa mà như ngu, như si, không khéo, không biết, như trẻ thơ không có trí tự tánh[5]? Sau khi nói xong những lời này, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.”
Lúc ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách nhau không xa, cả hai ban ngày ngồi thiền tư dưới bóng cây. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất biết các xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, cùng nhau thăm hỏi khích lệ, rồi ngồi qua một bên, đem những việc bàn luận vừa rồi cùng các xuất gia ngoại đạo thưa lại đầy đủ cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
“Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, vì nhân gì, duyên gì mà Thế Tôn không ký thuyết đời sau có sanh tử; đời sau không có sanh tử; đời sau vừa có đời sau vừa không; chẳng phải có chẳng phải không sanh tử?”
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bảo Xá-lợi-phất rằng:
“Nếu nói Như Lai đời sau có sanh tử, thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau không có sanh tử, thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau vừa có sanh tử, đời sau vừa không có sanh tử, thì đó là sắc. Nếu nói Như Lai đời sau chẳng phải có, đời sau chẳng phải không sanh tử, thì đó là sắc. Vì Như Lai, sắc đã dứt hết, tâm khéo giải thoát, nên bảo có sanh tử đời sau, thì đây là điều không đúng; hoặc đời sau không sanh tử; hoặc đời sau vừa có, đời sau vừa không; hay đời sau chẳng phải có, đời sau chẳng phải không sanh tử, thì điều này cũng không đúng. Vì Như Lai, đã dứt hết sắc, tâm khéo giải thoát sâu xa, rộng lớn vô lượng, vô số, Niết-bàn vắng lặng[6].
“Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu nói Như Lai có sanh tử đời sau, thì đó là thọ, là tưởng, là hành, là thức, là động, là tư lự, là hư dối, là hữu vi, là ái,… cho đến, chẳng phải có chẳng phải không có sanh tử[7] đời sau cũng nói như vậy. Vì Như Lai, đã diệt tận ái, tâm khéo giải thoát, nên nói có sanh tử đời sau là không đúng; hoặc không đời sau; hoặc đời sau vừa có, đời sau vừa không; hay chẳng phải có, chẳng phải không đời sau, thì cũng không đúng. Vì Như Lai, đã diệt tận ái, nên tâm khéo giải thoát sâu xa, rộng lớn vô lượng, vô số, Niết-bàn vắng lặng.
“Tôn giả Xá-lợi-phất, vì nhân như vậy, duyên như vậy, cho nên có người hỏi Thế Tôn: ‘Như Lai hoặc có hoặc không, hoặc vừa có vừa không, chẳng phải có chẳng phải không sanh tử đời sau.’ Ngài đã không thể ký thuyết.”
Sau khi hai vị Chánh sĩ cùng bàn luận với nhau xong, cả hai trở về chỗ của mình.
*
KINH 906. PHÁP TƯỚNG HOẠI[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang ở tại giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, nước Xá-vệ. Vào buổi xế chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, vì nhân gì, duyên gì, trước đây Thế Tôn ít chế cấm giới cho các Thanh văn, mà lúc ấy nhiều Tỳ-kheo tâm lại ưa thích học tập; còn ngày nay thì chế nhiều cấm giới, mà các Tỳ-kheo lại ít thích học tập?”
Phật bảo:
“Đúng vậy, Ca-diếp, vì mạng trược, phiền não trược, kiếp trược, chúng sanh trược, kiến trược[9] và pháp thiện của chúng sanh bị sút giảm, nên Đại Sư vì các Thanh văn chế ra nhiều cấm giới, nhưng họ lại ít thích học tập!
“Này Ca-diếp, thí như lúc kiếp sắp muốn hoại, tuy vật báu thật chưa diệt mất, nhưng vật báu ngụy tạo tương tợ lại xuất hiện ở thế gian. Khi vật báu ngụy tạo đã xuất hiện, vật báu thật sẽ mất[10]. Cũng vậy Ca-diếp, Chánh pháp[11] Như Lai lúc sắp muốn diệt, lại có tượng pháp tương tợ[12] sanh ra; khi tượng pháp tương tợ đã xuất hiện ở thế gian rồi, thì Chánh pháp sẽ bị diệt.
“Thí như trong biển cả, nếu thuyền chở nhiều trân bảo, chắc sẽ nhanh chóng bị đắm chìm. Chánh pháp Như Lai không như vậy, mà sẽ bị tiêu diệt từ từ. Chánh pháp của Như Lai không bị đất làm hoại, không bị nước, lửa, gió làm hoại đi. Cho đến lúc chúng sanh ác xuất hiện ở thế gian, thích làm các điều ác, muốn làm các điều ác, thành tựu các điều ác; phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp; phi luật nói là luật; bằng pháp tương tợ mà cú vị thịnh hành. Bấy giờ Chánh pháp Như Lai mới chìm mất.
“Này Ca-diếp, có năm nhân duyên có khả năng làm cho Chánh pháp Như Lai chìm mất. Những gì là năm? Đó là nếu Tỳ-kheo đối với Đại Sư mà không kính, không trọng, không thành ý cúng dường; khi đối với Đại Sư đã không kính, không trọng, không thành ý cúng dường, sau đó vẫn nương tựa để sống. Đối với pháp, hoặc học giới, hoặc giáo giới tùy thuận, hay các phạm hạnh được Đại Sư khen ngợi cũng không kính, không trọng, không thành ý cúng dường mà vẫn sống y chỉ[13]. Này Ca-diếp, đó gọi là năm nhân duyên làm cho Chánh pháp Như Lai nhân đây chìm mất.
“Này Ca-diếp, có năm nhân duyên khiến cho pháp luật của Như Lai không chìm, không mất, không suy giảm. Những gì là năm? Đó là nếu Tỳ-kheo đối với Đại Sư mà cung kính, tôn trọng, thành ý cúng dường, sống y chỉ; đối với pháp, hoặc học giới, hoặc giáo giới tùy thuận, hay phạm hạnh được Đại Sư khen ngợi cũng cung kính, tôn trọng, thành ý cúng dường, sống y chỉ. Này Ca-diếp, đó gọi là năm nhân duyên làm cho pháp luật Như Lai không chìm, không mất, không sút giảm. Cho nên này Ca-diếp, nên học như vầy: ‘Đối với Đại Sư nên tu cung kính, tôn trọng, thành ý cúng dường, sống y chỉ; đối với pháp, hoặc học giới, hoặc giáo giới tùy thuận, hay các phạm hạnh mà được Đại Sư khen ngợi, cũng phải cung kính, tôn trọng, thành ý cúng dường, sống y chỉ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, hoan hỷ tùy hỷ làm lễ mà lui.
*
KINH 907. GIÁ-LA-CHÂU-LA[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có thôn trưởng Giá-la-châu-la-na-la [15] đi đến chỗ Phật. Sau khi chào hỏi úy lạo xong, ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, tôi nghe các vị kỳ cựu trong hàng ca vũ kịch [16] ngày xưa nói như vầy ‘Nếu các con hát ở trước mọi người', 'ca múa', diễn hài', 'trình diễn các thứ ca kỹ', 'làm cho mọi người vui cười hoan lạc'" [17] Còn ở trong pháp Cù-đàm này thì nói như thế nào?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Thôi, chớ nên hỏi nghĩa này!”
Ba lần như vậy, nhưng ông vẫn hỏi thỉnh không thôi.
Phật bảo thôn trưởng;
“Nay Ta hỏi ông, cứ tùy theo ý ông mà đáp. Xưa kia ở nơi thôn này chúng sanh không lìa tham dục, bị trói buộc bởi sự ràng buộc của tham dục; không lìa sân nhuế, bị trói buộc bởi sự ràng buộc của sân nhuế; không lìa ngu si, bị trói buộc bởi sự ràng buộc của ngu si. Những con hát kia ở trước mọi người trình diễn ca múa, kỹ nhạc và diễn hài làm cho mọi vui cười hoan lạc. Vậy này thôn trưởng, ngay những người vui cười hoan lạc kia, há không phải đang làm tăng trưởng sự trói buộc của tham dục, sân nhuế và si mê đó sao?”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Đúng vậy, thưa Cù-đàm!”
“Này thôn trưởng, thí như có người dùng giây trói ngược, rồi có người trong một thời gian dài với ác tâm muốn làm cho người này chẳng đạt được nghĩa lợi ích, không được an ổn, không được an lạc, nên thường dùng nước nhỏ lên trên sợi dây trói. Người há không bị trói càng lúc càng xiết chặt hơn sao?”
Thôn trưởng nói:
“Đúng vậy, thưa Cù-đàm!”
Phật bảo:
“Này thôn trưởng, xưa kia chúng sanh cũng lại như vậy. Không xa lìa sự trói buộc của tham dục, sân nhuế và si; duyên vào những cuộc giải trí vui cười, hoan lạc, làm tăng thêm sự trói buộïc ấy.”
Thôn trưởng nói:
“Thật vậy, thưa Cù-đàm, những con hát này đã làm cho mọi người vui cười hoan lạc, nhưng càng làm tăng thêm sự trói buộc cho tham dục, sân nhuế và si mê mà thôi. Vì nhân duyên này mà khi thân hoại mạng chung được sanh về đường thiện, điều này không thể có được.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu bảo các con hát xưa kia có thể làm cho mọi người vui cười, hoan lạc, vì nhờ nghiệp duyên này mà sanh về cõi trời Hoan hỷ, thì đây là tà kiến. Nếu người nào là tà kiến, có thể sanh về hai đường: hoặc là đường địa ngục, hoặc là đường súc sanh.”
Lúc nghe nói những lời này, thì thôn trưởng Giá-la-châu-la-na-la buồn thương rơi lệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo thôn trưởng:
“Cho nên, trước đây ba lần hỏi, Ta không đáp và bảo thôn trưởng thôi, chớ hỏi nghĩa này.”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, tôi không vì những lời nói của Cù-đàm mà thương khóc rơi lệ. Tôi tự mình nghĩ, tại sao từ trước đến giờ mình lại để cho những sở kiến ngu si, không minh bạch, không lương thiện của bọn nghệ sĩ kia lừa dối rằng: ‘Nếu các con hát ở trước mọi người, ca múa,… cho đến được sanh về cõi trời Hoan hỷ.’ Bây giờ, tôi lại nghĩ, làm sao các nghệ sĩ ca múa, diễn kịch có thể sanh về cõi trời Hoan hỷ được?
“Thưa Cù-đàm, từ nay tôi xin từ bỏ cái nghề nghệ sĩ ác bất thiện kia, xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo.”
Phật dạy:
“Lành thay, thôn trưởng! Đây là điều chân thật.”
Sau khi thôn trưởng Giá-la-châu-la-na-la nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi vui vẻ ra về.
*
KINH 908. CHIẾN ĐẤU HOẠT[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có vị thôn trưởng sống về nghề chiến đấu[19], đi đến chỗ Phật cung kính thăm hỏi, sau khi thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, tôi nghe các vị tôn túc kỳ cựu sống về nghề chiến đấu ngày xưa nói như vầy: ‘Nếu sống về nghề chiến đấu, mình mặc giáp dày, tay cầm binh khí sắc bén, dẫn đầu tướng sĩ, có khả năng cùng phương tiện bẻ gãy mọi âm mưu oán địch; nhờ vào nghiệp báo này, mà sanh về cõi trời Tiễn hàng phục[20].’ Còn ở trong pháp của Cù-đàm, nghĩa này như thế nào?”
Phật bảo vị thôn trưởng sống về chiến đấu:
“Thôi, chớ nên hỏi nghĩa này!”
Ba lần hỏi lại như vậy, ba lần cũng lại bảo thôi, nhưng vẫn cứ hỏi không thôi.
Phật bảo thôn trưởng, bây giờ, Ta hỏi ông, cứ tùy theo ý ông mà trả lời:
“Này thôn trưởng, theo ý ông thì sao: Nếu sống về nghề chiến đấu, mình mặc giáp dày, tay cầm binh khí sắc bén, dẫn đầu tướng sĩ, có khả năng cùng phương tiện bẻ gãy mọi âm mưu oán địch, thì người này trước đó há không khởi lên tâm làm thương tổn, sát hại; muốn bắt trói, xiềng xích, đâm chém, sát hại đối với kẻ khác sao?”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo thôn trưởng:
“Sống làm nghề chiến đấu phạm ba thứ ác tà: Hoặc về thân, hoặc miệng, hoặc ý. Vì nhân duyên ba thứ ác tà này, mà sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh về cõi trời Tiễn hàng phục thuộc đường thiện, thì điều này không thể xảy ra!”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu các vị tôn túc kỳ cựu sống về nghề chiến đấu ngày xưa thấy như vầy, nói như vầy: ‘Nếu sống về nghề chiến đấu, mình mặc giáp trụ, tay cầm binh khí sắc bén, xông lên trước đối địch, có khả năng cùng phương tiện bẻ gãy mọi âm mưu oán địch, nhờ vào nhân duyên này, mà sanh về cõi trời Tiễn hàng phục.’ Thì đây là tà kiến, vì người tà kiến chắc chắn sẽ sanh về hai đường: hoặc là đường địa ngục, hoặc là đường súc sanh.”
Lúc nghe nói những lời này, thì thôn trưởng này buồn thương rơi lệ. Phật bảo thôn trưởng:
“Vì nghĩa này, nên trước đây ba lần Ta bảo thôn trưởng thôi đi, mà không vì ông nói.”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Tôi không vì những lời nói của Cù-đàm mà thương khóc rơi lệ mà mình tự nghĩ các vị tôn túc kỳ cựu sống về nghề chiến đấu ngày xưa ngu si, không lương thiện, không minh bạch, sống lâu dài trong sự lừa dối, nói rằng: ‘Nếu sống về nghề chiến đấu, mình mặc giáp trụ, tay cầm binh khí sắc bén, xông lên trước đối địch,… cho đến được sanh về cõi trời Tiễn hàng phục.’ Cho nên thương khóc rơi lệ. Bây giờ, tôi lại nghĩ rằng các vị sống về chiến đấu và nhờ nhân duyên ác nghiệp, mà sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh về cõi trời Tiễn hàng phục, thì điều đó không thể xảy ra được?
“Thưa Cù-đàm, từ nay tôi xin từ bỏ các nghiệp ác, xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Đây là điều chân thật.”
Sau khi thôn trưởng sống về chiến đấu nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.
*
KINH 909. ĐIỀU MÃ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có thôn trưởng luyện ngựa[22] đến chỗ Phật cung kính thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo thôn trưởng luyện ngựa[23]:
“Người luyện ngựa có bao nhiêu cách?”
Thôn trưởng đáp rằng:
“Thưa Cù-đàm, có ba cách. Những gì là ba? Một là mềm mỏng, hai là cứng rắn, ba là vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu dùng ba cách này mà vẫn không điều khiển được ngựa nữa, thì phải làm sao?”
Thôn trưởng nói:
“Thì phải giết nó.”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, bậc Điều ngự trượng phu phải dùng bao nhiêu pháp để điều ngự vị ấy?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Ta cũng dùng ba pháp để điều ngự trượng phu[24]. Những gì là ba? Một là mềm mỏng, hai là cứng rắn, ba là vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, nếu dùng ba pháp mà không điều phục được điều ngự trượng phu thì phải làm như thế nào?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu dùng ba pháp mà vẫn không điều phục được, thì phải giết người đó. Vì sao? Vì không để cho pháp của Ta bị khuất nhục.”
Trưởng thôn luyện ngựa bạch Phật rằng:
“Trong pháp của Cù-đàm, sát sanh là bất tịnh. Vậy trong pháp của Cù-đàm không cho sát hại, nhưng hôm nay lại nói rằng: ‘Người nào không điều phục được, thì cũng nên giết họ?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Như những lời ông đã nói, trong pháp của Như Lai, sát sanh là bất tịnh. Như Lai không thể sát hại. Này thôn trưởng, nhưng khi Ta dùng ba pháp để điều phục trượng phu mà không điều phục được thì sẽ không nói với, không dạy dỗ, không giáo giới nữa. Này thôn trưởng, nếu Như Lai khi điều ngự trượng phu mà không nói với, không giáo thọ, không giáo giới cho nữa, đó há không phải là sát hại sao?”
Thôn trưởng luyện ngựa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, nếu khi điều ngự trượng phu, mà không nói với, không giáo thọ, không giáo giới cho nữa, thì thật sự đã sát hại rồi. Cho nên từ nay tôi xin từ bỏ nghiệp ác, xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Đây là điều chân thật.”
Sau khi, Phật nói kinh này xong, thôn trưởng luyện ngựa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ mà lui.
*
KINH 910. HUNG ÁC[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có một thôn trưởng hung ác đi đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Vì không tu pháp gì, nên sanh sân nhuế đối với người khác; do đã sanh sân nhuế, nên miệng nói lời ác, người ta vì vậy mà đặt tên là Ác tánh[26]?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Vì không tu chánh kiến nên sanh ra sân nhuế đối với người khác; do đã sanh ra sân nhuế nên miệng nói ra lời ác, người ta vì vậy mà đặt tên là Ác Tánh. Vì không tu chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, nên sanh ra sân nhuế đối với người khác; do đã sanh ra sân nhuế, nên miệng nói ra lời ác, người ta vì vậy đặt tên là Ác Tánh.”
Lại hỏi Thế Tôn:
“Phải tu tập pháp gì để không sân nhuế đối với người khác; do không sân nhuế, nên miệng nói ra lời thiện, người ta vì vậy đặt tên là Hiền Thiện[27]?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Vì tu chánh kiến, nên không sân nhuế đối với người khác; do không sân nhuế, nên miệng nói ra lời thiện, người ta vì vậy đặt tên là Hiền Thiện. Vì tu tập chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, nên không sân đối với người khác; do không sân nhuế nên miệng nói ra lời thiện, người ta vì vậy đặt tên là Hiền Thiện.”
Thôn trưởng hung ác bạch Phật:
“Lạ thay Thế Tôn, Ngài khéo nói những lời này. Vì tôi không tu Chánh kiến, nên sanh ra sân nhuế đối với người khác; do đã sanh ra sân nhuế, nên miệng nói ra lời ác, người ta vì tôi mà đặt tên là Ác Tánh. Vì tôi không tu chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, nên sanh ra sân nhuế đối với người khác; do đã sanh ra sân nhuế, nên miệng nói ra lời ác, người ta vì tôi mà đặt tên là Ác Tánh. Cho nên từ nay tôi sẽ từ bỏ sân nhuế thô bạo.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Đây là điều chân thật.”
Sau khi, Phật nói kinh này xong, thôn trưởng hung ác, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
*
KINH 911. MA-NI CHÂU KẾ[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có thôn trưởng Ma-ni Châu Kế[29], đi đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, trước đây quốc vương có tập hợp các đại thần, cùng nhau bàn luận rằng: ‘Thế nào, Tỳ-kheo Sa-môn Thích tử tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu, là tịnh hay bất tịnh?’ Trong các đại thần có người nói: ‘Sa-môn Thích tử được phép tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu.’ Lại có vị nói: ‘Không được phép tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu.’
“Bạch Thế Tôn, vị nói Sa-môn Thích tử được phép tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu, là do nghe từ Phật hay là tự ý họ nói ra? Họ nói ra những lời này là tùy thuận pháp hay là không tùy thuận, là lời nói chân thật hay là lời nói hư vọng? Những lời nói như vậy không bị rơi vào chỗ đáng bị chỉ trích chăng?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Đó là những lời nói chẳng phải chân thật, chẳng phải pháp, chẳng phải tùy thuận, đáng bị chỉ trích. Vì sao? Vì Sa-môn Thích tử mà tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu, là không thanh tịnh. Cho nên, nếu người nào tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu cho mình, thì chẳng phải là pháp Sa-môn, chẳng phải là pháp của dòng Thích tử.”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Kỳ thay, Thế Tôn! Sa-môn Thích tử nhận và chứa vàng bạc của báu, là chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng phải pháp của dòng Thích tử. Đây là lời nói chân thật.
“Bạch Thế Tôn, vị nói lời này làm tăng trưởng thắng diệu, tôi cũng nói như vầy: ‘Sa-môn Thích tử không được tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu.’
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu Sa-môn Thích tử mà nhận và cất chứa vàng bạc, trân báu cho là thanh tịnh, thì năm dục công đức ắt phải thanh thịnh!”
Thôn trưởng Ma-ni Châu Kế, sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.
Đức Thế Tôn, sau khi biết thôn trưởng Ma-ni Châu Kế đi rồi, bảo Tôn giả A-nan:
“Nếu có Tỳ-kheo nào hiện đang nương vào vườn Trúc, khu Ca-lan-đà mà ở, thì hãy triệu tập hợp tất cả tại nhà ăn.”
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy đi khắp vườn Trúc, khu Ca-lan-đà thông báo cho các Tỳ-kheo hiện còn đang ở đây, tập trung đến nhà ăn. Khi các Tỳ-kheo đã tập trung rồi, Tôn giả đến bạch Thế Tôn:
“Các Tỳ-kheo đã tập trung tại nhà ăn rồi. Xin Thế Tôn biết thời.”
Bấy giờ, Thế Tôn đi đến nhà ăn ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Hôm nay có thôn trưởng Ma-ni Châu Kế đi đến chỗ Ta, nói như vầy: ‘Trước đây quốc vương có tập hợp các đại thần, cùng nhau bàn luận rằng: Sa-môn Thích tử tự nhận và cất chứa vàng bạc của báu, có phải là thanh tịnh không? Trong đó có vị nói là thanh tịnh, có vị nói là không thanh tịnh. Vậy nay xin hỏi Thế Tôn, vị nói thanh tịnh là được nghe từ Phật nói hay tự mình nói dối.’ Như đã nói đầy đủ ở trên. Thôn trưởng Ma-ni Châu Kế, sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.
“Này các Tỳ-kheo, trong khi quốc vương, đại thần cùng nhau hội họp bàn luận, thì thôn trưởng Ma-ni Châu Kế này nói như sư tử rống ở trước mọi người là: ‘Sa-môn Thích tử không được phép tự nhận và cất chứa vàng bạc, của báu.’
“Này các Tỳ-kheo, từ hôm nay các ông cần cây thì xin cây, cần cỏ thì xin cỏ, cần xe thì xin xe, cần người giúp việc thì xin người giúp việc. Cẩn thận chớ nên vì mình mà nhận lấy vàng bạc và các thứ vật báu.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 912. VƯƠNG ĐẢNH[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên ao Yết-già tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ có thôn trưởng Vương Đảnh[31] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo thôn trưởng Vương Đảnh:
“Hiện nay chúng sanh chạy theo hai khuynh hướng. Những gì là hai? Một là thích đắm vào năm dục, thuộc dạng phàm phu, tục tử quê mùa thấp kém. Hai là tự làm khổ mình một cách sai lầm không có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào!
“Này thôn trưởng, có ba hạng người thích hưởng thụ dục lạc, thuộc hàng phàm phu, tục tử, quê mùa thấp kém. Cũng có ba hạng người tự làm khổ mình một cách sai lầm không có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào!
“Này thôn trưởng, những gì là ba hạng người thích hưởng thụ dục lạc, thuộc hàng phàm phu tục tử quê mùa thấp kém? Là có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách lạm chiếm một cách bất hợp pháp, không mang lại an vui cho chính mình, cũng chẳng phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ ở, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết; cũng không tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên cõi trời. Đó gọi là hạng người thứ nhất hưởng thụ dục lạc ở thế gian.
“Lại nữa, này thôn trưởng, có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách dùng pháp lạm chiếm tài vật một cách bất hợp pháp để tự cung cấp mọi sự vui sướng cho chính mình, phụng dưỡng cho cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ làm, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết; nhưng không tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên cõi trời. Đó gọi là hạng người thứ hai hưởng thụ dục lạc.
“Lại nữa, này thôn trưởng, có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách dùng pháp tìm cầu tài vật chứ không bằng lạm chiếm để tự cung cấp mọi sự vui sướng cho chính mình, cung phụng cho cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ ở, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết, cũng tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên cõi trời. Đó gọi là hạng người thứ ba hưởng thụ dục lạc.
“Này thôn trưởng, Ta không nhất thiết nói bình đẳng trong hưởng thụ dục lạc, mà Ta nói người hưởng thụ dục lạc có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng trung bình, có người thuộc hạng hơn người.
“Thế nào là hạng thấp kém, hưởng thụ dục lạc? Là loại lạm chiếm bất hợp pháp,… cho đến chẳng cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên cõi trời, thì đó Ta gọi là hạng thấp kém hưởng thụ dục lạc.
“Thế nào là hạng trung bình, hưởng thụ dục lạc? Là loại người hưởng thụ dục lạc bằng cách đúng pháp mà tìm cầu tài vật một cách bất hợp pháp,… cho đến chẳng mong đời sau sanh lên cõi trời, thì đó Ta gọi là hạng trung bình thứ hai hưởng thụ dục lạc.
“Thế nào là hạng người, Ta nói hơn người, hưởng thụ dục lạc? Là loại người đúng pháp để tìm cầu tài vật,… cho đến đời sau sanh lên cõi trời, thì đó Ta gọi là hạng hơn người thứ ba hưởng thụ dục lạc.
“Thế nào là ba hạng người tự làm khổ chính mình? Đó là khổ chẳng phải pháp, bất chính, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào. Có một hạng người tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ. Ban đầu mới phạm giới, ô nhiễm giới, họ tu đủ cách khổ hạnh, nỗ lực tinh tấn trụ ở một chỗ, nhưng hiện tại họ chẳng thể xa lìa được nhiệt não bức bách, chẳng được pháp hơn người, chẳng trụ vào được an lạc, tri kiến thắng diệu. Này thôn trưởng, đó gọi là hạng người thứ nhất tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.
“Lại nữa, tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ. Ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, nhưng tu đủ cách khổ hạnh cũng chẳng nhờ vậy mà hiện tại xa lìa được nhiệt não bức bách, chẳng được pháp hơn người, chẳng trụ vào được an lạc, tri kiến thắng diệu. Đó gọi là hạng người thứ hai tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.
“Lại nữa, tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ. Ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, nhưng tu đủ cách khổ hạnh tinh tấn, mà hiện tại vẫn không thể[32] xa lìa được nhiệt não bức bách, được pháp hơn người, trụ vào an lạc, tri kiến thắng diệu. Đó gọi là hạng người thứ ba tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.
“Này thôn trưởng, Ta không nói tất cả những người tự mình làm khổ bằng cách sống khắc khổ đều giống nhau, mà Ta đã nói trong những kẻ tự làm khổ, có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng trung bình, có người thuộc hạng hơn người.
“Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng thấp kém? Nếu họ tự làm khổ ban đầu mới phạm giới, mới làm ô nhiễm giới,… cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, Ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng thấp kém.
“Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng trung bình? Nếu họ tự làm khổ, ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới,… cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, Ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng trung.
“Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng hơn người? Nếu họ tự làm khổ, bằng cách sống khắc khổ, ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới,… cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, Ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng hơn người.
“Này thôn trưởng, đó gọi là ba hạng người tự làm khổ mình, cái khổ này chẳng phải pháp, chẳng đúng, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào.
“Này thôn trưởng, có đạo lộ, có sự thực hành đưa đến[33] ba hạng phương tiện tùy thuộc hưởng thụ dục lạc, của hàng phàm phu tục tử, quê mùa thấp kém; đưa đến phương tiện tự làm khổ chính mình, mà cái khổ này chẳng phải pháp, chẳng đúng, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào.
“Thế nào là đạo lộ, sự thực hành đưa đến phương tiện hưởng thọ dục lạc, tự làm khổ chính mình?
“Này thôn trưởng, vì bị dục tham làm chướng ngại, hoặc muốn tự hại, hoặc muốn hại kẻ khác, hoặc muốn hại cả hai, hiện tại và đời sau mắc tội báo này, tâm luôn lo khổ. Vì bị sân nhuế, ngu si làm chướng ngại, hoặc muốn tự hại, hoặc muốn hại kẻ khác, hoặc muốn hại cả hai, hiện tại và đời sau mắc tội báo này, tâm luôn lo khổ. Nếu xa lìa chướng ngại của dục tham, không muốn phương tiện tự hại, hại người, hại cả hai, hiện tại, đời sau khỏi mắc tội báo này, khiến tâm, tâm pháp luôn luôn thọ hỷ lạc. Cũng vậy, nếu xa lìa chướng ngại của sân nhuế, ngu si, không muốn phương tiện tự hại, hại người, hại cả hai, hiện tại, đời sau khỏi mắc tội báo này, khiến tâm, tâm pháp luôn luôn hưởng hỷ lạc. Đối trong hiện tại xa lìa nhiệt não bức bách, không cần đợi thời tiết, gần gũi Niết-bàn, mà ngay trong thân này thể duyên tự mình mà giác tri.
“Này thôn trưởng, như pháp hiện tại này vĩnh viễn xa lìa nhiệt não bức bách, không cần đợi thời tiết, gần gũi Niết-bàn, mà ngay trong thân này duyên tự mình giác tri, đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến,… cho đến chánh định.”
Trong lúc Đức Thế Tôn đang nói pháp này, thôn trưởng Vương Đảnh xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Sau khi thôn trưởng Vương Đảnh thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập vào pháp, thoát nghi không nhờ người khác, ở trong Chánh pháp luật mà được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nay con đã được độ, xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo. Từ nay đến hết đời con xin làm Ưu-bà-tắc.”
Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
*
KINH 913. KIỆT ĐÀM[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hành giữa những người Lực sĩ[35], đến ở rừng Anh vũ Diêm-phù[36], trú xứ của Uất-bệ-la. Bấy giờ có thôn chủ Kiệt[37]-đàm[38] nghe tin Sa-môn Cù-đàm du hành giữa những người Lực sĩ, đến ở rừng Anh vũ Diêm-phù, trú xứ của Uất-bệ-la. Ngài nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại[39]. Ông nghĩ: ‘Ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm kia. Nếu ta đến thì chắc Sa-môn Cù-đàm sẽ vì ta mà nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.’ Sau đó ông liền đến thôn Uất-bệ-la và đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, tôi nghe Thế Tôn thường vì người nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại. Lành thay! Thế Tôn vì tôi nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu Ta nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ quá khứ, Ta biết đối với điều đó ông có thể tin hay không tin, muốn hay không muốn, nhớ hay không nhớ, thích hay chẳng thích[40]. Nay ông có khổ không? Nếu Ta nói về khổ vị lai, đối với điều đó Ta biết ông có thể tin hay không tin, muốn hay không muốn, nhớ hay không nhớ, thích hay chẳng thích. Nay ông có khổ không? Hôm nay Ta sẽ nói về sự tập khởi của khổ và sự tiêu diệt của khổ hiện tại.
“Này thôn trưởng, tất cả những khổ phát sanh mà chúng sanh có, tất cả đều do dục làm gốc: dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục làm nhân, dục làm duyên mà khổ phát sanh.”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Thế Tôn nói pháp quá sơ lược, không phân biệt rộng rãi, nên tôi có chỗ không hiểu. Lành thay, Thế Tôn! Xin nói đầy đủ hơn cho chúng tôi được hiểu.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Bây giờ Ta hỏi ông, cứ theo ý ông mà đáp. Này thôn trưởng, ý ông thế nào, nếu chúng sanh ở thôn Uất-bệ-la này hoặc bị trói, hoặc bị đánh, hoặc bị khiển trách, hoặc bị giết, tâm ông có khởi buồn thương khổ não không?”
Thôn trưởng bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, cũng không nhất thiết là vậy! Nếu mọi người sống ở thôn Uất-bệ-la này đối với tôi mà có dục, có tham, có ái, có nghĩ, gần gũi nhau, mà gặp khi họ hoặc bị trói, hoặc bị đánh, hoặc bị trách, hoặc bị giết, thì tôi sẽ cảm thấy buồn thương khổ não. Còn nếu những người kia đối với tôi mà không có dục, không có tham, không có ái, không có nghĩ và gần gũi nhau; khi gặp họ bị trói, đánh, trách, giết, thì làm sao tôi có thể sanh lòng buồn thương khổ não được?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Cho nên ông phải biết, mọi cái khổ của chúng sanh được phát sanh, tất cả chúng đều do từ dục làm gốc: dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra các thứ khổ.
“Này thôn trưởng, ýù ông thế nào? Nếu ông cùng cha mẹ nuôi[41] mà không gặp[42] nhau, thì có sanh lòng tham dục thương nhớ không?”
Thôn trưởng nói:
“Bạch Thế Tôn, không!”
“Này thôn trưởng, ý ông thế nào? Nếu hoặc thấy, hoặc nghe cha mẹ nuôi, ông có sanh lòng dục, thương nhớ không?”
Thôn trưởng nói:
“Bạch Thế Tôn, có vậy!”
Lại hỏi:
“Này thôn trưởng, ý ông thế nào? Nếu cha mẹ nuôi kia bị vô thường biến khác, ông có sanh lòng buồn thương khổ não không?”
Thôn trưởng nói:
“Bạch Thế Tôn, có vậy! Nếu cha mẹ nuôi bị vô thường biến khác, thì tôi sẽ khổ đến gần chết được, đâu phải chỉ buồn thương khổ não!”
Phật bảo thôn trưởng:
“Cho nên ông phải biết, nếu các chúng sanh có được cái khổ phát sanh, thì tất cả đều do ái dục làm gốc: dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra các thứ khổ.”
Thôn trưởng nói:
“Lạ thay! Thế Tôn đã khéo nói thí dụ về cha mẹ nuôi như vậy. Tôi có cha mẹ nuôi, nhưng sống tại nơi khác[43]. Hằng ngày tôi sai người thăm hỏi, vấn an sức khỏe thế nào. Khi họ đi chưa về tôi đã lấy làm lo lắng khổ sở, huống chi là lại bị vô thường mà không lo lắng khổ đau sao được!”
Phật bảo thôn trưởng:
“Cho nên Ta nói mọi lo khổ của chúng sanh, tất cả đều do dục làm gốc rễ: dục phát sanh, dục tập khởi, dục hiện khởi, dục là nhân, dục là duyên mà sanh ra lo khổ.”
Phật bảo thôn trưởng tiếp:
“Nếu có bốn ái niệm, mà bị vô thường biến khác, thì sẽ phát sanh ra bốn ưu khổ. Nếu có một hoặc hai, ba ái niệm bị vô thường biến khác, sẽ phát sanh một hoặc hai, ba ưu khổ.
“Này thôn trưởng, nếu tất cả đều không có ái niệm, sẽ không có trần lao ưu khổ.”
Rồi Thế Tôn nói kệ rằng:
Nếu không có ái niệm thế gian,
Thì không lo trần lao ưu khổ;
Tiêu diệt hết tất cả ưu khổ,
Giống như hoa sen không dính nước.
Trong khi Phật nói pháp này, thôn trưởng Kiệt-đàm xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thâm nhập pháp, thoát khỏi mọi nghi hoặc, không nhờ vào người khác, không do người khác độ, được vô sở úy ở trong Chánh pháp luật; từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
“Con đã được độ, đã siêu việt, bạch Thế Tôn, từ hôm nay con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo; suốt đời con làm Ưu-bà-tắc. Xin Ngài nhớ nghĩ gia hộ con.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, thôn trưởng Kiệt-đàm nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
*
KINH 914. ĐAO SƯ THỊ (1)[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, một ngàn vị Ưu-bà-tắc và năm trăm người xin đồ ăn dư[45], du hành trong nhân gian; đi khắp từ thành này sang thành nọ, từ thôn này sang thôn khác, đến trong vườn Hảo y Yêm-la, thôn Na-la[46], nước Ma-kiệt-đề. Bấy giờ có thôn trưởng đệ tử của Ni-kiền tên là Đao Sư Thị[47] đến chỗ Ni-kiền lễ sát chân Ni-kiền, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy Ni-kiền nói với thôn trưởng Đao Sư Thị:
“Ông có thể dùng ‘Tật-lê luận[48]’ bàn luận cùng với Sa-môn Cù-đàm, để làm cho Sa-môn Cù-đàm nói cũng không được, không muốn nói cũng không được, được chăng?”
Thôn trưởng thưa:
“Thưa thầy, thế nào là luận thuyết ‘Tật-lê luận’ có thể làm cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói cũng không được, mà không muốn nói cũng không được?”
Ni-kiền bảo thôn trưởng rằng:
“Ông hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi như vầy: ‘Cù-đàm lúc nào cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng đầy đủ phước-lợi, Ngài thường có mong ước như vậy và nói như vậy phải không?’ Nếu trả lời cho ông là không, thì ông nên hỏi rằng: ‘Vậy, Sa-môn Cù-đàm có khác gì với kẻ phàm ngu si?’ Nếu trả lời là ‘Có mong ước và có nói,’ thì ông nên hỏi lại rằng: ‘Nếu Sa-môn Cù-đàm đã có mong ước và có nói như thế, vậy tại sao người dân hiện đang mất mùa đói kém, mà Ngài còn du hành trong nhân gian dẫn theo một ngàn hai trăm năm mươi chúng Tỳ-kheo, một ngàn vị Ưu-bà-tắc và năm trăm người ăn xin đi từ thành này sang thành nọ, từ thôn này sang thôn khác, làm hao tổn của cải người dân, giống như mưa lớn, mưa đá, chỉ có làm tổn hại chứ chẳng thêm được lợi ích nào! Những lời nói của Cù-đàm trước sau mâu thuẫn nhau, không giống nhau, không gần giống nhau, không phù hợp nhau, khác nhau.’ Thôn trưởng, như vậy gọi là ‘Tật-lê luận’, sẽ làm cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói cũng không được, không muốn nói cũng không được.”
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị vâng lời dạy bảo của Ni-kiền đi đến chỗ Phật cung kính chào hỏi; sau khi cung kính chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, có phải lúc nào Ngài cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng phước lợi không?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Lúc nào Như Lai cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng phước lợi và cũng thường nói như vậy.”
Thôn trưởng nói:
“Nếu như vậy, thì tại sao, thưa Cù-đàm, trong khi những người dân đang bị mất mùa đói kém, mà Ngài còn đi khất thực trong nhân gian và dẫn theo đông đảo đại chúng,… cho đến trước sau mâu thuẫn nhau, không giống nhau?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Ta nhớ chín mươi mốt kiếp từ trước đến nay, không thấy một người nào mà bố thí cho Tỳ-kheo lại bị cạn kiệt, hay bị tổn giảm cả. Này thôn trưởng, ông nhìn xem hiện nay có người giàu sang, nhiều tiền của, quyến thuộc đông đảo, tôi tớ đầy nhà, thì biết nhà ấy lâu dài ưa thích bố thí, chân thật tích chứa[49], nên được phước lợi này. Này thôn trưởng, có tám nguyên nhân khiến cho phước lợi người tổn giảm không tăng. Những gì là tám? Đó là bị vua bức hiếp, bị giặc cướp lấy, bị lửa đốt cháy, bị nước cuốn trôi, bị tiêu hao vì giấu cất, bị kẻ nợ không trả, bị kẻ oán thù tàn phá, bị hoang phí bởi con hư. Đó là tám nguyên nhân khiến cho tiền của khó tích tụ. Này thôn trưởng, Ta nói vô thường là nguyên nhân thứ chín. Như vậy, này thôn trưởng, ông đã bỏ đi chín nhân, chín duyên trên mà nói Sa-môn Cù-đàm phá hoại nhà người. Nếu ông không bỏ những lời nói ác, không bỏ ác kiến, thì cũng như gươm ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung, ông sẽ sanh vào trong địa ngục.”
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị lòng đâm ra sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng lên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, hiện tại con đã hối lỗi rồi, vì con như ngu như si, không tốt, không hiểu biết, nên đối với Cù-đàm con đã nói ra những lời dối trá hư vọng không thành thật.”
Sau khi nghe những gì Phật dạy, thôn trưởng Đao Sư Thị hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 915. ĐAO SƯ THỊ (2)[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Hảo y Yêm-la, tại thôn Na-la. Bấy giờ có thôn trưởng Đao Sư Thị, trước đây là đệ tử của Ni-kiền, đi đến chỗ Ni-kiền lễ sát chân Ni-kiền, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Ni-kiền bảo thôn trưởng:
“Ông có thể dùng ‘Tật-lê luận’ bàn luận cùng với Sa-môn Cù-đàm, để làm cho Sa-môn Cù-đàm nói cũng không được, không muốn nói cũng không được, được chăng?”
Thôn trưởng thưa Ni-kiền:
“Thưa thầy[51], thế nào là luận thuyết ‘Tật-lê luận’ có thể làm cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói cũng không được, mà không muốn nói cũng không được?”
Ni-kiền bảo thôn trưởng:
“Ông hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: ‘Cù-đàm không thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh phải không?’ Nếu nói là không, thì ông nên nói rằng: ‘Vậy, Cù-đàm có khác gì với kẻ phàm ngu si?’ Nếu trả lời là thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh, thì ông nên hỏi lại rằng: ‘Nếu muốn an ủi tất cả chúng sanh, vậy thì vì sao chỉ vì một hạng người này nói pháp mà không vì một hạng người kia mà nói pháp?’ Hỏi như vậy thì đó gọi là ‘Tật-lê luận’ sẽ làm cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói cũng không được, không muốn nói cũng không được.”
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị được sự khuyến khích của Ni-kiền rồi, đi đến chỗ Phật cung kính chào hỏi; sau khi cung kính chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, Ngài há không thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi nói lời an ủi tất cả chúng sanh?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Lúc nào Như Lai cũng thương xót, an ủi tất cả chúng sanh và lúc nào cũng khen ngợi nói lời an ủi tất cả chúng sanh.”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Nếu như vậy, thì tại sao Như Lai chỉ vì một hạng người này nói pháp, mà không vì một hạng người kia nói pháp?”
Phật bảo thôn trưởng:
“Bây giờ, Ta hỏi ông, ông cứ tùy ý mà đáp cho Ta.
“Này thôn trưởng, thí như có ba loại ruộng: Loại ruộng thứ nhất thì mầu mỡ, phì nhiêu; loại ruộng thứ hai thì trung bình; loại ruộng thứ ba thì cằn cỗi.
“Thế nào thôn trưởng, người chủ của những đám ruộng kia, trước tiên cày bừa, gieo giống vào đám ruộng nào?”
Thôn trưởng nói:
“Thưa Cù-đàm, trước tiên là phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng mầu mỡ phì nhiêu nhất.”
“Này thôn trưởng, kế đến lại phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng nào?”
Thôn trưởng nói:
“Thưa Cù-đàm, kế đến cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng trung bình.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Kế đến lại phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng nào?”
Thôn trưởng thưa:
“Kế đến cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng cằn cỗi xấu nhất.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Vì sao như vậy?”
Thôn trưởng thưa:
“Vì họ không muốn bỏ phế ruộng chỉ giữ lại giống mà thôi!”
Phật bảo thôn trưởng:
“Ta cũng như vậy, như đám ruộng mầu mỡ, phì nhiêu kia, các Tỳ-kheo Tỳ-kheo-ni của Ta lại cũng như vậy. Ta thường vì họ mà giảng nói Chánh pháp, lúc đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng. Sau khi họ nghe pháp rồi, nương vào nhà của Ta, đạo của Ta, sự che chở của Ta, bóng mát của Ta, đường hướng của Ta, lúc nào cũng dùng tịnh nhãn nhìn theo Ta mà sống và tự nghĩ như vầy: ‘Những pháp mà Phật đã nói ra, ta đều thọ trì, luôn luôn đem lại cho ta ý nghĩa lợi ích và sống an ổn an vui.’
“Này thôn trưởng, như đám ruộng trung bình kia, các đệ tử Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di của Ta cũng lại như vậy. Ta cũng vì họ giảng nói Chánh pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng. Sau khi họ nghe pháp xong, nương vào nhà của Ta, đạo của Ta, sự che chở của Ta, bóng mát của Ta, đường hướng của Ta, mà lúc nào cũng dùng tịnh nhãn nhìn theo Ta mà sống và nghĩ như vầy: ‘Những pháp Thế Tôn đã nói ra ta đều thọ trì luôn luôn đem lại cho ta ý nghĩa lợi ích, sống an ổn, an lạc.
“Này thôn trưởng, như đám ruộng xấu nhất của nhà nông kia, cũng vậy, Ta vì các dị học ngoại đạo Ni-kiền Tử, cũng vì họ mà nói pháp, pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng. Song đối với những người ít nghe pháp, Ta cũng vì họ mà nói và những người nghe pháp nhiều Ta cũng vì họ mà nói. Nhưng trong số những người này, đối với việc khéo nói pháp của Ta, đạt được một câu pháp mà biết được ý nghĩa của nó, thì cũng lại nhờ nghĩa lợi này mà sống yên ổn an lạc mãi mãi.”
Bấy giờ, thôn trưởng bạch Phật:
“Thật là kỳ diệu, Thế Tôn! Ngài đã khéo nói thí dụ về ba loại ruộng như vậyï.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Ông hãy lắng nghe Ta cho thí dụ khác: Như một người có ba loại đồ vật đựng nước: loại thứ nhất không bị thủng, không bị hư, cũng không bị thấm rỉ; loại thứ hai tuy không bị thủng, không bị hư, nhưng bị thấm rỉ; loại thứ ba thì vừa bị thủng, vừa bị hư, lại vừa bị thấm rỉ nữa.
“Thế nào, thôn trưởng, trong ba loại đồ đó người kia sẽ chọn loại nào để đựng nước sạch?”
Thôn trưởng nói:
“Thưa Cù-đàm, trước hết là nên dùng loại không bị thủng, không bị hư, không bị thấm rỉ để đựng nước.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Tiếp đến lại nên dùng loại nào để đựng nước?”
Thôn trưởng nói:
“Thưa Cù-đàm, kế đến nên đem loại không bị thủng, không bị hư, nhưng bị thấm rỉ để đựng nước.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Hai loại kia đã đầy rồi, sau cùng lại dùng loại nào để đựng nước?”
Thôn trưởng nói:
“Sau cùng phải dùng loại vừa bị thủng, bị hư, bị thấm rỉ để đựng nước thôi! Vì sao? Vì chỉ tạm thời dùng vào việc nhỏ trong chốc lát.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Giống như loại đồ của người kia không bị thủng, không bị hư, không bị thấm rỉ, các đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni của Ta lại cũng như vậy. Ta thường vì họ giảng nói Chánh pháp,… cho đến luôn luôn vì nghĩa lợi, mà sống an ổn an vui.
“Giống như loại đồ thứ hai tuy không bị thủng, không bị hư, nhưng lại bị thấm rỉ, các đệ tử Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di của Ta lại cũng như vậy. Ta thường vì họ giảng nói Chánh pháp,… cho đến luôn luôn vì nghĩa lợi, mà sống an ổn an vui.
“Giống như loại đồ thứ ba vừa bị thủng, bị hư, bị thấm rỉ; các đệ tử dị học ngoại đạo của Ni-kiền lại cũng như vậy. Ta thường vì họ giảng nói Chánh pháp, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, hoàn toàn thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng, dù nhiều hay ít Ta cũng vì họ mà nói. Nếu đối với một câu nói pháp của Ta mà họ biết được nghĩa của nó, thì cũng được sống an ổn, an vui mãi mãi.”
Lúc thôn trưởng Đao Sư Thị nghe những gì Phật nói, tâm sợ hãi vô cùng, lông toàn thân dựng đứng lên, liền đến trước Phật lễ dưới chân, sám hối những lỗi lầm:
“Bạch Thế Tôn, con như ngu, như si, không tốt, không hiểu biết; đối với Thế Tôn con đã nói những lời lừa dối hư trá không chân thật.”
Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ làm lễ mà lui.
*
KINH 916. ĐAO SƯ THỊ (3)[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Hảo y Yêm-la tại thôn Na-la. Bấy giờ có thôn trưởng Đao Sư Thị đệ tử của Ni-kiền, đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy Thế Tôn bảo thôn trưởng:
“Ông muốn bàn luận về những vấn đề gì? Ni-kiền Nhã-đề Tử đã nói những gì?”
Thôn trưởng nói:
“Ni-kiền Nhã-đề Tử nói: Người sát sanh, tất cả đều đọa vào trong địa ngục. Vì hành nhiều, nên sẽ dẫn đến nơi đó[53]. Cũng vậy, trộm cắp, tà dâm, nói dối cũng đều đọa vào trong địa ngục, vì hành nhiều, nên sẽ dẫn đến nơi đó.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu như Ni-kiền Nhã-đề Tử nói: Người sát sanh, tất cả đều đọa vào trong địa ngục. Vì hành nhiều, nên sẽ dẫn đến nơi đó. Nếu vậy, sẽ không có chúng sanh đọa vào trong địa ngục! Vậy này thôn trưởng, ý ông thế nào? Những chúng sanh nào bất cứ lúc nào cũng có tâm sát sanh? Lúc nào họ lại có tâm không sát sanh,… cho đến lúc nào có tâm nói dối, lúc nào có tâm không nói dối?”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, đối với ngày đêm, con người ít khi có tâm sát sanh,… cho đến ít khi có tâm nói dối, mà phần nhiều là không có tâm sát sanh,… cho đến nói dối.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Nếu như vậy, há chẳng phải không có người đọa vào trong địa ngục sao? Như những gì Ni-kiền Nhã-đề Tử nói: Người sát sanh, tất cả đều đọa vào trong địa ngục, vì hành nhiều, nên sẽ dẫn đến nơi đó,… cho đến nói dối cũng lại như vậy.’
“Này thôn trưởng, bậc Đại Sư kia, xuất hiện ở thế gian, bằng giác tưởng suy lường, nhập vào cõi giác tưởng mà an trú; đối với địa vị phàm phu tự đặt những điều được nói, nói, suy lường theo ý riêng, vì các đệ tử mà nói pháp như vầy: ‘Ai sát sanh, tất cả đều đọa vào trong địa ngục, vì đã tập hành nhiều nên sẽ dẫn đến nơi đó,… cho đến nói dối cũng lại như vậy.’ Các đệ tử của vị ấy, nếu tin vào những lời nói ấy, cho rằng: ‘Đại Sư của ta biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, có thể vì các đệ tử nói như vầy: ‘Nếu ai sát sanh thì tất cả đều đọa vào trong địa ngục vì đã tập hành nhiều nên sẽ dẫn đến nơi đó.’ Ta vốn có tâm sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối nên sẽ bị đọa vào trong địa ngục.’ Vì mắc vào tri kiến như vậy,… cho đến không bỏ được tri kiến này, nên chẳng chán cái nghiệp kia, chẳng biết hối cải nó; và đối với đời vị lai cũng chẳng bỏ được sát sanh,… cho đến chẳng bỏ được nói dối. Ý giải thoát[54] của họ không đầy đủ, tuệ giải thoát cũng không đầy đủ; vì ý giải thoát đã không đầy đủ, tuệ giải thoát không đầy đủ, nên đó là tà kiến hủy báng Hiền thánh. Vì nhân duyên tà kiến, nên sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào trong đường ác địa ngục.
“Như vậy, này thôn trưởng, có nhân, có duyên chúng sanh phiền não[55]; có nhân, có duyên mà nghiệp của chúng sanh phiền não[56].
“Này thôn trưởng, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời, thường vì chúng sanh mà quở trách việc sát sanh, khen ngợi việc không sát sanh; quở trách việc trộm cắp, tà dâm, nói dối, mà khen ngợi việc không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và thường đem pháp này giáo hóa, nhắc nhở lại các bậc Thanh văn làm cho tin ưa, nhớ đến là: ‘Đại Sư của ta biết rõ những điều cần biết, thấy những điều cần thấy, nên quở trách việc sát sanh, khen ngợi việc không sát sanh,… cho đến quở trách việc nói dối, khen ngợi việc không nói dối. Từ trước tới nay, vì ta ngu si không có trí tuệ nên có tâm sát sanh, do đó nên nay ta tự ăn năn trách mình.’ Tuy không thể làm cho những nghiệp kia không sanh khởi nữa, nhưng nhờ vào sự ăn năn tự trách này, mà đời vị lai xa lìa được sát sanh,… cho đến xa lìa được trộm cắp, tà dâm, nói dối và cũng được chánh ý giải thoát đầy đủ, tuệ giải thoát đầy đủ. Khi ý giải thoát, tuệ giải thoát đã đầy đủ rồi, sẽ không còn hủy báng Hiền thánh nữa, thành tựu được chánh khiến. Vì nhờ chánh kiến nên được sanh về đường lành ở cõi trời.
“Như vậy, này thôn trưởng, có nhân, có duyên khiến nghiệp của chúng sanh phiền não hay thanh tịnh.
“Này thôn trưởng, Thánh đệ tử đa văn kia phải học như vầy: ‘Tùy theo ngày đêm mà quán sát biết có tâm sát sanh khởi ít, biết có tâm không sát sanh khởi nhiều. Nếu có tâm sát sanh, thì sẽ ăn năn tự trách mình là chẳng đúng, chẳng tốt. Nếu không có tâm sát sanh, thì sẽ không có sự oán thù, tâm sanh tùy hỷ. Do tùy hỷ, hoan hỷ sanh. Do hoan hỷ sanh, tâm khinh an. Do tâm khinh an, tâm cảm thọ lạc. Do cảm thọ lạc, tâm định. Do tâm định, tâm của vị Thánh đệ tử câu hữu với Từ, không còn oán hận, không còn ganh ghét, không còn sân nhuế, rộng lớn vô cùng, bao trùm cả một phương, an trụ chánh thọ. Từ hai phương, ba phương cho đến bốn phương, bốn bên trên, dưới khắp cả thế gian tâm đều câu hữu với Từ, không còn oán hận, không còn ganh ghét, không còn sân nhuế, rộng lớn vô cùng, nếu khéo tu tập đầy khắp các phương, an trụ chánh thọ đầy đủ.”
Bấy giờ, Thế Tôn dùng móng tay quệt một tí đất rồi bảo thôn trưởng Đao Sư Thị rằng:
“Thế nào thôn trưởng, đất trong móng tay Ta là nhiều hay đất đại địa nhiều?”
Thôn trưởng bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay rất là ít so với đất đại địa vô lượng vô số.”
Phật bảo thôn trưởng:
“Như đất đã quệt ở trên là quá ít so với số đất đại địa vô lượng. Cũng vậy, đối với người tu tập tâm câu hữu với Từ, tu tập nhiều, các nghiệp có số lượng như đất đã quệt ở trên, không thể mang đi, không thể khiến trụ. Cũng vậy, nếu dùng tâm Bi để đối trị với trộm cắp, dùng tâm Hỷ để đối trị với tà dâm, dùng tâm Xả để đối trị với nói dối, thì sẽ không so sánh được!”
Trong khi Phật nói những lời này, thôn trưởng Đao Sư Thị, xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Thôn trưởng thấy pháp, đắc pháp, hiểu pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, xa lìa các nghi hoặc, không do người khác, không theo người khác, được vô sở úy ở trong Chánh pháp luật. Từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối bên hữu sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã được độ! Bạch Thế Tôn, con đã siêu việt! Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo, suốt đời con xin làm Ưu-bà-tắc. Thí như người muốn tìm đèn sáng, lấy đuôi ngựa làm tim đèn, muốn thổi cho lửa bừng lên, nhưng cuối cùng không được sáng, cũng chỉ tự làm mệt mình chứ đèn thì không bao giờ sáng. Con cũng như vậy, muốn tìm minh trí nơi các Ni-kiền Tử ngu si, mà gần gũi với ngu si, hòa hợp với ngu si, phụng sự một cách ngu si, cũng chỉ tự làm khổ mệt mình, chứ không bao giờ được minh trí. Cho nên, hôm nay lần thứ hai con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo. Từ nay trở đi, đối với Ni-kiền Tử ngu si, không tốt, không hiểu biết kia ít tin, ít kính, ít quý mến, ít nhớ đến, nay xa lìa họ. Thế nên, hôm nay lần thứ ba con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo, nguyện suốt đời làm Ưu-bà-tắc, tự làm sạch tâm mình.”
Sau khi thôn trưởng Đao Sư Thị nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
*
KINH 917. TAM CHỦNG ĐIỀU MÃ[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có ba loại ngựa để điều phục[58]. Những gì là ba? Có loại nhanh nhạy hoàn toàn, nhưng sắc không hoàn toàn, hình thể không đầy đủ; có loại ngựa sắc hoàn toàn, nhanh nhạy hoàn toàn, nhưng hình thể không đầy đủ; có loại ngựa nhanh nhạy hoàn toàn, sắc hoàn toàn và hình thể đầy đủ. Cũng vậy, có ba hạng người điều phục được. Những gì là ba? Có hạng người bén nhạy hoàn toàn, nhưng sắc không hoàn toàn, hình thể không đầy đủ; có hạng người bén nhạy hoàn toàn, sắc hoàn toàn, nhưng hình thể không đầy đủ; có hạng người bén nhạy hoàn toàn, sắc hoàn toàn và hình thể cũng đầy đủ.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là hạng người bén nhạy hoàn toàn, nhưng sắc không toàn vẹn, hình thể không đầy đủ, không điều phục được? Hạng người biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Quán như vậy mà đoạn tận ba kết: thân kiến, giới thủ và nghi. Đoạn tận ba kết này thì được Tu-đà-hoàn, không còn bị rơi vào pháp đường ác, quyết định hướng đến Chánh giác; chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, rốt ráo thoát khổ. Đó gọi là bén nhạy hoàn toàn. Thế nào là sắc không đầy đủ? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật mà không thể dùng lời nói, ý nghĩa đầy đủ để theo đó thứ tự trình bày đầy đủ, đó gọi là sắc không đầy đủ. Thế nào là hình thể không đầy đủ? Chẳng phải đức lớn, tiếng tăm, mà cảm hóa đến những thứ như: y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men. Đó gọi là người bén nhạy hoàn toàn, nhưng sắc không đầy đủ và hình thể không đầy đủ.
“Thế nào gọi là hạng người bén nhạy hoàn toàn, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ? Hạng người biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’... cho đến rốt ráo thoát khổ, đó gọi là bén nhạy hoàn toàn. Thế nào là sắc đầy đủ? Nếu có người hỏi về Luận, Luật... cho đến có thể vì họ mà giải nói, đó gọi là sắc đầy đủ. Thế nào gọi là hình thể không đầy đủ? Chẳng phải đức lớn, tiếng tăm, nên không thể cảm hóa đến: y phục, đồ ăn thức uống, ngọa cụ, thuốc men, đó gọi là người bén nhạy hoàn toàn, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ.
“Thế nào là hạng người bén nhạy hoàn toàn, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ? Hạng người biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’... cho đến rốt ráo thoát khổ, thì đó gọi là nhạy bén hoàn toàn. Thế nào là sắc đầy đủ? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật,... cho đến có thể giải nói, đó gọi là sắc đầy đủ. Những gì là hình thể đầy đủ? Đức lớn, tiếng tăm,... cho đến ngọa cụ, thuốc men, đó gọi là hình thể đầy đủ; và đó cũng gọi là hạng người bén nhạy hoàn toàn, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 918. THUẬN LƯƠNG MÃ[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có ba loại ngựa tốt. Những gì là ba? Có loại ngựa nhanh nhạy đầy đủ, nhưng sắc chẳng đầy đủ, hình thể chẳng đầy đủ; có loại ngựa nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ; có loại ngựa nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ. Ở trong Chánh pháp luật cũng có ba hàng thiẹân nam. Những gì là ba? Có hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể chẳng đầy đủ; có hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ; có hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ.
“Thế nào là hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ? Hàng thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế, biết như thật về sự Tập khởi khổ Thánh đế, biết như thật về sự Diệt tận khổ Thánh đế, biết như thật về Con đường đưa đến sự Diệt tận khổ Thánh đế. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, trừ được năm hạ phần kết sử đó là: thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế. Sau khi đã đoạn được năm hạ phần kết sử này rồi thì được Sanh Bát-niết-bàn, chứng A-na-hàm, không sanh trở lại cõi đời này nữa. Đó gọi là hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ. Thế nào là sắc không đầy đủ? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật mà không có khả năng hiểu rõ hình thức cũng như ý nghĩa của nó để theo đó lần lượt quyết định giải nói, đó gọi là sắc không đầy đủ. Thế nào là hình thể không đầy đủ? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn, mà có khả năng cảm hóa tài lợi, cúng dường, y phục, đồ ăn thức uống, thuốc men tùy bệnh, đó gọi là hàng thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, nhưng sắc chẳng đầy đủ, hình thể chẳng đầy đủ.
“Thế nào là nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể chẳng đầy đủ? Hàng thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế này,... cho đến đạt được Sanh Bát-niết-bàn, chứng A-na-hàm, không sanh trở lại đời này nữa, đó gọi là nhanh nhạy đầy đủ. Thế nào là sắc đầy đủ? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật, có khả năng đem văn nghĩa lần lượt tùy thuận quyết định mà giải nói, thì đó gọi là sắc đầy đủ. Thế nào là hình thể chẳng đầy đủ? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn, mà có khả năng cảm hóa tài lợi, cúng dường, y phục, đồ ăn thức uống, thuốc men tùy bệnh, thì đó gọi là thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể chẳng đầy đủ.
“Thế nào là thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ? Hàng thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế này,... cho đến chứng đạt Sanh Bát-niết-bàn A-na-hàm, không còn sanh trở lại cõi đời này nữa, đó gọi là nhanh nhạy đầy đủ. Thế nào là sắc đầy đủ? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật,... cho đến mà vì họ giải nói, đó gọi là sắc đầy đủ. Thế nào là hình thể đầy đủ? Là tiếng tăm, đức lớn có khả năng cảm hóa tài lợi,... cho đến các loại thuốc men, thì đó gọi là hình thể đầy đủ, đó cũng gọi là hành thiện nam nhanh nhạy đầy đủ, sắc đầy đủ, hình thể đầy đủ.”
Sau khi Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ vâng làm.
*
Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com
last upated: 24-02-2004