Skip directly to content

10- NHÂN ÁC

Hỏi: Kính thưa Thầy, lúc sống không tu tập đạo đức nhân quả, không tạo phước báo sau này, toàn sống theo lối thương trường, không quân tử nhất ngôn mà lật lọng (nay nói thế này mai nói thế khác). Lúc nào cũng muốn hơn người, xem mọi người dưới tầm tay, tầm mắt của mình, chỉ có mình là đúng, là giàu có, là quyền uy thế lực, còn thiên hạ chẳng có ai ra gì. Họ sống như vậy, hậu quả như thế nào, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Người đang sống không lo tu tập đạo đức nhân quả, không lo tạo phước báo sau này, toàn sống trong các pháp ác, tạo ra những nhân ác khiến cho những người ở chung quanh mình chịu gian nan, khổ đau, thì hậu quả ấy không thể nào tránh khỏi tai ương, khổ nạn, không những ở hiện tại mà còn kéo dài mãi ở kiếp sau.

Hiện tại qua tức là ngày đã qua (quá khứ), vì vậy, đối với những người đang giàu có, tỷ phú và có đầy đủ uy quyền thế lực, nhưng luật nhân quả không tha cho kẻ làm ác, dù họ có uy quyền như vua chúa, và giàu có nhất thế gian như Thạch Sùng, họ vẫn phải chịu những khổ đau, tai nạn, bịnh tật như những người khác.

Khi thiếu phước thì người trong gia đình luôn luôn gặp điều phiền muộn, khổ sở, hết người này đến người khác, tai nạn này vừa xong thì tai họa khác lại đến, có khi đến cả hai (phước bất trùng lai, họa vô đơn chí). Mới nhìn vào bề ngoài tưởng họ sống hạnh phúc lắm, nào ngờ bên trong là cả mọt Địa Ngục đau khổ. Nhưng vì vô minh, họ tưởng  họ  là người  có hạnh  phúc  hơn  hết, uy quyền thế lực hơn ai hết, giàu có hơn ai hết, v.v...

Vô minh đã che mất, khiến họ không thấy, và cho cuộc sống của họ như thế là chơn hạnh phúc, (giàu sang và uy quyền nhất thế gian). Sống như thế là hạnh phúc giả tạo. Họ như những con thiêu thân, thấy ánh sáng ngọn đèn vật chất là bu vào để mà chịu khổ, chịu chết; như những con chó ngu bỏ mồi bắt bóng. Họ cứ tưởng họ là kẻ trên hết, nhưng không ngờ, họ là người ti tiện, nhỏ mọn, ích kỷ, sống chỉ biết có mình, chẳng còn biết ai nữa hết.

Chuyện tự cao, tự đại, phách lối, ngã mạn, xem người như cỏ rác, tham muốn, giận dữ chửi mắng, la hét, đánh đập, làm đau khổ, chạy theo danh lợi, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v... nói chung làm khổ mình, khổ người, điều đó ai làm cũng được. Chuyện tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng trước mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, và khắc phục tâm tham, sân, si của mình là một việc khó làm, không phải ai cũng làm được.

Làm khổ mình, khổ người, tức là việc đem quả xấu, khổ đau, tai ương, hoạn nạn, bịnh tật cho mình, cho người, thì dù người đó có sang trọng, giàu có tột đỉnh, uy quyền, thế lực như vua chúa cũng không tránh khỏi quả khổ do mình gây ra.

Tuy có hằng trăm vạn quân lính, có tiền bạc của báu chất ngập cả không gian, cũng không làm sao tránh khỏi tai ương, họa khổ. Kiếp này chưa trả xong, kiếp sau vẫn phải tiếp tục trả nữa. Luật nhân quả công bằng không thiên vị một ai, dù kẻ đó là Ngọc Hoàng, Thượng Đế, hay chư Phật, một khi đã tạo ác, làm khổ người và chúng sanh, thì luật nhân quả phán xét xử phạt họ rất công minh.

Các con hãy để mắt nhìn xem, sẽ thấy quả báo nhãn tiền, họ không thể chạy đàng trời nào thoát khỏi, khi họ đang nằm trong vòng tay của nhân quả, không những trong kiếp hiện tại này mà còn phải tiếp tục trả ở kiếp sau nữa.

Các con hãy tin nhân quả, không bao giờ trên đời này có sự ngẫu nhiên, vô tình của vũ trụ, mà phải thấy sự vi diệu sắp xếp của Đạo Luật Nhân Quả rất tuyệt vời, không sai sót một ly hào nào của mỗi hành động thiện, ác, từ thân, miệng, ý của mỗi con người.