TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN I
Phải luôn luôn cảnh giác dẫn tâm vào đạo, đừng dẫn đạo vào tâm. Câu này dạy người mới bắt đầu tu tập phải đề phòng cảnh giác, cẩn thận, không được đụng pháp môn nào là tu theo pháp môn ấy, mà phải dè dặt chọn lựa pháp môn tu tập để đạt được giải thoát làm chủ sự sống chết. Nếu đã chọn lựa pháp môn và tu tập không đúng, tu thành thói quen rồi thì về sau sửa lại thật là khó khăn, có khi không còn sửa lại được nữa. Thí dụ có người lạc vào tà thiền, ức chế tâm, gây rối loạn thần kinh, điên khùng, không còn tỉnh táo, và không thể nào sửa lại được, đã trở thành phế nhân tàn tật. Cũng như người học nhiều giáo lý, tích luỹ kiến thức thế gian quá nhiều cũng khó sửa lại: họ đã nuôi lớn bản ngã bằng trời. Đó là do huân tập sở tri chướng quá nhiều. Con đường tu tập của họ qua những kiến thức này đã chấm dứt đời tu của họ. Nếu một người tu tập có thần thông bùa chú cũng không sửa lại được vì kiến chấp của họ chết cứng trong lớp vỏ này. Nếu người tu lạc vào Thiền Định Tưởng, có trạng thái khinh an, hỷ lạc, người này cũng khó sửa lại và chết cứng trong lớp vỏ này.
Bởi vậy trong giai đoạn I này, Thầy luôn luôn nhắc nhở quý vị phải đề cao cảnh giác, nếu không tu thì thôi, mà đã tu thì phải tu cho đúng pháp, nếu tu hành sai, thành thói quen lười biếng, mất hết nghị lực, khó tiến vào Định. Đó là những người muốn tu mà không được sự hướng dẫn cặn kẽ, tu tập theo ý muốn của mình, sinh tâm lười biếng làm tiêu hao nghị lực, lại còn lạc vào trạng thái của định tưởng, khiến cho đời tu chẳng đi đến đâu. Tu hành phải biết giờ giấc nghiêm chỉnh, giờ nào việc ấy. Phải luôn luôn cảnh giác năm điều sau đây:
1. Giữ gìn tâm bất động, chuyên ròng một hơi thở, không được xen tạp niệm.
2. Khi tọa thiền, phải giữ thân bất động, không nhúc nhích, lắc qua lắc lại. Không được ngồi thẳng quá (ưỡn ngực), không được ngồi chùn quá (khòm lưng).
3. Không được huân tập, học nhiều các pháp không phải là Phật Pháp.
4. Không được học lối lý luận, hý luận của các pháp, mà phải học pháp chuyên ròng, tu tập và rèn luyện làm chủ thân tâm.
5. Không được học pháp ở đầu môi chót lưỡi, cật vấn thiên hạ, tranh chấp hơn thua để nuôi lớn bản ngã.
Quý vị phải luôn luôn đề cao cảnh giác những loại tà sư thường hay cật vấn ngoài vấn đề tu tập, cố ý để tranh hơn thua. Hãy luôn luôn phải học tập Đức Phật. Khi có tà sư ngoại đạo đến cật vấn đường lối tu tập giải thoát ngoài vấn đề Đức Phật đã dạy thì không trả lời; vì hỏi không đúng đường lối tu tập giải thoát mà hỏi những điều trên trời dưới đất thì không đáp, hoặc làm thinh, hoặc trả lời: “Đó không phải là vấn đề của Ta, không phải là đường lối của Ta”. Đức Phật không để thì giờ lý luận, tranh đua với thiên hạ, vô ích. Vậy từ nay về sau quý vị phải học tập theo Đức Phật. Nếu có ai thật lòng tha thiết, muốn cầu pháp tu học, kính trọng thưa hỏi thì quý vị nên chỉ dạy. Còn những người hiu hiu tự đắc, cật vấn, hỏi điều này điều kia thì quý vị sáng suốt làm thinh, hoặc bảo: “Những điều quý vị hỏi không đúng cách thức tu tập ở đây, chúng tôi xin miễn nói vì ở đây chỉ biết tu tập để được giải thoát khổ đau, chứ không tranh luận hơn thua. Xin quý vị thông cảm”. Đó là điều nên cảnh giác đối với những loại người này. Khi thưa hỏi pháp tu, không được đòi hỏi phải giải thích chữ nghĩa, vì giải thích chữ nghĩa sẽ làm mất thì giờ vô ích. Bởi trí vô sư của quý vị do tu tập để làm chủ tâm mình, chứ không phải để ra giải thích những chuyện linh tinh. Người giải thích cho dễ hiểu là Giảng sư, người không giải thích là Thiền sư. Tuỳ ở Thiện hữu tri thức, khi cần giải thích thì họ giải thích, không cần thì họ không giải thích. Thiện hữu phải biết linh động, khéo léo, lúc đóng, lúc mở. Lúc đóng là để cho đệ tử khai triển trí tuệ, lúc mở là để khích lệ, sách tấn nỗ lực tu tập. Những điều này phải luôn luôn cảnh giác.
Tập ít nói, không nói chuyện tào lao, không bàn đến chuyện người khác. Luôn luôn giữ tâm thanh thản, và hướng đến thanh thản.
Thường sống một mình và hướng tâm sống độc cư một mình. Luôn giữ tâm vô sự và hướng tâm đến vô sự. Đó là phải luôn luôn cảnh giác.
Thường giữ gìn ý tứ khi làm công việc hay tiếp xúc với mọi người. Hãy dè dặt, cẩn thận từng lời nói, hành động. Luôn luôn phải giữ gìn, ôn tồn, nhã nhặn, từ ái với mọi người. Những hành động này phải luôn luôn giữ gìn, cảnh giác. Tu tập như vậy là dẫn tâm vào đạo. Nhờ có tu tập dẫn tâm vào đạo ta mới ly dục, ly bất thiện pháp, tâm được giải thoát, an vui, thanh thản, an lạc và vô sự.
Từ nay, hàng ngày quý vị phải tu tập thường xuyên không nên gián đoạn. Lúc nào, giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, luôn luôn phải cảnh giác giữ gìn tâm, dẫn tâm vào đạo. Có như vậy mới ly dục, ly ác pháp được. Như quý vị đã biết trong lần chuyển pháp luân lần đầu tiên, Đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế, nguyên nhân đau khổ của con người là tâm ái dục. Ái dục là lòng tham muốn, ưa thích, say đắm, đam mê. Vậy muốn xa lìa nó, phải dẫn tâm vào đạo, đừng dẫn đạo vào tâm.
Thế nào là đừng dẫn đạo vào tâm? Là nghe nhiều, học nhiều kinh sách mà không có thực hành, hoặc có thực hành thì cũng chỉ là hình thức, lấy lệ. Càng học nhiều, bản ngã càng to lớn thì tâm tham danh, thích lợi càng nhiều, nên bít mất đường lối tu tập của họ. Cho nên suốt đời của họ không có sự giải thoát mà chỉ có sự đam mê. Cô Diệu Quang không giải thích là để các con tự xả ngã, diệt tâm và tự triển khai trí vô sư của tư tuệ. Phần nhiều ngày nay người ta dẫn đạo vào tâm, ít có ai biết cách dẫn tâm vào đạo. Trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy Như Lý Tác Ý, đó là dẫn tâm vào đạo. Trong kinh Tiểu Thừa, Phật dạy Pháp Hướng Tâm, tức là pháp dẫn tâm.
Xưa Đức Phật còn tại thế không cho viết kinh sách vì sợ các đệ tử dẫn đạo vào tâm, nên Ngài chỉ nói cho tu tập, mà không cho ghi chép lại. Đến sau này, kiết tập mới có ghi chép. Nhưng từ khi có ghi chép, người ta khó chứng đạo chỉ vì họ dẫn đạo vào tâm quá nhiều. Rồi phát triển những kiến giải, tưởng giải, viết rất nhiều kinh sách, làm lệch con đường của Đức Phật. Đạo Phật bây giờ là Đạo Phật triết lý, Đạo Phật khoa học, Đạo Phật siêu việt, Đạo Phật tâm lý, Đạo Phật mê tín... Đạo Phật nhiều như vậy nên không có một tôn giáo nào hơn Đạo Phật được! Thật ra Đạo Phật không có dạy triết lý, không có dạy mê tín, không có dạy khoa học, không có dạy siêu việt, không có dạy tâm lý. Đạo Phật chỉ là một Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả thuần túy của con người để hướng dẫn con người trên thế gian này có một đạo đức thoát ra bản chất của loài động vật, cầm thú.
Nhưng chỉ có những người phải biết sống một đời sống an vui, không làm khổ mình, khổ người, sống thanh thản trước những diễn biến của nhân quả, và luôn luôn lúc nào cũng làm chủ nhân quả.
Từ đây quý vị hãy cố gắng tu tập để khắc phục tâm mình. Khi nào khắc phục được tâm mình thì Thầy sẽ giảng tiếp những giai đoạn sau này, còn bây giờ chúng ta tạm dừng ở đây để trả lời những câu hỏi của quý vị.