Skip directly to content

1- KHÔNG DIỆT Ý THỨC

Hôm nay Thầy gặp các con là để xem các con tu tập có đúng không. Thường sự sắp xếp lớp theo sự tu tập. Trong số các con, có người tu trong các giáo phái Thiền tông hay Tịnh độ tông, trong các giáo phái này mục đích là tu ức chế ý thức của ta, làm cho cái ý thức không còn khởi niệm. Ở đây đạo Phật dạy chúng ta ly dục ly ác pháp chứ không dạy chúng ta ức chế ý thức. Nhớ kỹ điều đó. Khi ly dục ly ác pháp thì tự nhiên nó không niệm. Để tự nhiên cho nó không niệm. Nên nhớ điều này. Chúng ta không chủ trương hết vọng tưởng là thành Phật. Không phải vậy. Ở đây không diệt ý thức của chúng ta. Phải để tâm tự nhiên không niệm khi nó đã ly dục ly ác pháp, chứ không phải ngồi cố gắng giữ tâm bất động cho nó không vọng tưởng bằng cách này hay cách khác; làm vậy là chúng ta đã ức chế tâm. Khi cố gắng giữ tâm không niệm, dù dùng bất cứ cách gì, đối tượng nào thì chúng ta cũng ức chế ý thức, cũng sai pháp.

Muốn tâm không niệm thì chúng ta phải ngồi trong thất, giữ gìn các giới phòng hộ, phải phòng hộ các căn, giữ gìn giới luật cho không hề vi phạm, nhất là giới ĐỘC CƯ, sống một mình, không tiếp duyên với ai hết. Đó là giới luật cần thiết cho chúng ta tu tập. 

Đức Phật nói: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu ngồi trong thất mà tâm phóng đi chỗ này chỗ kia, hoặc ra khỏi thất đi lang thang chỗ này chỗ nọ để tâm nhớ nghĩ người này người khác, mặc dù không gặp không nói chuyện với ai nhưng cũng là phóng dật. Pháp của Phật không ức chế ý thức cũng không diệt ý thức mà rèn luyện để ý thức có được lực ý thức bằng pháp tác ý.

Pháp tác ý có công năng tạo thành lực ý thức. Người tu hành không phải diệt ý thức mà tập luyện cho ý thức thành lực ý thức. Tu hành có mục đích làm cho tâm có được lực ý thức, chứ không phải diệt ý thức. Khi tâm có lực ý thức mạnh đúng mức thì nó sẽ làm cho ta có đủ TỨNHƯ Ý TÚC:

˗       Dục Như ÝTúc tức ta muốn cái gì thì thân tâm thực hiện như vậy;

˗       Định Như Ý Túc là ta muốn nhập định nào thì thân tâm ta nhập ngay vào định đó;

˗       Tuệ Như ÝTúc là ta muốn biết cái gì ở bất cứ nơi nào, vào thời gian nào ta đều biết hết;

˗       Tinh Tấn Như Ý Túc làm cho tâm lúc nào cũng ở trong trạng thái tâm bất động thanh thản an lạc vô sự. Tất cả Tứnhư ý túc đều ở trong tâm bất động.

Như bây giờ các con muốn tâm bất động, thanh thản,an lạc, vô sự bằng tác ý, nhưng tâm các con đâu theo các con, thì các con lại dùng một pháp ức chế ý thức để cho nó bất động, thì các con đã sai. Cứ để tự nhiên cho nó khởi niệm hay bất động; không dùng đối tượng nào, không dùng bất kỳ phương pháp nào làm cho nó không niệm, bằng không thì lạc vào các pháp ức chế tâm của ngoại đạo. 

Phải để tâm khởi niệm tự nhiên. Càng khởi niệm nhiều càng tốt. Mỗi niệm khởi đều có tính cách của dục và ác pháp, thì tác ý. Mà càng tác ý nhiều thì đương nhiên càng tạo nên lực ý thức. Các con thấy cơ bắp cánh tay co vô duổi ra nhiều thì nó phải mạnh chứ sao; cũng như cái ý thức của ta mà cứ tác ý hoài thì nó phải mạnh chứ sao. Còn các con không chịu tác ý, cứ dùng các cách để giữ tâm bất động thì làm sao tạo nên lực ý thức.

Ta lắng nghe tâm khởi niệm. Khi tâm khởi niệm thì nó có tính cách của dục và ác pháp. Ác pháp là những ý nghĩ như thương ghét, nhớ nhung, lo lắng,… hay tự thấy còn thiếu sót, chưa làm xong điều này điều nọ cần phải về để giải quyết cho xong... Những cái như vậy làm tâm các con bị động, là ác pháp, cho nên phải ly bằng pháp tác ý, chứ không phải ngồi mà ráng cho hết vọng tưởng. Những niệm này chúng ta xem là vọng tưởng, nhưng thật ra chúng chính là ý thức của chúng ta, là trí tuệ của chúng ta, cho nên chúng ta không diệt nó.

Khi tâm bất động,thanh thản,an lạc,vô sự và hoàn toàn thanh tịnh tự nhiên thì trí tuệ đó trở thành tuệ như ý túc của trí tuệ ba minh. Nếu chúng ta diệt ý thức thì nó đâu còn hoạt động, chúng ta không còn suy nghĩ, không còn biết gì nữa; chúng ta trở thành như gốc cây, như tảng đá, không còn hoạt động, không còn suy nghĩ, không còn biết cái gì hết. Cho nên,hằng ngày phải tác ý để sự tác ý trở thành lực ý thức và khi chúng ta muốn biết cái gì thì tuệ của chúng ta biết tất cả, chúng ta mới có ba minh.

Khi tu sai, chúng ta ức chế ý thức cho khôngvọng tưởng thì vất vả lắm nhưng bị lạc thiền, không đi tới đâu cả, mà khi ý thức không làm việc thì tưởng thức sẽ làm việc. Rồi có một chút ít những việc kỳ lạ, những việc lạ lùng thì các con coi là có thần thông. Điều đó là sai, cái thần thông đó chỉ là do tưởng lưu xuất ra. Tránh làm cho tưởng lưu xuất dưới dạng những thần thông. Đó không phải là cứu cánh mà cứu cánh của các con là làm chủ sự sống chết bằng lực ý thức.

Hiện giờ trong số các con đang ngồi đây, có người tác ý thì cơn đau giảm, nhưng đó là ý thức mới ch̉ỉ có chút xíu lực có khả năng đẩy lui được bệnh nhưng không thể tác ý bảo tịnh chỉ hơi thở, bỏ thân này thì nó chưa làm được. 

Cho nên,Thầy nhắc nhở các con: Trong sự tu tập hằng ngày, các con phải dùng pháp tác ý, không được ức chế tâm. Có như vậy mới tu không sai, chứ không khéo, bởi theo những thư trình nói con nhiếp tâm như thế này như thế khác, không đúng với cách nhiếp tâm bằng pháp Như lý tác ý mà Thầy đã dạy, thì các con sẽ lọt vào không tưởng.

Khi ý thức bị ngưng hoàn toàn thì không phải nó ở trong không ngơ mà nó lọt vào không tưởng không sao tránh được. Khi tưởng hoạt động thì như người khùng chứ không còn bình thường. Có một số người tu lọt vào trong pháp tưởng rồi nói đủ thứ, làm như mình thông suốt đủ loại. Đó là cái bệnh.

Thầy dạy các con ly dục ly ác pháp như thế nào? Các con ngồi chơi trong thất trong tất cả mọi tư thế oai nghi như ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi dựa lưng trên ghế, rồi nằm, rồi đi, cứ luôn luôn lúc nào cũng quan sát xem tâm có những tâm niệm nào. Cứ luôn luôn quan sát tâm mình. Tâm niệm chỉ mới nhá lên thôi, chưa thành niệm gì cả, nó chỉ mới chớp một cái thôi, ngay khi các con biết thì nó đã lặn rồi và các con cho rằng như vậy là đúng pháp “biết vọng liền buông”, không làm gì cả. Cái cho như vậy là sai, những cái nhá đó là niệm, cứ hiện ra hoài không bao giờ hết niệm đâu, không đúng pháp Phật đâu.

Khi có nhá niệm như vậy, dù cho khi các con biết thì nó đã mất rồi, không còn nữa, nhưng các con cũng phải tác ý Tâm phải bất động, phải không niệm”, “Chỗ này là chỗ tâm bất động, không phải chỗ của mày làm việc”. Đừng bỏ qua bất kỳ cái nhá niệm nào vì đó là niệm. Có niệm là làm tâm động nên phải dẹp niệm đó xuống bằng pháp tác ý. Phải dẹp không cho có niệm nào. Dù chỉ có nhá niệm thôi. Có tác ý thì mới tạo thành lực ý thức.