Skip directly to content

40- THỦ GỒM CÓ BỐN

LỜI PHẬT DẠY “Dục thủ Kiến thủ Giới cấm thủ Ngã chấp thủ”.

CHÚ GIẢI:

Muốn hiểu được lời dạy của Đức Phật thì chúng ta phải hiểu từng chữ nghĩa cho rõ ràng. Vậy thủ nghĩa là gì?

Thủ là chữ Hán, có nghĩa là giữ gìn, cố chấp, ngoan cố, bảo thủ. Theo Phật Giáo con người có bốn điều kiện cố chấp, bảo thủ đi đến ngoan cố, không chịu cởi mở, xả bỏ, buông xuống, v.v...

- Sự cố chấp, bảo thủ thứ nhất là “Dục thủ”. Vậy dục thủ nghĩa như thế nào? Dục thủ là chữ Hán. Dục nghĩa là lòng   ham muốn; thủ là giữ gìn, bảo thủ. Hai chữ dục thủ có nghĩa là bảo thủ, cố chấp vào lòng ham muốn của mình, hay còn có nghĩa là không buông bỏ lòng ham muốn. Biết lòng ham muốn là nơi tập hợp sinh ra muôn ngàn thứ khổ đau cho kiếp sống con người. Thế mà không ai bỏ được lòng ham muốn của mình. Đó là dục thủ.

- Sự cố chấp, bảo thủ thứ hai là “Kiến thủ”. Vậy kiến thủ nghĩa là gì? Kiến thủ là chữ Hán. Kiến nghĩa là ý kiến của mình, sự hiểu biết của mình, sự vay mượn tích lũy những tư tưởng tà kiến của người khác, của kinh sách ngoại đạo, của triết học, của khoa học, y học, v.v…Thủ là giữ gìn, bảo thủ. Hai chữ “kiến thủ” có nghĩa là bảo thủ cố chấp vào ý kiến hiểu biết của mình hoặc vay mượn của người khác.

Nhưng dù những ý kiến đó sai, mọi người ai nói gì, khuyên gì cũng không chịu buông bỏ những kiến chấp tà tư tưởng, tà pháp ấy, v.v...

Ví dụ: Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ không phải Phật thuyết, tu tập chẳng ra gì, nhưng họ vẫn vô minh chấp cứng giáo pháp đó. Ai nói kinh này sai là họ lộn gan lên đầu.

Biết rằng kiến thủ là những điều sinh ra ngu muội, khiến cho ta phải chịu muôn ngàn thứ khổ đau. Thế mà ít người bỏ được những kiến thủ đó!.

- Sự cố chấp, bảo thủ thứ ba là “Giới cấm thủ”. Vậy Giới cấm thủ nghĩa là gì? Giới cấm thủ là chữ Hán, nghĩa là những giới luật bắt buộc một cách vô lý như: Tu hạnh con bò, tu hạnh con chó, đứng một chân, ngâm mình trong nước, ăn phân bò con, ăn rất ít, ngủ ngồi, ngủ đứng, ngủ trên rác bẩn, giết 1.000 người thì chứng đạo, v.v... thì mới được cộng trú với Phạm Thiên.

  Ba chữ “Giới Cấm Thủ” có nghĩa là bảo thủ, cố chấp vào tà giới luật làm khổ mình, khổ người, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát chân thật.

Những giới luật của Phật Giáo là những hành động đạo đức không làm khổ mình khổ người. Nên giới luật đã giúp cho những người biết giữ gìn thì có một đời sống an lạc với tâm hồn thanh thản và vô sự, tràn đầy hạnh phúc trong cuộc sống. Cho nên giới luật của Phật Giáo là pháp môn thiện giúp cho con người sống trong thiện pháp. Nó là nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người.

Còn giới cấm thủ là các ác pháp. Ví dụ: Khi ngồi kiết già hai chân bị đau mà cố ngồi chịu đau cho hết giờ. Đó là giới cấm thủ, là giới luật làm khổ mình mà cứ cố giữ gìn. Người tu khổ hạnh là người bị giới cấm thủ ràng buộc. Cho nên Đạo Phật không chấp nhận khổ hạnh, vì khổ hạnh đi ngược lại đường lối giải thoát của Đạo Phật. Vì thế Đức Phật nói:

“Đạo Ta không có thời gian đến để mà thấy… ”. Chính lời dạy này mà chúng ta mới biết Phật Giáo là đạo giải thoát thật sự, không dối người.

- Sự cố chấp, bảo thủ thứ tư là “Ngã chấp thủ”. Vậy Ngã chấp thủ nghĩa là gì? Ngã chấp thủ chữ Hán, nghĩa là bảo thủ, cố chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngã của mình, cho là ta, là của ta, bản ngã của ta. Nếu ai động đến thì sân hận, giận dữ, sinh ra phiền não khổ đau, v.v...

Con người sinh ra ở đời vì lầm chấp ngã là thật có, nên phải chịu nhiều thứ khổ đau. Bởi vì chấp ngã nên xem ngã bằng trời, nếu ai đụng đến ngã của họ là họ sẽ ăn thua đủ...Cướp của, giết người, gian tham trộm cắp cũng vì ngã, cờ gian bạc lận cũng vì ngã, làm việc mê tín, bói khoa, cúng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, cầu siêu cầu an lường gạt người cũng vì ngã...

  Ngã chấp thủ là những từ chỉ cho sự lầm lạc, ngu si lầm chấp cái không thật có mà cho là có thật. Ai cũng biết năm duyên ngũ uẩn hợp lại thành một con người, khi năm duyên này rã ra thì chẳng có cái chi là con người, là ngã cả.

Bởi chúng ta không chịu tư duy suy xét cho kỹ lại xem cái gì là ngã ở đâu. Nếu thật có ngã thì sau khi chết cái ngã ở đâu hay chỉ còn là một đống đất hôi thối?

Tóm lại: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã chấp thủ là bốn điều bảo thủ cố chấp một cách lầm lạc, sai lệch để mang lấy những hậu quả khổ đau bất tận từ kiếp này sang kiếp khác.

Người tu theo Phật Giáo thấy bốn điều chấp thủ này thì rất sợ hãi, luôn luôn tìm mọi cách từ bỏ, tránh xa. Xem nó như loài rắn độc, khi bị nó cắn thì nọc độc lan khắp người, mà không có thuốc gì cứu chữa được. Vì thế mà loài người đành phải chịu chết trong bốn loại nọc độc này. Xin các bạn lưu ý ngay từ phút này cẩn thận dè dặt từng tâm niệm của mình nếu thấy có bóng dáng của: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã chấp thủ thì phải mau mau diệt trừ tận gốc .