TU TẬP Ý TỨ TRONG BA NGHIỆP
1/. Tu tập ý tứ ý hành niệm . Khi tâm khởi một niệm, ta phải quan sát niệm đó, phân tích, và tìm ra nguyên nhân, mục đích của nó. Khi thấu rõ nó là ác pháp thì nó liền tan biến. Đó là tu tập ý tứ ý hành niệm, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.
2/. Trước khi muốn nói ra một lời nào đó thì ta phải khởi ra một ý niệm trước.
Khi ý niệm khởi xong, ta phải quan sát ý niệm đó, tìm nguyên nhân, mục đích của nó. Khi thấu rõ ý niệm đó ta mới nói ra lời. Đây là tu tập ý tứ khẩu hành niệm để ly bất thiện pháp, lập đức nhẫn nhục.
3/. Khi tâm muốn làm một điều gì, ta phải khởi ra ý niệm của việc làm đó , rồi cũng tìm ra nguyên nhân, mục đích của nó. Khi đã tìm xong, biết nó là thiện pháp thì thân mới bắt đầu hành động. Đó là tu tập ý tứ thân hành niệm để ly các ác pháp và lập đức nhẫn nhục.
Tóm lại, đức nhẫn nhục giúp cho ta trở thành người hiền hòa, bình tĩnh và sáng suốt, ôn tồn, nhã nhặn và từ ái. Nó giúp cho con người từ phàm phu trở thành thánh nhân. Đức nhẫn nhục mang đến cho ta niềm vui, an lạc, hạnh phúc đời đời. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ mất tiêu luôn. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì an lạc đi đến đó cho mọi người. (TCB / 25, 26) ** Đức tùy thuận là một phương tiện ly bất thiện pháp, xả ngã rốt ráo. Nếu một người còn chấp một chút ngã cũng không tu tập đức tùy thuận đúng cách. Nó xây dựng và rèn luyện con người thành người biết tôn trọng ý kiến người khác, con người rất sáng suốt và bình tĩnh trước mọi ý kiến của người khác.