Skip directly to content

MINH VÀ VÔ MINH

“Vô Minh” không phải là không hiểu, mà là hiểu sai, hiểu không đúng. Vô Minh là thấy biết các pháp không đúng như thật. Thí dụ thấy thân nầy lầm chấp cho là ngã, là của mình, hoặc cho tâm là linh hồn, cho ý thức thanh tịnh là Phật tánh; đó là Vô Minh. Thân nầy do duyên hợp mà thành, lầm chấp cho thân nầy là thường, lạc, ngã, tịnh; đó là Vô minh.
“Minh” là sự hiểu biết các pháp như thật, là hiểu một điều gì đúng như thật. Thí dụ: Biết mười hai nhân duyên hợp lại là thế giới khổ, biết mười hai duyên tan rã là thế giới hết khổ; biết thân nầy không phải là ta, là của ta; đó là Minh. Minh là hiểu được cuộc đời là đau khổ, biết rõ nguyên nhân sanh ra khổ, biết rõ khi đoạn diệt thì một trạng thái an lạc thanh thản, nhẹ nhàng phát sanh, và biết rõ tám đường đi đến đoạn tận khổ đau của kiếp người. Minh là biết rõ thân nầy khi hoại diệt không có linh hồn, thần thức, không có một vật thường hằng (bản thể vạn hữu, Phật tánh, chơn như).
(IV/ 153-155) Chúng ta sanh ra đời, mang nghiệp thân nhân quả khổ đau nầy là do vô minh. Nếu quét sạch vô minh thì ta đã giải thoát hoàn toàn, đâu còn gì phải tu nữa. Chính vì phá vô minh mà đạo Phật dạy ta tu tập, nhắm vào sức tỉnh giác. Từ Chánh Niệm Tỉnh Giác Định đến Định Niệm Hơi Thở đều phải tu trên thân hành niệm, lấy mọi hành đông của thân tu tập để tạo sức tỉnh thức. Sức tỉnh thức chưa có thì vô minh còn; vô minh còn thì tham, sân, si còn; tham, sân, si còn thì ác pháp còn ; ác háp còn thì tâm dục còn; tâm dục còn thì chưa giải thoát.
Muốn phá vô minh mà hành giả cứ tìm kiếm học hỏi và nghiên cứu để được thông suốt giáo lý kinh điển thì hành giả đó chỉ là học giả, vô minh lại càng vô minh hơn. Đừng nghĩ rằng học hỏi, nghiên cứu, thông suốt tam tạng kinh điển là hết vô minh. Đó là điều nghĩ sai. Có rất nhiều tu sĩ, và học giả thông suốt kinh sách, lý luận sắc bén, đối đáp như gió thổi. Nhưng đối với đạo Phật, họ vẫn là kẻ vô minh chỉ vì chưa có tỉnh thức.
Vậy, phải tu tập như thế nào để phá sạch vô minh?
Đức Phật biết rất rõ là các pháp ngoại đạo không thể nào đạt được giải thoát nên Ngài dạy chúng ta:
1/. Trước tiên phải thực hành “Thân hành niệm”, nghĩa là nương theo hành động của thân (nội và ngoại) mà tu tập để tạo sức tỉnh thức . Nhờ có tỉnh thức, tâm mới phá vô minh, tức là tâm luôn luôn tỉnh thức trong chánh niệm. Đức Phật đã ghép hai danh từ thành một tenm định của đạo Phật “Chánh niệm Tỉnh Giác Định”, một loại định xã tâm, diệt ngã, ly dục, ly ác pháp, mang đến cho hành giả từng phút, từng giây giải thoát.
Pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác Định còn có tên là “Tứ Chánh Cần”, pháp môn ngăn ác, diệt ác pháp tuyệt vời, luôn luôn sống trong thiện pháp, khiến cho hành giả có tâm hồn an lạc, thanh thản.
2/. Giai đoạn thứ hai của con đường tu Phật, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, hành giả phải tu “Định Vô Lậu”. Muốn tu tập Định Vô Lậu (quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp theo Kinh Tứ Niệm Xứ) hành giả phải có sức tỉnh thức khá cao. Dùng sức tỉnh thức đó quán xét nhân quả trong mỗi đối tượng, mỗi sự việc, và mỗi hoàn cảnh. Từ đó sẽ thấy các pháp vô thường như thật, khổ như thật, và bất tịnh như thật.