Skip directly to content

VỌNG TƯỞNG

Vọng tưởng là những tư niệm lăng xăng tự động khởi niệm trong đầu, phần nhiều thụộc về quá khứ vị lai (hồi niệm, hồi ức). Những tư niệm nầy căn gốc đều do lòng ham muốn và ác pháp sanh ra, trong kinh Nguyên Thủy gọi là tầm ác.
Tầm ác là những suy tư, nghĩ tưởng làm khổ mình, khổ người. Theo Kinh Nguyên Thủy có hai loại tầm, gọi là SONG TẦM: tầm thiện và tầm ác. Trong bài kinh Song Tầm, tập I Trung Bộ Kinh, trang 261, Đức Phật dạy: “Có hai loại suy tư:
1. Suy tư ác: tầm ác (dục tầm, sân tầm, hại tầm) 2. Suy tư thiện: tầm thiện (ly dục tầm, vô sân tầm, vô hại tầm) Niệm ác là những suy tư nào làm khổ mình, khổ người. Niệm thiện là những suy tư nào không làm khổ mình, khổ người. Phật dạy chúng ta ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm bằng cách nhận diện những niệm ác khởi lên trong tâm . Chỉ cần biết nó là niệm ác làm khổ ta, khổ người, làm hại ta, hại người và làm ta mất trí tuệ giải thoát , thì nó tự biến mất. Và cứ thế, ta tiếp tu tập xả ly, đoạn từng niệm một, thì tâm ta được thanh tịnh, đời sống ta được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau, phiền não nữa. (V/166,169) Nên nhớ, nếu thấy được niệm ác khởi lên trong tâm là nguy hại, là hạ liệt, uế nhiễm, đau khổ thì quý vị sẽ trừ bỏ, xả ly, đoạn tận, viễn ly. Đây là sự lợi ích lớn nhất cho qúy vị: tâm được thanh tịnh và các thiện pháp sẽ hiện tiền. Tâm quý vị sẽ được hoàn toàn an lạc và thanh thản. (V/170).
Kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông nhắm vào chỗ “Vọng tưởng”. Vọng tưởng hết rồi thì viên mãn. Nhưng thiền Nguyên Thủy thì khác xa. Tầm ác, tức là vọng tưởng ác thì ngăn chặn và diệt sạch ; còn tầm thiện thì sanh khởi và tăng trưởng, không diệt, mà còn nuôi dưởng để không làm khổ mình, khổ người. Nhờ tầm thiện đó mà mỗi con người xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản, không làm khổ mình, khổ người.
Muốn diệt tầm ác (vọng tưởng) thì dùng pháp hướng tâm tác ý (như lý tác ý) để ngăn chặn và diệt trừ nó, và tăng trưởng tầm thiện (vọng tưởng thiện, niệm thiện) để giúp tâm không làm khổ mình, khổ người, để trở về trạng thái bình thường, thanh thản, an lạc, vô sự, định tĩnh.
Tóm lại, Đại Thừa và Thiền Tông ức diệt vọng tưởng (ức chế tâm) để đạt trạng thái yên lặng gọi là Thiền định. Còn Phật dạy dùng pháp hướng tâm như lý tác ý để ly dục, diệt ngã, xả tâm, quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử. Khi tâm đạt vô lậu tâm định, không còn nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của thế gian thì tâm được thanh tịnh. Đó gọi là Định.