PHÁP HƯỚNG TÂM
Có một Phật tử trình với Hòa Thượng rằng: “Cô Út dạy con khi đau nhức bất cứ chỗ nào trong thân thì con hướng tâm ám thị nó . Con áp dụng hai lần thì cơn đau giảm thấy rõ, và sau cùng hết đau.” Trong kinh sách của Đức Phật, khi bắt đầu thực hành, hành giả phải có TÍN LỰC. Tín lực là lòng tin mạnh mẽ để người tu sĩ đạt được đạo. Người không có lòng tin thì chẳng có kết quả tốt. Trong ngũ lực (tín, tấn, niệm, định, huệ) thì tín lực là pháp tu hành đầu. Nếu không đặt trọn niềm tin thì việc tu hành cũng vô ích.
Người tu sĩ muốn ly dục, ly ác pháp để tâm mình được thanh thản, an vui thì phải đặt trọn niềm tin ở người thiện hữu tri thức, nếu không đặt trọn niềm tin, người tu sĩ tu hành khó có kết quả.
Pháp hướng tâm là một pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời. Nếu siêng năng tu tập và giữ đúng giới luật, đừng vi phạm một lổi lầm nhỏ nào thì kết quả pháp hướng có đủ năng lực (đạo lực) điều khiển, truyền lệnh làm chủ thân tâm (nhân quả), giải thoát sanh, già, bệnh chết hoàn toàn …… Nếu con có đủ niềm tin ở pháp môn nầy, thì hãy cố gắng hàng ngày đừng xao lãng, lúc nào cũng nhớ hướng tâm. (Đức Phật đã thành tựu đạo quả là nhờ pháp ấy. Hòa Thượng Trảng Bàng sống an lạc, giải thoát cũng là nhờ pháp ấy) V/58 Đức Phật dạy: “Nầy các tỳ kheo! Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Nầy các tỳ kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được loại trừ”.
Nếu quý vị biết dùng pháp như lý tác ý hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì sự khổ đau sẽ không đến với quý vị, và sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Lúc còn đang nhập thất, chúng tôi ngộ được pháp như lý tác ý nên trong suốt sáu tháng tinh cần tu tập pháp nầy với câu trạch pháp: “Tâm như cục đất, phải ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Chỉ có một câu như vậy mà chúng tôi đã nhập Sơ Thiền một cách dễ dàng, không có khó khăn.
Chín năm trời nhập thất, tu không đúng pháp, rất là gian nan, vất vả; nhưng đến khi dùng pháp như lý tác ý chỉ có một thời gian ngắn mà chúng tôi làm chủ được thân tâm, kết quả giải thoát hoàn toàn. (NLPD I / 61,62)