HẠNH ĐỘC CƯ
Độc cư là sống trầm lặng một mình, sống tâm quay vào trong, không phóng dật, không kết bè, kết bạn,không nói chuyện phiếm, chỉ lo sống đúng pháp, đúng giới luật. Ngày ngày chuyên cần tu tập, trao dồi thân tâm bằng các pháp Phật đã dạy.
Sống độc cư không có nghĩa là không nói chuyện. Nhưng, có chuyện gì để nói bây giờ? Nên âm thầm, lặng lẽ, nỗ lực tu tập, không có phút giây nào rãnh rỗi mới gọi là độc cư.
Trước các pháp, không bị cám dỗ là độc cư ; trước những thân bằng quyến thuộc không lay động, thương, ghét là độc cư ; trước những lời nhục mạ, phỉ báng tâm không giận hờn, phiền não là độc cư; trước những cảnh thọ lạc, thọ khổ, bất lạc bất khổ mà tâm không lay động là độc cư; trước những éo le đau khổ của kẻ khác tâm vẫn thanh thản, an nhiên, bất động là độc cư; trước những cảnh ác thú và giặc cướp mà tâm vẫn an nhiên, bất động là độc cư. Độc cư không có nghĩa là không nói chuyện, hay là độc câm. (Xem 42 bài kệ của Đức Phật về Độc Cư) II/158 Mục đích của độc cư là giữ tâm chuyên nhất vào pháp hướng tu tập, không phóng tâm ra ngoài. Người không giữ hạnh độc cư để tâm phóng chạy theo trần cảnh sanh ra trạo cử, gọi là tuôn trào. Khi tâm tuôn trào, chạy đi nói chuyện đầu nầy, đầu kia là phá hạnh độc cư. Người được xem là tu sai khi tâm người ấy không bao giờ xả được. Họ chỉ nói xả chứ kỳ thật tham, sân, si, mạn, nghi, thương, ghét, thù oán, tỵ hiềm vẫn như cũ mà còn xảo trá, hung ác nữa. Đức Phật gọi tâm nầy là tâm phóng dật. Người tu hành mà còn để tâm phóng dật thì không thể tu theo đạo Phật được.
Nên trở về đời sống thế gian, trao dồi đạo đức nhân quả thì không nợ nần của đà na thí chủ.
Có người nhập thất một tháng đến ba tháng, rồi xả thất, trở về nhà … Sau đó lại nhập thất tiếp. Tu như vậy suốt đời cũng chẳng tới đâu, vì luôn phá hạnh độc cư.
Người muốn độc cư được trọn vẹn thì phải giữ tâm trong pháp hành không có kẽ hở. Còn có kẽ hở thì tâm theo đó mà phóng ra, khiến cho ta cô đơn vô cùng.
Từ đấy tâm dễ sanh buồn chán tu hành, không còn thích tu nữa. Do đó chỉ còn tu lấy lệ cho qua ngày.
Nếu sống không đúng hạnh độc cư , thường bị phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, thì dù tu bất cứ loại thiền nào con cũng sẽ rơi vào tà thiền. Tà thiền ở đây có nghĩa là loại thiền không làm chủ được sự sống chết, và không chấm dứt được luân hồi, tái sanh. (I/112-113)