Skip directly to content

TÀM QUÝ

Tàm là mắc cỡ, xấu hổ trước mặt mọi người về một việc làm sai trái của mình.
Quý là tự mình cảm thấy xấu hổ về việc làm sai trái của mình mặc dù không có ai thấy, hay biết.
Người muốn giữ gìn giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được. Cũng như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu thiện pháp được.
Người muốn giữ gìn đức hạnh làm người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức hạnh được. Người muốn tu hành giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được.
Nếu con người không có tàm quý thì con người chẳng khác nào một loài cầm thú, chẳng còn luân thường đạo lý gì cả. Nếu sống trong ác pháp làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh mà không biết xấu hổ (tàm quý) là loài ác thú chớ không phải là con người; và tệ hơn nữa, họ là ác quỷ.
Nếu một vị tỳ kheo tăng và một vị tỳ kheo ni phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà không biết xấu hổ (tàm quý) là loại bọ chét trong lông thú vật, chứ không phải là tu sĩ, đệ tử Đức Phật; và tệ hơn nữa, họ là loài Ma Vương cùng với ma chúng đang diệt Phật giáo.
Tóm lại, tàm quý (xấu hổ) là một pháp môn rất cần thiết cho người đời cũng như cho những người tu sĩ quyết tìm đường cứu mình thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, và luân hồi. Nếu con người mà không biết xấu hổ thì có khác nào là một con thú, và luân thường đạo lý trên thế gian nầy sẽ đảo lộn. Người ta sẽ chà đạp lên nhau vì miếng ăn, sự sống, và vật chất. Lúc ấy, loài người chỉ là một loài thú thông minh, tình người sẽ không còn trên hành tinh nầy nữa, và chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt.
(NLPD I /27-29)