Skip directly to content

TU KHÔNG ĐÚNG PHÁP PHẬT ĐÃ DẠY

Trong kinh Song Tầm, Đức Phật nhắc các vị tỳ kheo: Chư tỳ kheo, con đường nguy hiểm chỉ là con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.” Tà kiến và ác pháp là không chịu xả tâm mà cứ mãi ức chế tâm cho hết niệm thiện, niệm ác. Đó là quý vị rơi vào tà định, tà thiền. Tu như vậy thì ngàn đời quý vị tu cũng chẳng tới đâu cả, chỉ uổng công tu mà thôi.
Những điều tu sai, ức chế tâm, đó là tà định; sống phạm giới, bẻ vụn giới, không lấy giới phòng hộ sáu căn, sống cuộc đời không thiểu dục tri túc, ăn uống phi thời, là sống trong tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm . Điều nầy thì ai cũng biết rõ, nhưng chẳng có ai dám nói ra. Nói ra thì mất lòng người, và làm thối thất niềm tin của bao nhiêu người khác.
1/ Nhiều pháp tu trong Phật giáo ngày nay đều thực hành theo pháp ngoại đạo.
Từ chỗ niệm Phật để nhất tâm, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, người ta chuyển biến dần những tu sĩ Tịnh Độ thành thầy cúng, giống như các vị Bà La môn cúng tế.
Chùa có cuộc sống của gia đình thế gian. Thầy tu cũng có vợ, có con, làm đủ nghề sanh sống, thậm chí còn làm nghề bắt tôm, nuôi cá. Tu sĩ chỉ còn là chiếc áo và cái đầu cạo trọc mà thôi.
2/ Mật Tông đưa các thầy tu tập đi đến đạt thần thông, phép lạ để làm thầy trị bệnh, trừ tà, ếm qủy, biến dần những vị tỳ kheo thành các phù thuỷ. Những vị nầy thường xưng là giáo chủ, bày nhiều trò lừa đảo gạt người cúng tiền của, và cả tình yêu.
Pháp môn tu hành bày ra nhiều điều gợi tâm dục khiến cho con người dễ sa ngã vào đường tội lỗi.
3/ Thiền Tông thì khéo léo hơn hai tông trước, nhưng lại xây một thế giới Niết Bàn (thường, lạc, ngã, tịnh) tuyệt vời, cao vòi vọi, với các thuật ngữ như : Phật tánh, kiến tánh thành Phật, giác ngộ, triệt ngộ, vv..
Nếu tu theo Thiền Tông, thì phải luôn luôn giữ tâm “chẳng niệm thiện, niệm ác”. Nếu tự động khởi ra một niệm gì thì đó là vọng tưởng. Nếu tác ý là tứ (xin xem lại Tầm, Tứ) thì Thiền Tông cũng không chấp nhận, cho đó là vọng tưởng. Tu như vậy không đúng trạng thái tâm vô niệm của Thiền Tông, phải giữ tâm không có một niệm xen vào thì mới gọi là Thiền Định. Cho nên vào thế kỷ 18, các thiền sư Trung Hoa chế ra pháp môn tham thoại đầu và khán công án. Các pháp nầy vốn ức chế tâm cao độ, gọi là “lấy độc diệt độc”. Do chỗ ưc chế tâm cao độ, nên con đường Thiền Tông bế tắt, không còn lối tu tiến tới được nữa.
Pháp môn ức chế tâm khó có người đạt thành “tâm không”, vì khi tâm vô niệm lại phát sinh ra nhiều trạng thái tưởng, dễ lạc vào tà Thiền. Người có khả năng ức chế và gom tâm được thì rơi vào pháp tưởng mà Thiền Tông gọi là “Triệt Ngộ”, tưởng giải toàn bộ kinh sách Đại Thừa và 1700 công án. Người không ức chế và gom tâm được thì tu chẳng đến đâu, chỉ kiến giải lượm lặt lại đờm giải của người xưa, rồi nói Thiền, nói đạo, chớ chẳng biết Thiền, đạo là gì.
Ấy thế mà người tu theo Thiền Tông nghe tác ý trong lúc ngồi Thiền (theo giáo lý Nguyên Thuỷ) đều cho đó là vọng tưởng. Không ngờ sự tu tập “Như lý Tác Ý” lại biến thành một đạo lực siêu việt, làm chủ được thân tâm, muốn sống, muốn chết dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Muốn nhập định bảy ngày, tám ngày, một tháng, hai tháng, ba tháng đều như ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, ngồi bất động như gốc cây, cục đá, nhưng rất tỉnh táo không ai bằng, trời sét cũng không nghe. (V/184)