Skip directly to content

KHÓ! KHÓ! KHÓ!

“Như Lai ra đời rất khó gặp, thân người khó được, sanh trưởng vào trung tâm của đất nước cũng khó được, gặp được thiện tri thức cũng khó, gặp được chánh pháp cũng khó, nghe được pháp cũng khó.” (Tăng Nhất A Hàm, tập III, trang 218) Sanh ra được đồng thời với đức Phật là khó. Như chúng ta hiện giờ làm sao sanh ra đồng thời với Đức Phật được?
“Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bộng cây giữa biển Đông”, lời dạy nầy chúng ta cần phải tư duy. Khi mất thân nầy rồi, trăm muôn nghìn kiếp không biết còn có đủ duyên để sanh lại làm người nữa hay không? Chắc khó lắm!
Nhưng con người chỉ sống một thời gian ngắn ngủi ở trần gian, thế mà họ lại lãng phí năm tháng của đời mình. Người tu sĩ cũng vậy, họ biết cuộc đời là bể khổ, vậy mà họ không dám buông bỏ triệt để. Nhưng cuối cùng họ cũng phải buông bỏ để đi vào cõi chết mà thôi. Buông bỏ để tiếp tục sống trong sự đau khổ của loài súc sanh. Còn nếu theo lộ trình tu hành của đạo Phật mà biết buông bỏ thì họ không còn khổ đau nữa, và chấm dứt luân hồi.
Tu sĩ đời nay ít có người dám buông bỏ tất cả. Họ tích lũy thêm vật chất, sống rất tiện nghi như một người giàu có, và cũng ham vui như người thế tục. Đi tu như họ chỉ uổng công mà thôi. Họ không tiếc thời gian của thân họ sắp tàn tới nơi rồi, tuổi đời không còn mấy năm nữa. Phật dạy “được thân người là khó”, vậy mà có mấy ai biết !!!
Được sanh vào nơi trung tâm của đất nước là khó. Chỉ có nơi trung tâm của đất nước mới có sự yên ổn, mới có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, mới có đủ duyên để tu tập.
Được gặp thiện hữu tri thức là khó, bởi vì trong đời tu hành của chúng ta ác tri thức thì không thiếu, nhưng thiện hữu tri thức đâu phải dễ tìm. Bậc thiện hữu tri thức là người không những học thức thông suốt mà còn tu hành chứng đạo, sống một đời sống trọn vẹn, thường làm gương đức hạnh cho mọi người soi. Những bậc nầy trong đời người khó tìm lắm, cho nên Đức Phật bảo gặp thiện hữu tri thức là khó như vậy.
Gặp chánh pháp là khó. Hiện giờ quý vị muốn tìm được chánh pháp để tu hành đâu phải là một việc dễ. Đại Thừa có đến 84.000 pháp môn tu tập, tìm đâu cho được một pháp môn chân chánh của Đức Phật, nếu không có sự hướng dẫn của một vị tu chứng đạo?
Nghe được chánh pháp là khó . Tại sao vậy? Tại vì quý vị đã chịu ảnh hưởng tà giáo quá sâu, nên kiến chấp tà giáo quá kiên cố. Nó đã trở thành một thói quen tu hành của quý vị rồi (nhất là ngồi thiền ức chế tâm). Nó đã trở thành một nếp nhăn trong đầu của quý vị. Vì kiến chấp quá nặng, khi nghe pháp môn xả tâm thì quý vị không hiểu rõ. Lúc tu tập thì quý vị đều rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết. Cho dù quý vị có muốn gạt bỏ nó để tu hành trở lại pháp môn chân chính thì rất khó, khó muôn vàn khó, vì ngựa quen đường cũ.