Skip directly to content

42- THỌ BÁT QUAN TRAI

Hôm nay trong chiếc áo của người cư sĩ tu tập Thọ Bát Quan Trai, thì giữ gìn tám giới không có gì khó, chứ đừng có vội xuất gia tu hành. Khi xuất gia tu hành chúng ta thọ Sa Di giới, Tỳ Kheo giới, tất cả những giới này đâu phải dễ giữ gìn được, đâu phải sống ngay liền được.

Ví dụ: Trong thập giới Sa Di thôi, có một giới cấm ăn uống phi thời, chỉ ngày ăn một bữa, có giới cấm cất giữ tiền bạc, có giới cấm nghe ca hát và tự ca hát, có giới cấm trang điểm làm đẹp làm dáng. Thế mà ông Thầy nào cũng ăn ngày ba bốn bữa, cũng cất giữ tiền bạc, cũng xem ca hát, thì thử hỏi như vậy có đúng không? Nếu tu sĩ ăn uống phi thời thì làm sao Phật giáo sống được. Mấy ông Thầy ăn uống ngủ nghỉ sai giới luật, có ông thì đi chân trần, có ông thì mang dép da thú vật, có ông lại có xe hơi riêng, xe cúp, xe hon đa chạy bất kể luật lệ đi đường, lại có Thầy lái xe lại đèo thêm một cô Phật tử; lại có Thầy đèo thêm một cô Ni sau lưng, thì thử hỏi đạo Phật còn có nghĩa lý gì của đạo Phật nữa? Giới luật ở chỗ nào nữa? Làm sao ly dục, ly bất thiện pháp được? Đó là những cái đau lòng nhất của Phật giáo hiện nay. Đó là những điều kiện để cho chúng ta xác định Phật giáo đang suy đồi, ngoại đạo mạo danh Phật giáo để làm suy đồi Phật giáo, chứ không hưng thịnh. Mặc dù bây giờ có hàng vạn tu sĩ Phật giáo nhưng tu danh, tu lợi…Bao nhiêu trường Phật học mở cửa để đào tạo tu sĩ tài đức. Những nhân tài học thức như vậy, chẳng có lợi ích gì cho xã hội, mà còn thêm gánh nặng cho mọi người.

Những hạng tu sĩ danh lợi này quá đông, còn những tu sĩ tìm tu giải thoát của Phật giáo thì quá ít. Số tu sĩ tu danh, tu lợi này là gánh nặng cho tín đồ. Các cư sĩ phải nuôi, phải cúng dường. Mỗi lần trai Tăng là mỗi lần quý vị phải đóng góp nhau từng đồng, từng cắc để cho họ ăn, họ sống, họ học, họ chia của cải trên mồ hôi nước mắt của quý vị.

Cho nên quý vị biết rằng. “Giới luật còn là đạo Phật còn, Giới luật mất là đạo Phật mất”. Chúng ta không nên nối giáo cho những người này, họ là giặc trong Phật giáo, họ đang diệt Phật giáo.

Quý vị đừng nghĩ rằng người nào làm tội là họ phải chịu tội. Tội những người làm cho Phật giáo suy đồi, họ không tránh khỏi nhân quả đó đâu. Nhưng quý vị cúng dường không đúng chánh pháp là tiếp tay làm hư hoại Phật giáo, thì quý vị là người đệ tử cư sĩ tại gia của đức Phật sẽ không xứng đáng, quý vị cũng phải chịu trách nhiệm tội lỗi phá hoại Phật giáo.

Ví dụ: Một người ngoại quốc vào đất nước Việt Nam, đến chùa, lăng, miếu chỗ đông người, nơi đâu cũng đều thấy ăn mày đi xin tiền xin thực phẩm, thì họ sẽ chê đất nước nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Phải không các bạn?

Tại sao lại có ăn mày như vậy?

Tại vì, quý vị đặt lòng thương không đúng chỗ, có nghĩa là thấy ăn mày là quý vị bố thí. Bố thí như vậy quý vị sẽ biến đất nước này thành đất nước ăn mày. Nhà nước có bổn phận phải tập trung những người ăn mày tàn tật vào một cái trại nào đó. Chúng ta những người dân cùng Nhà Nước sẽ bỏ ra tiền bạc để nuôi những người ăn mày này, những người bất hạnh, chứ không nên để những người bất hạnh tàn tật ăn mày này đi xin rải rác khắp nơi làm xấu cho đất nước chúng ta.

Cũng như bây giờ quý vị cứ nuôi những ông Thầy phá giới luật, phạm giới luật như vậy, quý vị tưởng như vậy thì Phật pháp còn ư? Hoặc quý vị bỏ ra hàng tỷ bạc như vậy để xây cất những ngôi chùa đẹp thì như vậy có phải làm hưng thịnh Phật giáo không?

Không đúng đâu. Quý vị làm cảnh đẹp tham quan để quý vị đi giải trí quên sự mệt nhọc, bằng những hình thức tu tập, chứ tu tập như vậy đi đến đâu thưa quý vị?

Quý vị quên rằng nơi của Phật giáo không phải là những cảnh tham quan đẹp đẽ. Hình ảnh của Phật giáo là sống không chùa, không nhà cửa, chỉ ba y một bát, chòi tranh vách lá mà thôi. Đời sống người tu sĩ là sống du tăng khất sĩ, rày đây mai đó, không dính mắc một cái gì hết. Quý vị cất chùa cho tốt đẹp và ông Thầy là một công nhân viên để phục vụ cúng bái cầu an, cầu siêu, ma chay, làm tuần, làm tự, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu cho quý vị… Như vậy quý vị rất thỏa mãn tinh thần. Quý vị đã làm hư hoại Phật pháp hết rồi! Phật pháp không phải là chỗ để an ủi tinh thần cho quý vị mà là chỗ để quý vị thắp đuốc lên mà đi trên đường giải thoát. Cho nên tu là phải tu đúng pháp, chùa là nơi để cho quý vị đến đó Thọ Bát Quan Trai để quý vị tu tập một ngày làm Phật, làm Thánh Tăng, Thánh Ni, chứ đâu phải chùa là nơi để cho quý vị đến đó tham quan, ngoạn cảnh, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, lạy lễ hồng danh sám hối theo kiểu Bà La Môn. Cho nên những gì Thầy nói ra là những gì muốn xây dựng lại cái tốt cái đẹp cho Phật giáo. Những gì Thầy nói ra là muốn đem lại cho quý vị được một ngày làm Phật, một ngày được giải thoát, chứ không phải ở đây lý luận nói thế này, nói thế khác, để rồi rốt cuộc tu hành chẳng ra gì. Tu sĩ phải ra tu sĩ, mà cư sĩ phải ra cư sĩ, đâu ra đó hẳn hoi. Cư sĩ phải hộ trì Phật pháp, hộ trì đúng chánh pháp, chứ không thể hộ trì không đúng pháp. Thầy nói thật sự, được nghe lời Thầy là may mắn cho quý Phật tử. Dù sao quý Phật tử cũng còn mang những kiến chấp, cho Thầy quá cố chấp, quá sân hận, quá nặng lời, quá lỗi thời không hợp với thời đại này. Đối với Thầy, quý vị muốn nói sao cũng được, miễn là lời nói của Thầy là chân thật của Phật giáo, làm sống lại Phật giáo. Thật ra pháp môn gì mà đức Phật ngày xưa đã để lại thì ngày nay chúng ta áp dụng vào đời sống và đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, chứ không phải lỗi thời.

Thường thường người ta nghĩ rằng Thầy chấp giới, chấp cái này, chấp cái kia, vì vậy cho Thầy lỗi thời không hợp.

Bây giờ vật chất, tiền của, xe cộ tất cả mọi thứ hiện đại tiện nghi như vậy mà Thầy ôm bát đi bộ, xin ăn thì quá lỗi thời. Vì hiện giờ ăn uống đầy đủ, ngày xưa không đầy đủ thì đành chịu, còn bây giờ đầy đủ Thầy còn chấp chặt những điều thiểu dục, tri túc đó, thì không hợp thời. Ở đây Thầy suy nghĩ, tư duy cái nào giải thoát, cái nào không giải thoát, cái nào đưa đến dục lạc và cái nào không đưa đến dục lạc. Cái chỗ này là chỗ quan trọng mình phải tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng, vì mình phải chấp nhận sống đúng đời sống của một vị tu sĩ Thánh Tăng. Khi mình sống đúng hạnh giải thoát thì người cư sĩ ủng hộ và bảo trì Phật pháp. Thật ra Phật pháp còn là do bàn tay của những người cư sĩ. Còn tu sĩ chỉ là những người có nhiệm vụ tu tập để thực hành đúng Phạm hạnh, để thực hiện được gương hạnh cho người cư sĩ, để người cư sĩ nương theo. Người tu sĩ đừng nên sa ngã, chạy theo dục lạc, chạy theo lòng ham muốn của mình nó là ác pháp, nó làm cho người cư sĩ khổ đau, phiền não trong lòng. Hôm nay Thầy nói ra để chúng ta thấy biết rõ ràng.

Tóm lại, muốn tu tập để được giải thoát hoàn toàn thì chúng ta mỗi người dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải tu tập Thọ Bát Quan Trai. Vì đó là bắt đầu cho một cuộc sống ly dục ly ác pháp, cuộc sống làm Phật, cuộc sống thánh thiện, cuộc sống giải thoát, cuộc sống cao thượng.