Skip directly to content

04- HỘ TRÌ CHÂN LÍ

LỜI PHẬT DẠY “Thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lí? Cho đến mức độ nào chân lí hộ trì? chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lí.” (Kinh Trung Bộ tập II Trang 227 Kinh Canki.) CHÚ GIẢI:

Kính thưa các bạn! Bất cứ một tôn giáo nào, khi các bạn muốn đến với tôn giáo ấy thì lòng tin của các bạn là trước tiên, khi có lòng tin thì các bạn mới siêng năng thực hành giáo pháp của tôn giáo đó. Thực hành giáo pháp đó gọi là hộ trì chân lí, nhưng khi hộ trì chân lí mà các bạn chưa giác ngộ và chưa chứng đạt chân lí đó thì các bạn không nên vội kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm” Bởi vì các bạn là những người đang tu tập giáo pháp đó chứ chưa phải là người tu chứng đạo.

Cho nên đoạn kinh trên đây do một vị Bà La Môn hỏi Phật: “Cho đến mức độ nào người tín đồ hộ trì chân lí hay nói cách khác chân lí được hộ trì ”. Ở đây các bạn nên lưu ý: “Cho đến mức độ nào người tín đồ hộ trì chân lí”. Lời dạy này có nghĩa là các bạn phải hiểu biết về chân lí ở mức độ phải thông suốt như thật. Nếu sự hiểu biết của các bạn chưa thông suốt chân lí như thật mà vội tu tập là các bạn tu tập không đúng pháp, lòng tin của các bạn là tin mù quáng, Tin mù quáng mà các bạn tu tập thì cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi. Khi các bạn đã ngộ được chân lí, thì sự tu tập của các bạn là do lòng tin không mù quáng, lòng tin chân thật. Từ lòng tin chân thật mà tu tập, đó là các bạn hộ trì chân lí hay nói cách khác là chân lí được hộ trì.

Chân lí còn đang hộ trì thì sự tu hành của các bạn chưa chứng đạt chân lí, chưa chứng đạt chân lí thì các bạn không được quyền kết luận: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm”.

Câu này dạy rất rõ người tu chưa chứng đạo thì không có quyền nói pháp mình đúng nói pháp người khác sai. Các bạn có hiểu chưa?

Ví du: Đức Phật là người đã tu tập giác ngộ và chúng đạt chân lí, nên Người có quyền kết luận: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra điều là sai lầm”. Thầy Thông Lạc cũng vậy, là người đã làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chứng ngộ được chân lí. Người có quyền nói: “Đây là giáo pháp Nguyên Thủy của Phật là đúng, là sự thật; còn giáo pháp Đại Thừa và Thiền Đông Độ là sai lầm, không đúng chánh pháp, là giáo pháp của ngoại đạo lừa đảo mọi người.

Chúng ta hãy đọc kỹ đoạn kinh này, đức Phật đã dạy:

“Này Bharadvaja, nếu người nào có lòng tin và nói: “đây là lòng tin của tôi”, người ấy là người hộ trì chân lí, nhưng người ấy không được kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật ngoài ra đều là sai lầm”.

Đoạn kinh trên đức Phật đã xác định rõ ràng: Chỉ mới có lòng tin tu tập giáo pháp thì các bạn không được quyền nói đúng, nói sai giáo pháp của ai cả. Vì nói đúng, nói sai là các bạn sai. Trên đây là người mới có lòng tin và chưa chắc lòng tin đó đã đúng. Người mới có lòng tin thì sự tu tập chỉ ở giai đoạn hộ trì chân lí bằng lòng tin của mình mà thôi, chưa có sâu xa.

Khi các bạn đến chùa nghe thuyết giảng, các bạn phải suy tư cân nhắc mọi lý lẽ để tìm hiểu chân lí mà các bạn cần phải hiểu. Khi tìm hiểu chân lí ấy có đồng một quan điểm với các bạn không? Nếu thấy chân lí đó đồng một quan điểm với các bạn thì các bạn nói: “Tôi chấp nhận chân lí này, vì nó có đồng một quan điểm với tôi, tôi sẽ hộ trì chân lí này ”. Khi các bạn tìm hiểu và chấp nhận tu theo chân lí này đồng một quan điểm thì các bạn không được kết luận một chiều như trong kinh đã dạy: “chỉ đây là sự thật ngoài ra là sai lầm”.

Trên đây là giai đoạn 2 hộ trì chân lí bằng nghe thuyết giảng, tuỳ văn cùng một quan điểm. Nhưng ở đây chưa phải là giác ngộ chân lí.

Những điều chúng tôi chú giải trên đây là đức Phật đã dạy: “Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy hỉ …; nếu có người có lòng tùy căn…, nếu có người có sự cân nhắc…, suy tư các lý do…; nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Đây là sự chấp nhận quan điểm của tôi” người ấy hộ trì chân lí nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Cho đến như vậy này Bharadvaja, là hộ trì chân lí chúng tôi chủ trương hộ trì chân lí nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lí…”.

Tóm lại hộ trì chân lí có 5 điều cần phải thông hiểu:

Tín (lòng tin) Tùy hỉ hợp ý Tùy văn (nghe thuyết giảng) Cân nhắc suy tư các lý do.

Chấp nhận cùng quan điểm.

Người mới tu tập còn nằm trong năm điều này tức là đang hộ trì chân lí, chứ không phải giác ngộ chân lí mà cũng chưa chứng đạt chân lí. Chưa chứng đạt chân lí thì không được kết luận vội vàng cho pháp môn của mình đang tu tập là đúng mà các pháp môn khác là sai. Chừng nào chứng đạt được chân lí thì mới cho rằng: “Chỉ có đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”.

Tóm lại lòng tin do giác ngộ chân lí; do tùy hỷ hợp ý; do nghe thuyết giảng đồng quan điểm; do cân nhắc suy tư các lý do; do chấp nhận đồng quan điểm mà hộ trì chân lí thì không được quyền nói: “Chỉ có đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm ”. Dù năm điều trên đây là để các bạn có lòng tin mà hộ trì chân lí, nhưng các bạn chưa giác ngộ chân lí, nên sự tu tập của các bạn chưa chắc đã đạt được chân lí.

Chỉ khi nào các bạn gặp được một bậc thầy tâm đoạn dứt tham, sân, si. Người ấy khai ngộ cho các bạn thì chừng ấy các bạn mới giác ngộ chân lí. Giác ngộ chân lí các bạn tu tập mới chứng đạt chân lí. Chỉ khi nào chứng đạt được chân lí thì các bạn mới được quyền nói câu trên đây.