37- GIỚI LUẬT
Đọc trong kinh giới, Thầy thấy cách sống làm một con người mà đức Phật đã dạy cho người cư sĩ rất nhiều giới luật, chứ không phải có 5 giới của bậc Thánh. Năm giới này người tu sĩ giữ gìn còn chưa trọn vẹn huống là cư sĩ.
Thầy, Tổ dạy 5 giới cho người cư sĩ là quá cao. Nó là giới đức Thánh. Năm giới của người cư sĩ là năm giới đức Thánh, năm giới đức này đâu phải đức hạnh tầm thường.
Cho nên hầu hết quý cư sĩ đều thọ năm giới, nhưng chưa chắc ai đã giữ trọn 5 giới này. Nên bây giờ Thầy dạy những giới đức làm người cho người cư sĩ là phải giữ gìn 100 giới chúng học của Phật. Những giới đức cho người cư sĩ gồm có như: Phải giữ gìn vệ sinh, một nắm rác không được ném ngoài đường hoặc ném vào chỗ bụi cây hoặc ném trên bãi cỏ, thì làm cho sự sống trên đám cỏ khi bị rác đè, lá bị úa vàng chết đi. Đi đại tiểu tiện, khạc nhổ phải có nơi có chốn. Khi đi đại tiểu tiện có nơi có chốn, đó là đạo đức vệ sinh mà cũng là đạo đức lòng hiếu sinh, không có thương sự sống của loài vật khác, không có giữ vệ sinh chung là người thiếu đạo đức. Bởi vì trong sự sống của chúng ta là môi trường sống chung, mọi vật đều sống.
Nếu không có đạo đức hiếu sinh và đạo đức vệ sinh thì chúng ta sẽ hủy diệt sự sống chung nhau trên hành tinh này.
Tại sao chúng ta, vì sự sống của mình mà hại đến sự sống của các loài vật khác. Lòng từ bi của chúng ta đâu? Chúng ta phải thương yêu sự sống, chúng ta phải bảo vệ sự sống.
Một nắm rác chúng ta ném ra không biết giữ gìn vệ sinh, khi nắm rác mục nát nó trở thành một lớp bụi, lớp bụi đó nó sẽ hại chúng ta, tức là nó làm khổ mình khổ người. Do đạo đức vệ sinh, giữ gìn môi trường sống trong sạch và thanh tịnh nên đức Phật cấm chúng ta không được tiêu, tiểu, khạc nhổ, xả rác trong nước, trên cỏ, nơi đông người v.v…Bởi vì nước sẽ lôi các chất dơ ấy và làm cho môi trường sống ô nhiễm. Có nhiều người không biết nước đang bất tịnh uế trược bẩn thỉu mà ăn uống vào rất là nguy hiểm. Tiêu tiểu, khạc nhổ, những rác bẩn phải đem bỏ có chỗ nơi kín đáo hẳn hoi. Bởi vì khi mình đại tiểu tiện khạc nhổ ném rác bừa bãi, thì mùi hơi hôi hám sẽ bay lên, làm ô nhiễm bầu không khí của chúng ta không còn trong sạch nữa. Một ly nước lớn chúng ta bỏ một hạt muối vào thì không thấy mặn nhưng nó vẫn có muối trong đó chứ không phải không. Phải không hỡi quý vị? Chúng ta thường hay sợ mất công cho nên đi tiểu tiện thì cứ đi ra ngoài, chỗ nào vắng vẻ thì tiểu tiện đại, nhưng phải hiểu đó là không giữ gìn vệ sinh chung. Đối với đạo Phật không chấp nhận những hành động thiếu vệ sinh này. Đức Phật nói giữ gìn vệ sinh, thì trước mặt cũng như sau lưng, luôn luôn giữ gìn vệ sinh nghiêm túc, chứ không như chúng ta trước mặt khác sau lưng khác.
Có bao giờ chúng ta thấy trong các chùa dạy chúng ta đạo đức vệ sinh không? Một trăm giới chúng học này đức Phật đã dạy để làm gì đây? Một trăm giới chúng học là những hành động đạo đức làm người đấy các bạn ạ! Trong một trăm giới chúng học có dạy chúng ta đạo đức vệ sinh, đạo đức hiếu sinh.
Đại Thừa cho những đạo đức này là những giới nhỏ nhặt nên các vị Tỳ Kheo xem thường không cần giữ gìn. Những giới nhỏ mà không giữ gìn được thì những giới trọng như thế nào? Cho nên các Tổ khéo đặt ra một câu chuyện để hủy bỏ những giới nhỏ nhặt này, nói rằng: “Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài dặn ông ANan những giới nhỏ nhặt sau này được quyền bỏ”. Cho nên bây giờ các Tỳ kheo đều bỏ những giới nhỏ nhặt.
Những giới nhỏ nhặt này có lợi ích gì không? Chẳng hạn chúng ta giữ gìn vệ sinh như vậy có lợi ích không? Giữ gìn môi trường sống trong sạch thanh tịnh có lợi ích không?
Những giới nhỏ nhặt rất có lợi ích cho đời sống con người.
Thế mà người ta dám bỏ và xem thường. Những giới nhỏ nhặt là những thiện pháp, mà thiện pháp thì không làm khổ mình khổ người.