Skip directly to content

03- BÁT THÁNH ĐẠO

LỜI PHẬT DẠY

“Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đấy không có đệ nhất Sa Môn, ở đấy không có đệ nhị Sa Môn, cũng không có đệ tam Sa Môn, cũng không có đệ tứ Sa Môn. Này subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh Đạo thời ở đấy có đệ nhất Sa Môn, cũng có đệ tam Sa Môn, cũng có đệ tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không Sa Môn. Này suhadda, nếu những vị Tỳ kheo này sống chân chánh, thời đại này không vắng những vị A La Hán. (Kinh Trường Bộ tập I trang 659 kinh Đại Bát Niết Bàn).

CHÚ GIẢI:

Lời di chúc cuối cùng này đã xác định Chánh pháp của đức Phật là Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh Đạo ra thì không có pháp môn được gọi là giáo pháp của đức Phật.

Bởi vì Bát Chánh Đạo là một chân lý trong bốn chân lý của Phật giáo.

Như các bạn đã biết chúng tôi đã xác định Bát Chánh Đạo là tám lớp học của Phật giáo được chia theo ba cấp Giới, Định Tuệ. Như vậy Bát Chánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả cho mỗi người để biến cuộc sống thế gian này thành cõi Cực Lạc, Thiên Đường. Cho nên đức Phật dạy người đệ tử cuối cùng của mình trước giờ nhập Niết Bàn là bài pháp này.

Tất cả giáo pháp của ngoại đạo ngay cả kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông cũng không có Bát Thánh Đạo, thậm chí còn có Tâm Kinh Bát Nhã dạy: KHÔNG CÓ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO (Vô khổ, tập, diệt, đạo). Cho nên hằng ngày trong các chùa thường tụng kinh “Vô khổ, tập, diệt, đạo”, Ngược kinh sách Nguyên Thủy dạy: “Nếu pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo là không có Sa Môn đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ.” Như vậy pháp và luật của Đại Thừa và Thiền Tông không có Bát Chánh Đạo nên nó không phải là giáo pháp của Phật giáo. Chỉ một đoạn kinh cũng đủ xác định kinh sách Đại Thừa không phải là kinh sách của Phật giáo. Kinh sách Đại Thừa là kinh của Bà La Môn mạo nhận là kinh sách Phật chứ thực chất của nó nằm gọn trong những bộ kinh Vệ Đà.

Kinh sách Nguyên Thủy phần đông trong những bài kinh như thế này đã xác định và phân biệt rõ ràng pháp nào của Phật và pháp của ngoại đạo, không thể lẫn lộn nhau được. Như đã nói ở trên giáo pháp của Phật là một chương trình giáo dục đào tạo những bậc A La Hán, chứ không phải là những ngôn thuyết suông như kinh sách Đại Thừa. Cho nên người nào đã tu học theo Phật giáo Nguyên Thủy đúng theo chương trình Bát Chánh Đạo thì không bao giờ bị Đại Thừa và Thiền Tông lừa đảo được.

Theo chúng tôi khuyên mọi người tu học theo Phật giáo thì nên dựa vào Bát Chánh Đạo và phải được sự hướng dẫn của một bậc Thầy đã tu chứng quả A La Hán, thì con đường tu tập sẽ được dễ dàng hơn, không còn khó khăn và sợ bị lừa đảo tu sai lệch vào pháp môn của ngoại đạo.

Chúng tôi ước nguyện ngày mai sẽ có chương trình giảng dạy trong tám lớp học này thành lập và mở cửa đón nhận những người con thân thương của Phật giáo về tu học.

Chừng đó Phật giáo mới được chấn chỉnh hoàn toàn, tà pháp không xen lẫn vào kinh sách của Phật được nữa. Đó là ước vọng của chúng tôi, nhưng ngày mai có thành tựu được hay không là do phước của chúng sanh, riêng chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để đền đáp ơn muôn một của đức Phật Bát Chánh Đạo là chân lý của loài người, là phương pháp triển khai cuộc sống trên thế gian trở thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc v.v… là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả của con người để trở thành những bậc A La Hán (vô lậu) hoàn toàn.

Bởi vậy Bát Chánh Đạo là báu vật vô giá nhất của loài người. Khi năm anh em Kiều Trần Như được nghe Phật thuyết bài pháp này lần đầu tiên. Khi nghe xong cả năm người đều trở thành những bậc pháp nhãn thanh tịnh, có nghĩa là các Ngài đã thấu rõ các pháp trên thế gian này như thật không còn một sự hiểu lầm lạc nào cả, không còn có một tôn giáo nào, một giáo pháp nào lừa đảo các Ngài được. Bao nhiêu kiến chấp những pháp môn của ngoại đạo từ xa xưa như kinh Vệ Đà các Ngài đều ném bỏ xuống hết. Vì thế, các Ngài mới được gọi là chứng pháp nhãn thanh tịnh.

Kính thưa các bạn! Chúng tôi đã vạch cái sai của Đại Thừa và Thiền Tông có chứng cứ lời Phật dạy hẳn hoi, để dựng lại giáo pháp đúng của Phật. Đó là Bát Chánh Đạo.

Một chương trình giáo dục đào tạo những bậc A La Hán.

Thế mà các bạn chưa chịu nhận ra sao? Hôm nay, đoạn kinh này lời di chúc cuối cùng của đức Phật: “Trong giáo p háp và giới luật nào không có Bát Chánh Đạo thì không có Sa Môn”. Lời xác định này rõ ràng không còn ai chối cãi được. Lời dạy trên có nghĩa là trong giáo pháp và giới luật nào không có Bát Chánh Đạo là không có đệ tử của Ta.

Chữ Sa Môn có nghĩa là những người tu theo Phật giáo.

Khác với Bà La Môn là những người tu theo ngoại đạo.

Trong đoạn kinh này Sa Môn chỉ cho những người đệ tử của Phật, chứ không phải Sa Môn giành riêng cho tu sĩ, các bạn đừng hiểu sai, nên hiểu chữ Sa Môn là chỉ chung trong giới đệ tử của Phật. Chúng đệ tử của Phật gồm có:

Cư sĩ nam Sa Môn thứ nhất Cư sĩ nữ Sa Môn thứ hai Tu sĩ nam Tăng Sa Môn thứ ba Tu sĩ nữ Ni Sa Môn thứ tư Từ xưa đến nay người ta hiểu hai chữ Sa Môn là những chữ giành riêng cho giới tu sĩ (Tăng, Ni). Nhưng trong đoạn kinh này đã xác định chương trình tu học Bát Chánh Đạo mới có Sa Môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba và thứ tư, như vậy Sa Môn là chỉ cho những người đệ tử của Phật, do đó giáo pháp và giới luật nào có Bát Chánh Đạo thì mới có đệ tử của Phật còn giáo pháp và giới luật nào không có Bát Chánh Đạo là không có đệ tử của Phật. Như vậy giáo pháp Mật tông, Tịnh Độ tông, Pháp Hoa tông, Thiền tông có Bát Chánh Đạo không? Hoàn toàn không. Phải không các bạn?

Cho nên, giáo pháp và giới luật của Đại Thừa và Thiền Tông đều không có nằm trong chương trình Bát Chánh Đạo thì làm sao gọi là giáo pháp của đức Phật được.

Chính nó là giáo pháp của kinh sách Vệ Đà.

Tóm lại, bài kinh này đã xác định giáo pháp của Phật là giáo pháp Bát Chánh Đạo rất rõ ràng. Vậy mong các bạn hãy suy ngẫm đúng đắn, đừng để rơi vào tà kiến của các Tổ Sư, đừng cố chấp những kiến giải của Đại Thừa, nó sẽ dẫn các bạn đi vào con đường sai lầm. Uổng phí cả một đời tu theo Phật giáo mà không nếm được mùi vị giải thoát của Phật giáo, Thật là đáng thương.