17- PHÁP MÔN TÁC Ý
LỜI PHẬT DẠY “Này Ananda Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi.
Này Ananđa, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ giây chằng.
Này Ananda, chỉ khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái. (Kinh Trường Bộ tập I trang 584 kinh Đại Bát Niết Bàn).
CHÚ GIẢI:
Kính thưa các bạn! Đoạn kinh trên đây, chỗ chúng ta chú ý là pháp môn “Tác Ý”, nhờ có tác ý mà đức Phật diệt trừ được một số cảm thọ tức là bệnh đau, nhờ có tác ý mới chứng và an trú trong vô tướng tâm định, nên thân tâm Phật mới được thoải mái, an lạc, nhẹ nhàng.
Như vậy đoạn kinh này dạy rất cụ thể, rõ ràng, khi đức Phật xác định thân tứ đại của mình già yếu lúc 80 tuổi:
“Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi”. Đúng vậy thời gian này đức Phật đã già yếu, thân tứ đại đã cằn cỗi, suy mòn chỉ còn chờ bỏ xác thân này nữa mà thôi.
Kính thưa các bạn! Đối với đạo Phật có đôi mắt nhìn các pháp trên thế gian như thật. bởi vì tất cả pháp đều chịu chung một qui luật vô thường. Trên đời này không có một pháp gì (một vật gì) tồn tại mãi, dù cho đất, đá, núi, sông; dù cho trăng, sao, mặt trời, trái đất vẫn phải theo qui luật vô thường hoại diệt.
Người tu theo Phật giáo không bao giờ tham sống, sợ chết; không bao giờ ước mong cho thân này sống lâu, trường thọ muôn tuổi, mà chỉ sống, sống có ích lợi cho loài người, cho thế gian này, còn sống không ích lợi thì họ sẽ ra đi chẳng hề thương tiếc một vật gì cả. Danh lợi đối với họ chẳng có nghĩa lý gì, như sương mai buổi sáng, như nước chảy qua cầu.
Kính thưa các bạn! Sự vô thường ấy của vạn vật, chính vì vạn vật do từ các duyên nhân quả tạo thành, nên phải theo định luật duyên hợp mà có thành, có hoại. Dù cho Tiên đạo, Yoga có cố gắng tu tập để thân tứ đại này bất tử.
Nhưng không thể làm trái lại với qui luật vô thường của luật nhân quả được. Ngoại trừ tất cả các tôn giáo chỉ có Phật giáo mới làm chủ được nhân quả. Các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Ananda, nay Như Lai đã tu Bốn Thần Túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu Như Lai muốn có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”.
Đấy các bạn có nghe thấy chăng? Phật pháp có thể duy trì mạng sống, nhưng sống để làm gì? Sống phải có ý nghĩa với đời, có lợi ích cho mọi người, chứ sống không ý nghĩa, không ích lợi thì sống để làm gì? Khi đã tự tại trong sự sống chết mà sống không ý nghĩa, không lợi ích cho đời, thì chết đi lại càng tốt hơn. Phải không các bạn?
Nhưng thưa các bạn! Một ảo vọng trường sinh bất tử, Tiên đạo đã lừa đảo vua Đường Minh Hoàng bỏ bao công sức đi tìm thuốc trường sinh bất tử, nào có được gì đâu?
Cuối cùng Đường Minh Hoàng vẫn phải theo luật vô thường sinh diệt, không thể nào làm khác được (điều đáng thương cho Đường Minh Hoàng đã bị lừa đảo mà không biết). Thật đáng thương thay!.
Ở đây, đạo Phật đã xác định rõ ràng về thân tứ đại vô thường: “Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi. Này Ananda như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ giây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái”.
Thân tứ đại vô thường khi già yếu suy mòn thì biết bao nhiêu cảm thọ (bệnh tật) đổ dồn ra, dù đức Phật đã tu hành chứng đạo, có đầy đủ Tứ Thần Túc nhưng qui luật nhân quả vô thường không tha thứ cho một ai, khi còn mang thân tứ đại nhân quả này thì còn bị qui luật nhân quả không ai thoát khỏi. Nếu đức Phật không có pháp môn như lý tác ý thì làm sao diệt trừ được một số các cảm thọ tức là bệnh đau? Làm sao giữ tâm bất động được.
Phải không các bạn?
Đọc đến đoạn kinh này chúng ta rất thương xót tất cả chúng sanh, khi thân tứ đại của họ già yếu suy mòn, không một người nào tránh khỏi qui luật nhân quả này.
Vì thế, mọi người đều phải có ngày già yếu. Già yếu thì nay đau bệnh này, mai đau bệnh khác, khi thời tiết thay đổi thì thân đau nhức khắp người, thật là khổ sở vô cùng, vô tận. Phải không các bạn?
Tóm lại đoạn kinh trên, nếu ai tu tập nhiếp tâm và an trú tâm được trên thân hành nội hay thân hành ngoại là có thể đẩy lui được bệnh khổ trên thân làm chủ được bệnh tật. Do những lời dạy này mà Thầy đã thiện xảo biến đề mục thứ năm của Định Niệm Hơi Thở trở thành một pháp môn thân hành đưa tay ra đưa tay vô để nhiếp phục mọi bệnh khổ trên thân của các bạn bằng câu tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra ”. Các bạn có tin pháp này không? Nó là pháp môn Thân Hành Niệm đấy các bạn! Nếu tin thì các bạn tu tập sẽ đem lại lợi ích lớn cho các bạn, các bạn sẽ đẩy lui được bệnh khổ trên thân, chứ Thầy đâu có lợi ích gì. Phải không các bạn?
Tất cả những lời Phật dạy đều đem lại lợi ích cho mọi người, cho tất cả chúng sanh, Những lời dạy của đức Phật, không có lời dạy nào vô ích. Các bạn cứ xét xem lại trong bốn tập Những Lời Phật Dạy có lời nào dạy thừa dư không lợi ích chưa? Lời dạy nào cũng đều mang đến sự an vui và hạnh phúc cho mọi người; lời dạy nào cũng mang đến một tình thương yêu chân thật và tha thứ cho nhau những lỗi lầm.