32- LÀM TRỤ TRÌ NÊN CẢNH GIÁC
LỜI PHẬT DẠY “Này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị đạo sư? Ở đây, này Ananda, có Đạo sư lựa một trụ xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy. Các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh.
Vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của vị Đạo sư. Vì sự phiền lụy của đạo sư các ác bất thiện pháp tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai, các pháp tấn công vị ấy. Như vậy này Ananda, là sự phiền lụy của vị Đạo sư . (kinh Trung Bộ tập III trang 311 kinh Đại Không).
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh trên đây các bạn nên lưu ý: Một vị thầy đừng nên ham thích làm trù trì, lãnh chúng. Vì làm trù trì, lãnh chúng là làm dâu trăm họ, khó lắm các bạn ạ!
Làm trụ trì lãnh chúng, khi tu hành chưa tới nơi tới chốn, dễ bị ô nhiễm, tâm dễ rơi vào dục vọng thường khởi lên nhiều tham ái, do đó mà người làm trụ trì dễ bị phá hết giới luật, sống trở lui lại đời sống sung túc dục lạc. Phạm hạnh không còn, các ác bất thiện pháp tấn công, tạp nhiễm dẫn đến tái sanh. Đáng sợ hãi nhất là đưa đến quả khổ, dẫn đến sinh, già, bệnh, chết.
Xét qua lời dạy này các bạn có thấy các Thầy trụ trì ở các chùa không? Phật tử đông. Chùa to, Phật lớn là sự phiền lụy của các vị Thầy trụ trì đó. Họ đâu còn thì giờ đâu tu hành, chỉ còn chạy theo dục lạc ăn ngủ phi thời. Có phải vậy không các bạn?
Họ không còn có thời giờ tu tập để đi đến chỗ rốt ráo được. Khi mà bận chuyện phục vụ cho Phật tử. Thật là uổng phí cho một đời tu hành.
Khi đi tu để tìm cầu sự làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi, thì các bạn nên lưu ý đọc kỹ lại bài kinh này đức Phật đã biết rõ sự đắm nhiễm danh và lợi, nên Ngài tuyên bố những lời dạy này, là vì lòng thương tưởng đến những người sau. Cho nên hiện giờ khi các bạn có danh, có lợi là các bạn nên ẩn bóng. Ẩn bóng để lập đức, lập hạnh và tu hành cho trọn vẹn hơn. Muốn được vậy thì các bạn nên tránh xa danh lợi. Danh lợi không đâu xa, đó là chùa to Phật lớn. Chùa to Phật lớn, Phật tử đông là một tai họa rất lớn cho sự nghiệp tu hành của các bạn đấy. Chùa To Phật lớn là rắn độc, nó sẽ giết chết các bạn trên đường tu tập mà các bạn cần phải cảnh giác, đừng tham đắm nó các bạn ạ!. Các bạn có thấy các Thầy Đại thừa không? Họ là hiện thân chạy theo dục lạc trong Phật giáo các bạn có biết không? Đời tu hành của họ để tìm cầu sự giải thoát đến đây là chấm dứt.
Cho nên người tu hành phải lập hạnh, lập đức cho rõ ràng như lời Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa, sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống một mình, thiểu dục tri túc, ba y một bát, chấp nhận đời sống du tăng, xin ăn ngày một bữa để sống để tu hành”. Nếu con đường tu tập theo Phật giáo mà các bạn bỏ hạnh tu tập này thì các bạn không còn xứng đáng là đệ tử của Phật, mà là đệ tử của ngoại đạo, của Bà La Môn.
Các bạn có biết không? Hiện giờ nhìn lối sống của các tu sĩ là chúng ta đã biết ngay họ là những tu sĩ của Bà La Môn, chứ không phải là tu sĩ của Phật giáo. Vì thế tu sĩ thời nay tu tập mà làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì không bao giờ có được.
Nhìn vào giới luật đức hạnh của họ thì biết họ là người chân tu hay giả tu.
Bài kinh trên đây là sự cảnh giác cho quí vị làm trụ trì.
Quí vị vì giải thoát cho kiếp đời tu hành của mình hay vì danh lợi tôn giáo chùa to Phật lớn Phật tử đông?. Xin quí vị hiểu thấu rõ cho những điều này. Vì lợi ích mà chúng tôi đem bài kinh này ra chú giải là có mục đích kêu gọi các bạn hãy xem lại mình đừng bỏ lỡ một đời người mang tiếng tu hành theo Phật giáo mà cuối cùng chỉ còn hai bàn tay không mà mang đầy tội lỗi cao như núi như non.